Vùng lòng chảo Mường Thanh, Mường Lò là vùng đất tổ của người Thái Đen xưa. Khi đến với nơi đây, ta sẽ có cơ hội nhìn ngắm ngôi nhà sàn cổ truyền của người Thái Đen với hai mái đầu hồi cong tròn gọi là “hướn tụp cống” hay “hướn tụp xlăng táu”, nghĩa là “nhà mái khum” hay “nhà mái khum hình mai rùa”. Nét đặc trưng nổi bật của ngôi nhà chính là biểu tượng “Khau Cút”, tức “Sừng (ngọn rau) Dớn” ở hai đầu hồi.
Thực tế, việc tạo ra các biểu tượng ở hai đầu hồi nhà là một hiện tượng phổ biến ở nhiều nước châu Á và châu Âu, đặc biệt là ở Đông Nam Á. Chúng có những chức năng tín ngưỡng xã hội và thẩm mỹ khá giống nhau.
Về nguồn gốc của Khau Cút, ta có thể đọc hay nghe đâu đó vài quan điểm khác nhau. Có quan điểm cho rằng Khau Cút có gốc là những thanh tre bắt chéo để chắn gió cho mái tranh ở hai đầu hồi, tạo sự chắc chắn cho mái nhà sàn, sau được thêm những hoa văn cho đẹp và mang ý nghĩa nào đó.
Lại có quan điểm gắn nguồn gốc Khau Cút với tục thờ trâu, một biểu tượng cho thần nước, cho tài sản, quyền thế và sức mạnh bảo vệ.
Có quan điểm nói theo sách cổ Thái, khi tổ tiên người Thái Đen chia thành hai nhóm đi tìm đất mới ở phía Nam vào thế kỷ 11, nhìn lên vầng trăng khuyết trên trời, hai người thủ lĩnh hai nhóm đã hẹn nhau khi làm nhà tại vùng đất mới thì làm hình trăng khuyết trên hai đầu nóc để sau này con cháu nhận ra nhau cùng chung nòi giống.
Một quan điểm nữa cho rằng Khau Cút có gốc từ ngọn hình xoáy ốc của cây rau dớn, một biểu tượng của sự sinh sôi nảy nở, của hạnh phúc gia đình.
Các quan điểm trên đều ít nhiều có lý. Tuy nhiên, có một quan điểm chắc còn ít người biết đến, theo đó là toàn bộ ngôi nhà mái hình mai rùa với biểu tượng Khau Cút của người Thái Đen thực chất là một biến thể của dạng nhà hình rùa thời Đông Sơn với hình rùa cách điệu ở hai đầu hồi.
Chúng ta có thể thấy ngôi nhà hình rùa đó trên mặt các trống Đông Sơn cổ và đẹp nhất hiện còn như Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Sông Đà. Đó là ngôi nhà phản ánh tín ngưỡng vật tổ rùa của An Dương Vương và hoàng tộc nước Âu Lạc (thế kỷ 3-2 TCN).
Trong sử sách, An Dương Vương có ông tổ tên là Thần Rùa, trong truyền thuyết Việt đã hóa thành Thần Rùa Vàng, thần bảo hộ của nước Âu Lạc. Thờ vật tổ rùa, An Dương Vương đã xây thành Cổ Loa, theo sử sách có tên Thành Ốc bởi có hình xoáy ốc, thực chất có hình rùa, mang tên Rùa (Cổ Loa là phiên âm một từ chỉ rùa trong tiếng Việt cổ). Ngoài ra, quan tướng quý tộc Âu Lạc mang thắt lưng khóa có hình rùa, mặc áo đính các tấm đồng ở ngực hay lưng giữa có hình rùa như một dạng bùa hộ mệnh...
Trên các tấm đồng Đông Sơn đó, ở trung tâm là biểu tượng rùa được cách điệu trông như một chữ X hoa với các đầu hình xoáy ốc.
Trong thực tế, nhà hình rùa Đông Sơn có bờ mái cong lồi giống hình mai rùa, hai mái hồi hình vòm với biểu tượng hình sừng hai đầu xoáy ốc ở hai đầu hồi. Tuy nhiên, trên mặt trống đồng Đông Sơn, khi thể hiện trên mặt phẳng hai chiều, biểu tượng hình sừng xoáy ốc đó đã được rút gọn thành các hình tròn đồng tâm.
Nói một cách khác, khi đưa biểu tượng rùa lên hai đầu hồi nhà, người Đông Sơn đã cắt đôi hình chữ X hoa với hai đầu hình xoáy ốc trên tấm đồng, tạo thành một chữ V hay hình sừng với hai đầu xoáy ốc tương ứng với hình và nghĩa Khau Cút của nhà người Thái Đen sau này.
Tương tự, ngôi nhà hình chim trên trống Ngọc Lũ chỉ có hình một đầu chim ở mỗi đầu hồi, nhưng rất có thể, để tương hợp với biểu tượng chữ V với hai vòng xoáy ốc của nhà hình rùa, nó có hình hai đầu chim đực - cái ở hai bên như nhà làng Cơ Tu sau này.
Như vậy, ngôi nhà Thái Đen có liên hệ cội nguồn trực tiếp với nhà hình rùa Đông Sơn. Có điều, dù có cùng liên hệ cội nguồn với nhà hình rùa Đông Sơn, nhà Thái Đen có bờ nóc thẳng với hai mái hồi cong khác với nhà Rông Ba Na có bờ nóc cong với hai mái hồi thẳng.
Mặt khác, tên gọi khau (sừng) và dạng Khau Cút hình trăng khuyết lại phản ánh tục thờ trâu - thần mưa - thần sông nước - thần nông của người Thái Đen khi họ trở thành cư dân trồng lúa nước và thờ vật tổ trâu thay cho vật tổ rùa.
Chưa hết, chúng ta còn thấy có mối liên hệ cội nguồn giữa nhà hình rùa và tấm đồng Đông Sơn với chiếc khăn Piêu đặc trưng của phụ nữ Thái Đen.
Khi ngắm nhìn từ mặt bên người phụ nữ Thái Đen đội Piêu, chúng ta thấy khăn tạo ra đường cong lồi trên đầu đồng điệu với bờ mái cong lồi của dạng nhà hình rùa Đông Sơn. Đặc biệt, khăn có hai mảng hình vuông ở hai đầu khăn gọi là mặt Piêu được phủ đầy các hoa văn là biến thể hoa văn trên tấm đồng Đông Sơn, tiếp đó những chiếc “cút Piêu”, tức những khuy vải cuộn tròn hình xoáy ốc ở rìa khăn cũng tương ứng với hình tròn đồng tâm ở hai đầu hồi nhà hình rùa Đông Sơn và Khau Cút. Chắc chắn, Piêu có gốc từ một dạng khăn đội đầu được phụ nữ Đông Sơn dùng để hóa thành người - rùa trong các nghi lễ thờ vật tổ rùa.
Những mối liên hệ trên cho thấy người Thái Đen chính là con cháu của nhóm người Đông Sơn có tín ngưỡng vật tổ rùa. Chính vì thế, họ còn có một loạt các phong tục gắn với tín ngưỡng đó.
Sự tích ngôi nhà mái mai rùa của người Thái Đen kể rằng: Ngày xưa, ban đầu người Thái Đen phải ở trong hang núi tối tăm. Rồi một hôm, cảm thấy không chịu nổi, bà tộc trưởng cử người đi khắp nơi hỏi cách làm nhà.
Trên đường, người đó gặp một con rùa. Biết được ý người, rùa đứng kiễng chân và bảo người hãy làm một ngôi nhà sàn mô phỏng hình rùa: mái nhà giống mai rùa, sàn nhà giống bụng rùa, cột nhà giống chân rùa, hai cửa giống miệng và hậu môn rùa. Người đó vui mừng trở về nói lại lời rùa. Bà tộc trưởng cho người làm theo và người Thái Đen có ngôi nhà mái khum mai rùa từ đó.
Để ghi nhớ công ơn rùa, người Thái Đen có tục treo trên cây cột nhà dựng đầu tiên (sau hẹ) một hình rùa bằng gỗ để thờ cúng.
Về tục treo hình rùa trên cột thiêng đó, người Thái Đen lại có một truyền thuyết khác kể, đại ý: Trên đường lên trời để dự đám ma giả của ông Trời, khi các loài vật khác bỏ qua rùa đang loay hoay qua một thân cây đổ ngang đường, chỉ có người thương rùa, nhặt và cắp rùa mang theo. Cảm động, rùa nói cho người biết ông Trời chỉ giả vờ chết, nên khi khóc ông, phải khóc cho thật lòng, tử tế.
Trước ông Trời đang nằm giả chết, các con vật chỉ vờ khóc và than rằng: “Ôi ông Trời ơi, nhờ ông chết chúng tôi mới được tự do ăn gì thì ăn, ở đâu thì ở”. Chỉ có người khóc và than: “Ôi ông Trời ơi, ông chết chúng tôi sẽ biết làm gì, biết sống ra sao đây”.
Nghe vậy, ông Trời bật dậy hét lên: “A, thì ra chỉ có loài người là thật lòng với ta, còn các loài vật là dối trá. Vậy từ giờ ta sẽ cho loài người làm chủ và có quyền ăn thịt các loài vật”. Các loài vật sợ hãi van xin, nhưng ý ông Trời quyết không thay đổi. Kể từ đó, loài người được tự do săn bắt ăn thịt các con vật, riêng rùa thì người nhớ ơn, kiêng bắt và ăn thịt, lại còn treo hình rùa trên cột thiêng để thờ cúng.
Truyền thuyết trên cho thấy mối liên hệ thân thiết giữa tổ tiên người Thái Đen với rùa và đặc biệt, tục kiêng bắt và ăn thịt rùa một thời của họ, một biểu hiện khác của tín ngưỡng vật tổ rùa.
Năm 2024 cũng là năm kỷ niệm 100 năm phát hiện và nghiên cứu văn hóa Đông Sơn, nền văn hóa thời Hùng Vương dựng nước - An Dương Vương mở rộng nước và Hai Bà Trưng cứu nước. Lên Điện Biên, ngắm các cô gái đội Piêu, thăm các ngôi nhà mái mu rùa và Khau Cút, đó cũng là một dịp để chúng ta suy ngẫm về mối liên hệ cội nguồn giữa văn hóa Thái Đen với văn hóa Đông Sơn, từ đó hiểu và yêu thêm văn hóa Đông Sơn - nền văn hóa cội nguồn của nhiều tộc người ở Việt Nam và Đông Nam Á.