Đời sống xã hội

Đồng bào Chăm ở An Phú vui mừng học tiếng Việt

Hạnh 23/11/2023 - 19:01

Những năm qua, công tác phát triển giáo dục cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên giới đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao dân trí, đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời, góp phần thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trên địa bàn vùng biên. Ngoài việc nỗ lực bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc Chăm, chính quyền huyện An Phú, tỉnh An Giang cũng rất quan tâm, tạo điều kiện cho đồng bào được học tiếng Việt.

An Phú là huyện đầu nguồn thuộc tỉnh biên giới An Giang, là nơi có đông đồng bào dân tộc Chăm theo đạo Hồi sinh sống, với khoảng 5000 người. Trong đó, tỷ lệ người chưa biết chữ gần 25%.

23-11-tre-em-dong-bao-cham-vui-choi-tai-thanh-duong-khay-ri-yah.jpg
Trẻ em đồng bào Chăm vui chơi tại Thánh đường Khay Ri Yah

Theo ông Lê Thanh Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện An Phú cho biết: “Tính đến cuối năm 2022, tỷ lệ đồng bào dân tộc Chăm trên toàn huyện chưa biết chữ là 987/4.134 người, chiếm tỷ lệ 23,87%. Xã Nhơn Hội có 547/921 người, chiếm tỷ lệ 59,39%. Vì vậy, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội (KTXH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 là chủ trương đúng đắn, nhằm phát triển kinh tế - xã hội địa phương và tập trung được nguồn lực, khắc phục sự dàn trải, tạo điều kiện chăm lo vùng đồng bào dân tộc thiểu số Chăm trên địa bàn huyện được tốt hơn”.

Toàn huyện An Phú có 6 điểm dạy tiếng Chăm, với 32 phòng học, có 995 người tham gia học và có 40 người tham gia giảng dạy. Riêng lớp học chữ tiếng Việt có 76 học viên là đồng bào dân tộc Chăm xã Nhơn Hội tham gia, với độ tuổi từ 15 đến 60 tuổi, được chia làm 2 lớp tại 2 địa điểm là Thánh đường Khay Ri Yah và Tiểu Thánh đường Nou Ri Dil. Do giáo viên trường An Nhơn Hội, xã Nhơn Hội, huyện An Phú phụ trách lớp học tiếng Việt.

23-11-hoc-vien-lop-hoc-chu-tieng-viet.jpg
Học viên lớp học chữ tiếng Việt

Đa phần, những người tham gia học tiếng Việt đều là những người lớn tuổi. Có cả các thành viên của Ban Quản trị Thánh đường. Ngoài làm gương cho con, cháu, học tiếng Việt còn giúp các ông nắm bắt các chủ trương tuyên truyền về chính sách và pháp luật của Đảng, Nhà nước, nên ai cũng vui mừng.

Phó Ban Giáo cả Thánh đường Khay Ri Yah, xã Nhơn Hội, ông Sa Lay Mal nói: “Sau hơn 8 tuần được học tiếng Việt, giờ tôi hiểu 7-80% luôn, rất là mừng. Không chỉ học viên vui mừng mà cả xóm, cả ban giáo đều vui mừng nữa. Rất vui mừng và cảm ơn trước sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc Chăm trong việc dạy chữ cho người dân và mong rằng các học viên cố gắng học tập nghiêm túc, tiếp thu những gì đã học một cách tốt nhất”.

Gần mấy tháng nay, đều đặn từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần vào lúc16h đến19h hằng ngày, ngay sau khi hết giờ học nghề, chị Sa Ly Has (xã Nhơn Hội, huyện An Phú) đều tranh thủ đến lớp học xóa mù chữ tại Thánh đường. Chị nói đây là ước mơ bao năm rồi, nên cho dù công việc gia đình rất nhiều, chị vẫn cố gắng sắp xếp không bỏ học một buổi nào.

Chị Sa Ly Has vui vẻ chia sẻ: “Hiện tại tôi cũng đã học được 8 tuần rồi. Dù không bằng những người đã biết chữ, tôi đứng trước tấm bảng đọc được 5 giây cũng rất mừng, mừng cho chính mình”.

Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học An Nhơn Hội, huyện An Phú, ông Trần Trọng Tâm cho biết: “Vào lớp học, tôi thường hỏi ý kiến các học viên xem chương trình dạy có nhanh không, thầy nói tiếng Việt có nhanh không? Để điều tiết lại cho phù hợp giữa người dạy và người học. Từ đó, giáo viên và học viên mới bắt nhịp được chương trình”.

Trưởng Ban Giáo cả thánh đường Khay Ri Yah, ông Mach Sa Les cho biết: “Ban Giáo cả luôn tạo điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chát để người dân đến học, đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền vận động đồng bào dân tộc Chăm chưa biết chữ cố gắng sắp xếp thời gian tham gia lớp học đầy đủ. Lớp học tiếng Việt này đối với người dân tộc rất có ý nghĩa và rất tốt đẹp. Chúng tôi mang ơn Đảng, Nhà nước của chúng ta đã đem đến lớp học này”.

Theo kế hoạch dạy tiếng Việt có thời gian là 4 tháng, dự kiến đến cuối tháng 11 năm 2023 sẽ kết thúc. Đến nay các học viên đã đi được hơn nửa đoạn đường. Tất cả đều mong muốn là sau khi kết thúc khóa học, địa phương sẽ tiếp tục mở lớp mới. Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Hội, An Phú, bà Nguyễn Thị La nói: “Chúng tôi cũng đang cố gắng vận động mở lớp mới tiếp theo với mục tiêu xóa mù và nâng cao trình độ học vấn cho đồng bào dân tộc để hòa nhập tốt hơn nữa với các dân tộc khác”.

Đúng như những điều mà Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nhận định (trong phần trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về lĩnh vực dân tộc tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, sáng ngày 7/6/2023): “Dù có nhiều chính sách hay nhiều nguồn lực đến đâu nhưng đồng bào không nhận thức được, không tiếp nhận được, không đồng lòng, không cùng Nhà nước làm, cũng sẽ không thành công”. Bộ trưởng nhấn mạnh thêm “Để giải quyết vấn đề này, không gì hơn là phải tuyên truyền, giáo dục. Bà con phải biết về kiến thức, biết tiếng Việt, hiểu về khoa học kỹ thuật, cộng với sự hỗ trợ của Nhà nước. Tất cả tích hợp lại mới có thể giải quyết được vấn đề”.

Trong thời kinh tế hội nhập hiện nay, cùng với tiếng mẹ đẻ (tiếng Chăm), thì tiếng Việt (tiếng phổ thông) là không thể thiếu đối với mỗi người dân cùng chung sống ở nước ta. Đồng bào Chăm biết tiếng Việt là điều kiện đầu tiên để bà con có cơ hội hòa nhập với cộng đồng, giao lưu, học hỏi, chia sẻ, hợp tác, nâng cao dân trí, đào tạo nghề, tìm kiếm việc làm góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế gia đình, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước ngày một giàu mạnh hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO