(DTTG) Theo số liệu thống kê năm 2009, người dân tộc Ngái ở nước ta có khoảng hơn 1.000 người, sống rải rác ở các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Giang ... Tuy nhiên, theo năm tháng những nét bản sắc văn hóa của cộng đồng dân tộc này đang dần mai một, cần được quan tâm gìn giữ.
Ảnh thiếu nữ dân tộc Ngái tại Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam. (Ảnh: Internet). |
Người Ngái (tên gọi khác là Ngái Hắc Cá, Ngái Nhằn, Ngái Lầu Mần, Sín, Đàn, Lê) là một dân tộc sinh sống tại Việt Nam và được công nhận trong 54 dân tộc Việt Nam.
Người Ngái sống chủ yếu bằng nghề làm ruộng trồng lúa. Ở vùng hải đảo, ven biển thì đánh cá là chính. Họ có truyền thống đào kênh, mương, đắp đập, tạo hồ nước, đắp đê biển, có những nghề thủ công như dệt chiếu, làm mành trúc, rèn, mộc, nung vôi, làm gạch ngói. Đây cũng là những nghề thủ công không hẳn là truyền thống của dân tộc Ngái, chúng được tiếp nhận do nhu cầu cuộc sống tại những địa bàn cư trú mới đến, liền kề với các dân tộc bản địa của nghề thủ công nói trên. Điển hình và đại diện nhất chính là nhóm người Ngái ở thành phố Hồ Chí Minh, họ đã làm nghề thủ công đóng giầy, dép, tập trung ở quận 11. Một số tiểu thương người Ngái ở chợ Lớn đã trở thành những doanh nghiệp thành đạt trong ngành nghề giầy dép.
Việc gieo trồng mùa vụ trong năm của họ căn cứ vào các hiện tượng tự nhiên như: Tiếng chim hót, lá cây rụng, hoa nở,... Họ xây các mương đập dài vài chục km để tưới tiêu.
Tuy là dân tộc thiểu số, xong người Ngái có được nhiều phong tục, tập quán như: Trong gia đình, người chồng là trụ cột chính và là người quyết định mọi việc lớn, con trai được coi trọng, con gái không được chia gia tài khi cha mẹ chết và phải về nhà chồng sau khi cưới.
Xưa kia, việc cưới hỏi của người Ngái diễn ra trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 3 âm lịch hằng năm. Theo phong tục truyền thống của người Ngái, thì việc cưới hỏi chủ yếu do nhà trai chủ động. Nhà có con trai lớn, đến tuổi dựng vợ thì nhờ anh em, bạn bè xem có cô gái nào ưng ý thì giới thiệu cho.
Việc cưới xin của người Ngái được tiến hành đủ các bước: Lễ dặm hỏi, lễ so tuổi, lễ ăn hỏi, lễ dứt lời, lễ cưới chính thức và lễ lại mặt. Khi chọn được dâu tương lai ưng ý, nhà trai sẽ nhờ người thân làm mối mang lễ vật sang nhà gái để ngỏ lời (tức là lễ dặm hỏi).
Khi có thai, phụ nữ Ngái kiêng cữ rất cẩn thận: Không ăn ốc, thịt bò, dê, không may vá hay mua quần áo. Sau khi sinh con 60 ngày đối với con đầu, 40 ngày đối với con thứ, người sản phụ mới được đến nhà mẹ đẻ của mình.
Họ nhà vợ, đại diện là ông cậu có vai trò quan trọng trong gia đình người Ngái. Ông cậu gọi là khảo, được coi như người cha của các chị em gái trong gia đình. Khi các cháu gái sinh con, khảo đặt tên cho các cháu ngoại.
Tục lệ ma chay theo phong tục Ngái, người chết được tổ chức đám ma chu đáo. Sau khi chôn cất được cúng vào dịp 21 ngày, 35 ngày, 42 ngày, 49 ngày, 63 ngày, 70 ngày, 3 năm thì làm lễ đoạn tang.Người Ngái quan niệm chết tức là linh hồn chuyển sang sống trong một thế giới khác. Vì thế họ thường chôn theo người chết những đồ tuỳ táng mà khi sống người ta vẫn dùng. Tang lễ có nhiều công đoạn phức tạp: báo tang, nhập quan, chôn cất, mở mả…
Một ngôi nhà của người Ngái ở thôn Tam Thái. (Ảnh: Internet). |
Nhà cửa của người Ngái là nhà đất với quy mô vừa phải, gồm 3 gian, 2 chái. Nhà được xây dựng quây quần theo mô hình làng xóm, thường được dựa trên những sườn đồi, thung lũng, ven biển hoặc trên đảo, gần những dòng suối hoặc sông - nơi cung cấp nước tưới tiêu và sinh hoạt của cộng đồng làng.
Trang phục của phụ nữ dân tộc Ngái. (Ảnh: Internet). |
Người Ngái thường mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình (nam giới mặc quần lá tọa, áo màu chàm có 2-3 túi; phụ nữ mặc áo 5 thân, cài khuy lệch về bên phải, thích tết tóc cuốn quanh đầu). Đồng bào cũng thường đan các loại mũ, nón làm từ mây tre, lá cọ để sử dụng lúc đi làm và che ô, quàng khăn vào những dịp quan trọng.
Người Ngái có lối hát giao duyên nam nữ, những làn điệu dân ca, gọi là Sường cô hay Xướng ca, rất phong phú. Có thể hát đối nhau 5 đến 7 đêm liền vẫn không bị trùng lặp. Hình thức sinh hoạt văn hóa này khá lãng mạn, với những ca từ trong sáng, tình cảm và bao hàm nhiều nội dung răn dạy cách ứng xử, kinh nghiệm làm ăn. Kho tàng văn học dân gian cũng khá phong phú, nhiều trò chơi như múa sư tử, múa gậy, rồng rắn rất vui nhộn, song ngày nay, bà con ít sử dụng nên bị mai một nhiều.
Lễ Kỳ Yên của dân tộc Ngái, tỉnh Bắc Giang. (Ảnh: Internet). |
Một giá trị văn hóa phi vật thể không thể không nhắc đến của người Ngái chính là lễ Kỳ Yên thường được tổ chức vào dịp đầu năm mới, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng sinh sôi, tươi tốt, mọi nhà, mọi người được bình an, vạn sự như ý… Lễ cúng độc đáo này được chuẩn bị khá cầu kì và đặc biệt không thể thiếu bức tranh Tam Thanh Ngọc đế (các vị thần linh), thanh la, tù và, dao...
Người chủ lễ mặc áo cà sa, đội mũ hòa thượng dẫn đầu một đoàn người từ 5 đến 10 thanh niên khỏe mạnh đi vòng quanh sân lễ theo hình bát quái, vừa đi vừa múa hát. Lời bài hát mang nội dung báo cáo với thần linh về kết quả sản xuất một năm qua của bà con dân tộc, cũng như mong cho một năm mới mọi nhà, mọi vật đều hưng thịnh.
Dân tộc Ngái thờ cúng tổ tiên, thần, phật... Theo thời gian, phong tục tập quán dần thay đổi, đời sống kinh tế của người Ngái cũng đổi thay nhiều.
Ngày nay, người Ngái ít sống tập trung mà sống cùng các dân tộc khác và tiếp thu nhiều phong tục tập quán của cộng đồng xung quanh. Dường như từ tiếng nói cho đến trang phục, tập quán, đời sống kinh tế cũng thay đổi nhiều. Được công nhận là một cộng đồng dân tộc thiểu số trong 54 dân tộc Việt Nam nhưng bản sắc dân tộc của người Ngái còn rất ít. Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm cho các dân tộc thiểu số phát triển và đề ra các giải pháp giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Ngái.