Văn hóa

Độc đáo múa trò Xuân Phả Xứ Thanh

Thanh Hải 01/03/2024 - 07:01

“Độc nhất vô nhị”, “độc đáo” là những từ ngữ đầy cảm xúc được dùng để mô tả về trò Xuân Phả. Với các trò diễn đặc sắc và giàu giá trị, vừa mang tính khuôn phép cung đình, vừa mang đậm yếu tố dân gian truyền thống, chính vì vậy, di sản này không chỉ là báu vật văn hóa xứ Thanh, mà đã trở thành viên ngọc quý trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc.

Sự kết tinh giữa nghệ thuật cung đình và trí tuệ dân gian

Về nguồn gốc của múa trò Xuân Phả, theo thần tích của làng cho biết: Trò diễn Xuân Phả có từ thời nhà Đinh, khi đất nước có giặc ngoại xâm, nhà vua cho sứ giả đi khắp nơi cầu bách linh, bách tính và hiền tài cùng đứng lên đánh giặc cứu nước. Khi quan quân đi đến bờ sông Chu, gần làng Xuân Phả thì trời tối và gặp mưa to, gió lớn. Sứ thần cùng đoàn tùy tùng phải trú ngụ trong ngôi miếu nhỏ ở ven sông.

Đêm đến, thần Thành hoàng làng Xuân Phả báo mộng bày cách đánh giặc. Sứ giả trong lòng vô cùng phấn khởi, vội quay về kinh đô đem chuyện báo mộng tâu với nhà vua. Nghe có lý, nhà vua lập tức thân hành cùng quan quân lên đường. Khi gặp giặc, nhà vua đã làm đúng như lời dặn của vị Thành hoàng làng. Quả nhiên giặc bị tiêu diệt, nhà vua chiến thắng trở về. Đất nước trở lại yên bình, nhà vua mở hội mừng công.

Trong ngày hội, các nước lân bang đã đến dự, vừa tỏ lòng khâm phục vua nước Đại Việt, vừa tỏ mối giao bang hòa hảo. Đặc biệt, các nước chư hầu, các bộ tộc đã mang theo nhiều điệu múa hát đặc sắc của dân tộc mình như “Chiêm Thành đồ tiến cống,” “Ai Lao đồ tiến cống,” “Hoa Lang đồ tiến cống”…

img_5390.jpg
Trò diễn Xuân Phả được coi là điệu múa gắn liền với nhiều mặt của lịch sử dân tộc và có vai trò quan trọng trong kho tàng diễn xướng vũ nhạc Việt Nam.

Trò Xuân Phả là tổ hợp của 5 trò diễn, gồm Hoa Lang, Chiêm Thành, Ai Lao, Ngô Quốc và Tú Huần (Lục Hồn Nhung). Truyền thuyết có phần thần bí về nguồn gốc phát tích trò diễn dường như cũng là một cách thức ẩn chứa những bí mật nào đó hay những giá trị tiềm ẩn, chưa được khám phá hết của trò diễn này.

Người dân làng Xuân Phả tin rằng, trò diễn được lưu giữ qua nhiều đời của làng có từ thế kỷ thứ IX, gắn với tích Thành hoàng làng giúp vua Đinh Tiên Hoàng dẹp loạn 12 xứ quân. Sau khi khải hoàn, vua cho tổ chức tế Thành hoàng và ban cho dân làng 5 điệu múa “Ngũ quốc lân bang đồ tiến công”.

Cũng vì vậy mà trong trò Xuân Phả có bóng dáng của nghệ thuật cung đình thời bấy giờ. Đó là nét tinh tế, nhuần nhị, lớp lang của các lớp trò, với tích truyện được kết cấu tương đối bền vững, đem đến cho người xem cảm hứng sâu sắc. Đồng thời, có sự kết hợp nhuần nhuyễn, đầy ý vị của các yếu tố âm nhạc, múa, hát và diễn (gồm cả người diễn và người xem).

Trò Hoa Lang là một điển hình. Trò gồm 1 chúa, 1 mế nàng, 2 lính hầu, 10 quân và 2 người điều khiển ngựa. Đạo cụ cầu kỳ, với cờ, roi, quạt, siêu đao, mái chèo. Các con trò vừa múa vừa hát theo nhịp thanh âm của trống, nạo bạt, mã la, mõ tre, lúc khoan thai, khi dồn dập. Lời hát thể hiện tình bang giao và “chúc mừng tuổi vua vạn niên/ ngai rồng ngự trị dân yên thái hòa”.

Bên cạnh đó, trang phục với màu sắc và hoa văn bắt mắt, xuất hiện biểu tượng linh vật tượng trưng cho phẩm cấp quan lại phong kiến cũng là tín hiệu của yếu tố cung đình trong trò diễn.

Trò Xuân Phả gồm có 5 điệu múa rất đặc biệt với tên gọi Hoa Lang, Chiêm Thành, Ai Lao, Ngô Quốc và Tú Huần (Lục Hồn Nhung) mỗi trò với những ý nghĩa khác nhau.

img_5375.jpg
Trò Lục Hồn Nhung với đạo cụ là sênh tre và mặt nạ đặc sắc.

Trò Hoa Lang tượng trưng cho người Cao Ly (Triều Tiên) tiến cống, với các nhân vật ông, cháu, mế nàng và mười quân. Trang phục gồm áo dài, đầu đội mũ cao da bò, tay trái cầm quạt, tay phải mái chèo, đeo mặt nạ cũng làm bằng da bò phết sơn trắng, mắt có lông công. Mũ Chúa được chạm rồng, chạm mặt nguyệt ở mũ Quân. Lời hát thể hiện tình bang giao, bên cạnh đó, trang phục với màu sắc và hoa văn bắt mắt, xuất hiện biểu tượng linh vật tượng trưng cho phẩm cấp quan lại phong kiến, cũng là tín hiệu của yếu tố cung đình trong trò diễn.

Trò Tú Huần tượng trưng cho người Thổ Hồn Nhung (Mông Cổ) tiến cống. Trò Tú Huần đầu đội mũ loóng làm từ tre, đeo mặt nạ gỗ miêu tả bà cố, mẹ và mười người con. Mũ tre đan như rế nồi úp ngược có lạt tre làm tóc bạc, đội trên miếng khăn vuông vải đỏ bịt đầu tóc. Mặt nạ gỗ sơn trắng vẽ mắt mồm màu đen rất “kinh dị”. Mặt bà cố nhăn nheo, mặt người mẹ thì già nua còn mười người con được chia thành năm cặp, mặt vẽ theo độ tuổi từ trẻ đến già với 1, 2,…5 cái răng tương xứng.

img_5384.jpg
Trong 5 trò thì có ba trò người diễn phải dùng mặt nạ, đó là trò Chiêm Thành, Hoa Lang và Lục Hồn Nhung

Trò Ai Lao tượng trưng người Thái - Lào tiến cống, gồm Chúa Lào, người hầu, lính bảo vệ (mười quân), voi và hổ nhảy múa theo tiếng xênh tre được gõ nhịp liên hồi, biểu trưng cho sức mạnh săn bắt nhưng cũng rất mềm mại, uyển chuyển. Chúa đầu đội mũ cánh chuồn, mặc áo chàm xanh. Quân lính đội mũ rễ si, quấn phá ngang vai, chân mang xà cạp và tay cầm xênh tre.

Trò Ngô Quốc tượng trưng người Ngô Việt (Trung Hoa) tiến cống, có hai nàng tiên, ông chúa và mười quân đầu đội nón lính, áo màu lam, tay cầm mái chèo. Đầu màn có xuất hiện nhân vật người bán thuốc, người bán kẹo và thày địa lý múa một đoạn ngẫu hứng rồi nhường chỗ cho các nàng tiên cùng chúa và đoàn quân đi ra. Màn diễn gồm các điệu múa quạt, múa khăn rồi múa mái chèo.

img_5392.jpg
Đặc trưng của trò Xuân Phả là nghệ nhân múa có những động tác phóng khoáng, thể hiện triết lý "trong nhu có cương, trong cương có nhu"

Trò Chiêm Thành tượng trưng người Champa tiến cống. Trong trò Chiêm Thành, ngoài chúa, quân còn có thêm nhân vật phỗng. Áo chúa bằng đậu, áo quân bằng lụa, đều nhuộm màu đỏ hồng và không thêu thùa hoa văn. Chúa và quân đều vấn khăn vuông đỏ thành hai sừng thẳng đứng trên đầu. Áo phỗng là cổ sòi, cổ xiêm quấn xung quanh mình.

Nhạc cụ dùng trong các trò múa Xuân Phả là những chiếc trống, thanh la, mõ hoặc xênh tre tạo thành những âm thanh vui nhộn. Những động tác khi múa lúc uyển chuyển, nhịp nhàng, khi lại mạnh mẽ tạo nên cao trào, đem đến cho khán giả cảm giác rộn ràng, đứng ngồi không yên...

Đặc trưng ở trò Xuân Phả là các vũ công nam có những động tác phóng khoáng, tay chân mở rộng, khỏe, thể hiện “trong nhu có cương, trong cương có nhu” với nhiều động tác múa, đội hình múa, tôn nên sắc thái văn hóa lúa nước, vẻ duyên dáng, tinh tế, kín đáo nhưng cũng rất mạnh mẽ của người Việt.

Với những giá trị nghệ thuật đặc sắc và hệ thống ngũ trò tương đối hoàn chỉnh, tháng 9-2016, trò Xuân Phả được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đây có thể xem là bước đệm để đưa trò Xuân Phả tiến lên nấc thang giá trị cao hơn, trở thành di sản văn hóa nhân loại. Đó cũng là mong mỏi của chính quyền, nhân dân cũng như những nghệ nhân đang hàng ngày tâm huyết giữ gìn và phát huy trò diễn Xuân Phả. Để rồi, hàng năm vào ngày 10 và 11-2 âm lịch từ mọi nẻo đường du khách gần xa và nhân dân xã Xuân Trường tạm gác lại công việc hàng ngày, mặc những bộ quần áo đẹp nhất nô nức đổ về sân nghè làng Xuân Phả để tham gia lễ hội trò Xuân Phả.

Lưu giữ, trao truyền cho thế hệ sau

Từ xưa, tên làng Xuân Phả đã nức tiếng xứ Thanh và còn vang tận ra nước ngoài, vì có lễ hội múa hát trò Xuân Phả. Ngoài biểu diễn tại lễ hội của làng, nhiều thập kỷ qua, các nghệ nhân múa trò Xuân Phả cũng lưu diễn ở nhiều nơi. Tham dự chương trình chuyển giao thiên niên kỷ tại Nhà hát Lớn Hà Nội; biểu diễn tại Festival Huế, Quảng Nam… Đặc biệt, trò Xuân Phả còn được biểu diễn tại Lễ hội Lam Kinh được tổ chức hàng năm tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh.

4-cde-916517.jpg
Nghệ nhân ưu tú Bùi Văn Hùng. Ảnh: Nguyễn Hải

Dành cả cuộc đời với từng trò diễn, Nghệ nhân ưu tú Bùi Văn Hùng ở xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân được xem là người còn nắm giữ đầy đủ nhất những kiến thức về trò Xuân Phả, cho biết: “Năm 1990, Nhà nước có chính sách phục hưng văn hoá dân tộc, xã Xuân Trường khi này mới bắt đầu khôi phục trò diễn Xuân Phả. Tôi là một trong số 20 thanh niên đầu tiên được các cụ trong làng lựa chọn để truyền dạy. Vào thời điểm đó, trong làng chỉ còn 4, 5 cụ còn đủ sức khoẻ để truyền dạy lại các trò trong Xuân Phả.

Ngoài lắng nghe, mình còn ghi chép tỷ mỷ những lời truyền dạy của các cụ. Những ghi chép đó lại có dịp so sánh, bổ sung sau mỗi dịp lễ hội làng diễn ra, hay một dịp nào đó được đi lưu diễn trong và ngoài tỉnh.

Cứ thế, qua thời gian tôi đã có quyển tư liệu riêng tương đối hoàn chỉnh về trò Xuân Phả. Trong cuốn tư liệu ấy, không chỉ miêu tả bằng lời các câu hát, động tác, mà còn minh hoạ các tư thế múa bằng hình vẽ để đảm bảo những người dân ít học nhất khi xem cuốn sách cũng có thể hiểu và múa được theo các động tác”.

Khi các cụ cao niên trong làng, những người thầy dạy ông Hùng lần lượt về cõi tổ tiên, thì cuốn sách ghi chép của Nghệ nhân Hùng lại là cuốn tư liệu quý về trò Xuân Phả. Cũng từ đấy Nghệ nhân Hùng chính thức bước sang một vai trò mới - người thầy, người đạo diễn của dân làng Xuân Phả, miệt mài “ươm gieo” cho các thế hệ con cháu mai sau trong công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị cha ông - để giữ được cái hồn trò Xuân Phả…

Nói về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản, Nghệ nhân ưu tú Bùi Văn Hùng cho biết: Hàng năm, UBND xã Xuân Trường, UBND huyện Thọ Xuân đều xây dựng kế hoạch, chương trình bảo tồn, phát huy trò Xuân Phả cả chiều rộng và chiều sâu. Kể từ năm 2009 đến nay, địa phương thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng trò Xuân Phả cho lớp trẻ, chủ yếu là học sinh THCS, THPT trong xã, trong huyện, mỗi đợt từ 100-200 cháu.

Không chỉ những diễn viên trong Đoàn nghệ thuật truyền thống múa Xuân Phả ý thức được tầm quan trọng của việc giữ gìn, phát huy giá trị của di sản Xuân Phả mà người dân trong làng, ai ai cũng tự nguyện tham gia các công việc liên quan như chuẩn bị trang phục, đồ diễn, nhạc cụ, đồ ăn, thức uống cho diễn viên... bởi nếu biểu diễn đầy đủ các trò diễn, trò Xuân Phả cần từ 220-230 người cho một lần diễn. Vì vậy có thể nói, trò Xuân Phả là trò diễn gắn kết tình làng nghĩa xóm, là nơi để mọi người yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau...

Với giá trị về mặt nghệ thuật, thẩm mỹ hay những yếu tố văn hóa đậm đà bản sắc, có thể nói trò Xuân Phả là sự đan xen, giao lưu, tiếp biến một cách hồn nhiên giữa sân khấu cung đình và sân khấu dân gian. Nói cách khác, đó là đỉnh cao của sự kết tinh giữa nghệ thuật múa cung đình và múa dân gian người Việt. Bởi vậy, trò Xuân Phả xứng đáng là viên ngọc quý trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Di sản này hiện rất cần một chiến lược bảo tồn và phát huy giá trị trong cộng đồng làng xã và rộng là cộng đồng dân tộc Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO