Lễ hội là một loại hình sinh hoạt văn hóa cộng đồng phổ biến và đậm đà bản sắc dân tộc, là tài sản vô giá trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc, tuy nhiên hiện nay một số lễ hội đang bị biến tướng làm mất đi “sức sống” cũng như ý nghĩa cao đẹp của nó.
Mỗi năm cả nước có khoảng hơn 8 ngàn lễ hội lớn nhỏ trong đó chủ yếu tập trung vào tháng Giêng sau tết âm lịch. Lễ hội phản ánh sinh hoạt, khát vọng cùng tài năng của nhân dân về nhiều mặt của đời sống, là nguồn tài nguyên nhân văn to lớn để phục vụ phát triển du lịch văn hóa…
Nhiều năm nay, phát huy vai trò cơ quan quản lý, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các địa phương và các cơ quan ban ngành tăng cường công tác kiểm tra, khuyến khích các địa phương tổ chức lễ hội theo hướng thiết thực, hiệu quả, an toàn, tiết kiệm, phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc, thuần phong mỹ tục; ngăn chặn và đẩy lùi các biểu hiện tiêu cực, lợi dụng lễ hội thu lợi bất chính; hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc, cờ bạc trá hình, ăn xin, dịch vụ đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch… diễn ra trong lễ hội.
Tuy nhiên, dù đã rất nỗ lực quản lý, nhưng hiện nay vẫn còn có lễ hội bất chấp sự khuyến cáo của các cơ quan ban ngành, biến tướng để trục lợi. Trước đây, lễ hội là của cộng đồng người dân tự bàn, tự làm, tự hưởng thụ, nhưng giờ đây trong cơ chế thị trường, những chủ nhân thực sự của lễ hội trở nên thụ động mà thay vào đó là những diễn viên, còn người dân chỉ là khán giả mà thôi.
Điều đáng nói là khi đời sống kinh tế càng đi lên, càng nhiều người có xu hướng “phú quý sinh lễ nghĩa”. Họ muốn dùng tiền của để giải quyết mọi việc, mọi quan hệ, ngay cả đối với thần thánh. Họ đốt nhiều vàng mã, đặt lễ nhiều tiền rồi cầu xin theo những ý muốn cá nhân. Họ coi đó như phương thức nhằm đảm bảo “an ninh tinh thần” cho bản thân. Tâm lý này đã trở nên phổ biến và đã ăn sâu vào tiềm thức của không ít người.
Có lẽ cũng vì thế mà lễ hội đã bị biến tướng, ý nghĩa thiêng liêng giảm đi, phần lợi, thậm chí là trục lợi từ khai thác lễ hội tăng lên. Nhiều lễ hội bề ngoài hình thức vẫn là lễ hội truyền thống nhưng đó chỉ là cái vỏ để làm lợi trong cơ chế thị trường. Tín ngưỡng thờ Mẫu hay tín ngưỡng thờ “Tam Phủ”, “Tứ Phủ” trong đó có nghi lễ hát văn, hầu đồng được tôn thờ nhiều trong dân gian, tạo nên bức tranh đa dạng và phong phú của đời sống văn hóa tâm linh mang bản sắc Việt Nam. Tuy nhiên, không ít người lợi dụng làm kinh tế, trục lợi trên loại hình này. Phải có tiền mới hát, một khóa đồng có khi phải chi từ chục triệu lên đến cả tỷ đồng…
Có một điều đặc biệt là lễ hội thường gắn với các chùa. Chùa trước đây phần lớn là chùa làng, người coi chùa tự đi hái củi, ra chợ bán lấy tiền đèn dầu ngày rằm, ngày lễ. Với các chùa lớn, nhà nước bỏ kinh phí xây dựng, rồi hàng năm ban cho lộc điền cày cấy để tu bổ và hương khói. Nhưng hiện nay người ta tổ chức lễ hội lại chủ yếu để làm kinh tế. Vì thế họ ra sức quảng bá, thu hút phật tử đến với chùa mình, muốn vậy lễ hội năm sau thường phải tổ chức hoành tráng hơn năm trước…
Để lễ hội đi vào nề nếp, có lẽ việc đầu tiên cần làm là phải khôi phục lại giá trị cốt lõi của lễ hội, nói không với việc “buôn thần bán thánh”. Bên cạnh đó cần phải trả lại quyền làm chủ cho người dân tại các lễ hội.
Đặc biệt để lễ hội có “sức sống” thì việc can thiệp về hành chính phải ít đi. Hãy để cộng đồng cư dân, nghệ nhân giữ vai trò chủ thể. Muốn vậy trước hết cần phải nâng cao nhận thức cho những người tham dự lễ hội. Đi chùa đi đền, đến lễ hội… ngoài nhu cầu tâm linh, còn có nhu cầu thăm thú vãn cảnh, thư giãn để tái sản xuất sức lao động. Cần cân bằng giữa đạo và đời, tín ngưỡng nhưng phải tỉnh táo chứ đừng mê muội, lú lẫn. Làm sao để mỗi người tham gia thấy được việc đến với lễ hội không chỉ là cuộc du ngoạn tâm linh, mà còn để làm cho con người mắt sáng, tâm trong, từ đó nâng cao ý thức, hành xử văn minh, góp phần bảo tồn các nét đẹp văn hóa lễ hội trong đời sống hiện đại. Ngoài ra, cơ sở thờ tự phải thượng tôn pháp luật, không để cho yếu tố thị trường chen vào chiếm vị trí chủ đạo.