Với nghề dệt truyền thống, những người phụ nữ dân tộc Mông ở huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên đang đảm nhận vai trò vừa là người bảo tồn, lưu giữ, vừa là người trao truyền các giá trị văn hóa cho các thế hệ sau. Họ chính là lực lượng đang phát huy tốt nhất những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc gắn với phát triển du lịch như mục tiêu trong Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã đề ra.
Cô Vi Thị Ái, người dân tộc Mông, giáo viên Trường Trung học phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Điện Biên chia sẻ, người Mông ở huyện Tủa Chùa chiếm tới 70% dân số. Cũng như người Mông ở các địa phương khác, dệt thổ cẩm là nghề truyền thống đã có từ lâu đời ở Tủa Chùa, gắn liền với đời sống hàng ngày và được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, mang đậm nét văn hóa độc đáo. Quá trình tạo ra những sản phẩm thổ cẩm hay bộ trang phục truyền thống phản ánh rất rõ sự nhọc nhằn, tỉ mỉ nhưng cũng rất đỗi khéo léo của những người phụ nữ Mông.
Cô Ái đúc kết quy trình đó gồm những bước cơ bản sau: tháng 3, tháng 4 hàng năm, đồng bào Mông ở Tủa Chùa bắt đầu gieo trồng cây lanh. Đến tháng 7, tháng 8, thu hoạch xong, đồng bào đem cây lanh ra phơi nắng cho khô rồi tước thành sợi. Sợi lanh được đưa vào cối giã mềm, sau đó nối lại, cuốn thành từng cuộn tròn, mang đi giặt. Tiếp đó, đem luộc đến khi sợi lanh mềm và trắng thì lại mang phơi nắng cho khô.
Kế đó, họ dùng guồng chia sợi lanh trước khi mắc vào khung cửi để dệt. Hết công đoạn dệt, phụ nữ Mông sẽ dùng bút được làm bằng đồng hơ nóng lên để vẽ vào lớp sáp ong tạo nên hoa văn. Vẽ xong, đem vải đã in sáp ong đi nhuộm chàm. Lúc nào vải có màu sẫm thì nhúng vào nước sôi, sáp ong sẽ chảy ra, để lại những hoa văn màu xanh lơ. Sau đó, họ chuyển sang công đoạn thêu theo hoa văn đã được in. Họa tiết hoa văn trên nền trang phục của người Mông chủ yếu là các hoa văn hình học như khối hình vuông, chữ nhật, hình thoi... được làm thủ công và mất rất nhiều thời gian.
Sản phẩm thổ cẩm khi đã hoàn thiện đều được trang trí độc đáo với những hoa văn, họa tiết khác nhau, với gam màu chủ đạo như trắng, đỏ, vàng, xanh lá cây, tím... tạo nét riêng có trên những bộ trang phục của đồng bào Mông huyện Tủa Chùa. Trong văn hóa của đồng bào dân tộc Mông Xanh huyện Tủa Chùa, họa tiết hoa văn trên trang phục là một trong những yếu tố cơ bản, bởi nó không chỉ làm tăng giá trị thẩm mỹ, thể hiện sự đặc sắc trong trang phục mà còn thể hiện nhiều nét sinh hoạt văn hóa của đồng bào.
Để hoàn thiện một bộ trang phục hoàn chỉnh, nếu người phụ nữ Mông chăm chỉ cũng phải mất khoảng 5 tháng, còn không thì phải gần một năm. Vì mất công như vậy nên trước đây, quy trình dệt, thêu trang phục truyền thống là một căn cứ để đánh giá tài năng, đạo đức, phẩm chất của người phụ nữ Mông ở Tủa Chùa.
Xã hội càng phát triển thì xu hướng tìm về những giá trị văn hoá truyền thống lại càng được đề cao hơn, bởi theo như ông Y Thanh Hà Niê K’Đăm - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội thì: “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số chính là biện pháp nhằm khơi nguồn sức mạnh mềm của văn hoá dân tộc, tạo ra sức mạnh nội sinh, là nguồn lực và động lực to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững và hội nhập quốc tế”.
Vậy nên, đến Tủa Chùa bây giờ, du khách sẽ được chứng kiến nhiều người phụ nữ Mông không chỉ duy trì nghề dệt, thêu thổ cẩm truyền thống phục vụ bó hẹp trong phạm vi nhu cầu của bản thân, gia đình hoặc làm của hồi môn cho con gái đi lấy chồng như trước đây nữa mà đã biến các sản phẩm đó trở thành hàng hóa.
Ở thôn Tà Là Cáo, xã Sính Phình, hiện đã có một tổ hợp thêu thổ cẩm truyền thống của phụ nữ người Mông. Tổ hợp này khá nổi tiếng và người có công lớn trong việc sáng lập là bà Giàng Thị Mảy. Gần 20 năm trước, Trung tâm Nghiên cứu liên kết và phát triển thủ công mỹ nghệ Craft Link tại Hà Nội đã đến Tủa Chùa khảo sát và hỗ trợ địa phương thành lập tổ hợp thêu thổ cẩm truyền thống dân tộc Mông. Được tín nhiệm giao làm tổ trưởng, bà Giàng Thị Mảy đã thuyết phục, vận động 20 chị em trong xã Sính Phình tham gia tổ hợp thêu.
Những ngày đầu mới thành lập, chị em chủ yếu làm quen với các họa tiết thêu đơn giản, sau đó mới nâng dần độ khó. Người phụ nữ dân tộc Mông vốn chăm chỉ, chịu khó và hầu như ai cũng biết dệt, thêu từ bé, nên nhanh chóng thạo việc. Khi tham gia tổ hợp, chị em đã làm ra các sản phẩm mới như: váy, áo, khăn quàng, túi đeo điện thoại... và biến những sản phẩm đó trở thành hàng lưu niệm được du khách trong và ngoài nước rất ưa chuộng. Công việc của Tổ trưởng Giàng Thị Mảy giờ đây là nhận các đơn hàng, sau đó phân chia nguyên liệu cho thành viên mang về nhà tự làm; đồng thời tìm tòi những mẫu hoa văn mới phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Bà tâm sự, tuy công việc khá vất vả, nhưng vì tình yêu đối với nghề truyền thống do cha mẹ để lại nên phải cố gắng theo; đồng thời động viên chị em gắn bó với công việc này nhằm cùng nhau lưu giữ mãi một nét văn hóa truyền thống của dân tộc.
Nghề dệt thổ cẩm của người Mông ở Tủa Chùa đang góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho phụ nữ dân tộc thiểu số. Trung bình mỗi bộ quần áo được bán với giá từ 7-8 triệu đồng, bộ nào sắc nét có giá khoảng hơn 10 triệu đồng. Trừ chi phí, mỗi tháng, chị em có thêm thu nhập từ 5-6 triệu đồng đối với người làm thường xuyên. Những người tranh thủ làm lúc rảnh rỗi thì thu nhập từ 2-3 triệu đồng.
Có thu nhập nên những người phụ nữ Mông vốn đã chăm chỉ nay lại càng chăm chỉ hơn. Họ tận dụng mọi lúc, mọi nơi để làm nghề, với mong ước giản dị là có thêm nguồn thu để trang trải nhu cầu sinh hoạt trong gia đình. Việc làm của họ là minh chứng rõ nét cho tinh thần tự lực, vượt qua khó khăn, thách thức, hòa nhập, phát triển cùng đất nước của đồng bào dân tộc thiểu số như Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới đã yêu cầu.
Ở tầm ý nghĩa cao hơn thì chính những người phụ nữ Mông ở Tủa Chùa đang góp phần biến di sản thành tài sản có giá trị. Họ ngày đêm dệt nên cuộc sống mới cho bản thân, gia đình và cộng đồng từ những sợi lanh nối dài truyền thống văn hóa của dân tộc. Những nghệ nhân am hiểu về nghề và giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc Mông như bà Giàng Thị Mảy, bằng phương pháp thủ công truyền thống đang vừa làm, vừa hướng dẫn cho lớp trẻ và những người chưa biết nghề những kỹ thuật, kỹ năng trong việc tạo ra các hoa văn truyền thống.
Các cán bộ chuyên môn của địa phương cũng tham gia giúp sức quá trình này bằng cách đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào bảo tồn và gìn giữ nét văn hóa đặc trưng độc đáo của dân tộc. Trong bối cảnh hôm nay, đó là một giải pháp đúng để giải quyết hiệu quả bài toán giữa việc quan tâm bảo tồn với phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số nói chung, người Mông Xanh ở Tủa Chùa nói riêng.