Văn hóa

Độc đáo tết sớm của người Mông

T.Thành - N.Dương 22/12/2023 - 14:44

Trong 54 dân tộc Việt Nam, người Mông là một trong số những dân tộc còn bảo tồn và duy trì được nhiều phong tục, sinh hoạt văn hóa hết sức đặc sắc, trong đó có tục ăn tết sớm. Cứ đến khoảng cuối tháng 11 âm lịch, khi những bắp ngô trên gác bếp đã khô, lúa đã đóng cẩn thận vào bồ, hoa mận hoa đào ngoài vườn bắt đầu bung cánh thì cũng là lúc người Mông bắt đầu ăn tết.

Thành kính tổ tiên, tri ân các vị thần

Trong một vài năm trở lại đây, phần lớn người Mông đều tổ chức ăn Tết Nguyên đán như người Kinh, song ở không ít địa phương, đồng bào vẫn duy trì tục ăn tết sớm, theo cách tính lịch riêng của họ. Thông thường thì việc ăn tết này diễn ra trước Tết Nguyên đán chừng một tháng. Đây được coi là một trong những nét đẹp văn hoá riêng có của dân tộc này.

anh-bai-doc-dao-tet-som-cua-nguoi-mong-1.jpg
Bà Sùng A Súa: “Tục ăn tết sớm của người Mông có từ rất lâu đời”

Ngay từ cuối tháng 11, đầu tháng 12 âm lịch, khi ngang qua các tỉnh phía Bắc như Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang... người ta đã có thể bắt gặp không khí tết tràn ngập khắp các bản Mông. Lúc này, ngoài việc vỗ béo lợn gà, dọn dẹp sửa sang nhà cửa các chàng trai còn tập trung vào việc kiếm củi để dùng trong những ngày tết. Phụ nữ cũng chuẩn bị cho mình những bộ váy áo rực rỡ sắc màu, cùng những vòng tay, vòng cổ đẹp nhất để diện cho những ngày tết.

Trước tết hàng tháng trời, đàn ông Mông đã lên rừng chọn cây tre thật già, chặt về phục vụ cho việc nấu rượu. Rượu ngô được trưng cất từ một loại ngô của địa phương, men dùng để nấu được làm từ các loại lá cây do người già lấy từ rừng về. Đối với dân tộc Mông, rượu không chỉ để dùng cho việc nhà, làm quà cho anh em mà rượu còn làm hàng hóa.

Xuất phát từ quan niệm các dụng cụ cũng như con người, cần phải được nghỉ ngơi thế nên từ trước tết cả tuần, người Mông đã mang cày, quốc, xẻng… ra rửa sạch sẽ rồi đem vào để cạnh bàn thờ. Đối với bễ lò rèn, họ cũng làm lễ đóng lò, cối xay ngô cũng được tháo ra, dán một tờ giấy bản lên rồi làm lễ với gà, bánh ngô, rượu. Tối tất niên, ngoài làm cơm cúng tổ tiên, các gia đình đều nấu cháo để sáng mùng một cho trâu bò lợn gà ăn bởi họ nghĩ rằng chúng quanh năm cày kéo, vất vả thì cũng được quyền... ăn tết như người.

Ngày tết, trong nhà người Mông thường không trang trí cầu kỳ, nhưng từ trước tết gia đình nào cũng chọn mua những tờ giấy bạc. Đến chiều 30 tết, người chủ gia đình tự tay cắt thành những đồng tiền bạc sau đó dùng vỏ cây nhớt được lấy từ trong rừng về để dán những đồng tiền bạc lên cột, cửa nhà, các vật dụng hàng ngày và cả nơi chăn nuôi. Người Mông quan niện đó là vàng là bạc là tiền cầu phúc cho gia đình một năm mới với mùa màng bội thu, sung túc và phồn thịnh.

Trước khi đón mừng thời khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới, hầu hết các gia đình người Mông đều quét bồ hóng. Công việc này xuất phát từ quan niệm, quét bồ hóng là quét đi những điều xấu xa, rủi ro, bệnh tật trong năm cũ, đồng thời cầu mong năm mới sẽ gặp nhiều may mắn, nhiều tiền lộc, của cải, gia đình khỏe mạnh và hạnh phúc. Sau thời khắc giao thừa, người Mông rất hạn chế việc quét nhà. Nếu có quét, người ta chỉ quét vào trong và không hót đổ đi, vì làm như vậy năm mới sẽ thất bát, của cải sẽ “đội nón ra đi”.

img_4990.jpg
Đêm 30 tết, ngoài mâm cỗ cúng gia tiên, người Mông còn làm nhiều nghi lễ để dâng đồ cúng các loại ma và các vị thần

Đêm 30 tết, ngoài mâm cỗ cúng gia tiên, người Mông còn làm nhiều nghi lễ để dâng đồ cúng các loại ma và các vị thần. “Đối với dân tộc này thì Xử, Ka, Lò, De được coi là 4 vị thần quan trọng nhất mà bất kỳ gia đình nào cũng phải thờ, “dù sinh sống ở đâu nếu không thờ cúng Xử Ka Lò De thì không phải người Mông”. Vì vậy, mỗi dịp Tết đến các gia đình thường dán lại giấy tại bàn thờ Xử Ka Lò De để cầu mong năm mới gia đình sẽ được các vị thần che chở, phù hộ”, bà Sùng A Súa, ở Sa Pa, Lào Cai chia sẻ.

Cũng theo bà Súa thì trong lễ cúng Xử Ka, chủ nhà sẽ cầm một con gà trống để cầu khấn và tung quẻ âm dương bằng sừng trâu chẻ làm đôi để biết xem các vị thần đã đồng ý nhận đồ dâng lễ chưa. Nếu hai bên sừng trâu ngửa là các thần chưa đồng ý nhận, nếu bên ngửa bên úp thì các thần đã đồng ý nhưng chưa muốn nhận, nếu cả 2 bên đều úp là khi đó các thần đã đồng ý và nhận đồ lễ.

Tiếp theo đó, gà trống được mang ra mổ, chủ nhà sẽ lấy ít lông gà để dán lên mảnh giấy mới trên bàn thờ Xử Ka. Gà được luộc chín sẽ bày lên mâm cùng 2 chén rượu, 1 đôi đũa dâng lên mời các vị thần về “thụ lộc”, phù hộ cho con cháu khỏe mạnh, trông giữ nhà cửa không để tránh ma tà và những điều xấu xa trong năm mới.

Sáng sớm ngày mồng 1 Tết, người Mông thường có tục đi lấy nước đầu năm. Và công việc này thường được giao cho người đàn ông giữ vai trò là chủ nhà, trụ cột trong gia đình. Khi đi, người ta sẽ mang theo 3 thẻ hương và một tập giấy dó (hoặc tiền âm phủ) để làm một cái lễ nhỏ, khấn vái thần sông thần suối để xin nước rước lộc về nhà.

Khi chủ nhà lấy nước lộc về nhà, đồng bào người Mông sẽ tiến hành cân nước. Chủ nhà sẽ rót đầy nước lộc và nước năm cũ vào 2 cái bát bằng nhau và bắt đầu cân từng bát một. Đồng bào Mông quan niệm rằng, nếu như bát nước lộc nặng hơn thì năm mới sẽ có nhiều mưa gió hơn năm cũ, nếu nhẹ hơn thì thời tiết sẽ hạn hán, thiếu nước so với năm cũ. Từ đó, sau khi cân nước, đồng bào sẽ chuẩn bị những giải pháp để phòng chống lại với những thiên tai không mong muốn trong năm mới.

Xây đắp tình đoàn kết

Trong số các tỉnh phía Bắc, Điện Biên là tỉnh có đông đảo đồng bào Mông sinh sống. Chính vì thế mà dân tộc này vẫn còn giữ được nhiều truyền thống văn hóa tiêu biểu, được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Không những thế, vào năm 2015, “Tết Nào Pê Chầu của người Mông đen tỉnh Điện Biên” còn vinh dự được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Cũng giống như đồng bào Mông ở nhiều địa phương khác, từ nhiều năm nay, đồng bào Mông ở Pú Súa, xã Ẳng Cang, huyện Mường Ảng vẫn giữ được truyền thống ăn tết sớm. Theo người già ở Mường Ảnh thì Tết Nào Pê Chầu hay còn gọi là Nào chía pê chầu, trong đó “Nào” có nghĩa là ăn, “chía” là tết, “pê chầu” là ngày 30. Nào chía pê chầu là ăn Tết ngày 30, là ngày diễn ra các nghi lễ chính để bước sang một năm mới và được hiểu là ăn Tết chính, Tết cổ truyền của người Mông.

img_4926-1-.jpg
Giã bánh dày đón Tết

Tết này thường không cố định vào một ngày cụ thể, mà là do Hội đồng già làng trưởng bản ấn định, trên cơ sở giao thời mùa vụ giữa năm cũ và năm mới, lúc mùa vụ thu hoạch xong, thời tiết thuận lợi. Vì vậy, Tết chính của người Mông dựa vào thiên thời, địa lợi, nhân hòa để ấn định, từng bản, từng vùng có thể ăn Tết vào những ngày khác nhau trong khoảng thời gian đó.

Trước đây, Tết Nào pê chầu chỉ diễn ra với quy mô nhỏ theo từng thôn, bản, địa phương, nhưng đến nay, Tết diễn ra hàng năm tại bản Nậm Pọng và phổ biến tại các bản của người Mông, từ 3 – 5 ngày để mọi người được nghỉ ngơi, vui chơi thỏa thích.

Để chuẩn bị cho Tết Nào pê chầu, các gia đình phải có đủ các đồ lễ như lợn, gà, bánh dày, hương, giấy dó. Lợn thường được các gia đình nuôi từ đầu năm, đến Tết mới thịt. Gà, đặc biệt là gà trống, là vật dâng cúng chính trong các nghi lễ ngày Tết của người Mông.

Người Mông quan niệm và tin rằng con gà là giống vật thiêng, có khả năng trừ ma và sai khiến được cả hồn người, hồn trâu, bò, lợn, hồn thóc lúa... Còn bánh dày, tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời, là vũ trụ, là nguồn gốc sinh ra con người và muôn loài trên trái đất, được làm từ gạo nếp nương, không bị pha tạp, dùng để cúng, ăn trong Tết và làm quà biếu.

Hương thắp được đồng bào làm từ loại cây rừng có tên là lộng xeng. Giấy dó được làm từ cây giang bánh tẻ, dùng để trang trí nhà cửa, dán lên bàn thờ xử ca, làm tiền âm phủ đốt trong nghi lễ.

“Khoảng từ ngày 25 Tết (theo lịch Mông-PV), các gia đình bắt đầu mổ lợn để làm lý tạ ơn tổ tiên, trời đất đã phù hộ cho dân bản có sức khỏe tốt, mùa màng bội thu và mọi điều may mắn trong năm qua: một phần để dâng cúng, một phần đem sấy treo gác bếp, thịt mỡ ngâm muối làm thực phẩm ăn lâu dài, một phần mời anh em họ hàng đến ăn mừng cùng gia đình”, ông Giàng Chờ Tủa, ở Nậm Vì, Mường Nhé, Điện Biên chia sẻ.

anh-bai-doc-dao-tet-som-cua-nguoi-mong-2.jpg
Ông Giàng Chờ Tủa: “Trong mâm cỗ ngày Tết của người Mông không thể thiếu bánh dày”

Cùng với việc tổ chức làm lễ tạ ơn tổ tiên, từ ngày 27 đến ngày 29 Tết, tại nhà thầy Mo tiến hành làm lễ “thả âm binh” (ua nênh tro khua) về ăn Tết với gia đình hoặc đi rong chơi ngày Tết. Nhà thầy Mo ngoài việc dán giấy dó, trang trí dải đỏ như mọi nhà còn treo một đoạn dây thừng được dắt 4 thanh kiếm màu trắng, cạnh đó còn treo một ống tre đựng nước được phủ giấy dó với mục đích để ngăn chặn những điều xấu trong năm mới, đem lại những điều tốt và bảo vệ mọi thành viên trong nhà được mạnh khỏe, gặp nhiều may mắn. Những thanh kiếm và ống nước đó được treo cả năm trong nhà, đợi đến Tết năm sau mới thay.

Cũng theo ông Tủa, trong mâm cỗ ngày Tết của người Mông, có ba món không thể thiếu đó là thịt, rượu ngô và bánh dày. Người Mông quan niện bánh dày tượng trưng cho mặt trời, mặt trăng, là nguồn gốc sinh ra con người và muôn loài trên trái đất. Vì thế bánh dày được làm rất công phu, nguyên liệu chính là gạo nương thơm đem đi nấu xôi sao cho thật dẻo rồi mang ra máng rồi dùng chày để giã.

img_4960(1).jpg
Dâng bánh lên tổ tiên

Việc giã bánh cũng được người ta làm hết sức cầu kỳ. Người giã phải là những chàng trai khỏe mạnh, giã đều tay để sao cho bánh vừa nhuyễn và vừa dẻo. Sau khi giã xong, chủ nhà sẽ nắn hai chiếc bánh thật to, đẹp đặt vào tàu lá chuối rồi trịnh trọng đưa lên bàn thờ...

Hiện nay, tuy cuộc sống của người Mông tại các tỉnh miền Bắc đã có sự thay đổi, nhưng ăn tết sớm, Nào pê chầu vẫn là những món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tâm linh của đồng bào. Đây không chỉ là dịp để các gia đình nghỉ ngơi, đoàn tụ, giao lưu văn nghệ, cùng nhau ôn lại và trao đổi kinh nghiệm sau một năm lao động sản xuất vất vả mà còn góp phần tô đậm thêm tình đoàn kết trong cộng đồng xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO