Đời sống xã hội

Đồng bào Ba Na vui Tết con Dúi

Hạnh 28/10/2023 - 20:29

Với tín ngưỡng đa thần, vạn vật hữu linh cũng như các dân tộc khác sống trên vùng Trường Sơn Tây Nguyên, đồng bào dân tộc Ba Na có rất nhiều lễ hội liên quan đến vòng đời con người, cây trồng, vật nuôi. Trong đó, Lễ Et Đông hay còn gọi là Tết con Dúi, được xem là ngày Tết của đồng bào Ba Na.

Làng Kon Brăp Ju (thôn 6), xã Tân Lập, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum có từ trước thế kỷ 19. Đây là nơi sinh sống của 180 hộ đồng bào Ba Na (nhánh Jơ Lâng). Vào đầu mùa mưa hàng năm, khi cây lúa ngậm đòng, chuẩn bị trổ bông cũng là lúc buôn làng người Ba Na tổ chức Lễ Et Đông, hay còn gọi là Tết con Dúi.

28-10-nhay-mua-mung-le-hoi-cua-dong-bao-ba-na.jpg
Nhảy múa mừng lễ hội của đồng bào Ba Na

Dúi là một con vật hiền lành, không phá hoại mùa màng, chỉ ăn rễ cây, quả rừng. Nó còn là con vật biểu tượng cho sự cần cù, siêng năng và no ấm. Trong quan niệm của người Ba Na, Dúi là con vật thiêng trong nghi thức cúng lễ thần linh với mong ước giản dị: “no đủ quanh năm như con dúi”.

Tết con Dúi được đồng bào Ba Na lưu giữ và truyền lại từ thế hệ này sang thế hệ khác, hình thành nét đẹp truyền thống đầy bản sắc. Với thời gian ngắn của lễ hội (2 ngày đêm), nhưng công việc chuẩn bị từ trước đó rất cẩn thận, công phu.

Được già làng phân công, một số thanh niên trẻ vào rừng chặt le về làm cây nêu trước nhà Rông, cổng làng và chuẩn bị cồng chiêng cho lễ hội. Những cây nêu đem về, được những nghệ nhân nạo bỏ lớp vỏ cây le, cầu kỳ chau chuốt thành những sợi tua dài mang biểu tượng cho sự sinh sôi, nảy nở của cây lúa, cây ngô.

Cây nêu có ý nghĩa tâm linh quan trọng đối với người Ba Na. Họ quan niệm, cây nêu là nơi giao hòa giữa con người với thần linh, là nơi trú ngụ của thần linh để xua đuổi tà ma, bảo vệ dân làng.

Nét đặc sắc, độc đáo trong nghi thức lễ cúng Tết con Dúi của dân tộc Ba Na, được diễn ra rất bài bản, trang trọng với tinh thần đoàn kết. Mặt trời vừa ló rạng, là lúc một hồi trống dài từ phía nhà Rông báo hiệu chuẩn bị lễ hội.

Theo thông lệ xưa của đồng bào nhánh Jơ Lâng, chủ gia đình chọn một em nhỏ nhanh nhẹn cùng mang lễ vật đến nhà Rông, với quan niệm: “cái miệng trẻ em không biết nói những lời tục tĩu, cái đầu chưa nghĩ tới những việc xằng bậy, nên để trẻ mang vật thiêng dâng cúng các vị thần linh và ông bà tổ tiên là hợp lẽ hơn cả”. Đây cũng là dịp để trẻ hiểu và tiếp nhận những truyền thống của thế hệ trước về phong tục tập quán của dân tộc mình.

Suốt dọc chiều dài giữa nhà Rông, một hàng cột gỗ vững chắc được dựng lên để mọi người đặt lễ vật. Chủ hộ gia đình sẽ đem theo lễ vật, cùng một số vật dụng dùng cho nghi lễ cúng thần linh như: Một ghè rượu ngon và một ống lồ ô đựng con dúi, cần rượu và một vài lá chuối tươi, lá tranh.

Mỗi con dúi khi đặt cúng (đã làm sạch, bỏ ruột, ướp muối rồi luộc chín, phơi khô trên giàn bếp từ trước đó) được buộc cẩn thận vào cây le, trên đầu cây le buộc một ngọn đèn làm từ sáp ong, hướng lên trên “để cho ông bà thấy đường mà về”.

Chuẩn bị lễ vật xong và có mặt đầy đủ dân làng, già làng lại đánh lên một hồi trống dài báo hiệu lễ hội bắt đầu. Các gia chủ đồng loạt mở nắp ghè rượu, đổ nước vào bình.

Già làng tay cầm cuộn chỉ. Ông buộc sợi chỉ từ ghè rượu của mình (được đặt tại vị trí trung tâm của nhà Rông), rồi từ đó mỗi nhà truyền tay nhau đưa sợi chỉ đến từng ghè rượu, cũng như cột gỗ được dành riêng cho các gia đình.

Tiếp đó, họ lấy lá chuối tươi bó sợi chỉ lại cho gọn, đề phòng lửa làm đứt chỉ. Điểm cuối của sợi chỉ được buộc vào cây nêu lớn của làng. Sợi chỉ mang ý nghĩa thông linh của dân làng tới các vị thần, tới ông bà tổ tiên. Đồng thời, sợi chỉ còn là sự gắn kết tạo nên sự bền vững, sẻ chia, gắn bó giữa các gia đình trong cộng đồng. Già làng bắt đầu tiến hành việc cúng Giàng, cầu mong một mùa màng bội thu, không bị sâu rầy phá hoại.

Nói về ý nghĩa đặc biệt trong Tết con Dúi, già làng A Jring Đeng ở Kon Brăp Ju, chia sẻ: “Tết con Dúi không chỉ mang ý nghĩa lan tỏa tinh thần đoàn kết trên dưới đồng lòng của cộng đồng, mà nghi thức buộc sợi chỉ còn thể hiện sinh động một trong những nét đẹp cổ truyền của dân tộc Ba Na liên quan đến cây lúa. Đó là dẫn đường cho hạt lúa được mùa về đến từng nhà, đem theo những điều may mắn, tốt lành đến các gia đình”.

Sau lễ cúng, các gia đình cùng ăn cơm với thịt Dúi để lấy may. Bước vào không khí tưng bừng của lễ hội, người dân tạm bỏ lại những mệt nhọc, vất vả, lo toan. Tiếng cồng chiêng cứ liên tục vang lên tạo nên không khí nhộn nhịp và hứng khởi. Trong ánh lửa bập bùng cùng hương nồng men rượu, dân làng vừa ăn uống vừa nói chuyện mùa màng, gia đình, chia sẻ kinh nghiệm canh tác, sản xuất, săn bắn, hát hò, đánh chiêng, diễn xướng những trò chơi dân gian, cứ như vậy đến tận sáng hôm sau.

Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, chính là cách để khẳng định sự tồn tại của dân tộc đó trong xã hội. Để di sản trở thành tài sản, sự tồn tại của Tết con Dúi chính là yếu tố trung tâm, là tài sản văn hóa của cộng đồng người Ba Na, giúp họ có ý thức hơn về bản sắc và cội nguồn của dân tộc.

Đặc biệt, thông qua lễ hội Tết con Dúi, người Ba Na muốn gửi đến thế hệ sau một thông điệp nhắc nhở và giáo dục con, cháu luôn đoàn kết, chăm chỉ làm việc để có được một cuộc sống no ấm, đầy đủ và hạnh phúc.

Là một lễ hội độc đáo và mang tính triết lý nhân văn sâu sắc, Tết con Dúi của đồng bào Ba Na đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2021.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO