Tết Nguyên đán trong cung đình thể hiện nổi bật nhất, trang trọng nhất nghi thức của Tết Việt xưa. Ngoài nét cổ truyền và phổ biến như Tết trong dân chúng, Tết cung đình mang dáng vẻ độc đáo riêng của sự tôn nghiêm và quyền lực. Và mỗi một triều đại đều có những cách thức tổ chức ăn Tết riêng biệt.
Tết triều Trần, trai gái nghèo được tự do lấy nhau trong dịp Tết
Tết Nguyên đán trong cung đình được nhà Trần tổ chức rất trọng thể, kéo dài từ ngày lập xuân đến tận tháng Hai. Tháng Chạp, ngày lập xuân, các quan văn võ mặc lễ phục, cài hoa lên đầu vào Đại nội dự yến. Hàng năm, trước lễ Tết hai ngày là ngày 28 tháng Chạp, vua đi xe ngự dụng, các quan tuỳ tùng đều mặc triều phục hầu đạo tiền, tế điện Đế Thích. Ngày 30 Tết, vua ngự tại cửa Đoan Cung, các bề tôi đều tề tựu xem hát. Đêm 30, vua yết kiến thái hậu, thái thượng hoàng ở cung Đồng Nhân. Sau đó các tăng đồ, đạo sĩ vào cung làm lễ xua đuổi ma quỷ.
Sáng mồng 1 Tết, vua ngự trên điện Vĩnh Thọ, Thái tử và các quan hầu cận đến chúc mừng nhà vua, sau đó vua vào cung Trường Xuân làm lễ cúng tổ tiên. Tiếp theo, vua ngự trên điện Thiên An, các phi tần xếp hàng ngồi quanh còn nội quan đứng trước điện. Có các bài ca nhạc trước đại đình. Thái tử và các quan đứng theo thứ bậc, lạy mừng vua, dâng 3 lần rượu. Tiếp theo Thái tử lên lầu dự yến, triều quan ở điện nhỏ phía Tây... dự yến đến xế chiều mới về.
Các thợ khéo làm một cái đài Chúng Tiên hai tầng ở trước điện, tam cấp, ngói bạc chiếu sáng khung trời. Nhạc quan dàn hàng ở ngoài sân. Mọi người cùng nhảy múa, ca hát. Không khí tưng bừng, rộn rã, phấn chấn đón chào các chư hầu từ xa vào chầu ở kinh đô. Vua lên quan đài dự yến tiệc, trước khi ăn phải thực hiện đủ 9 lần vái, 9 lần uống rượu rồi mới tan tiệc.
Ngày mồng ba Tết, vua ngự trên lầu Đại Hưng, xem hoàng tử và các quan nội cung đánh bóng (quả cầu thêu). Quả bóng làm bằng gốm, bằng nắm tay đứa bé, có buộc 20 dải ngũ sắc. Ai đón mà không rơi là nhận được nhiều may mắn trong năm. Toàn kinh thành nhộn nhịp, tưng bừng các trò chơi. Trai gái chơi đánh đu, đá cầu, ca múa giao duyên, tung còn, kép co. Mồng năm Tết, lễ khai hạ, ăn yến xong thì để quan và dân lễ các chùa miếu và du ngoạn các vườn hoa.
Điểm độc đáo là nhà Trần có một phong tục mang tính nhân đạo hiếm có trong thời phong kiến. Các cặp uyên ương nhà nghèo nếu không đủ tiền cưới xin theo lễ giáo thì dịp Tết này có thể tự ý đến với nhau. Luật pháp và triều đình đều cho phép.
Triều Lê có tiền thưởng Tết
Đời vua Lê Thái Tông, chính sử ghi: Đúng ngày mùng 1 Tết Nguyên đán năm Giáp Dần (1434), “vua dẫn các quan đến bái yết Thái miếu”. Năm sau, vào ngày Tết năm Ất Mão (1435), vua Lê Thái Tông cho trăm quan được vui Tết “ban yến trong năm ngày cho các quan văn võ trong ngoài”. Đến thời vua Lê Nhân Tông ngày mùng 3 Tết năm Bính Tý (1456), nhà vua cũng ban yến cho các quan, trong đó có cả tôn thất tham dự.
Chuyện “mừng tuổi” đầu năm cũng được “Đại Việt sử ký toàn thư” ghi từ thời vua Lê Thái Tông, nhà vua “phát tiền cho các quan văn võ nhậm chức bên ngoài theo thứ bậc khác nhau”. Việc ban tiền Tết cho quan viên thời Lê sơ, sau này sang thời Lê Trung Hưng vẫn được duy trì và đưa vào điển chế qua việc ban tiền thưởng xuân theo thứ bậc.
Tuy nhiên, đấy là thời bình, chứ thời chiến thì việc ăn Tết của vua cũng khác. Như năm Tân Mão, niên hiệu Hồng Đức năm thứ hai (1471), đời Lê Thánh Tông, nhà vua đem quân vào đánh Chiêm Thành, cuối tháng chạp dừng quân ở đất Thuận Hóa, nên cho quân ăn Tết ở đất này. Đến ngày mùng 2 Tết, cho là khi đại quân sắp vào đất giặc, quân lính càng cần phải luyện tập, nên nhà vua xuống chiếu cho quân Thuận Hóa ra biển tập thủy chiến.
Triều Nguyễn cho phạm nhân tội nhẹ về nhà ăn Tết
Năm vua Minh Mạng mới lên ngôi (1821), nhà vua từ Phú Xuân ra Thăng Long nhận lễ tuyên phong của nhà Thanh vào dịp cuối năm. Nghi lễ xong thì cũng sát Tết, vua cho xa giá quay ngay về kinh đô đón Tết. Khi về qua Thanh Hóa là quê cha đất tổ, nhà vua cũng chỉ kịp “Sai trấn thần Thanh Hóa sửa lễ tạ Nguyên miếu (tức miếu thờ chúa Nguyễn Hoàng, thủy tổ của các vua nhà Nguyễn)”. Sử nhà Nguyễn ghi: “Khi hồi loan, đi gấp đường, đến tối ngày 30 Tết thì đã tới Tam Giang, tính ra mới có 11 ngày, thuyền theo hầu chỉ có mấy chiếc theo kịp”.
Triều Nguyễn, theo lệ từ năm Gia Long thứ sáu (1807), các lễ Trừ tịch, Nguyên đán và lễ mùng 3 Tết, vua sẽ đến nhà Thái miếu làm lễ, có các quan văn võ từ ngũ phẩm trở lên bồi tế, do đó các quan phải chia nhau túc trực ở các miếu sẵn để chờ làm lễ. Đến mùng 1 Tết năm Mậu Thìn (1808), vua Gia Long bắt đầu thưởng bạc lạng cho các quan viên túc trực phục vụ các lễ này.
Về công việc hành chính thì những ngày cuối năm, triều đình làm lễ niêm phong ấn tín (gọi là lễ phất thức), đến ngày làm việc đầu năm mới làm lễ mở niêm phong. Tất nhiên nếu có việc cần kíp vẫn có ấn dự phòng, thậm chí có thể xin mở niêm phong để dùng ấn vàng.
Từ đầu thời Nguyễn, có lệ tiến quả hằng năm vào kinh cho dịp Tết Nguyên đán cùng lễ miếu hưởng tháng 3 và 12 âm lịch. Mỗi lễ theo lệ Bắc Thành phải tiến 1.500 quả cam đường, sau giảm xuống 900 quả, đến năm 1825 lại giảm xuống 600 quả. Những sắc lệnh này thực sự đem lại niềm vui cho nhân dân các địa phương liên quan.
Ngày Tết, nhà vua cùng ban niềm vui cho những người dân sống thọ. Tết năm 1828, nhà vua lệnh ban cho quân dân những người 80 tuổi trở lên mỗi người 1 tấm vải, 1 phương gạo; người 90 tuổi trở lên mỗi người 1 tấm lụa, 2 phương gạo; 100 tuổi trở lên mỗi người 2 tấm lụa 1 tấm vải và 3 phương gạo.
Theo quy định năm Minh Mạng thứ năm (1824) thì có, vì có lời vua dụ rằng: “Trong thành của các thành dinh trấn đạo phủ huyện cùng trong các đài Trấn Hải, Điện Hải, Định Hải đều dựng cùng đài cờ và cột cờ ở phía nam thành hay đài và chế cờ vàng, phàm gặp những ngày khánh đản, nguyên đán và rằm mùng 1 thì treo lên để tỏ lễ nghi pháp độ, sai bộ công bàn và gửi kiểu mẫu để thi hành”.
Nghi thức treo cờ là vào các ngày chính tiết Thánh Thọ (sinh nhật Hoàng thái hậu), ngày chính tiết Vạn Thọ (sinh nhật vua) và trước đó một ngày, cùng với ngày dựng nêu, ba ngày Tết Nguyên đán, ngày Tết Đoan dương, ngày rằm mùng 1, trời tạnh thì treo cờ bằng trừu một lát, rồi thay cờ vải, tất cả đều màu vàng.
Ở thời nhà Nguyễn, vào dịp Tết, những tù phạm mắc tội nhẹ được hưởng niềm vui lớn là cho về nhà ăn Tết, sau đó quay lại chịu án tiếp. Như thời vua Minh Mạng, viên cai đội thủy quân Nguyễn Tài Năng phải tội bị giam, đến Tết Nguyên đán được thả cho về thăm nhà, sau Tết quay lại nhà ngục, được vua thương tình, đặc cách tha, cho về lại thủy quân để lập công chuộc tội. Sau đó Tài Năng được khởi phục làm vệ úy vệ hậu thủy thủy quân, rồi thăng đến thống chế thủy quân.
Vua Tự Đức cũng thực hiện điều ân đức này vào ngày Tết. Năm 1846, trước đêm trừ tịch, nhà vua dụ Bộ Hình rằng: “Đương buổi xuân hòa, cỏ cây và các loài vật đều nhờ đó nảy nở. Huống chi, năm mới tiến phúc, trẫm tuổi tới tứ tuần, làm tiệc mừng ban ơn, thực nên khiến cho người ta biết tự sửa đổi. Các tù phạm bị đày ở trong quân, bị tội đồ làm nô, bị tội khổ sai, hiện đang phải giam ở kinh là 115 người, nên hội đồng các quan ở kinh, hiểu thị rõ ràng, tha cho về thăm nhà, hạn cho 15 ngày lại phải đến”. Khi đến kỳ hạn, không ai phải thúc giục, tất cả tù phạm đều trở lại điểm danh. Vua cho rằng bọn chúng đều biết cảm kích phấn khởi, nên tha cho cả.
Theo thời gian Tết Nguyên đán là Tết cổ truyền lớn nhất, lâu đời nhất của dân tộc Việt Nam, mang đậm bản sắc dân tộc, là một ngày lễ quan trọng nhất trong văn hóa của người Việt Nam. Là tiết lễ đầu tiên trong năm, Tết Nguyên đán bắt đầu cho việc khởi đầu một năm mới với những điều tốt đẹp nhất, với bao niềm tin và hy vọng một năm mới an lành, may mắn, thành công. Tết là dịp để mọi người nhìn lại năm cũ, chào đón năm mới và nghỉ ngơi, sum họp gia đình với nhiều phong tục tốt đẹp. Ðón Tết, vui Tết, đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc của người dân Việt Nam với nhiều giá trị nhân bản văn hóa tinh thần sâu sắc.