Văn hóa

Độc đáo các nhạc cụ truyền thống của người Mông

Hải Thanh 05/01/2024 19:28

Trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào Mông ở Xín Mần (Hà Giang), những nhạc cụ truyền thống có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là tài sản quý giá được bảo tồn và lưu giữ qua nhiều thế hệ. Dù trải qua bao thăng trầm của thời gian, tiếng khèn, tiếng đàn môi vẫn mãi ngân vang trên khắp các đỉnh núi mây mù.

Trong những ngày lễ Tết hay cuộc sống thường ngày thì nhạc cụ dân tộc được coi là linh hồn của người Mông, dù trẻ hay già, dù trai hay gái, đi đâu, lúc nào cũng mang theo bên mình. Nó gần như là một phần máu thịt không thể tách rời trong cuộc sống của người Mông, thân quen như mèn mén và nồng đượm như bát rượu ngô, những âm thanh của các loại nhạc cụ ấy thể hiện tâm hồn, bản sắc dân tộc và ẩn chứa cả những thông điệp sâu xa, tiếng lòng thầm kín của mình với cộng đồng với thiên nhiên hùng vĩ. Đồng thời cũng là vật thể tượng trưng để làm nhịp nối giao tiếp linh thiêng giữa ông bà tổ tiên và con cháu. Âm thanh ấy không chỉ được vang lên trong các dịp hành lễ, hội bản mà còn trong cả cuộc sống hàng ngày. Là một thành phần chiếm số đông dân số, cư trú hầu khắp trên các xã của huyện Xin Mần, đồng bào Mông luôn giữ gìn, phát huy được các giá trị văn hóa của mình.

Vang vọng tiếng khèn Mông

Khèn - Tiếng Mông gọi là Krềnh gắn với truyền thuyết mang tính nhân văn sâu sắc. Chuyện kể rằng xưa có hai vợ chồng già người Mông sinh được bảy anh em, đó có sáu người con trai và một cô gái, ai cũng khỏe mạnh, có tài săn bắn, hái lượm, thêu thùa, ca hát và luôn hiếu thảo với cha mẹ.
Khi người mẹ do tuổi cao sức yếu qua đời, người cha cùng bảy anh em thương tiếc, đau buồn khóc đến không muốn ăn, muốn ngủ và rồi người cha kiệt sức cũng qua đời.
Mất mẹ, nay lại thêm nỗi đau mất cha, bảy anh em càng buồn hơn. Họ khóc ngày, khóc đêm đến khản tiếng, mất giọng không nói thành lời.
Thương tình trước sự hiếu thảo của bảy anh em, Bụt hiện lên bảo rằng: “Các con hãy làm một cái bầu và khoét lỗ, lấy 6 ống trúc luồn vào để một người thổi là cả 6 ống đều than khóc, còn cô em gái thì gộp vào ống trúc của người anh cả để cùng than khóc cha mẹ và trông coi việc thực hiện phong tục tập quán của sáu người anh trai”... Cũng từ đó cây khèn được ra đời. Nó có 6 ống trúc nhưng có 7 cái lam đồng tượng trưng cho 7 anh em.

img_4305.jpg
Nghệ nhân thổi khèn Sùng Quáng Pao.

Khèn Mông gồm bầu khèn, 6 ống trúc, lưỡi gà và đai khèn. Bầu khèn làm bằng gỗ từ cây thông núi đá. Người Mông ở Hà Giang thường chọn các đoạn trúc thẳng và ngắn hơn so với các cây khèn của người Mông ở các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên. Đai khèn được làm từ vỏ cây đào rừng, loại vỏ cây này rất dai và chắc. Trong chiếc khèn Mông, bộ phận quan trọng nhất là chiếc lam đồng hay còn gọi là lưỡi gà. Đây được coi là thanh quản của cây khèn.

Muốn thổi phát ra âm thanh, người thổi phải dùng hai bàn tay giữ khèn, đồng thời các ngón tay bịt các lỗ lại. Hơi thổi vào khèn sẽ xuyên qua lưỡi gà phát ra âm thanh. Thổi vào hoặc hít ra sẽ tạo âm thanh trầm bổng khác nhau. Nhạc cụ khèn Mông không đủ 7 nốt nhạc nên phải sử dụng kĩ thuật bấm, nhả các nốt khèn tạo ra âm cộng hưởng để tạo thành tiếng, âm thanh, thành bài khèn.

Nghệ nhân Sùng Quáng Pao cho biết: Người Mông quan niệm rằng dù đi đâu hay sống ở đâu cũng không thể thiếu được cây khèn. Khèn vừa dùng để thổi, vừa là đạo cụ để múa. Bắt nguồn từ phong tục, tập quán mà âm điệu tiếng khèn Mông có rất nhiều chủ đề. Tiếng khèn trong lễ hội vui như: Gọi bạn đi chơi xuân, gọi bạn xuống chợ, chúc nhau những điều may mắn...

Trong đám ma tiếng khèn chậm và trầm để chia buồn cùng gia đình, để tiễn đưa người mất sang bên kia thế giới. Trong các dịp tổ chức lễ hội hay trong các nghi lễ truyền thống dân tộc, khèn được các nghệ nhân sử dụng để thể hiện các bài tế trời đất, thần sông thần núi, tổ tiên ông bà hoặc dâng lễ vật lên thần linh...

Khèn của đồng bào Mông có mặt trong hầu hết các nghi lễ truyền thống. Bất cứ lúc nào họ cũng có thể mang khèn ra thổi. Thổi để đưa tiễn linh hồn của người đã khuất về với tổ tiên, thổi trong ngày hội. Người thổi sẽ vừa thổi vừa múa với những động tác khỏe khoắn nhưng dẻo dai như: Múa nhảy đưa chân, đổi chỗ, quay tại chỗ, vờn khèn, lăn nghiêng, lăn ngửa. Qua tiếng khèn, họ kể cho nhau nghe về cuộc sống thường ngày, về tình yêu đôi lứa gắn với tình yêu quê hương, đất nước.

img_4515.jpg
Những động tác điêu luyện của múa khèn Mông.

Đàn môi - Lời tự tình trên núi

Đàn môi là một loại nhạc cụ độc đáo, có từ lâu đời của người dân tộc Mông, là nhạc khí tự âm vang, được làm từ một mảnh đồng mỏng, có hình dáng giống lá lúa, một đầu cuống để cầm trên tay, đầu còn lại vát nhọn để gảy. Ở chính giữa, người ta tạo một cái lưỡi gà, lúc gảy, lưỡi gà sẽ rung lên, khi ấy khoang miệng chính là bầu cộng hưởng âm thanh phát ra tiếng to, nhỏ, trầm, bổng, luyến láy… Loại nhạc cụ này nhìn qua thì đơn giản, nhưng để chế tác thì lại vô cùng phức tạp, đòi hỏi người làm phải kỳ công, tỉ mỉ, có kiến thức am hiểu về nhạc cụ âm nhạc, văn hóa của người dân tộc Mông.

Kèn môi gồm lưỡi đồng nhỏ và lưỡi gà bằng đồng. Trong cấu tạo của đàn môi, miếng đồng chính là phần chính của chiếc đàn. Đồng để làm đàn được lựa chọn rất kỹ, sau đó nấu chảy và đổ ra khuôn thành từng lá đồng nhỏ, tán mỏng, dài khoảng 7 cm. Miếng đồng sau khi tán nhỏ được chia thành 2 phần, có đường rãnh phân định, phần giữa lá đồng là nơi đặt lưỡi gà nên phải được làm tỉ mỉ, cẩn thận. Phần giữa được chế tạo thật mỏng, đều, độ mỏng vừa đủ, không quá dày khiến âm thanh phát ra không chuẩn, trong và không mỏng quá sẽ khiến đàn môi dễ gãy.

img_4820.jpg
Nghệ nhân Củ Thị Tỉnh.

Tiếp đó là lưỡi gà, lưỡi gà được gắn trên miếng đồng là bộ phận quan trọng nhất của chiếc đàn môi, âm sắc có đạt chuẩn hay không là dựa vào độ đàn hồi của lưỡi gà. Lưỡi gà hay thanh đồng nhỏ, dài khoảng 5 cm, trông hình dáng giống với chiếc kim khâu lớn, được căn chỉnh từng centimet cắt sao cho thật khít với miếng đồng, nếu không khít sẽ không phát ra âm thanh.

Nghệ nhận Củ Thị Tỉnh (dân tộc Mông Hoa, huyện Xín Mần) chia sẻ: “Đàn môi được sử dụng bằng cách đặt lên môi sao cho hai môi giữ chặt hai cạnh của đàn. Tay trái cầm 1 đầu, dùng ngón tay trỏ của tay phải gảy trên đầu lưỡi của nhạc khí rồi di chuyển qua lại giữa hai hàm răng và thổi nhẹ.
Tôi tập chơi đàn môi từ nhỏ đến nay cũng gần 30 năm, đàn môi là loại nhạc cụ khó, không giống với kèn lá hay sáo, cách giữ hơi để thổi là vô cùng quan trọng. Giữ hơi không như mình nói chuyện, phải biết hít thở đều, lấy hơi vừa đủ. Phải có thời gian tập luyện lâu dài thì mới biết thổi theo từng giai điệu.
Âm sắc của đàn môi mô phỏng theo làn điệu dân ca Mông, tạo ra một thứ ngôn ngữ âm nhạc rất riêng biệt và độc đáo, âm thanh đàn môi vang lên lúc trầm lúc bổng, lúc nhẹ nhàng”.

img_4825.jpg
Chiếc đàn môi nhìn đơn giản nhưng để chế tác cần sự tỉ mỉ, kỳ công.

Nhạc cụ dân tộc Mông tuy giản đơn nhưng lại phong phú về cách diễn đạt âm thanh, cảm xúc và có vị trí không thể thiếu trong đời sống văn hóa. Giữa sự đổi thay của xã hội, công nghệ cũng đang dần len lỏi vào từng bản làng, sự thay đổi thói quen sinh hoạt, nếp sống cũng ảnh hưởng không nhỏ đến thay đổi tư duy văn hóa của người Mông. Các loại nhạc cụ như khèn hay đàn môi ít nhiều bị ảnh hưởng và dần mất vị thế sử dụng trong đời sống. Nhưng dù xã hội có phát triển đến đâu, tinh hoa văn hóa của dân tộc vẫn là nguồn cội, là sợi dây gắn kết mỗi người.

Người Mông cho rằng nếu dân tộc Mông không có khèn hay đàn môi thì coi như không phải là người Mông. Trong hành trình bảo tồn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc ở Hà Giang, văn hóa truyền thống dân tộc Mông, trong đó có khèn Mông và đàn môi luôn đuợc các cấp, các ngành và cộng đồng dân tộc Mông chú trọng bảo tồn và phát huy phục vụ nhu cầu sáng tác, hưởng thụ văn hóa của cộng đồng. Ngày nay, các nhạc cụ dân tộc này còn trở thành sản phẩm du lịch độc đáo thu hút sự quan tâm của du khách trong nước và quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO