Xác định xây dựng Nông thôn mới (NTM) là nhiệm vụ trọng tâm, tỉnh ta đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân nhằm hướng đến mục tiêu nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, để xây dựng nông thôn thực sự mới, bền vững, đi vào chiều sâu vẫn còn nhiều “rào cản” cần tháo gỡ.
Xây dựng NTM là chương trình phát triển tổng hợp, toàn diện, liên tục, trở thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Trong quý I năm 2024, các huyện, thành phố đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng trong nhân dân để thực hiện phong trào xây dựng NTM với nhiều hình thức phong phú như: Tuyên truyền, vận động bằng kịch nói quần chúng (206 buổi); tuyên truyền miệng (2.203 buổi); tổ chức 259 lượt ra quân xây dựng NTM, thu hút trên 19.000 lượt người tham gia; lắp đặt 221 pa nô, 109 bảng tin xây dựng NTM…
Nhiều địa phương như: Bắc Quang, Quang Bình, Hoàng Su Phì còn phát động phong trào thi đua xây dựng NTM, tổ chức ra quân xây dựng NTM, cải tạo vườn tạp, thực hiện “Ngày thứ 7 vì NTM”. Nhờ đó, các tiêu chí xây dựng NTM đã hoàn thành tiếp tục được củng cố và duy trì; các tiêu chí chưa đạt được “tiếp lửa” để phấn đấu hoàn thành.
Trong xây dựng NTM, tỉnh ta đã phát huy nền tảng, sức mạnh toàn dân, tinh thần đoàn kết và vai trò làm chủ của nhân dân theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh thực hiện được hơn 30.000 m đường bê tông các loại; mở mới trên 10.000 m đường đất, đá; sửa chữa, nâng cấp, mở rộng trên 25.000 m đường giao thông nông thôn; bó láng nền nhà 289 hộ; xây dựng gần 600 công trình vệ sinh; cứng hóa, di dời 160 chuồng trại ra xa nhà... Đặc biệt, nhân dân tự nguyện hiến 22.273 m2 đất, đóng góp gần 22.000 ngày công lao động để làm đường bê tông và các công trình phúc lợi. Lũy kế đến nay, tỉnh ta có 1 đơn vị (thành phố Hà Giang) được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 48/175 xã đạt chuẩn NTM, trong đó, xã Phương Thiện (thành phố Hà Giang) đạt chuẩn NTM nâng cao; hoàn thành 2.165 tiêu chí NTM, bình quân toàn tỉnh đạt 12,4 tiêu chí/xã.
Tháng 3 vừa qua, Văn phòng Điều phối NTM tỉnh đã đi kiểm tra thực tế tình hình triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM từ năm 2022 đến quý I.2024 của các huyện, thành phố. Kết quả kiểm tra cho thấy, còn không ít hạn chế cần giải pháp khắc phục. Trong đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chương trình xây dựng NTM của một số địa phương chưa quyết liệt, chưa đề xuất được nhiệm vụ, giải pháp đột phá để xây dựng xã, thôn đạt các tiêu chí NTM, thậm chí chưa ban hành kế hoạch triển khai nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2024.
Cá biệt, tư tưởng xây dựng NTM của một số địa phương có dấu hiệu “trùng xuống”, do quan điểm xã đạt chuẩn NTM không khác biệt hơn so với xã chưa đạt chuẩn; sau đạt chuẩn NTM không còn thụ hưởng chế độ, chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với xã vùng khó khăn, ngân sách đầu tư “nhỏ giọt” dẫn đến khó khăn trong việc duy trì và nâng cao chất lượng NTM.
Nếu như trước đây, tỉnh ta ấn định thời gian hoàn thành số xã đạt chuẩn NTM theo kế hoạch từng năm thì giai đoạn 2022 – 2025 tổ chức triển khai hoàn thành theo từng nhóm tiêu chí đối với từng xã để đánh giá, công nhận đạt chuẩn NTM vào năm cuối của giai đoạn. Tuy nhiên, không ít xã nằm trong kế hoạch đạt chuẩn NTM vào năm 2025, đến thời điểm này chưa tăng tiêu chí nào so với đầu giai đoạn như: Xã Lạc Nông, Phú Nam (Bắc Mê); Sủng Trà, Niêm Sơn, (Mèo Vạc); Mậu Duệ, Hữu Vinh, Bạch Đích (Yên Minh); Tụ Nhân, Nam Sơn (Hoàng Su Phì), Tùng Vài, Thanh Vân (Quản Bạ); Kim Linh, Thanh Đức (Vị Xuyên); Nà Chì (Xín Mần). Để xây dựng thành công xã, huyện đạt chuẩn NTM, tỉnh ta đã tập trung xây dựng thôn đạt chuẩn NTM theo tiêu chí của tỉnh để phù hợp với điều kiện thực tế, đảm bảo xây dựng NTM bền vững từ cơ sở. Tuy nhiên, việc thực hiện tiêu chí và công nhận thôn NTM đạt thấp.
Toàn tỉnh mới có 126/1.899 thôn được công nhận thôn NTM. Tại một số huyện: Yên Minh, Mèo Vạc, Hoàng Su Phì, Quản Bạ, Xín Mần ở thời điểm đoàn công tác của Văn phòng Điều phối NTM tỉnh kiểm tra, chưa công nhận được thêm thôn đạt chuẩn NTM.
Năm 2024, UBND tỉnh bố trí nguồn vốn hơn 130,2 tỷ đồng để thực hiện chương trình xây dựng NTM. Đồng thời, phân bổ 50 tỷ đồng để tổ chức đấu thầu mua xi măng cung ứng cho các huyện, thành phố thực hiện bê tông hóa đường giao thông nông thôn. Tuy nhiên, nguồn lực thực hiện chương trình xây dựng NTM so với nhu cầu thực tế để đạt được các mục tiêu, tiêu chí còn thấp. Giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh ta cần nguồn lực rất lớn, lên đến gần 8.800 tỷ đồng để có thể hoàn thành mục tiêu phấn đấu có thêm 2 huyện Bắc Quang, Quang Bình đạt chuẩn NTM, nâng tổng số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM lên 3 đơn vị; duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí tại 48 xã chuẩn NTM; phấn đấu có thêm 34 xã đạt chuẩn NTM; thêm 6 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, lũy kế 7 xã; thực hiện 2 xã NTM kiểu mẫu; 113 thôn/112 xã đặc biệt khó khăn đạt chuẩn thôn NTM; 100% thôn biên giới (124 thôn/34 xã/7 huyện) có điện và đường giao thông đạt tiêu chí NTM.
Nhằm tháo gỡ “rào cản”, xây dựng NTM bền vững, đi vào chiều sâu, tỉnh ta đang quyết liệt thực hiện lồng ghép nguồn vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) và các chương trình, dự án khác để thực hiện mục tiêu, kế hoạch của chương trình xây dựng NTM đến năm 2025. Trong đó, lấy chương trình MTQG xây dựng NTM làm gốc, 2 chương trình MTQG còn lại (giảm nghèo bền vững và phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025) sẽ thực hiện hỗ trợ, lồng ghép nguồn vốn. Không những vậy, tỉnh ta còn triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tiếp tục đầu tư, duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí tại các xã đã đạt chuẩn NTM, thực hiện xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, NTM cấp thôn để NTM thực sự mới, mang đến diện mạo “tam nông” thịnh vượng.