Văn hóa

Độc đáo nghề gốm ở Yang Tao

Lê Hiếu 03/10/2023 - 08:03

Buôn Dơng Bắk, xã Yang Tao, huyện Lắk (Đắk Lắk) - vùng đất tụ cư của người đồng bào dân tộc M’nông R’lăm, nơi đây còn lưu giữ nghề gốm thủ công truyền thống. Dù theo thời gian, nghề truyền thống này không còn phát triển mạnh, nhưng bằng tâm huyết và “bí quyết” lưu truyền qua nhiều đời, các nghệ nhân nơi đây vẫn duy trì và tạo nét riêng cho nghề gốm của họ mà chẳng nơi nào có được.

Chẳng ai biết cụ thể nghề gốm ở Buôn Dơng Bắk, xã Yang Tao có tự bao giờ và ai là người đầu tiên khai sinh nghề gốm. Chỉ biết, với 90% dân số là người M’nông R’lăm, từ xa xưa, xã Yang Tao đã nổi tiếng với nghề làm gốm truyền thống này. Cứ thế, đời này qua đời khác, nghề gốm cổ của người M’nông R’lăm vẫn lưu truyền và giữ được nét đặc trưng riêng, mang đậm dấu ấn bản sắc văn hóa dân tộc.

Điều độc đáo trong chế tác gốm của người M’nông R’lăm là cách làm gốm “nguyên thuỷ”, phản ánh đời sống tự cung tự cấp của người đồng bào, từ đó cho ra vẻ đẹp “nguyên bản” của cái nghề được làm từ hàng trăm năm trước khi công nghiệp hiện đại xuất hiện.

doc-dao-nghe-lam-gom-o-dak-lak.-hinh-1(1).jpg
Nghệ nhân vẽ lên sản phẩm hoa văn, họa tiết đơn giản, mộc mạc như chính con người nơi đây.

Theo lời kể của người M’nông R’lăm, Yang Tao ở cuối nguồn con sông Mẹ - sông Krông Ana phía đông bắc, trước khi hợp lưu cùng sông Cha - sông Krông Nô thành dòng Sêrêpốk hùng vĩ đổ ngược về phía tây. Nơi đây đất đai khá trù phú nhưng quan trọng là dọc sâu các bãi bồi luôn có các vỉa đất sét dẻo mịn.

Đồng bào M’nông R’lăm đã tận dụng đất sét nơi đây để làm những vật dụng cần thiết không chỉ để phục vụ cho nhu cầu trong gia đình, mà còn trao đổi với những vùng lân cận. Thời ấy, phụ nữ M’nông R’lăm hầu như ai cũng biết làm đồ gốm. Đồ gốm được làm nhiều nhất là chén, bát, ấm, ché, chum, nồi chảo rồi mang đến các buôn khác để trao đổi lấy gạo, lúa, gà hay heo...

Gốm Yang Tao được chế tác hoàn toàn thủ công, nguyên liệu (đất sét) và công cụ làm gốm cũng là những thứ có sẵn ở buôn. Đất sét sau khi lấy về được loại sạch tạp chất, nghệ nhân giã nhuyễn rồi tiến hành chế tác các sản phẩm gốm bằng tay.

Người M’Nông ở Yang Tao không dùng bàn xoay như những làng gốm khác mà đặt đất sét lên một khúc gỗ lớn, nghệ nhân di chuyển vòng tròn xung quanh và sử dụng thanh tre vót mỏng, miếng vải ướt và vòng tre để tạo dáng cho gốm. Đây được xem là công đoạn khó nhất trong quá trình làm gốm, bởi nó hoàn toàn dựa trên đôi bàn tay khéo léo của nghệ nhân mà không cần một thiết bị máy móc nào hỗ trợ.

Sau khi nặn xong sản phẩm gốm, chờ khô đến độ nhất định, nghệ nhân sử dụng que tre, que củi, lông nhím,… để vẽ lên đó hoa văn, họa tiết trang trí đơn giản như vòng tròn hay cỏ cây hoa lá cách điệu.

doc-dao-nghe-lam-gom-o-dak-lak.-hinh-2.jpg
Sản phẩm gốm do người M’nông R’lăm làm ra gây được sự chú ý của nhiều du khách trong và ngoài nước.

Chờ cho sản phẩm khô thêm, nghệ nhân sẽ dùng đá cuội chà xát liên tục lên bề mặt của sản phẩm để tạo độ bóng và láng. Sau khi sản phẩm được đánh bóng và phơi khô trong bóng râm sẽ tiến hành nung.

Người M’nông R’lăm nung gốm lộ thiên, không có lò. Các sản phẩm được đặt trên nền đất trống, theo quy tắc vật nhỏ xếp phía trong, vật lớn xếp xung quanh phía ngoài, bên dưới là lớp củi khô. Sau khi nung chín, gốm được vùi ngay vào vỏ trấu. Vỏ trấu cháy tạo khói, khói này ám vào gốm làm đen gốm.

Do sản phẩm được đánh bóng kỹ ở công đoạn trước trước (dùng đá cuội chà xát) nên khi ám khói sẽ tạo màu đen bóng tự nhiên, nhìn giống như kim loại. Đây chính là đặc trưng và khác biệt của gốm Yang Tao.

Dù trải qua nhiều thăng trầm nhưng ghề gốm cổ của người M’nông R’lăm vẫn mãi là niềm tự hào của đồng bào nơi đây. Chính vẻ đẹp mộc mạc, kỹ thuật chế tác thô sơ đã làm cho các sản phẩm gốm trở nên độc đáo và giá trị, không những thể hiện sự kết nối sâu sắc với văn hoá và môi trường tự nhiên của người dân Yang Tao mà còn đóng góp vào sự đa dạng về văn hoá của Đắk Lắk nói riêng và Việt Nam nói chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO