Văn hóa

Độc đáo lễ hội Hết Chá của dân tộc Thái

Hải Thanh 04/12/2023 - 14:48

Tháng 3 âm lịch hằng năm, khi những bông hoa ban nở trắng núi rừng thì người Thái trắng ở bản Áng (xã Đông Sang), Mộc Châu, Sơn La tổ chức lễ hội "Hết Chá". Đây là một lễ hội tôn vinh những ông thầy mo, cũng là người thầy thuốc cứu sống nhiều người, được người bệnh nhận là cha nuôi.

Lễ hội Hết Chá còn được gọi là “Kin chiêng boác mả”, tức là thầy cúng ăn và nhận quà của con nuôi trong dịp tết hoa mạ, hoa ban.

Theo truyền thuyết, xa xưa ở Mường Mốc - tức Mường Sang ngày nay, có ông thầy cúng tên là Phỉ Mun chuyên dùng thuốc nam chữa bệnh cứu người. Ngày qua ngày, số lượng người được thầy Phỉ Mun cứu chữa ngày một đông. Những người ốm sau khi khỏi bệnh đã xin thầy Phỉ Mun nhận làm con nuôi để tạ ơn công lao chăm sóc chữa trị bệnh.
Từ đó, vào độ xuân về, khi cây cối đâm chồi nảy lộc, muôn hoa đua nở, là lúc con nuôi thầy Phỉ Mun ở khắp mọi miền trở về thăm thầy. Mỗi người mang theo những lễ vật khác nhau để tạ ơn cha nuôi. Gia đình thầy Phỉ Mun tổ chức một buổi lễ để cùng con cháu về thăm được vui vầy hạnh phúc bên nhau. Lễ hội Hết Chá ra đời từ đó.

z4911099985234_d3d4cf728281c6e4e5bfa51048c831cc.jpg
Thầy cúng thay bà con làm lễ, ông lãm (bên phải) thổi sáo trong phần lễ.

Theo truyền thống Lễ hội được chia làm 2 phần. Ở phần lễ của Lễ hội Hết Chá sẽ là thời điểm để những người con nuôi của vị thầy mo bày tỏ lòng thành kính đến thầy đã chữa bệnh cho mình, thể hiện tính nhân văn và truyền thống “uống nước nhớ nguồn” sâu sắc.

Bà con trong bản thường dành thời gian từ khoảng 3-5 ngày để chuẩn bị cho lễ hội. Việc chọn cây nêu rất quan trọng, cây bằng tre bương không cụt ngọn cao hơn 3m, từ gốc đến ngọn được làm thành nhiều tầng cành hoa. Thân cây nêu được làm bằng tre, các nhánh được làm bằng các thanh gỗ và nhiều que tre dùng để treo các mô hình con vật và công cụ lao động được làm rất công phu từ các chất liệu như: nhựa, gỗ, mây, tre, giấy, chỉ màu... Việc làm cây nêu không chỉ đòi hỏi sự cầu kỳ, tỉ mẩn, khéo léo mà còn đòi hỏi nhiều yêu cầu như: thân cây phải to, thẳng và phải chọn ngày đẹp để lấy cây về. Trên cây hoa có đính nhiều loài hoa đủ sắc màu, có nhiều loài chim muông, ếch nhái, tôm, cua, ve sầu, ong, bướm, dế,...được đan bằng lạt hoặc đẽo bằng gỗ.

z4911099989606_ece6438875d417face14402d45263116(1).jpg
Các hoạt động trong Lễ hội diễn ra xung quanh một cây nêu, khơi dậy cuộc sống bình dị với thiên nhiên hoang dã được thể hiện trên cây nêu.

Chủ lễ là người khỏe mạnh có uy tín, nhiều con nuôi, gia đình có điều kiện. Đội múa trong Hết Chá là những nam thanh, nữ tú đã lựa chọn sẽ phục vụ các tiết mục trình diễn xung quanh cây nêu trong cả quá trình diễn ra lễ hội. Khi cây nêu được dựng lên, chủ lễ đứng lên cất lời mời gọi thần linh xuống ăn Tết giữa mùa hoa ban nở. Lời hát vừa dứt, tiếng chiêng tiếng trống vang động núi rừng, trai gái xúng xính áo quần cùng xòe vòng, xòe hoa. Khi bài xòe kết thúc, chủ lễ cầm kiếm khua vòng quanh, miệng cầu khấn theo nghi thức truyền thống. Trong lời khấn có ý tứ nhắn nhủ: “được ăn đừng quên đũa, được ở đừng quên ơn” (Đáy kịn sớ nha lưu thú; Đáy dú nha lúm công lưm khun).

Khấn xong chủ lễ hướng dẫn thanh niên trai gái lên tặng quà tỏ lòng biết ơn, thường là gạo, gà, cá, đấu xôi, quả trứng…, ai có gì thứ gì thì mang thứ đó không câu nệ, góp phần vào vui chung cả bản. Những hoạt động trong phần lễ mang nét đẹp nhân văn đằm thắm, thể hiện truyền thống nhân nghĩa, không quên nguồn cội của dân tộc Việt.

z4911100206868_c88be87b6859cf56a505e815dbd690a0.jpg
Bà con đi quanh cây nêu để lấy may mắn với các điệu múa truyền thống.

Đây là hình thức sinh hoạt văn hóa tâm linh độc đáo, là nét rất riêng trong văn hóa của người Thái, gắn kết cộng đồng làng bản, cùng giúp nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Là dịp để người dân tạ ơn đất trời, tạ ơn đấng sinh thành, giáo dưỡng, cầu chúc cho vạn vật hòa hợp, sinh sôi nảy nở, cuộc sống yên vui, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt bội thu, ấm no hạnh phúc.

Sau phần nghi lễ và cả phần dâng hoa của Lễ hội Hết Chá Mộc Châu thì phần được đa số các bạn trẻ và những người dân làng thích nhất đó là phần hội.

Phần hội diễn ra các trò chơi dân gian đầy thân thuộc và vui nhộn. Mọi người sẽ cùng nhau vừa vui chơi vừa truyền kinh nghiệm chỉ dạy cho con cháu khai hoang ruộng đất, cấy cày làm nông khơi dậy truyền thống nền văn minh lúa nước đặc trưng của đồng bào dân tộc.

Đan xen trong phần hội sẽ là những tiết mục kịch câm hài hước vui nhộn có ý nghĩa phê phán những điều xấu trong xã hội, khuyến khích làm những việc thiện phát huy cái đẹp trong cuộc sống sẽ có thêm những tiết mục múa của các cô gái trong bản làng. Những điệu múa váy xòe uyển chuyển, nhẹ nhàng, đằm thắm hòa cùng tiếng trống, tiếng chiêng rộn rã vui ca khắm góc trời.

z4911100201037_d144fb0869602b7920398d65d6301f39.jpg
Mọi người cùng quây quần bên mâm cơm sau lễ Hết chá.

Phần lễ mang tính nhân văn sâu sắc giữa con người với con người, được thể hiện trong câu hát của bài thơ (Khặp Chá do khoặn) Hát Chá: Đáy kịn sớ nha lưu thú – đáy dú nha lúm công lưm khun. Tức là được ăn đừng quên đũa – được ở đừng quên ơn (những người đã giúp mình trong lúc ốm đau). Hết Chá còn mang nét đẹp văn hóa ứng xử của tình yêu đôi lứa, đây là dịp để (Báo Sạo Chá) trai gái tìm hiểu nhau.

Từ những năm 1960 trở về trước, lễ hội Hết Chá thường xuyên duy trì tổ chức đều đặn hàng năm vào mùa xuân bởi các cá nhân, gia đình có điều kiện luân phiên đứng ra tổ chức với sự tham gia của cộng đồng. Từ giữa những năm 60 trở lại đây, lễ hội Hết Chá đã bị mai một dần do chiến tranh, lớp nghệ nhân già mất đi, thanh niên trai tráng lên đường chiến đấu nên các nghi thức Hết Chá bị thất truyền.

Với mong muốn phục hồi lại lễ hội độc đáo, giàu bản sắc này, những người cao tuổi Bản Áng, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu đã nghiên cứu, chắt lọc rồi phục dựng lễ hội để lưu truyền cho lớp thế hệ trẻ về sau. Từ năm 2006 đến nay, lễ hội Hết Chá được duy trì thường xuyên mỗi mùa hoa ban nở, trở thành nét đẹp văn hóa tâm linh của người Thái ở Bản Áng, Đông Sang nói riêng và của cao nguyên Mộc Châu, núi rừng Tây Bắc nói chung. Với ý nghĩa mang đậm giá trị lịch sử, bản sắc văn hóa dân tộc, năm 2016, lễ hội Hết Chá đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO