Đan võng từ vỏ cây ngô đồng ở đảo Cù Lao Chàm xã Tân Hiệp, (TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam) là một nghề thủ công đặc trưng, biểu hiện cho nét văn hóa độc đáo lâu đời của người dân xã đảo.
Võng ngô đồng Cù Lao Chàm được nhiều người coi là chiếc võng kỳ công, sản phẩm thủ công độc đáo, bởi sự công phu, tỉ mỉ, nhẫn nại mà người đan đặt vào từ từng khâu chuẩn bị nguyên liệu, từng sợi võng và công sức để cho ra một sản phẩm kỳ công độc đáo.
Là người gắn bó với nghề đan võng ngô đồng, bà Lê Thị Kề, ở thôn Bãi Làng (đảo Cù Lao Chàm) cho biết, quê gốc của bà ở trong đất liền gần phố cổ Hội An, năm 1962, bà lấy chồng ở xứ Cù Lao Chàm và từ đó sinh sống ở đây. Năm 1969, bà bắt đầu làm quen với nghề đan võng ngô đồng, qua sự chỉ dạy tận tình của mẹ chồng.
Theo bà Kề, cây ngô đồng mọc nhiều trên những triền núi gần bãi biển ở đảo Cù Lao Chàm. Từ tháng 4 đến tháng 7 là mùa cây ngô đồng có hoa nở rộ. Đây cũng là thời điểm người dân trên đảo đi chọn vỏ những cây ngô đồng làm nguyên liệu đan võng. Vỏ cây ngô đồng dùng làm võng phải là cây suôn, thẳng mới cho ra sợi suôn, mềm, dai và chịu lực tốt.
Khi đã chọn được cây, người dân khai thác bằng cách chỉ chặt ngang mặt gốc để cây còn nứt chồi lên phát triển sinh sống trở lại. Sau đó đập tước phần vỏ, ngâm và chần đá cẩn thận ở các khe nước. Mùa hè thì ngâm nửa tháng, mùa đông hơn 20 ngày. Khi ngâm, không được để vỏ cây nổi lên sẽ bị thâm.
Khoảng hơn 1 tháng sau sẽ vớt vỏ cây ngô đồng đã ngâm đem về tách chọn lớp vỏ bên trong có màu trắng đục. Lớp vỏ bên trong được gọi là mảnh sợi ngô đồng, sau đó tiếp tục tước từng sợi nhỏ, phơi khô cho đến khi có màu trắng tinh thì mới có thể bắt tay vào đan võng. Sợi càng mỏng thì đan võng càng chặt. Mỗi chiếc võng ngô đồng đan ít nhất hơn 2 tháng, hoàn toàn bằng thủ công.
Chị Phạm Thị Lệ, ở đảo Cù Lao Chàm cho biết, sáng chị bán hàng lưu niệm cho khách du lịch trên cảng, chiều chị học nghề, bắt đầu từ thao tác tước bó ngô đồng thành dây nhỏ, mỏng để xé sợi và đan võng. “Khi học thành thạo, vào thời gian rảnh tôi đan sợi cây ngô đồng thành võng, túi xách, quà lưu niệm bán cho du khách, kiếm tiền trang trải cuộc sống” - chị Lệ nói.
Ông Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp cho biết: Năm 2023, chính quyền xã sau khi hoàn chỉnh hồ sơ về nghề đan võng ngô đồng, được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh công nhận nghề đan võng ngô đồng là làng nghề truyền thống ở địa phương. Thời gian qua, chính quyền xã đẩy mạnh việc phát triển làng nghề đan võng ngô đồng và quảng bá tới du khách. Hiện nay sản phẩm võng ngô đồng cơ bản đáp ứng được nhu cầu thị trường, giá bán mỗi chiếc võng ngô đồng từ 6 - 10 triệu đồng.
Được biết, hiện nay trên địa bàn xã Tân Hiệp có nhiều cơ sở đan võng ngô đồng, trong đó có 6 cụ bà làm nghề này. Để duy trì và phát triển nghề, chính quyền địa phương đã mở những lớp học đan võng, mỗi lớp học có khoảng 7 người tham gia để truyền nghề, đồng thời đa dạng sản phẩm thủ công và tạo không gian cho du khách trải nghiệm khi đến đảo Cù Lao Chàm.
Ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết: nghề đan võng ngô đồng đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và sẽ được tổ chức công bố chính thức vào dịp kỷ niệm 15 năm Khu Dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm được công nhận vào tháng 5 tới. Việc công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với nghề đan võng ngô đồng là sự ghi nhận, tôn vinh nghề truyền thống, sự sáng tạo của cư dân địa phương trong việc tạo ra nghề và không ngừng đổi mới, sáng tạo, gìn giữ, lưu truyền, nhất là tạo nên những sản phẩm du lịch.