Đời sống xã hội

Đời sống người dân vùng dân tộc thiểu số ngày một được cải thiện

NHẬT QUỲNH 17/02/2024 - 11:04

Năm qua, tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đang trên đà phát triển ổn định và toàn diện. Không chỉ đời sống vật chất, tinh thần mà bản sắc văn hóa, sự đoàn kết giữa các dân tộc cũng ngày càng gắn kết và được giữ gìn.

Với hơn 1/4 dân số là đồng bào DTTS, tỉnh Lâm Đồng đặc biệt chú trọng đến công tác chăm lo, ổn định và tạo điều kiện cho người dân vùng DTTS phát triển. Theo đó, các cấp ủy, chính quyền đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt, thực thi hiệu quả các chính sách, các chương trình mục tiêu quốc gia, sâu sát với tình hình thực tế; người dân vùng đồng bào DTTS cũng đã tích cực hưởng ứng, tham gia. Nhờ đó, chất lượng cuộc sống của người dân có nhiều chuyển biến tích cực. “Tính đến cuối năm 2023, thu nhập bình quân trên mỗi đầu người của đồng bào DTTS ước đạt 44,9 triệu đồng/năm; tỉ lệ hộ nghèo đa chiều vùng DTTS giảm 2,5% so với 2022; 73/77 xã vùng DTTS đạt chuẩn nông thôn mới; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định, không để xảy ra điểm nóng”, ông Võ Văn Hoàng - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết.

t10a-a1-09_20240215195305.jpg
Bà con vùng đồng bào DTTS hăng say phát triển kinh tế, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất và chất lượng giáo dục có nhiều cải thiện. Trong đó, có 8/9 trường dân tộc nội trú đạt chuẩn; 99,7% trẻ em DTTS nhập học đúng độ tuổi bậc tiểu học, 100% học sinh DTTS hoàn thành chương trình tiểu học, 100% trẻ em từ 10 đến 18 tuổi biết chữ… Cơ sở y tế được đầu tư, chất lượng khám, chữa bệnh được nâng cao; 100% xã có trạm y tế, 100% xã, phường có bác sĩ, 100% thôn, buôn có nhân viên y tế, các loại dịch bệnh nguy hiểm như sốt rét, phong, lao, bạch hầu, chân tay miệng cơ bản được ngăn chặn. Nhiều lễ nghi truyền thống như lễ Pơthi, lễ Nhô Wèr, lễ Bok… được đầu tư phục dựng, bảo tồn có chọn lọc, theo hướng lành mạnh, tiến bộ và tiết kiệm, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa của người dân.

Là đơn vị chịu trách nhiệm tham mưu, triển khai và phối hợp thực hiện các chính sách, chương trình, đề án, dự án... liên quan đồng bào vùng DTTS, Ban Dân tộc đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng lực điều hành, quản lý và thực hiện của đơn vị. Ban chủ động phối hợp với các ngành, địa phương; huy động, lồng ghép các nguồn lực; khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế của các vùng, miền… để chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các DTTS. Ban cũng thường xuyên tuyên truyền, phổ biến nội dung các chương trình, dự án… để người dân nắm bắt; vận động bà con các DTTS giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp; khuyến khích tinh thần tự lực, vươn lên phát triển kinh tế; sâu sát cơ sở, nắm bắt tình hình, kịp thời giải quyết các vấn đề bức xúc của bà con đồng bào DTTS. Nhờ đó, an ninh chính trị, trật tự xã hội trong vùng DTTS cơ bản được giữ vững, đời sống người dân được cải thiện.

Ngoài ra, việc phát huy vai trò của đội ngũ những người uy tín trong cộng đồng đồng bào DTTS đã góp phần đưa chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước đến gần với người dân hơn. Họ là tấm gương sáng, đi đầu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, đặc biệt trong Phong trào xây dựng Nông thôn mới, hòa giải cơ sở. Theo thống kê sơ bộ trong khoảng thời gian 10 năm trở lại đây, đội ngũ này đã tham gia hơn 1.800 cuộc hòa giải; cảm hóa gần 650 đối tượng; tố giác hơn 100 tội phạm; tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm gần 300 cuộc. Ngoài ra, những người uy tín trong cộng đồng đồng bào DTTS còn tham gia đề xuất nhiều ý kiến hay với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, nhất là công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên.

Để có những kết quả đáng khích lệ như trên không thể không nhắc tới nỗ lực vươn lên của chính bản thân mỗi người dân. Những năm qua, đồng bào DTTS đã tích cực tiếp thu và áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, triển khai nhiều mô hình sáng tạo, mang lại thu nhập bình quân 300 - 400 triệu đồng/năm, giải quyết công ăn việc làm cho con em tại địa phương. Điển hình có thể kể đến gồm mô hình cà phê sạch của gia đình chị Cơliêng Rolan ở Lạc Dương, mô hình nuôi heo đen của anh K’Brooke ở Di Linh, mô hình sầu riêng chất lượng cao của gia đình chị Đinh Thị Hóa ở Đam Rông… Những điển hình kinh tế này không chỉ minh chứng cho nỗ lực vươn lên, sức sáng tạo của đồng bào DTTS mà còn góp phần lan tỏa kinh nghiệm sản xuất, kỹ thuật chăm bón, mô hình kinh doanh, giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm cũ; cởi mở tiếp nhận các cách làm mới, hiệu quả hơn, đặc biệt là các phương pháp có yếu tố ứng dụng công nghệ cao.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, theo Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Võ Văn Hoàng, công tác giảm nghèo trong vùng đồng bào DTTS vẫn chưa thật sự bền vững, đời sống bà con vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Vì vậy, thời gian tới, Ban sẽ kiện toàn hệ thống tổ chức, nâng cao năng lực cán bộ làm công tác dân tộc; đẩy mạnh phối hợp giữa các sở, ban, ngành và các địa phương; phát huy hơn nữa vai trò của đội ngũ người uy tín, tầng lớp tri thức; khơi dậy nỗ lực vươn lên, tinh thần sáng tạo của chính bản thân người dân DTTS. Qua đó, đời sống người dân vùng DTTS sẽ đạt được nhiều kết quả tốt đẹp và bền vững hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO