Hỏi đáp pháp luật

Đối tượng người dân tộc thiểu số được Ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế

Hải Thanh 14/01/2024 - 16:31

Bạn đọc Phan Văn Dũng ở xã Quang Chiểu, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa hỏi: Người dân tộc thiểu số có được nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế không? Và nếu có thì sẽ được quy định như thế nào?

Trả lời: Nội dung bạn hỏi được quy định tại Điều 4, Nghị định số 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế được sửa đổi bởi Khoản 2 Điều 1 Nghị định 75/2023/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 03.12.2023) quy định về nhóm được ngân sách Nhà nước hỗ trợ mức đóng như sau:

1. Người thuộc hộ gia đình cận nghèo theo chuẩn hộ cận nghèo giai đoạn 2022-2025 quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP và các văn bản khác của cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế chuẩn hộ cận nghèo áp dụng cho từng giai đoạn.

2. Người thuộc hộ gia đình nghèo đa chiều không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 9 Điều 3 Nghị định này.

3. Học sinh, sinh viên.

4. Người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình theo chuẩn hộ có mức sống trung bình giai đoạn 2022-2025 quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP và các văn bản khác của cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế chuẩn hộ có mức sống trung bình áp dụng cho từng giai đoạn.

5. Người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020 mà các xã này không còn trong danh sách các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

bhyt-huu-long.jpg
Ảnh minh họa.

Như vậy, những người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020 mà các xã này không còn trong danh sách các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ sẽ được Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế.

Và mới đây, Chính phủ đã ra Nghị định số 75/2023/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 được ban hành gần đây đã phần nào giải quyết những khó khăn, vướng mắc đối với các địa phương bị ảnh hưởng bởi Quyết định 861/QĐ-TTg, Quyết định 612/QĐ-UBDT.

Cụ thể, từ ngày 1/11/2023, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại các xã khu vực II, III; thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020 bị ảnh hưởng bởi Quyết định 861/QĐ-TTg, Quyết định 612/QĐ-UBDT sẽ được ngân sách nhà nước hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế (BHYT).

Theo đó, hỗ trợ 70% mức đóng BHYT đối với người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020. Các xã này không còn trong danh sách xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.

Thời gian hỗ trợ là 3 năm kể từ ngày 1/11/2023.

Việc quy định ngân sách nhà nước tiếp tục hỗ trợ thêm một thời gian sau khi thoát nghèo để người dân có thể tích lũy và đủ điều kiện kinh tế tham gia BHYT thể hiện chính sách bảo đảm an sinh xã hội, thoát nghèo bền vững của Chính phủ.

Trước đó, các đối tượng này bị tác động bởi 2 Quyết định 861/QĐ-TTg, Quyết định 612/QĐ-UBDT phải chuyển sang tham gia BHYT đối tượng khác hoặc tự mua thẻ hộ gia đình, dẫn đến giảm tỷ lệ bao phủ BHYT tại một số địa phương.

Việc ban hành Nghị định số 75 góp phần bảo đảm bền vững chỉ tiêu BHYT ở các xã hoàn thành nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao; nâng cao công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Trước đây khi không may ốm đau, bệnh tật người đồng bào dân tộc thiểu số thường tìm đến các thầy mo để cúng, bái giải hạn hoặc tự cúng cầu nguyện theo tập tục lạc hậu mê tín dị đoan hình thành từ thói quen sinh hoạt hằng ngày.

Vì thế, nhằm đưa chính sách BHYT đến đồng bào dân tộc thiểu số, các địa phương đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, từng bước góp phần thay đổi hành vi của người dân trong tham gia BHYT, bảo quản thẻ và đi khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT.

Các hoạt động này cũng góp phần thực hiện dự án X thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2025.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO