Văn hóa

Đôi bàn tay nhỏ nối dài thanh âm của đại ngàn

Thúy Hạnh 23/10/2023 - 20:12

Cồng chiêng là di sản văn hóa vô giá, là niềm tự hào của đồng bào dân tộc Nam Tây Nguyên. Đặc biệt gìn giữ, phát huy nét văn hóa đặc sắc riêng của đồng bào K’Ho và để tiếng cồng chiêng vang mãi giữa đại ngàn, chính quyền tỉnh Lâm Đồng cùng người dân đã nỗ lực gìn giữ, truyền lửa đam mê cho thế hệ trẻ.

Những thanh âm quen thuộc từ tiếng cồng, tiếng chiêng cứ vấn vít mãi trong từng buôn làng và trong cộng đồng các dân tộc thiểu số anh em đang cộng cư, sinh sống trên mảnh đất này. Nếu người trẻ ở thôn, buôn không biết đánh cồng chiêng, vậy khi các già, các ông mất đi, ai sẽ là người kế thừa, gìn giữ tiếng cồng chiêng của dân tộc K’Ho của mình? Chính vì vậy, cồng, chiêng đang được lan tỏa rất mạnh mẽ đến nhiều lớp người, đặc biệt là giới trẻ, thế hệ tương lai của buôn làng. Còn gì vui hơn, tự hào hơn khi được tận mắt nhìn thấy lớp măng non hôm nay đã biết đánh cồng, đánh chiêng, biết giữ “lửa thiêng” hồn núi, hồn rừng của núi rừng Tây Nguyên từ đôi bàn tay nhỏ.

23-10-23-doi-cong-chieng-nhi-dang-tap-luyen-trong-san-nha-cua-nghe-nhan-uu-tu-k-chung.jpg
Đội cồng, chiêng nhí đang tập luyện trong sân nhà của Nghệ nhân ưu tú K’Chung

Minh chứng rõ ràng nhất cho điều này, đó là một lớp măng non bên lưu vực sông Đa Đờng đang say sưa luyện tập những bài chiêng cổ, tại nhà riêng của gia đình nghệ nhân ưu tú K’Chung ở thôn Tân Lin, xã Tân Văn, huyện Lâm Hà. Đây là lớp truyền dạy cồng chiêng do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng chủ trì, phối hợp cùng với UBND huyện Lâm Hà, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện và xã Tân Văn tổ chức.

Lớp truyền dạy cồng chiêng này do Nghệ nhân Ưu tú K’Chung, Nghệ nhân Ưu tú K’Bes và nghệ nhân K’ Ken trực tiếp đảm trách, chính thức triển khai thực hiện từ đầu tháng 8 đến nay, thu hút nhiều lớp trẻ đầy triển vọng của địa phương, hào hứng tham gia.

Nghệ nhân ưu tú K’Bes chia sẻ: “Sau khi nhận được công văn từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng và Phòng Văn hóa - Thông tin, chúng tôi bắt đầu thực hiện việc truyền dạy cồng chiêng ở thôn Tân Lin, xã Tân Văn, huyện Lâm Hà. Lúc đầu chúng tôi chọn 4 đội, sau này do bận công việc đi không đều nên chỉ còn lại 2 đội, một đội lớn và một đội nhí. Trong đó, có một đội nam và một đội nữ.

Từ lúc dạy đến giờ, tôi thích nhất đội nữ, bởi các thành viên học đánh rất nhanh. Chỉ trong một thời gian rất ngắn, đội nữ đánh được 4 bài, mà đội nam chỉ đánh được có 2 bài thôi. Đây là lớp học đặc biệt chưa có tiền lệ. Đặc biệt ở chỗ, lớp học được chia thành 2 đội chiêng học khá bài bản, gồm một đội chiêng nhí nam và một đội chiêng nhí nữ, với 14 thành viên là con em đồng bào K’Ho tham gia khóa học. Thành viên nhỏ tuổi nhất mới chỉ 10 tuổi và lớn nhất là 16 tuổi”.

23-10-23-nghe-nhan-uu-tu-k-bes-ngoai-cung-ben-phai-dang-thoi-niem-dam-me-toi-the-he-tre.jpg
Nghệ nhân Ưu tú K’Bes (ngoài cùng bên phải) đang thổi niềm đam mê tới thế hệ trẻ

Cũng theo Nghệ nhân ưu tú K’Bes thì sở dĩ có sự khác biệt này, là vì các thành viên trong đội chiêng nữ nhí tiếp thu các bài chiêng nhanh hơn, độ chuẩn xác cũng cao hơn, so với đội chiêng nhí nam. Tuy vậy, dù sao thì đây cũng là điều rất đáng mừng và rất đáng khích lệ. Bởi trên hết là tinh thần ham học hỏi của các em cùng niềm đam mê yêu thích cồng, chiêng của thế hệ măng non hôm nay. Điều này, không phải bất cứ địa phương nào cũng may mắn có được.

Dưới sự chỉ dạy tận tình và đầy trách nhiệm của các nghệ nhân, những đôi bàn tay nhỏ tưởng chừng chỉ biết cầm sách bút đến trường, hoặc phụ giúp việc gia đình hằng ngày, nay đã biết đánh được một số bài chiêng cổ.

Đại diện cho đội chiêng nhí nữ xã Tân Văn, huyện Lâm Hà, nói: “Em là Ka Hy Sun, học lớp 8a3, Trường THCS Tân Văn. Em theo học lớp cồng, chiêng này cũng được một tháng. Các ông dạy em rất dễ hiểu, nên em tiếp thu được rất nhanh. Em rất vui khi được học lớp cồng, chiêng này.

Em cũng rất tự hào với nét đẹp văn hóa của dân tộc mình và mỗi khi được đi giao lưu cồng, chiêng. Em mong muốn các bạn cùng trang lứa với em, sẽ cùng nhau học hỏi cách đánh cồng, chiêng của dân tộc, để có thể tiếp tục nối dài tiếng chiêng tới thế hệ tương lai sau này”.

Còn em K’ra Jan Tuy, ở đội chiêng nhí nam cho biết: “Em học được 2 bài cồng chiêng. Các ông dạy rất dễ hiểu. Em sẽ cố gắng học để biết thêm nhiều bài chiêng nữa, để tiếng chiêng được nối dài và vang xa”.

23-10-23-nghe-nhan-uu-tu-k-chung-ngoai-cung-ben-phai-huong-dan-doi-chieng-nu-luyen-tap.png
Nghệ nhân ưu tú K’Chung
hướng dẫn đội chiêng nữ luyện tập

Vui và tự hào, khi nhìn thấy được những viên ngọc thô trong đá, thấy được tiềm năng cũng như thế mạnh của lớp măng non hiện nay, hai Nghệ nhân Ưu tú K’Chung, Nghệ nhân Ưu tú K’Bes dù đều ở tuổi 77 song vẫn luôn dành cho lớp trẻ tại địa phương một sự quan tâm thật đặc biệt.

Các nghệ nhân không chỉ là người truyền lửa đam mê cồng, chiêng, tích cực truyền dạy mà còn cổ vũ, động viên lớp trẻ phải biết gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc mình. Để tiếng chiêng mãi reo vui bên ánh lửa bập bùng cùng với những vòng xoay đong đưa, gọi mời.

Nghệ nhân Ưu tú K’Chung chia sẻ: “Năm 2012, tôi cùng Nghệ nhân Ưu tú K’Bes đã truyền dạy cho 6 -7 đội, ở Trung tâm văn hóa huyện Lâm Hà. Tiếp tục các năm 2013-2014, tôi về Đắk Rông dạy tiếp 3 đội, về trường nội trú 2 đội và hôm nay là 3-4 đội nữa. Tôi rất cảm ơn Đảng, Nhà nước đã vì tương lai của con cháu giữ gìn và tạo điều kiện để văn hóa cồng chiêng mãi trường tồn”.

Theo kế hoạch đề ra, các lớp sẽ học tối đa là 25 buổi, vào ban đêm. Nhưng trên thực tế, các em rất yêu thích cồng chiêng và đam mê tập luyện, nên các nghệ nhân đã thống nhất, bố trí thêm thời gian để dạy cho các em, đến nay là hơn 45 ngày.

Hy vọng rằng, đội chiêng nhí bên dòng sông Đa Đờng sẽ là vốn quý và làm lan tỏa được bản sắc văn hóa của dân tộc K’Ho.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO