Trong những năm tháng kháng chiến gian khổ mà vĩ đại của dân tộc, Tuyên Quang là nơi ở, làm việc của nhiều ban, bộ, ngành thuộc Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận. Trong đó, làng Sảo, xã Hợp Thành, huyện Sơn Dương ghi dấu nhiều hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian Người ở đây.
Mảnh đất lịch sử
Tháng 12-1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, một lần nữa Bác Hồ quyết định trở lại Tuyên Quang để lãnh đạo toàn dân kháng chiến.
Ngày 2-4-1947, Bác về đến làng Sảo, xã Hợp Thành (huyện Sơn Dương), ở nhà ông Ma Văn Hiến. Tại làng Sảo, Bác đã chủ trì Hội nghị cán bộ Trung ương Đảng cụ thể hóa đường lối kháng chiến và các phiên họp của Hội đồng Chính phủ, bàn về ngoại giao, quân sự, tài chính, huy động lực lượng toàn dân tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trong thời gian ở Tuyên Quang, Bác đã di chuyển hơn 20 địa điểm khác nhau, có nhiều quyết định quan trọng và các hoạt động thực tiễn trong lãnh đạo cách mạng vượt qua gian khó đến ngày chiến thắng.
Tại Làng Sảo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì nhiều hội nghị quan trọng. Trong đó, từ ngày 3 đến 6-4-1947, Bác Hồ chủ trì Hội nghị Trung ương cụ thể hóa đường lối kháng chiến và rút kinh nghiệm những tháng đầu cuộc kháng chiến toàn quốc. Ngày 25-5-1947 cũng tại Làng Sảo, đã khai mạc Hội nghị Dân quân Du kích toàn quốc, nhằm đẩy mạnh hơn nữa phong trào chiến tranh du kích trong cả nước.
Ngày 25-7-1947, Bác Hồ gửi thư cho hội nghị, đánh giá cao vai trò của Dân quân Tự vệ và Du kích trong chiến tranh cách mạng: “Dân quân Tự vệ và Du kích là lực lượng của toàn dân tộc, là lực lượng vô địch, là một bức tường sắt của Tổ quốc. Vô luận kẻ địch hung bạo thế nào, hễ đụng vào lực lượng đó, bức tường đó, thì kẻ địch nào cũng phải tan rã”.
Cuối tháng 10-1947,
Bác Hồ chủ trì hội nghị bí mật của Trung ương gọi là “Hội nghị Thanh Sơn” đề ra chỉ thị phá tan cuộc tấn công của Pháp lên Việt Bắc Thu - Đông năm 1947 và trực tiếp chỉ đạo một cuộc họp bí mật của Trung ương Đảng đề ra phương hướng chỉ đạo cuộc kháng chiến của quân dân ta, chống cuộc càn quét của thực dân Pháp lên căn cứ địa Việt Bắc, giành thắng lợi, đập tan âm mưu đánh nhanh, thắng nhanh của chúng.
Trong thời gian ở Làng Sảo, Bác Hồ cùng Thường vụ Trung ương Đảng tiếp tục hoàn chỉnh đường lối chiến lược của cuộc kháng chiến cứu nước. Những hoạt động của Người cùng Trung ương Đảng, Chính phủ trong thời gian này đã chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua khó khăn, gian khó, đưa cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc ta đến thắng lợi hoàn toàn.
Làng Sảo hôm nay
Làng Sảo nơi đón Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ rời Hà Nội sau ngày toàn quốc kháng chiến giờ đã có nhiều đổi thay. Năm 2010, Khu di tích Làng Sảo đã được phục hồi, bảo tồn, gồm: xây dựng nhà bia tổng thể, các bia ghi dấu sự kiện Bác Hồ đã ở, làm việc tại gia đình ông Ma Văn Hiến, lán Bác và các cơ quan, bộ, ngành Trung ương đã từng ở đây.
Thôn Làng Sảo trước đây giờ được chia tách thành 2 thôn gồm Làng Sảo và Cây Sấu. Từ hơn chục ngôi nhà của đồng bào Tày trước đây, giờ thôn Làng Sảo và Cây Sấu đã có hơn 200 hộ dân, riêng thôn Làng Sảo có 116 hộ. Người dân Làng Sảo ngoài người Tày bản địa còn có đồng bào người Kinh từ Ninh Bình, Nam Định lên đây khai hoang lập nghiệp.
Đồng chí Nguyễn Duy Biền, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Làng Sảo cho biết, đến nay thôn đã hoàn thành tất cả các tiêu chí nông thôn mới. Bà con trong thôn luôn phát huy truyền thống quê hương cách mạng, nỗ lực trong việc xây dựng nông thôn mới, nếp sống văn minh.
Những con đường bê tông trải dài đã thay thế những con đường đất nhỏ hẹp trước đây. Nhờ có giao thông thuận lợi đã thúc đẩy kinh tế phát triển, cuộc sống của người dân ngày một nâng lên. Hiện kinh tế rừng và trồng chè là nguồn thu nhập chính của người dân trong thôn. Ngoài cải tạo đưa các giống chè mới năng suất, chất lượng vào trồng thay thế giống chè cũ người dân còn mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc chế biến chè. Bên cạnh sản xuất nông lâm nghiệp, thương mại dịch vụ cũng đã phát triển… Với sự đa dạng về loại hình kinh tế, thu nhập bình quân đầu người trong thôn đạt 37,85 triệu đồng/người/năm.
Kinh tế phát triển, thu nhập của người dân nâng cao, người dân trong thôn đã chung sức đồng lòng cùng cấp ủy, chính quyền xã hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đến hết tháng 11-2021, thôn Làng Sảo cùng với các thôn khác của của xã Hợp Thành đã hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, góp phần để xã Hợp Thành hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.