Độc đáo lễ hội Oc Om Bók – Đua Ghe Ngo của người Khmer

15/03/2022 01:00

(DTTG) Lễ hội Oc Om Bók – Đua Ghe Ngo là một trong những lễ hội lớn nhất, hấp dẫn nhất, tưng bừng nhất của người Khmer vùng đồng bằng châu thổ. Đây cũng là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, một nét văn hóa đặc trưng được người Khmer mà các cấp chính quyền cùng đồng bào dân tộc Khmer đang nỗ lực bảo tồn và phát huy.

Người Khmer tiến hành Lễ Cúng Trăng nhằm thể hiện sự cảm ơn thành kính đối với vị thần Mặt Trăng
Người Khmer tiến hành Lễ Cúng Trăng nhằm thể hiện sự cảm ơn thành kính đối với vị thần Mặt Trăng

Trong phong tục tập quán của người Khmer Nam Bộ có rất nhiều lễ hội mang đậm nét văn hóa cổ truyền, như: Tết Chôl Chnăm Thmây, Sen Đôn-ta, lễ dâng y cà sa, lễ xin nước mưa… gắn với tín ngưỡng Phật giáo. Sóc Trăng là một trong 13 tỉnh, thành phố thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long. Sóc Trăng có nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật, lễ hội truyền thống phong phú, đặc sắc; kiến trúc độc đáo của những ngôi chùa, nhiều món ăn nổi tiếng và những làng nghề truyền thống của ba dân tộc Kinh, Khmer, Hoa. Trong đó, lễ hội Oc Om Bók (thờ Mặt Trăng) và Đua Ghe Ngo là lễ hội lớn nhất của dân tộc Khmer tại Sóc Trăng.

Lễ hội đã có từ rất lâu đời, tính từ khi người Khmer bắt đầu trồng lúa nước. Lễ hội mang ý nghĩa thứ nhất là đưa tiễn nước ra sông, vì thời gian diễn ra Lễ hội này là vào thời điểm cuối năm, lúc lượng mưa đã giảm nhiều, mực nước ở ruộng, ao, hồ, sông bắt đầu hạ xuống; thứ hai là các nhà nông bắt đầu thu hoạch vụ mùa và các nông sản. Do người Khmer vốn đã tiếp xúc với đạo Bà – la – môn và đạo Phật, nên mới có nghi lễ Cúng Trăng trong lễ hội thờ Mặt Trăng.

Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào Khmer nhất cả nước với hơn 400.000 người, chiếm gần 31% dân số cả tỉnh. Theo truyền thuyết, từ xa xưa dân tộc Khmer Nam Bộ có hai cái tết: Tết âm lịch và Tết dương lịch. Nếu theo Kinh Hôra, ngày 15 tháng 10 âm lịch của người Khmer là ngày kết thúc một chu kỳ của mặt trăng xoay quanh trái đất. Đúng vào lúc 24 giờ của ngày này thì bóng trăng không xê dịch, cột trụ trồng trên sân đứng thẳng ngoài trời. Người Khmer xưa cho rằng đây là ngày bước sang năm mới âm lịch và mặt trăng bắt đầu chuyển sang một chu kỳ mới.

Mặt trăng có hình ảnh chú thỏ là biểu tượng của lễ hội
Mặt trăng có hình ảnh chú thỏ là biểu tượng của lễ hội

Trong thời gian lễ hội Oc Om Bók ở nhiều nơi còn có các hoạt động văn nghệ, thể thao, hội chợ đi cùng. Do có nhiều hoạt động hấp dẫn, lễ hội thu hút được nhiều người dân tộc khác đến chung vui, kể cả người nước ngoài. Oc Om Bók cũng là dịp để người Khmer Nam Bộ thể hiện bản sắc văn hóa của dân tộc mình đồng thời là dịp để các dân tộc anh em có dịp tìm hiểu và giao lưu văn hóa với nhau.

Vào đêm 14/10 âm lịch của người Khmer là thời điểm diễn ra tục lệ thả đèn nước, một trong những hoạt động không thể thiếu trong lễ hội thờ Mặt Trăng. Chiếc đèn cho nghi thức này có cấu tạo như một ngôi đền, thường được làm bằng thân và bẹ chuối có trang trí hoa văn, đầu đèn có treo cờ phướn, chung quanh người ta gắn nhang và đèn cầy nhiều màu sặc sỡ, bên trong có bày các thức cúng.

Người Khmer xem Mặt Trăng là một vị thần điều tiết mùa màng trong năm. Vì vậy họ lấy lúa nếp quết thành cốm dẹp cùng các hoa màu khác để làm lễ vật cho lễ cúng Mặt Trăng vào đêm 15/10 âm lịch của người Khmer, khi trăng lên cao, mọi người tập trung tại sân chùa hay sân nhà để làm lễ. Trước tiên người ta cắm hai cây trúc và dùng lá dừa làm hình cái cổng vòm, trên cổng có giăng dây trầu gồm 12 lá tượng trưng cho 12 tháng trong năm và một dây cau gồm 7 trái được chẻ vỏ ra như hai cánh con ong tượng trưng cho 7 ngày trong tuần. Dưới cổng này đặt cái bàn bày các thức cúng không thể thiếu như: dừa, chuối, khoai lang, khoai môn, bánh in và cốm dẹp.

Tiết mục múa Chhuôi Chhay tại lễ hội Oc Om Bók
Tiết mục múa Chhuôi Chhay tại lễ hội Oc Om Bók

Vào buổi tối lễ Cúng Trăng, người Khmer ngồi chấp tay quay mặt về hướng Mặt Trăng để làm lễ. Khi Trăng lên cao tỏa sáng, mọi người bắt đầu đốt nhang, đèn rồi mời một người cao tuổi, có uy tín nhất trong phum, sóc (làng, xóm) hay trong nhà để làm lễ. Người chủ lễ khấn vái nói lên lòng biết ơn của con người đối với Mặt Trăng, xin Mặt Trăng tiếp nhận lễ vật và ban cho mọi người sức khỏe, mùa màng tươi tốt,… Cúng xong người chủ lễ gọi các em nhỏ lại đứng chấp tay về hướng Mặt Trăng rồi lấy cốm dẹp và một ít thức cúng khác đút vào miệng các em, còn tay kia vỗ nhẹ vào lưng vào hỏi các em ước muốn gì. Những câu trả lời của các em sẽ là niềm tin của người lớn vào năm tới. Sau đó mọi người quây quần lại dùng các thức cúng để hưởng phước, còn các em nhỏ thì vui chơi, múa hát.

Trong lễ hội thờ Mặt Trăng, một trong những họat động sôi nổi và náo nhiệt nhất, được mọi người mong đợi nhất là Đua Ghe Ngo. Ghe Ngo có chiều dài khoảng 22 đến 24 mét, ngang 1,2 m có từ 50 - 60 tay chèo. Trước đây, ghe Ngo là một loại thuyền độc mộc lớn, khoét từ thân gỗ tốt. Ngày nay, không còn thân gỗ lớn để làm nên ghe Ngo được đóng bằng nhiều tấm ván dài ghép lại với nhau. Chiếc ghe Ngo có mũi và lái đều cong lên, thân được trang trí hoa văn sặc sỡ, đầu ghe có vẽ hình con thú biểu trưng cho ghe của đội mình. Đây là dịp để người Khmer được nghỉ ngơi và giải trí với không khí thể thao sôi động sau một năm làm việc vất vả.

Đua Ghe Ngo là môn thể thao dân gian truyền thống không thể thiếu trong lễ hội Oc Om Bók
Đua Ghe Ngo là môn thể thao dân gian truyền thống không thể thiếu trong lễ hội Oc Om Bók

Đua Ghe Ngo phải quy tụ người khắp phum sóc mới thành một đội, do đó, đòi hỏi Ban tổ chức và đội viên phải có tính đoàn kết rất cao. Trước ngày hội Đua Ghe Ngo cả tháng, các chùa đã phải chuẩn bị để tuyển chọn các tay chèo là những chàng trai Khmer khỏe mạnh trong các phum sóc để tập dượt sức dẻo dai, chèo đều nhịp.

Tiếng trống, tiếng loa vang rộng hòa trong tiếng reo hò vỗ tay cỗ vũ náo động cả mặt sông, mặc cho cái nắng oi ả hàng chục vạn đôi mắt chăm chú theo dõi từng cặp ghe đua với cả trăm đôi tay chèo lực lưỡng cuồn cuộn cơ bắp căng vồng cúi rạp người vung chèo đều tăm tắp theo nhịp còi thổi, phiêng la đẩy chiếc Ghe Ngo vút mũi phóng nhanh tranh nhau về đích.

Lễ hội “Đua Ghe Ngo” từ lâu đã  trở thành thương hiệu sản phẩm du lịch nổi tiếng của Sóc Trăng
Lễ hội “Đua Ghe Ngo” từ lâu đã trở thành thương hiệu sản phẩm du lịch nổi tiếng của Sóc Trăng

Lễ hội “Đua Ghe Ngo” là loại hình thể thao hấp dẫn, sôi động người xem và từ lâu đã trở thành thương hiệu sản phẩm du lịch nổi tiếng của Sóc Trăng. Về các phum sóc Sóc Trăng hôm nay, dễ dàng cảm nhận được sự đổi thay và phát triển của người Khmer qua từng câu hát Dù kê, điệu múa dân gian truyền thống, qua nét mặt hồ hởi, ánh mắt tràn đầy niềm tin, cuộc sống ấm no hạnh phúc.

Đua Ghe Ngo ở Sóc Trăng ngày càng được tổ chức quy mô, đi vào chiều sâu hơn
Đua Ghe Ngo ở Sóc Trăng ngày càng được tổ chức quy mô, đi vào chiều sâu hơn

Những năm gần đây, Lễ hội Oc Om Bók – Đua Ghe Ngo ở Sóc Trăng ngày càng được tổ chức quy mô, đi vào chiều sâu hơn. Lễ hội chính là dịp tăng cường các mối quan hệ cộng đồng để đồng bào các dân tộc ở Sóc Trăng ngày càng gắn kết, thi đua lao động sản xuất, xây dựng quê hương giàu đẹp. Lễ hội được tỉnh Sóc Trăng tổ chức và duy trì hàng năm nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer Sóc Trăng nói riêng và của đồng bào Khmer khu vực đồng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO