Đời sống xã hội

Đổi thay nhờ trao quyền phát triển kinh tế cho thanh niên dân tộc thiểu số

Linh Oanh 09/05/2024 - 06:31

Xín Mần là huyện nghèo miền núi biên giới của tỉnh Hà Giang, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Kể từ khi dự án “Tăng cường trao quyền phát triển kinh tế cho thanh niên dân tộc thiểu số ở Hà Giang và Lai Châu” được triển khai tại huyện Xín Mần, dự án đã giúp thanh niên “bám bản”, giúp họ nâng cao nhận thức về chủ động phát triển kinh tế, tăng thu nhập và thúc đẩy bình đẳng giới.

Bỏ phố về bản lập nghiệp

Theo bà Vũ Thị Hòa, Phó chủ tịch UBND huyện Xín Mần cho hay: Xín Mần có tỷ lệ dân tộc thiểu số chiếm 94,2% dân số, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của huyện chiếm tỷ lệ cao 58,82% (trong đó hộ nghèo chiếm 44,91%; hộ cận nghèo chiếm 13,91%)… Do điều kiện kinh tế địa phương còn nhiều khó khăn nên thanh niên thường bỏ bản đi tìm đường lập nghiệp. Con đường lập nghiệp phổ biến nhất của thanh niên trong vùng là tốt nghiệp trung học phổ thông rồi “đi công ty” - nghĩa là xuống thành phố hoặc sang các tỉnh khác làm việc trong các doanh nghiệp ở khu công nghiệp, hoặc đi làm thuê kiếm tiền gửi về cho gia đình. Sự lựa chọn ấy xuất phát từ thực tế các hoạt động sản xuất nông nghiệp ở địa phương vẫn còn hiệu quả thấp, chưa thể giúp người dân thoát nghèo.

Trong số những người “đi làm ăn xa” có Cháng Thị Ngọc, sinh năm 1994, dân tộc Nùng, ở xã Nàn Ma, huyện Xín Mần. Cưới nhau, rồi có con nhỏ, cuộc sống của vợ chồng Cháng Thị Ngọc trở nên khó khăn. Sau một thời gian suy tính, hai vợ chồng quyết định để con thơ ở nhà nhờ ông bà nội chăm sóc, rồi họ dắt díu nhau về thành phố Hà Giang làm thuê, kiếm sống. Sau mỗi ngày làm việc, tối đến trong căn phòng trọ, nỗi nhớ con lại cồn cào trong lòng người mẹ trẻ Cháng Thị Ngọc. Chị ước mơ được ở nhà, tự tay chăm sóc con nhỏ, đưa đón con đi học mỗi ngày…

Chị Cháng Thị Ngọc đã phát triển kinh tế gia đình sau khi nhận dê giống và tham gia các lớp tập huấn của tổ chức Plan.

Tháng 8-2022, Cháng Thị Ngọc trở về quê vào thời điểm tổ chức Plan International Việt Nam (gọi tắt là Plan) triển khai dự án “Tăng cường trao quyền phát triển kinh tế cho thanh niên dân tộc thiểu số ở Hà Giang và Lai Châu” đã được hơn một năm, trong đó Nàn Ma, Tả Nhìu và Nấm Dẩn là 3 xã của huyện Xín Mần tham gia dự án của Plan. Mục tiêu của Plan là giúp các thanh niên tham gia dự án nâng cao thu nhập và quan trọng hơn là nâng cao nhận thức về chủ động phát triển kinh tế, thúc đẩy bình đẳng giới. Đó cũng là điểm khởi đầu cho một lối đi mới cho Cháng Thị Ngọc và các bạn đồng trang lứa: Phát triển kinh tế trên chính mảnh đất quê hương.

Cháng Thị Ngọc kể: “Tôi nhận một con dê giống sau khi tham gia dự án của Plan từ tháng 12-2022. Tôi thấy nuôi một con cũng từng đấy công nuôi nên dồn tiền mua thêm 2 con nữa. Trung bình mỗi năm dê đẻ được hai lứa nên chỉ sau 1,5 năm, từ 3 con, đàn dê nhà tôi đã phát triển được 8 con. Đến cuối năm nay bán dê, gia đình tôi sẽ có một khoản tiền lớn”.

Không chỉ được cấp dê giống ban đầu, trong thời gian tham gia dự án, Cháng Thị Ngọc còn tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi, kỹ năng hạch toán kinh tế gia đình, kỹ năng marketing để tìm đầu ra cho sản phẩm… Cùng với việc nuôi dê, chị còn nuôi thêm trâu, lợn và gà, thu nhập gia đình ngày càng ổn định, giúp chị càng tin tưởng vào con đường mình đã chọn…

Nỗ lực vì mục tiêu “làm giàu trên quê hương”

Theo ông Dương Văn Tuy, Giám đốc Văn phòng Plan vùng Hà Giang, dự án “Tăng cường trao quyền phát triển kinh tế cho thanh niên dân tộc thiểu số ở Hà Giang và Lai Châu” nhằm cung cấp các khóa đào tạo liên quan về nông nghiệp, chăn nuôi và khởi nghiệp nhằm trang bị cho thanh niên các kỹ năng và kiến thức để giúp họ tăng thu nhập. Đối tượng tham gia dự án là thanh niên trong độ tuổi từ 15 đến 30 thuộc hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hộ gia đình có người khuyết tật, trẻ em, phụ nữ. Mục tiêu chung của dự án là thanh niên dân tộc thiểu số tham gia dự án tăng thu nhập từ các hoạt động sinh kế và không bị hạn chế bởi những tập tục, kiến thức và kỹ thuật truyền thống địa phương.

4-5-2-ha-giang.png
Vườn rau organic của chị Cháng Thị Chẳm ở xã Tả Nhìu, huyện Xín Mần dưới sự hướng dẫn của cán bộ tổ chức Plan.

“Sau 3 năm triển khai (từ tháng 3-2021 đến tháng 2-2024), đã có 1.040 thanh niên tham gia các khóa đào tạo về trồng trọt/chăn nuôi mỗi năm; 70% trong số đó có thể tăng thu nhập thêm ít nhất 10% trong vòng một năm tham gia tập huấn; tỷ lệ phụ nữ tham gia quản lý tài chính trong gia đình tăng lên 20%...”, ông Dương Văn Tuy dẫn kết quả thực hiện dự án trên tại huyện Xín Mần.

Ông Dương Văn Tuy, Giám đốc Văn phòng Plan vùng Hà Giang chia sẻ về dự án tại huyện Xín Mần.

Khẳng định dự án của Plan không chỉ thanh niên ở Xín Mần nâng cao thu nhập, góp phần vào nỗ lực chung của huyện về phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, theo bà Vũ Thị Hòa, điều quan trọng hơn là dự án đã giúp thanh niên dần thay đổi nhận thức, chủ động, mạnh dạn áp dụng các sáng kiến về phát triển kinh tế.

“Với sự hỗ trợ từ tổ chức Plan, cùng với quyết tâm chính trị, sự vào cuộc của của cấp ủy, chính quyền huyện, xã bộ mặt đời sống người dân tại 3 xã dự án đã có nhiều đổi thay tích cực. Đặc biệt, các dự án của Plan đã góp phần phát triển kinh tế hộ và nhóm hộ trên địa bàn huyện. Tại các xã triển khai dự án, người dân đã biết cách làm kinh tế, tăng thu nhập gia đình, không có tư duy ỷ lại như trước. Trên cơ sở đó, huyện đã nhân rộng các mô hình, cách làm trên sang các xã khác trong huyện”, Phó chủ tịch UBND huyện Xín Mần Vũ Thị Hòa chia sẻ.

Với những thanh niên dân tộc thiểu số tham gia dự án của Plan, có lẽ còn quá sớm để nói về câu chuyện “làm giàu trên mảnh đất quê hương”. Nhưng ít nhất họ đã có được kế sinh nhai với nguồn thu nhập ổn định ngay tại mảnh đất họ sinh ra và lớn lên. Và biết đâu, với sự thay đổi nhận thức về phát triển kinh tế, dám ước mơ, dám làm, câu chuyện “làm giàu trên quê hương” sẽ đến với họ trong một tương lai không xa…

Bài và ảnh: LINH OANH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Dân tộc tôn giáo xem các tin, bài liên quan.

(0) Bình luận
Nổi bật
Làm theo lời Bác Hồ dạy, đồng bào dân tộc thiểu số tích cực thi đua lao động sản xuất
Sinh thời, trong nhiều điện, thư, bài nói chuyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên căn dặn đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS): “Phải thi đua tăng gia sản xuất” (Thư gửi đồng bào Khu tự trị Thái - Mèo, ngày 7/5/1955)... để “cho mọi người được no ấm” (Thư gửi đồng bào Hòa Bình, ngày 27/11/1950).
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO