Đồng bào Khmer Hậu Giang thi đua làm kinh tế, xây dựng gia đình hiếu học

16/07/2021 03:26

(DTTG) Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Lãnh đạo tỉnh cùng các ngành liên quan, trong nhiều năm qua, đời sống của đồng bào dân tộc Khmer ở Hậu Giang đã được cải thiện, nhất là hộ nghèo. Người dân áp dụng KHKT tiên tiến vào sản xuất, chăn nuôi, nhiều hộ Khmer đã làm giầu, chăm lo cho con cái học hành, xây dựng gia đình hiếu học.

Tại ấp 6 và ấp 8, xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, nhờ chính quyền và đoàn thể có biện pháp liên kết hợp tác từ đầu vào đến đầu ra, nên nhiều thành viên của Tổ hợp tác nuôi ba ba thương phẩm trở nên khấm khá. Từ một vài hộ nuôi đơn lẻ, đến nay, 2 ấp này có trên 30 hộ nuôi, chủ yếu là người dân Khmer, hộ nuôi quy mô nhỏ khoảng 1.000 con, hộ nuôi nhiều nhất khoảng trên 10.000 con. Ngoài nuôi ao truyền thống, nhiều hộ còn kết hợp giữa nuôi ba ba ao và nuôi ruộng.

Anh Danh Đến (bìa trái) thu hoạch ba ba.
Anh Danh Đến (bìa trái) thu hoạch ba ba.

Anh Danh Đến, ở ấp 8, có 7.000m2 ruộng lúa, thả nuôi trên 10.000 con ba ba/vụ. Nhờ kinh nghiệm các hộ đi trước hướng dẫn kỹ thuật, nên anh Đến đã thắng lớn ngay từ vụ đầu tiên. Hiện tại, trong ao và ruộng nhà anh có trên 10.000 con ba ba thịt. Với giá thành nuôi từ 75.000 - 80.000 đồng/kg, trừ các khoản chi phí, anh thu lãi trên 300 triệu đồng sau 14 tháng nuôi.

Anh Đến chia sẻ: “Trước kia, ruộng đất ít, vợ chồng tôi phải đi làm thuê, làm mướn, nuôi bán vịt thịt, cuộc sống rất bấp bênh. Rồi tôi đi làm phụ giúp trang trại nuôi ba ba của người chú họ, được ông hướng dẫn kỹ thuật nên tôi đã mạnh dạn nuôi thử. Tuy cực vì phải bỏ công chăm sóc, nhưng nghề này cho thu nhập ổn định và không phải nay đây, mai đó đi làm thuê như trước kia nữa”.

Những chú ba ba mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân Hậu Giang.
Những chú ba ba mang lại giá trị kinh tế cao cho nông dân Hậu Giang.
Chị Trương Ánh Nguyệt ở ấp Láng Hầm, xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A (Hậu Giang) nuôi ba ba theo cách phân ra nhiều khu vực riêng biệt cho dễ chăm sóc.
Chị Trương Ánh Nguyệt ở ấp Láng Hầm, xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A (Hậu Giang) nuôi ba ba theo cách phân ra nhiều khu vực riêng biệt cho dễ chăm sóc.

Ở ấp 12, thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, gia đình anh Mai Lạng vốn là hộ nghèo, nhưng biết vươn lên trong cuộc sống. Anh Lạng kể, anh cưới vợ năm 1996 và được cho ra riêng với vẻn vẹn căn nhà lá đơn sơ, cái ăn, cái mặc của gia đình phụ thuộc hoàn toàn vào nghề cắt lúa mướn của hai vợ chồng. Anh chị làm mướn có tiếng ở nhiều cánh đồng vì đi sớm và về trễ, cắt lúa nhanh, ít đổ; vô chính vụ, anh chị còn nhận tiền công trước, cắt lúa sau... “Tuy nghèo khó, nhưng tôi không chán nản mà luôn cố gắng dậy sớm để đi làm. Khi được chính quyền địa phương xét cấp cho ngôi nhà tình thương, hai vợ chồng mừng muốn xỉu. Đó là động lực rất lớn để vợ chồng tôi ra sức mần mướn nhiều hơn nữa” - anh Lạng chia sẻ.

Tích cóp lại, dần dà, anh chị mua được 2 công ruộng và 1 công đất liếp trồng rau màu, anh chị không để đất trống ngày nào, hễ hết vụ này thì lại thâm canh vụ khác. Qua ngày tháng tích lũy, đến nay, gia sản của vợ chồng anh có trên chục công đất. Ông Phạm Thành Đắng, Trưởng ấp 12 cho biết, gia đình anh Lạng vươn lên làm giàu nhanh nhất trong số các hộ Khmer của ấp, nhà anh Lạng bây giờ rất khá giả, là tấm gương cho nhiều hộ Khmer ở ấp học hỏi.

Không chỉ thay đổi tư duy làm kinh tế, nhiều hộ Khmer còn quan tâm đầu tư chuyện học hành cho con cái để nuôi chí hướng vươn lên, có cơ hội đóng góp cho xã hội. Điển hình như ông Danh Đê, ngoài tích cực tham gia công tác xã hội với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội nông dân, Trưởng ấp và hiện nay là Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp 8, xã Vị Thủy, thì gia đình ông Danh Đê còn được công nhận danh hiệu “Gia đình hiếu học” cấp huyện nhiều năm liền.

Điều đáng ghi nhận ở ông Đê là dù có đến 8 người con gái, nhà chỉ canh tác ruộng và làm dịch vụ tuốt lúa, nhưng cả 8 người con của ông đều được đến trường. Trong đó, 2 người con hiện đang học phổ thông trung học, 2 người tốt nghiệp đại học, còn lại học trung cấp, học nghề; những người ra trường đều có công ăn việc làm ổn định.

Ông Đê chia sẻ: “Nhiều người bảo tôi, con gái lớn học nhiều làm gì cho tốn kém. Nhưng tôi nghĩ, là con gái lại càng phải lo cho nó học hành đàng hoàng để tụi nó có nhận thức, có hiểu biết, sau này mới tự chủ trong cuộc sống, lo cho bản thân và gia đình sau này. Vợ chồng tôi không hề sợ vất vả, chỉ sợ tụi nhỏ bỏ học giữa chừng”. Nói thì đơn giản, nhưng để lo cho con ăn học, vợ chồng ông Đê đã phải làm quần quật từ sáng đến tối mịt không ngơi nghỉ. Thậm chí, có thời điểm, ông bà phải bán hết 5 công ruộng để lo chi phí học hành cho các con. Đến nay, khi thấy các con đã trưởng thành và có cuộc sống ổn định, ông bà vui mừng không sao kể xiết.

Ông Danh Quận vui mừng bên những giấy khen của các con.
Ông Danh Quận vui mừng bên những giấy khen của các con.

Hộ ông Danh Quận, ở ấp 10, xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ cũng đầu tư cho con ăn học không thua kém gì. Với hơn 1 công đất ruộng và bằng mọi giá “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để kiếm tiền lo cho con ăn học, vợ chồng ông Quận đã lo cho cả 5 người con hoàn thành đại học. “Vợ chồng tôi làm đủ việc, từ trồng lúa, chăn nuôi heo, gà vịt, phụ hồ, giăng lưới, cắm câu, vay theo chế độ sinh viên. Con tôi đi học thì tối chạy bàn, làm gia sư, đứa lớn có tiền lại lo tiếp cho đứa nhỏ. Chú thấy bên hông nhà có trụ phát sóng di động không? Thay vì cho thuê hàng năm thì tôi bán đứt 12 năm lấy 75 triệu đồng để dành đó cho con” - ông Quận kể thêm.

Không phụ lòng cha mẹ, các con của ông Quận lần lượt ăn học thành tài. Nếu bằng tốt nghiệp của con ông Danh Đê tính bằng lúa, bằng ngô, thì bằng của con ông Quận tính bằng những sợi tóc bạc trên mái đầu mẹ cha. Người con thứ hai của ông Quận là anh Danh Khe Ma Ra, hiện nay là thạc sĩ, giảng viên Trường Đại học Cần Thơ.

Những hộ đồng bào dân tộc Khmer với suy nghĩ tích cực, có ý chí vươn lên thoát nghèo, xây dựng gia đình hiếu học, làm chủ KHKT, làm giàu chính đáng ở Hậu Giang đã trở thành phong trào rộng lớn, những tấm gương sáng lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng, góp phần xây dựng phum, sóc, quê hương ngày thêm đổi thay, phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO