Đời sống xã hội

Đổi thay nhờ thực hiện hiệu quả chính sách dân tộc

Lập Nguyễn 03/10/2023 - 20:08

Thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc nên vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum đã có chuyển biến tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Triển khai chính sách đúng trọng tâm, cách làm phù hợp

Huyện Đăk Tô có 17 dân tộc anh em cùng sinh sống. Dân số toàn huyện hơn 53.600 người, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 57,17%. Nhiều năm qua, nhờ thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc, nhất là nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia, được triển khai kịp thời, đảm bảo đúng mục đích, đối tượng thụ hưởng... qua đó, góp phần thay đổi diện mạo cho những xã vùng khó, đời sống người dân cũng từ đó được nâng lên.

Mô hình trồng cây cà phê ở huyện Đăk Tô

Những năm qua, nguồn lực từ các chương trình, dự án chính sách dân tộc, nhất là thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719)..., huyện Đăk Tô đã tích cực đẩy mạnh công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc.

Trong đó, đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo, dạy nghề, giới thiệu việc làm, tạo việc làm mới cho người DTTS, nhất là các hộ nghèo; triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách, dự án đầu tư theo hướng chuyển dịch cơ cấu sản xuất, cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đặc trưng của từng địa phương trên địa bàn huyện.

Điển hình như ở Ngọc Tụ, là xã đặc biệt khó khăn của huyện Đăk Tô, với trên 98% là đồng bào DTTS sinh sống (chủ yếu là dân tộc Xơ Đăng). Gần 3 năm nay, thực hiện Chương trình MTQG 1719, xã đã tập trung đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn và hỗ trợ phát triển sản xuất cho các hộ đồng bào DTTS, theo phương châm hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm và sát thực với tình hình thực tế của mỗi gia đình.

Ông Nguyễn Thành Luân, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Tụ cho biết: Những năm gần đây, việc triển khai kịp thời Chương trình MTQG 1719 gắn với Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”, đã từng bước nâng cao đời sống đồng bào DTTS và thay đổi diện mạo ở các thôn, làng.

"Hiện xã đã đạt 13/19 tiêu chí xây dựng Nông thôn mới; hộ nghèo giảm còn 153 hộ (chiếm 21,25%) và 42 hộ cận nghèo (chiếm 5,83%). Thu nhập bình quân đạt hơn 40 triệu đồng/người/năm", Phó Chủ tịch xã Nguyễn Thành Luân cho hay.

Đến nay, diện mạo ở các làng đồng bào DTTS có sự đổi thay rõ nét; đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào DTTS được nâng cao. Toàn huyện đã có 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 06 xã đạt 13 đến 17/19 tiêu chí. Năm 2022, toàn huyện còn 1.527 hộ nghèo, chiếm 11,83% dân số toàn huyện (giảm 3,24% so với cuối năm 2021); trong đó, 1.455 hộ nghèo DTTS.

Từ triển khai thực hiện các chương trình MTQG, kết cấu hạ tầng và bộ mặt nông thôn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS huyện Đăk Tô đã có nhiều chuyển biến. Nhất là, hệ thống giao thông nông thôn, điện, trường học, trạm y tế được đầu tư khang trang, tạo điều kiện để bà con đi lại phát triển kinh tế, cải thiện đời sống...; học sinh được đi học trong ngôi trường khang trang; nhiều trường học được đầu tư xây dựng phòng học bộ môn, được đầu tư thiết bị giáo dục, phục vụ cho những tiết học thực hành..., góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập.

Thầy giáo Hoàng Minh Thịnh, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Đăk Rơ Nga, chia sẻ: Gần 100% học sinh của trường là người DTTS. Năm 2023 này, trường được đầu từ xây dựng 4 phòng học bộ môn từ nguồn vốn của Chương trình MTQG 1719. Việc được đầu tư xây dựng phòng học bộ môn đã giúp cho giáo viên và học sinh có điều kiện thuận lợi để tiến hành học các tiết thực hành ở các môn Hóa học, Sinh học, Vật lý, Công nghệ, Mỹ thuật và Tin học. Tạo hứng thú cho các em học sinh học tập, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.

Đáng kể khác, một bộ phận hộ nghèo, hộ cận nghèo người đồng bào DTTS đã dần thay đổi nhận thức, ngoài kinh phí được nhà nước hỗ trợ, các hộ đã chủ động phát huy nguồn lực để đầu tư thực hiện có hiệu quả các mô hình, dự án; tích cực tham gia vào các tổ liên kết sản xuất, các hợp tác xã để nâng cao giá trị sản phẩm nông sản...

Những kết quả đó, là minh chứng cho thấy các Chương trình MTQG đã đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả tích cực.

Đổi mới tuyên truyền chính sách dân tộc

UBND huyện Đăk Tô đánh giá, chất lượng giáo dục học sinh DTTS trên địa bàn đã có chuyển biến tích cực. Chính quyền các cấp kịp thời quan tâm sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, kiên cố hóa trường, lớp học gắn với xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.

Không những vậy, đến nay 9/9 Trạm Y tế có bác sỹ, bình quân có 6,2 bác sỹ/một vạn dân và 40 giường bệnh/một vạn dân; 100% Trạm Y tế xã, thị trấn đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế.

Công tác Dân số, gia đình, trẻ em được triển khai tích cực và đạt kết quả; 100% thôn, làng, khối phố có nhà sinh hoạt văn hóa, các thiết chế văn hóa từ huyện đến cơ sở được đầu tư xây dựng, cơ bản đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, đặc biệt là đồng bào DTTS.

Trong quá trình thực hiện Chương trình MTQG 1719 cũng còn có những khó khăn, vướng mắc nhất định, Phòng cũng đã kịp thời tổng hợp, tham mưu UBND huyện phối hợp với các sở, ngành để có giải pháp tháo gỡ phù hợp tình hình thực tiễn, tạo điều kiện cho địa phương tổ chức triển khai thực hiện thuận lợi.

Huyện Đăk Tô cho rằng, để thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc trong thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để cán bộ và quần chúng Nhân dân các dân tộc nhận thức sâu sắc, nhất là công tác dân tộc, chính sách về dân tộc.

Đồng thời, khuyến khích phát triển các ngành nghề truyền thống nhằm giải quyết lao động nông nhàn và tăng thu nhập cho người dân vùng đồng bào DTTS; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào lĩnh vực chế biến nông sản; tiếp tục thu hút đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư thu mua, chế biến các hàng nông sản, từ đó đã tạo thêm nhiều việc làm cho lao động trên địa bàn huyện, hạn chế tình trạng bán nông sản non, nhất là vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn.

Được biết, trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tăng cường đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức trong công tác tuyên truyền phổ biến chính sách, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào DTTS để có cơ sở đề xuất nội dung đầu tư hỗ trợ phù hợp, hiệu quả; phát huy vai trò, tầm quan trọng của người có uy tín trong đồng bào DTTS đối với sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO