Văn hóa

Độc đáo lễ đặt tên con của người Chăm

Huyền Thương 29/02/2024 - 21:19

Nghi lễ cắt tóc và đặt tên cho con của cộng đồng người Chăm Islam là một trong những nghi lễ quan trọng trong cuộc đời mỗi đứa trẻ, được đồng bào lưu truyền và gìn giữ. Nghi lễ này như một sự chào đón đứa trẻ đến với thế giới loài người và cũng là sự xác nhận việc gia nhập tôn giáo đối với một thành viên mới trong cộng đồng.

Người Chăm Islam

Ngoài Trung Bộ - nơi được xem như cái nôi của nền văn minh Champa, thì Nam Bộ cũng là nơi có đông đảo người Chăm sinh sống và kiến tạo một nền văn hóa đặc sắc, góp phần vào công cuộc khai mở và xây dựng vùng đất này. Hiện nay, có khoảng 33.000 người Chăm cư trú, tập trung ở An Giang, TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh và một số ít ở Ðồng Nai, Bình Dương, Kiên Giang… An Giang có đông người Chăm nhất Nam Bộ với khoảng 14.000 người.

anh-bai-doc-dao-le-dat-ten-con-1.jpg
Trong cách đặt tên cho một đứa trẻ Chăm Islam có yếu tố phụ tử liên danh

Song người Chăm ở Nam Bộ theo cách gọi của chúng ta hiện nay, thực chất là cộng đồng Chăm và Mã Lai. Theo tư liệu của Hội Nghiên cứu Ðông Dương thì trước đây, cả hai nhóm người này định cư ở Cam Bốt. Nhóm đầu xuất thân từ những người Mã Lai di cư từ bán đảo Malacca, được tập trung lại chung quanh Ou-dong; nhóm thứ hai xuất thân từ những người Chăm di cư từ vùng núi Bình Thuận, tụ tập lại trên bờ sông Mekong, phía trên bốn nhánh ở Phnôm-pênh. Sau đó, do những biến cố tại Campuchia, họ cùng nhau di cư về sinh sống ở Nam Bộ. Những cuộc di cư diễn ra theo theo nhiều đợt, kéo dài từ giữa thế kỷ XVIII đến giữa thế kỷ XIX.

Khác với người Chăm Trung Bộ theo đạo Bàlamôn hoặc Bàni, người Chăm ở Nam Bộ theo đạo Islam (Hồi giáo), do đó có nhiều sự khác biệt về văn hóa. Người Chăm ở Nam Bộ cùng với người Việt, Hoa, Khmer đã góp phần tạo nên diện mạo văn hóa đa dạng vùng văn hóa Nam Bộ nói riêng và Việt Nam nói chung.

Phụ tử liên danh

Cộng đồng người Chăm Islam sinh sống tập trung chủ yếu ở các tỉnh như An Giang, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Tây Ninh… Qua nhiều biến thiên của lịch sử, cộng đồng người Chăm Islam vẫn gìn giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ những bản sắc văn hóa, tôn giáo cũng như những nguyên tắc giáo lý của tôn giáo mình. Trong đó có nghi lễ cắt tóc và đặt tên cho con, một trong những nghi lễ đặc trưng nhất của đồng bào.

Theo những người già Chăm Islam cho biết, mỗi đứa trẻ sinh ra đều phải thực hiện nghi lễ này. Người Chăm Islam lấy tên của 25 vị Thánh để đặt tên và tên Thánh này sẽ theo đứa trẻ đến suốt đời, không được thay đổi, nếu thay đổi phải sửa soạn lễ vật tương đương như lúc đặt tên ban đầu.

Trước khi đặt tên cho con, người Chăm Islam lựa chọn tên, theo giới tính của trẻ, hoàn cảnh gia đình, cũng như dòng họ và ước vọng của cha mẹ. Bởi vì nghi lễ đặt tên cho một đứa trẻ vừa chào đời, không chỉ là một nghi thức đánh dấu bước chuyển tiếp của đứa trẻ đó, mà còn là sự gia nhập tôn giáo của một thành viên mới trong cộng đồng người Chăm Islam, với tên mới được đặt theo tiếng Arab và được xác nhận như một tín đồ Hồi giáo.

anh-bai-doc-dao-le-dat-ten-con-2.jpg
Giáo cả bế và làm lễ đặt tên cho đứa trẻ

Trong cách đặt tên, yếu tố giới tính cũng được thể hiện khá rõ, đứa trẻ sinh ra nếu là bé trai thì nối với từ “Bin”, bé gái được nối với từ “Binti” giữa tên của đứa bé và tên cha của chúng. Chẳng hạn, Sarigiah binti Hosen nghĩa là Sarigiah là con gái ông Hosen; Hassan bin Samad nghĩa là Hassan là con trai của ông Samad... Đây là một trong những cách dùng tên trong giao tiếp cộng đồng có sử dụng hiện tượng phụ tử liên danh.

So sánh với tên đệm của người Kinh khi dùng Văn và Thị để khu biệt giữa giới nam và giới nữ, nhiều người Chăm Islam cho rằng tên đệm Thị xuất phát từ tiếng Arab: binti; tên đệm Văn xuất phát từ ben và do các thương nhân Arab vào buôn bán ở bờ biển Việt Nam.

Về cấu trúc, tên chính của người Chăm Islam được đặt bằng tiếng Arab theo những tiêu chí riêng và đa số đều đa âm tiết. Cao nhất thường 4 âm tiết (Ab-dul-ha-mid) và ít nhất có một âm tiết (Lut) nhưng trường hợp này hiếm và chỉ có ở tên của giới nam. Ngoài việc đặt tên chính, người Chăm Islam còn có cách đặt tên tục và tên biệt danh dùng để gọi lúc nhỏ cho thân mật, tránh sự chú ý và đe dọa của ma quỷ, đồng thời cá thể hóa những hiện tượng trùng tên.

Ngoài ra, trước khi đặt tên cho con, cha mẹ của đứa trẻ phải nhờ người xem và tìm cái tên tốt, phù hợp với giới tính và thời khắc chào đời của đứa bé là vào ban ngày (6h - 18h) hay ban đêm (18h-6h).

Đặc sắc nghi lễ cắt tóc

Thông thường, khi đứa trẻ được sinh ra trong khoảng từ 7 đến 40 ngày, gia đình người Chăm Islam sẽ làm Lễ cắt tóc và đặt tên cho con. Tùy vào hoàn cảnh gia đình mà nghi lễ này được tiến hành sớm hay muộn, nhưng không quá 3 tuổi. Lễ vật có thể là gà, bò, dê, cừu. Theo quan niệm của đồng bào Chăm Islam, thường lễ là 1 con gà, bò, nếu chủ gia chọn lễ vật là dê, cừu thì phải 2 con đối với bé trai, 1 con đối với bé gái. Lý giải về điều này, là do 1 con bò sẽ có 7 phần, còn dê, cừu chỉ có 3 phần.

Khi đứa trẻ được sinh ra, cha mẹ sẽ chọn ngày để tiến hành nghi lễ cắt tóc và đặt tên cho con mình. Thời gian thường từ 9 giờ hoặc 13 giờ trưa tùy theo chủ nhà lựa chọn. Gia chủ sẽ mời những vị Giáo cả (Hakim), chức sắc, chức việc trong làng và dòng họ, xóm làng đến tham dự và chứng kiến lễ cắt tóc và đặt tên cho con của mình. Các vị khách mời khi đến sẽ tặng cho đứa trẻ những món quà nhỏ như áo quần, tiền lì xì, xà phòng,…

anh-bai-doc-dao-le-dat-ten-con-3.jpg
Mọi người chúc phúc cho đứa trẻ

Đứa trẻ được thay quần áo mới. Người bà trong gia đình chuẩn bị khăn, dầu thơm và cây kéo để trên một chiếc mâm nhỏ để thực hiện nghi lễ. Khi khâu chuẩn bị xong xuôi, các vị Giáo cả, chức sắc và những người đàn ông, chỉnh tề trang phục và ngồi ngay ngắn để chuẩn bị làm lễ. Gia chủ bế đứa trẻ và cùng một thanh niên khác bưng chiếc mâm gồm cây kéo và chai dầu thơm, bưng ra đặt trước mặt các vị giáo cả, chức sắc.

Vị Giáo cả sẽ thì thầm đọc kinh cầu nguyện, hỏi tên và công bố tên đứa trẻ cho tất cả mọi người có mặt tại buổi lễ, rồi nhúng lông gà vào lọ nước thánh quệt lên trán đứa trẻ. Sau đó, vị Giáo cả dùng kéo cắt một đoạn tóc tượng trưng và xức dầu thơm lên đứa trẻ.

Sau đó, những người đàn ông đến dự lễ lần lượt lấy tay chạm vào đầu đứa trẻ với ý nghĩa tượng trưng. Mọi người cùng nhau cầu nguyện phúc lành, bình an và nhiều điều may mắn cho đứa trẻ. Cái tên được đặt sẽ gắn với đứa trẻ cả đời, không thay đổi.

Kết thúc buổi lễ, gia đình mời khách ăn một số món ăn đặc biệt của người Chăm Islam như như cà ri, súp…, các loại bánh như Ha paykarah (bánh 3 lỗ), Hachok (bánh gế), Hapùm (bánh bông lan), Hati (bánh ga ti), Cram (bánh kẹo đường)…

Đối với đồng bào Chăm Islam, nghi lễ cắt tóc không chỉ có ý nghĩa về mặt tôn giáo, mà còn tượng trưng cho sự gắn kết tình cảm của cộng đồng, là cách mà cộng đồng “kết nạp” một thành viên mới, bảo vệ, che chở và song hành với đứa trẻ cho tới khi trưởng thành.

Đậm nét văn hóa tộc người

Sự phân biệt giới tính trong cách đặt tên riêng của người Chăm Islam ở Nam Bộ là một yếu tố ngôn ngữ, văn hóa ngoại lai được tiếp thu gián tiếp qua con đường văn tự của tôn giáo. Nó như một dấu chỉ của tôn giáo, đồng thời là một đặc điểm để nhận biết người Chăm Islam ở Nam Bộ trong tình trạng cộng cư và đan xen với các cộng đồng khác.

Theo một số nhà xã hội học thì hiện tượng phụ tử liên danh trong cách đặt tên của người Chăm Islam, ngoài việc giải quyết hiện tượng trùng tên, còn là dấu hiệu phản ánh chế độ phụ hệ, làm căn cứ để tìm hiểu dòng họ của người Chăm Islam ở Nam Bộ.

Đây có thể coi là một phong tục đặt tên riêng mang đậm nét văn hóa tộc người, chứa đựng những yếu tố tâm lý, thẩm mỹ, những quan niệm về thế giới quan, nhân sinh quan của cả một cộng đồng.

Giới tính là phạm trù tự nhiên trong sinh giới. Sự phân biệt giới tính trong xã hội loài người cũng như trong ngôn ngữ thể hiện sự ảnh hưởng của giới đến mọi sinh hoạt của con người, trong đó có cách đặt tên. Bởi vậy, thông qua ngôn ngữ chúng ta có thể nhận biết được những quy định chung về cách đặt tên riêng của người Chăm Islam ở Nam Bộ. Bên cạnh đó, còn giúp ích cho việc nhận biết thêm về những nét văn hóa phong phú của mỗi cộng đồng người Chăm trong quá trình phân ly.

Cách đặt tên của người Chăm Islam ở Nam Bộ không chỉ phản ánh quá trình tiếp xúc ngôn ngữ, mà còn phản ánh sự tiếp xúc văn hóa với tôn giáo Islam và với người Kinh. Điều này nói lên khả năng thích nghi linh hoạt với hoàn cảnh xã hội mới của người Chăm trong quá trình định cư ở Nam Bộ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO