Văn hóa

Đền Choọng và câu chuyện tình trên đỉnh Pu Đên

Gia Ân-Thu Hường 08/04/2024 - 09:24

Là ngôi đền thiêng gắn với các chứng tích lịch sử, đền Choọng nằm dưới chân núi Pu Đên, thuộc xã Châu Lý, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An. Mùa xuân năm Giáp Ngọ 2014, từ tâm thành của hậu thế đối với tiền nhân, đền được phục dựng trên chính vị trí năm xưa với diện tích gần 10ha. Ngôi đền thiêng đã qua 2 đợt phục dựng để có được sự bề thế uy nguy như bây giờ.

Huyền thoại Nàng tóc thơm

Mường Choọng là mảnh đất có nhiều đóng góp vào chiến thắng của nghĩa quân Lam Sơn trong việc đánh đuổi giặc Minh vào thế kỷ XV.

Theo truyền thuyết, trong những ngày dừng chân nơi mảnh đất này, vị tướng quân đã đem lòng yêu thương người con gái Thái đẹp người, đẹp nết tên là Nang Phốm Hóm (nàng tóc thơm).

2.jpg
3.jpg
Thượng điện và nghi thức tắm cho hạt lúa thờ tại đền Choọng.

Nàng nổi tiếng khắp vùng bởi sự thông minh, lanh lợi. Đặc biệt, mái tóc nàng luôn tỏa hương thơm của những bông hoa rừng. Nàng đi đến đâu cũng mang lại sự tươi vui, may mắn nên luôn được dân bản tin yêu, quý trọng.

Từ khi nghĩa quân Lam Sơn dừng chân ở Mường Choọng để chiêu mộ binh lính, tăng cường nhu yếu phẩm, nàng đã hướng dẫn người dân trong vùng cách làm ra nhiều ngô, lúa và dệt nhiều bộ quần áo để đóng góp cho nghĩa quân.

Chồng của nàng Nang Phốm Hóm là tướng quân nên chinh chiến hết vùng đất này đến vùng đất khác khiến nàng ngày đêm mong nhớ. Một hôm, nàng ra suối gội đầu, vô tình làm rơi chiếc lược. Nàng với tay theo thì ngã xuống suối và bị nước cuốn trôi.

Khi nghe tin người vợ hiền thảo mất, vị tướng quân cùng binh lính tức tốc trở về, ngày đêm ra sức tìm kiếm. Đất ven dòng Nậm Choọng được đào lên chất thành núi nhưng chẳng thấy nàng đâu, chỉ thấy những sợi tóc thơm như hồn thiêng của nàng còn đọng lại.

Vì nhớ thương người con gái đẹp người, đẹp nết, người dân Mường Choọng đã lập đền thờ nàng Nang Phốm Hóm ngay trên đồi đất mới được bồi đắp lên trong quá trình tìm kiếm nàng.

4.jpg
1(2).jpg
Lễ rước linh giá tại Đền Choọng.

Những người cao niên ở xã Châu Lý cho biết, các nghi thức tế lễ, hội hè cũng như kiến trúc của đền Choọng xưa đều mang những nét độc đáo của hai nền văn hóa Thái - Kinh. Trong đó, thể hiện sâu sắc nhất của sự giao thoa văn hóa là chính lễ Đám Lục Ngoạt.

Đám Lục Ngoạt có lễ rước và tế thần, hát chúc thần, đọc chúc văn, các phường trò về biểu diễn mang đậm dấu ấn văn hóa, phong tục người Kinh; đồng thời mang đậm bản sắc văn hóa của Mường Choọng như trang phục truyền thống, những điệu lăm, xuối, tiếng cồng chiêng, khắc luống... ngân vang hay các trò chơi dân gian như ném còn, bắn cung nỏ.

Theo lý giải, do nàng Nang Phốm Hóm có vai trò gắn kết người Thái, người Kinh và cộng đồng các dân tộc anh em miền Tây xứ Nghệ nên phần lễ và hội đền Choọng có nhiều nét văn hóa của cả dân tộc Thái và Kinh.

Điểm đến tâm linh giữa đại ngàn Mường Choọng

Trải qua những thăng trầm lịch sử, từ năm 1957, đền thờ Nang Phốm Hóm chỉ còn những phế tích. Người dân địa phương mong mỏi phục dựng lại ngôi đền nhưng do nhiều nguyên nhân nên đến năm 2014, việc phục dựng Đền Choọng mới được tiến hành.

Theo ông Nguyễn Giang Hoài, nguyên Chủ tịch Hội Doanh nghiệp huyện Quỳ Hợp, người có công kêu gọi phục dựng đền Choọng ngày đầu cho biết: “Ngôi đền là một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người dân nơi đây nên chính quyền và người dân đều mong mỏi phục dựng lại ngôi đền”.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan nên đến năm 2010, Ban Thường vụ Huyện ủy Quỳ Hợp mới có chủ trương phục dựng đền Choọng. Số tiền để phục dựng đền được xã hội hóa; trong đó, đóng góp chính là Hội doanh nghiệp nhỏ và vừa huyện Quỳ Hợp.

Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho biết: “Khi phục dựng đền Choọng, chúng tôi gặp không ít khó khăn trong quá trình tìm hiểu và nghiên cứu để phục dựng những nét cổ xưa của ngôi đền.

Để phục dựng hình ảnh nàng Nang Phốm Hóm, chúng tôi phải nghiên cứu rất nhiều hình ảnh những cô gái Thái, để từ đó tìm ra nét duyên đặc trưng của người con gái Thái.

Để phục dựng hình ảnh hạt thóc cổ, chúng tôi đã nhờ người từng tạc hình hạt thóc được thờ trong đền Quả Sơn ở huyện Đô Lương rồi tìm nguyên bản hạt thóc cổ. Sau đó, lấy chính lõi cây mít có tuổi thọ hàng trăm năm để tạc nên”.

Điểm bắt đầu của đền Choọng là nghi môn. Nghi môn có kết cấu gồm hai trụ biểu được làm bằng đá hoa cương nguyên khối, bốn mặt tạc long, ly, quy, phụng rất công phu và tinh xảo.

Bên cạnh hai trụ biểu là tượng hai con voi bằng đá granite nguyên khối, được tạc trong thế quỳ chầu. Qua nghi môn là đến miếu sơn thần. Miếu ở bên phải đường lên đền chính. Trước miếu bài trí một lư hương đá để du khách thập phương dâng lễ trình trước khi vào đền chính.

Sau khi leo qua 111 bậc tam cấp, du khách sẽ đến đền chính nằm trên đỉnh núi Pu Đên. Đặc biệt, ngay bên trái đền chính là khuôn viên trưng bày lưu giữ nguyên bản di chứng của đền Choọng xưa là 16 viên đá cổ làm đế kê cột đền.

Mặt trước đền chính là hệ thống cửa bàn khoa thượng song hạ bản, có địa thu ở dưới, trên cánh cửa chạm trổ hoa văn tùng, cúc, trúc, mai.

Đền chính được thiết kế uy nghi, bề thế, vừa cổ kính trang nghiêm, tiêu biểu cho lối kiến trúc truyền thống của đền chùa Việt Nam, vừa mang nét riêng của văn hóa Thái cổ.

Đền Choọng tọa lạc giữa muôn trùng đại ngàn, thung lũng Mường Choọng như một cánh đồng rộng lớn. Nổi lên giữa trung tâm của thung lũng Mường Choọng là đỉnh Pu Đên.

Từ trên đỉnh Pu Đên phóng tầm mắt ra xa có thể thấy được hầu hết các bản làng ở Mường Choọng, từ bản Xết, bản Vực đến bản Thắm, bản Cồn... Đây là trung tâm trao đổi, giao lưu của cả Mường Choọng xưa.

Phía trước đền Choọng là dòng Nậm Choọng, bắt nguồn từ thác Bản Bìa uốn lượn chảy qua ôm lấy Pu Đên rồi hòa nhập với sông Dinh, sông Hiếu. Xa xa là trùng điệp núi non bao bọc, che chắn vòng trong, vòng ngoài như những la thành, địa thế hùng vĩ, khí tượng anh linh.

Phục dựng lễ hội truyền thống

Sau khi quần thể di tích lịch sử đền Choọng được phục dựng và được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh 2015, lần đầu lễ hội được phục dựng và tổ chức vào ngày 15,16/6 âm lịch hằng năm.

5.jpg
6.jpg
Thầy mo tiến hành cúng bằng tiếng Thái và tiếng Kinh tại đền Choọng.

Lễ hội gồm hai phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ gồm có lễ yết cáo, nộp trâu, lễ rước linh giá, lễ đại tế và lễ tạ tại đền chính. Tại lễ cúng Nang Phốm Hóm, thầy mo tiến hành cả bằng tiếng Kinh và tiếng Thái với nội dung cầu cho mưa thuận gió hòa, bản làng bình yên, cây cối tốt tươi, người người, nhà nhà được mạnh khỏe, bình an.…

Các lễ vật được bày biện ở 9 bàn thờ thuộc quần thể di tích đền Chọong được chuẩn bị chu đáo gồm các mâm lễ vật với nhiều món điển hình dâng lên Nang Phốm Hóm và các vị thần linh gồm có thịt trâu, thủ lợn, bánh sừng trâu, hò mọc, xôi ép, cơm lam, cá nướng, xôi gà, trứng luộc, rượu trầu cau...

Phần hội gồm có đêm hội diễn văn nghệ, hội trại, các trò chơi dân gian như bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy, đi cà kheo, bóng chuyền nam nữ… thu hút đông đảo khách thập phương trong và ngoài huyện về tham dự.

Do lễ hội Nang Phốm Hóm diễn ra vào ngày 15,16/6 âm lịch thời tiết mùa hè nắng nóng nên thể theo nguyện vọng nhân dân, từ năm 2018 đến nay, lễ hội được chuyển sang mùa xuân - vào ngày 12/2 âm lịch hằng năm. Còn lễ giỗ Nang Phốm Hóm vẫn được duy trì vào ngày 15,16/6 âm lịch.

Năm 2020, vì trong giai đoạn đỉnh điểm dịch bệnh Covid-19 nên huyện Quỳ Hợp chỉ tổ chức lễ cúng không tổ chức phần hội từ đó cho đến nay. Theo bà Trương Thị Giang, Trưởng phòng Văn hóa thông tin Quỳ Hợp cho biết: “Năm 2025 chúng tôi sẽ tổ chức cả phần lễ và phần hội.

Phần hội - cứ mỗi ba năm được tổ chức một lần - thu hút 21 xã thị trấn về tham gia tổ chức cắm trại, hội diễn văn nghệ, ẩm thực và các trò chơi mang đậm bản sắc dân tộc Thái.

Đây cũng là dịp để cán bộ và nhân dân huyện Quỳ Hợp nhớ về cội nguồn, ghi tạc công ơn của người con gái có tên Nang Phốm Hóm - người có công lớn giúp nghĩa quân Lam Sơn đánh đuổi giặc Minh từ thế kỷ XV.

Lễ hội cũng là dịp để các tầng lớp nhân dân trong và ngoài huyện hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của di tích lịch sử đền Choọng, góp phần gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hoá lịch sử của huyện Quỳ Hợp góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO