Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS). Tư tưởng và sự quan tâm, chăm lo của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với đồng bào các DTTS Việt Nam trở thành kim chỉ nam trong công tác, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước ta.
Bác nhận định, đồng bào DTTS và miền núi có tinh thần yêu nước, tinh thần đoàn kết, sẵn sàng chịu hy sinh gian khổ vì mục đích, lý tưởng. Tuy nhiên, do vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, họ sống rải rác với phong tục, tập quán khác nhau….. Do đó, Người luôn đau đáu hai điều, làm sao để đoàn kết dân tộc và nâng cao đời sống của đồng bào: “Chính sách dân tộc của Đảng và Chính phủ ta đối với miền núi là rất đúng đắn. Trong chính sách đó có hai điều quan trọng nhất là: Đoàn kết dân tộc và nâng cao đời sống của đồng bào”.
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, sự đoàn kết giữa các dân tộc, nhất là giữa các dân tộc thiểu số với nhau để cùng chung sức, đồng lòng tiến hành thắng lợi sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng là cực kỳ quan trọng. Vì vậy, ngay từ những ngày đầu nước nhà mới giành được độc lập, giữa muôn vàn khó khăn thử thách, vừa phải tập trung cho nhiệm vụ chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm đang rình rập, vừa phải thực thi chính sách nội trị, chuẩn bị tiến hành Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I…, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn đặc biệt quan tâm đến đồng bào các DTTS.
Ngày 18/10/1945, chỉ hơn 40 ngày sau khi tuyên bố Việt Nam độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho đồng bào tỉnh Lào Cai; trong đó, Người căn dặn rằng: "Đồng bào chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ, phải tranh đấu đến kỳ cùng để mưu tự do hạnh phúc cho dân tộc… Tất cả nhân dân Lào Cai, không phân biệt trai gái, già trẻ, giàu nghèo, lương giáo, không phân biệt Mán, Mường, Mèo… cùng nhau hăng hái đứng lên phấn đấu để củng cố nền độc lập của nước nhà và xây dựng nền hạnh phúc tự do cho dân chúng".
Ngày 3/12/1945, Hội nghị Đại biểu các DTTS toàn quốc đã diễn ra ở thủ đô Hà Nội. Lần đầu tiên đại biểu các dân tộc ít người ở Việt Bắc, Tây Bắc và Tây Nguyên xa xôi cùng về họp mặt để biểu dương tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc.
Trong diễn văn khai mạc, Người nêu rõ: "Nhờ sức đoàn kết tranh đấu chung của tất cả các dân tộc, nước Việt Nam ngày nay được độc lập, các DTTS được bình đẳng cùng dân tộc Việt Nam, tất cả đều như anh chị em trong một nhà, không còn có sự phân biệt nòi giống, tiếng nói gì nữa. Trước kia các dân tộc để giành độc lập phải đoàn kết, bây giờ để giữ lấy độc lập càng cần phải đoàn kết hơn nữa".
Về nhiệm vụ của Chính phủ, Người nhấn mạnh: "... Chính phủ sẽ bãi bỏ hết những điều hủ tệ cũ, bao nhiêu bất bình (đẳng) trước sẽ sửa chữa đi. 2. Chính phủ sẽ gắng sức giúp cho các DTTS về mọi mặt: a) Về kinh tế, sẽ mở mang nông nghiệp cho các dân tộc được hưởng; b) Về văn hóa, Chính phủ sẽ chú ý trình độ học thức cho dân tộc. Các dân tộc được tự do bày tỏ nguyện vọng và phải cố gắng để cùng giành cho bằng được độc lập hoàn toàn, tự do và thái bình".
Trước đó, ngày 23/11/945, khi tiếp đoàn đại biểu các dân tộc tỉnh Tuyên Quang về thăm Thủ đô, Bác ân cần trò chuyện: "Trước khi nước ta được độc lập, các đồng bào trên đó, ai nấy đã nhiệt tâm yêu nước, yêu nòi, đã gắng sức giúp anh em Việt Minh trong cuộc vận động giải phóng rất nhiều. Chính tôi có đi qua các miền anh em ở, tới đâu cũng nhận thấy anh em Thổ, Mán ai nấy đều một lòng mong Tổ quốc độc lập, oán ghét bọn giặc xâm lăng... Tôi nhờ anh chị em về nói với đồng bào trên ấy biết rằng đồng bào Kinh và Chính phủ rất thương mến đồng bào...". Tại Hội nghị này, một lần nữa, Bác Hồ khẳng định lại điều đó, làm các đại biểu đều rưng rưng cảm động.
Không lâu, sau khi Hội nghị Đại biểu các DTTS toàn quốc diễn ra, ngày 19/4/1946, Đại hội các DTTS miền Nam được tổ chức tại Pleiku. “Tiếc vì đường sá xa xôi”, Bác không thể đến dự, nhưng với tình cảm tha thiết của mình, Bác Hồ đã gửi đến Đại hội một bức thư, giao cho đồng chí Tố Hữu (lúc đó là Phó Bí thư xứ ủy Trung bộ) và đồng chí Bùi San mang đến.
77 năm đã trôi qua, nhưng những nội dung cực kỳ sâu sắc trong bức thư của Bác Hồ vẫn còn in đậm trong tâm trí của đồng bào các dân tộc Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung. Trong thư Người vạch rõ những âm mưu thâm độc của bè lũ đế quốc, phong kiến và nêu cao tinh thần đoàn kết của đồng bào các dân tộc.
Người khẳng định: "Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các DTTS khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau", dù "sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt". Để thực hiện sự đoàn kết giữa các dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khuyên đồng bào các dân tộc phải thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, xóa bỏ những bất đồng, mặc cảm, tôn trọng và có trách nhiệm với đất nước, với dân tộc.
Ngày 26/2/1947, Người lại có thư "Gửi đồng bào thượng du" (vùng Thanh Hóa). Thư viết: "Trong cuộc kháng chiến cứu quốc này, đồng bào thiểu số đã tỏ lòng nồng nàn yêu nước... Tôi thay mặt Chính phủ cảm ơn đồng bào và trân trọng hứa rằng: Đến ngày kháng chiến thành công, Tổ quốc và Chính phủ sẽ luôn luôn ghi nhớ những công lao của đồng bào...".
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Người đã không ngừng phấn đấu vì một chính sách dân tộc đúng đắn, phù hợp và sát với thực tiễn. Trong những năm tháng làm Chủ tịch nước, Người luôn quan tâm, đi thăm, chia sẻ, động viên đồng bào DTTS và miền núi. Người đã đi thăm nhiều nơi, gửi nhiều bức thư tới đồng bào, tuyên dương những địa phương làm tốt trong sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, trong xây dựng hợp tác xã và phát triển văn hoá, nâng cao dân trí. Người chỉ ra những mặt còn tồn tại, những khuyết điểm cần phải khắc phục trong công tác lãnh đạo, công tác đoàn thể, tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, trong việc xây dựng đời sống văn hoá mới với mong muốn nâng cao được đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào.
Trong những năm tháng cuối đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn trong Di chúc: “Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như ở miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến và thực dân áp bức bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh. Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng. Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.
Tiếp nối tinh thần và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Nhà nước ta đã và đang quan tâm giải quyết các vấn đề về dân tộc và tôn giáo bằng những chủ trương, biện pháp cụ thể nhằm thu hẹp khoảng cách giữa miền xuôi với miền núi, bình đẳng và đoàn kết các dân tộc... nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là trong sự nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế. Trong các chính sách dân tộc miền núi, luôn tập trung vào 3 vấn đề lớn: 1/ Xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống, sức khỏe của đồng bào các DTTS. 2/ Xóa mù chữ, nâng cao dân trí, tôn trọng, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc. 3/ Xây dựng cơ sở chính trị, đội ngũ cán bộ và đảng viên của các dân tộc ở các vùng, các cấp trong sạch vững mạnh, góp phần từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào.
Với các chính sách nổi bật như Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và Nghị quyết số 120/2020/QH14, ngày 19/6/2020, phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Đây là lần đầu tiên chúng ta có chương trình mục tiêu quốc gia riêng đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi bao trùm tất cả các lĩnh vực với 10 dự án và 14 tiểu dự án thành phần… đã đem lại hiệu quả thiết thực. Đó là các chính sách thực hiện xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội, phát triển giáo dục, nâng cao dân trí; tôn trọng, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa; xây dựng cơ sở chính trị, đội ngũ cán bộ và đảng viên của các dân tộc ở các vùng, các cấp trong sạch vững mạnh… để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ gìn an ninh, quốc phòng vùng đồng bào các DTTS.
Để xứng đáng với tình cảm của Bác Hồ kính yêu, đồng bào các DTTS cả nước, nguyện một lòng đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn; không ngừng nâng cao cảnh giác, phòng-chống âm mưu phá hoại, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; chung sức, chung lòng xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh "sánh vai với các cường quốc năm châu” như Bác Hồ mong muốn.