Văn hóa

Độc đáo trang phục của người Dao Tiền

Hải Thanh 11/11/2023 - 16:37

Trang phục của phụ nữ các dân tộc ở Việt Nam được tạo nên nhờ sự đa dạng về kỹ thuật và mang đậm những dấu ấn văn hóa truyền thống. Nếu như ở một số dân tộc, các hoa văn trên trang phục thường được tạo nên từ kỹ thuật dệt, thêu, đáp vải... thì với phụ nữ dân tộc Dao Tiền (huyện Nguyên Bình, Cao Bằng) lại có thêm cách trang trí trên vải khá độc đáo.

Kỹ thuật vẽ sáp ong

Quy trình vẽ sáp ong đòi hỏi người làm phải có sự kế thừa và sáng tạo, kết hợp cùng sự khéo léo, kiên trì. Từ khâu chọn vải, là vải, xử lý sáp ong, vẽ hoa văn hay làm thế nào để hoa văn xuất hiện trên nền vải chàm đều phải được thực hiện một cách tuần tự và tỉ mỉ. Những công việc này chủ yếu do người phụ nữ đảm nhiệm, họ giống như người “nghệ sỹ” bỏ tâm sức để hàng ngày, hàng giờ làm đẹp cho sản phẩm và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống độc đáo.

z4869417906252_8d2dd3af97695b1f499e3dce97c63d75.jpg
Sáp ong được đun nóng chảy.

Tập tục khai thác mật ở hang ong khoái và kỹ thuật in sáp ong chính là hồn cốt trong đời sống, tín ngưỡng của cộng đồng người Dao Tiền ở Hoài Khao. Trải qua bao năm tháng, bà con ở nơi này vẫn giữ được tập tục cùng nhau đi thu hoạch mật ong khoái. Và điều đặc biệt hơn cả là họ luôn đợi đến mùa ong bay đi hết rồi đến lấy tổ về nấu lấy sáp.

Bắt đầu từ năm 12-13 tuổi, những bé gái ở Hoài Khao đã bắt đầu được mẹ, được bà dạy cho cách in hoa văn trên vải bằng sáp ong để tự chuẩn bị trang phục cho mình. Mỗi người phụ nữ thường có từ 10 đến 20 bộ váy để mặc trong các dịp lễ hội, lễ cấp sắc, ngày cưới xin… Bởi vậy mọi phụ nữ Dao Tiền ở Hoài Khao đều thành thạo kỹ thuật in hoa văn bằng sáp ong.

Tấm vải phải được là phẳng trước khi vẽ để sáp ong ngấm đều và đẹp, không bị loang trong quá trình vẽ. Người phụ nữ dân tộc Dao Tiền trải tấm vải trên một mặt phẳng, dùng miếng đá phẳng mịn cả hai mặt để là, miết thật nhẵn và láng bóng miếng vải. Xưa kia họ dùng nanh lợn rừng để là vải.

z4869403057251_146d165bd2deeb73c16049a1e80bd73d.jpg
Dụng cụ để vẽ sáp ong lên vải.

Sáp ong chỉ có thể dùng để vẽ khi ở trạng thái nóng chảy. Sáp ong phải có độ loãng vừa phải, nếu loãng quá thì khi vẽ hoa văn lên vải sẽ bị nhòe, còn đặc quá sáp khi vẽ sẽ không ăn vào vải.

Phụ nữ dân tộc Dao Tiền ở xã Hoài Khao, huyện Nguyên Bình, Cao Bằng sử dụng các ống tre (Hào moóng) có đường kính to nhỏ khác nhau từ 1,5cm đến 2cm để vẽ các hình tròn của hoa văn. Từ xưa đến nay, hoa văn trên chiếc váy truyền thống của phụ nữ Dao Tiền luôn đồng nhất, không thay đổi. Các hoa văn đồng tiền (Chun thốp), đồi núi (Chùn chủn), đường đi (Chùn cheo)… thể hiện niềm mong ước của dân tộc Dao Tiền về sự thịnh vượng, mong muốn một cuộc sống no đủ, tốt đẹp.

z4869396162188_060e6ba95c1ba0719fbc26d7f15e1bd2.jpg
Những nét hoa văn được người phụ nữ Dao Tiền vẽ bằng sáp ong.

Để vẽ các đoạn thẳng và góc, phụ nữ dân tộc Dao Tiền sử dụng các dụng cụ bằng tre vót mỏng, hơ trên lửa để uốn thành hình tam giác (Goèe). Họ thường làm 5-10 Goèe có kích thước từ 1- 5cm để tạo các hoa văn khác nhau.

Mỗi khi vẽ, những người phụ nữ chấm bút vào sáp ong nóng chảy. Khi nhấc bút lên, cần cầm ở tư thế ngòi bút nằm song song với bề mặt đất để sáp ong không chảy ra. Khi vẽ, nghiêng dần ngòi bút cho đến khi sáp ong chảy hết để thể hiện hoa văn theo ý muốn và lặp lại quy trình chấm sáp ong để vẽ.

Sáp ong đã chấm và vẽ lên vải sẽ khó hoặc không chỉnh sửa được, vì thế để có một chiếc váy đẹp, các bước vẽ hoa văn sáp ong đòi hỏi sự tỉ mỉ và chính xác cao.

Sau khi hoàn tất việc vẽ trên từng tấm vải, người ta đem vải đi nhuộm chàm. Nhuộm xong sẽ phơi nắng cho khô và nhuộm nhiều lần như vậy cho đến khi tấm vải lên màu đẹp. Khi nhuộm chỉ dùng tay nhúng miếng vải lên xuống chứ không được vò hay làm nát miếng vải vì sẽ gãy sáp ong. Không được phơi dưới trời nắng gắt vì sẽ làm sáp ong tan chảy và cũng không được phơi chỗ nhiều gió, vì gió lùa qua có thể màu chàm sẽ bị thấm vào hoa văn sáp ong làm hỏng, gãy sáp ong.

z4869392504752_676663c742f0d19bea3f585962545111.jpg
Hoa văn trên chiếc váy thể hiện mong muốn một cuộc sống no đủ, tốt đẹp.

Bản sắc riêng không trộn lẫn

Một trong những điểm nhấn tạo nên dấu ấn riêng biệt của người Dao Tiền (Cao Bằng) đó là trang phục. Tuy không rực rỡ nhưng trang phục dân tộc Dao Tiền nhã nhặn, tinh tế và ẩn chứa nhiều giá trị văn hóa đặc sắc. Khác với người Dao Đỏ hoạ tiết trong trang phục chủ yếu là màu đỏ thì người Dao Tiền màu sắc chủ đạo là màu chàm và màu trắng rất hài hòa.

Chiếc váy truyền thống của phụ nữ dân tộc Dao Tiền được khâu từ 4 mảnh vải, ghép với nhau tạo nên chiếc váy 1 lớp, khi mặc kết hợp với áo dài tay và dây lưng. Váy không kéo cao mà được mặc ngang hông, thắt dây phía sau lưng để tôn lên vẻ đẹp của vòng eo người phụ nữ.

Chị Bàn Thị Liên (xã Hoài Khao, huyện Nguyên Bình) chia sẻ: Các bé gái được mẹ truyền dạy cách thêu, dệt vải, vẽ hoa văn trên trang phục từ nhỏ. Đơn giản vì phải biết vẽ hoa văn, biết thêu mới có váy, áo để mặc trong các dịp lễ hội và thường ngày. Cứ như vậy, đời này qua đời khác, các sản phẩm mang đậm nét văn hóa đặc trưng được trao truyền cho các thế hệ kế tiếp.

z4869424253273_0605df7c6dd2b87bab2376c849dbe430.jpg
Phụ nữ Dao Tiền tỉ mẩn trong từng công đoạn làm trang phục.

Một bộ trang phục hoàn chỉnh của người Dao Tiền gồm: Áo, yếm, xà cạp, dây lưng, khăn vấn đầu, váy dài cùng đồ trang sức vàng bạc. Phụ nữ Dao Tiền rất thích trang sức, chủ yếu là các đồng bạc trắng hay kim loại, vòng bạc trắng được dùng để trang trí, làm các khuy bạc có đường kính từ 6 đến 7cm đính nổi bật ở trên áo chàm.

Tên gọi Dao Tiền xuất phát từ việc ở cổ áo có đính 6 đến 12 đồng tiền bạc, tượng trưng cho vía của thần Ðế Mẫu, vị thần đã có công che chở, nâng đỡ cho người Dao Tiền từ khi còn là bào thai trong bụng mẹ cho đến khi trở về với tổ tiên. Cả bộ trang sức có khi nặng đến vài ki-lô-gam.

Phải mất đến 6 tháng tới 1 năm để có thể hoàn thành một bộ trang phục truyền thống của người phụ nữ Dao Tiền theo lối thủ công. Kỹ thuật chấm sáp ong trên vải được những người phụ nữ khẳng định “không quá phức tạp”, nhưng để có được độ sắc nét, không nhòe, đều mịn lại phụ thuộc rất nhiều vào sự kiên nhẫn cũng như hoa tay của mỗi người.

z4869392488789_42d5671c50db6ad47119b7dbb40fa58c(1).jpg
Chị Lý Thị Hương và Bàn Thị Liên luôn tự hào với trang phục dân tộc Dao Tiền.

Chị Lý Thị Hương (xã Hoài Khao, huyện Nguyên Bình" cho biết: “Phụ nữ Dao Tiền rất thích mặc trang phục truyền thống, mỗi khi có dịp lễ, Tết, đám cưới, phụ nữ Dao Tiền đều chuẩn bị trang phục thật đẹp. Tôi cũng rất tự hào khi khoác lên mình trang phục truyền thống của dân tộc mình”.

Bộ trang phục của người phụ nữ Dao Tiền đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo và kiên nhẫn và được nhiều nghệ nhân gìn giữ và truyền dạy. Giá trị văn hóa trên bộ trang phục của họ là một nét riêng không trộn lẫn với bất kì dân tộc nào. Nền của những bộ trang phục với hoa văn độc đáo là sắc chàm xanh thắm, tuy mộc mạc nhưng chứa đựng bên trong là câu chuyện về bí quyết nhuộm chàm, về văn hóa bản địa và gốc rễ, cội nguồn của mỗi dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO