Văn hóa

Để K’toang vang xa

Khánh Vy 25/10/2023 - 17:14

Múa trống đôi là một nét văn hóa độc đáo trong đời sống, sinh hoạt văn hóa của người Chăm H’roi. Thông qua âm thanh, nhịp điệu, tiết tấu những điệu trống, họ có thể trao gửi tâm tư, tình cảm, trò chuyện với nhau.

Nghệ thuật múa trống bằng tay

Người Chăm H’roi là một nhánh của dân tộc Chăm, sống tập trung chủ yếu ở huyện Vân Canh (Bình Định) và huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa (Phú Yên). Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nền văn hóa Chăm H’roi vẫn tồn tại, trong đó có múa trống đôi.

Trống đôi là nhạc cụ có từ lâu đời của người Chăm H’roi, được làm bằng thân cây khoét rỗng, bịt da bò, hoặc da ngựa. Múa trống đôi là hình thức diễn tấu theo cặp (gồm trống đực và trống cái). Các động tác múa trống thường được mô phỏng theo dáng đi, kiểu chạy nhảy của muông thú.

Theo già làng Lê Văn Ru (người Chăm H’roi, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định), những dịp lễ hội lớn của người Chăm H’roi như Lễ đâm trâu, Lễ cưới, Lễ mừng sức khỏe... không thể thiếu màn múa trống kơ-toang với dàn cồng 3 và chiêng 5. Nghi thức này là sự khẩn cầu thần linh, gửi gắm lòng biết ơn và những khát vọng thuần hậu về cuộc sống ấm no, bình an và khỏe mạnh. Âm vang của tiếng trống còn là sự kết nối cộng đồng, hóa giải những khúc mắc, bất hòa. Mặt khác, trống đôi còn thường được đem ra thi tài giữa các trai làng với nhau như là môn thể thao nghệ thuật hay vui văn nghệ.

binh-dinh-2.jpg
Già làng Lê Văn Ru.

Múa trống đôi không dễ, khi trình diễn cặp nhạc cụ này người ta còn thực hiện các động tác múa rất độc đáo. Người diễn tấu đứng đối diện nhau, trống được đeo nằm ngang trước bụng. Trống nặng khoảng 4 kg nhưng người diễn tấu phải múa liên tục, thân mình luôn di chuyển, nhún nhảy. Vì vậy, người diễn tấu ngoài sự khéo léo, khả năng thẩm âm tốt, cần phải có sức khoẻ và sự dẻo dai, bền bỉ để tạo nên những âm thanh mạnh mẽ, tiết tấu linh hoạt.

Sự sáng tạo của người Chăm H’roi khi diễn tấu trống bằng cách dùng bốn đầu ngón tay, bàn tay vê, vuốt, vỗ lên mặt trống, tạo ra các âm sắc và tiết tấu, mà không dùng tới dùi trống. Giai điệu trống đôi tập hợp những chuỗi tiết tấu ngẫu hứng không phụ thuộc vào cường độ, cao độ nhất định nào.

Khi múa, đòi hỏi người diễn phải ăn ý, hiểu ý nhau và giữ sự nhịp nhàng, uyển chuyển, tung hứng cho nhau. Không cần dùng lời, nghe tiếng trống đôi, người Chăm H’roi có thể cảm nhận được tâm tư, tình cảm vui buồn, nhớ nhung, giận hờn hay trách móc…

Âm thanh hai trống hòa với nhau rất linh hoạt. Trống này ngừng, trống kia đánh, trống này chậm rãi, trống kia dồn dập. Có cảm giác như một cuộc đối thoại, người này hỏi, người kia trả lời. Tiết tấu lúc mau, lúc thưa, khi nhịp nhàng, rồi bỗng dồn dập liên hồi. Chỉ hai người với hai chiếc trống mà làm nên cả không khí sôi động của hội hè. Ngoài ra, trống đôi còn thường được đem ra thi tài giữa các trai làng với nhau như là môn thể thao nghệ thuật hay vui văn nghệ.

k-toang-2.jpg
Nghệ nhân Nguyễn Thị Ngọc Hương là người nữ duy nhất biểu diễn thuần thục trống K’toang.

Với những giá trị nghệ thuật dân gian độc đáo, cùng với nghệ thuật trình diễn cồng ba, chiêng năm, nghệ thuật trình diễn trống đôi đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2016.

Gìn giữ bản sắc

Dù tuổi đã cao nhưng già Lê Văn Ru vẫn giữ đam mê với tiếng trống K’ toang, đau đáu giữ được hồn trống K’ toang của người Chăm H’roi. Già Ru là người thông thạo tất cả các nhạc cụ Chăm Hroi, các làn điệu dân ca và cả những nghi thức xa xưa. Ngoài việc tổ chức những nghi lễ trong làng, ông còn thường xuyên đem văn hóa Chăm Hroi đi biểu diễn ở nhiều nơi.

Vì lo nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình mai một, nên ông Ru đã tận tay dạy nghề cho con trai mình, anh Lê Văn Tây. Đến nay, anh Tây đã chơi thành thạo loại nhạc cụ này và là người trẻ hiếm hoi của khu phố Hiệp Hội giữ được nhịp trống Kơ toang.

anh-1-1.jpg
Các nghệ nhân ở Vân Canh trình diễn trống kơ-toang trong lễ cúng mừng nhà ông mới.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hương, 57 tuổi, ở khu phố Hiệp Hà (thị trấn Vân Canh) được xem là phụ nữ đầu tiên biết chơi nhạc cụ này. Lúc còn nhỏ, bà thường thấy các già làng, nghệ nhân trình diễn trống đôi trong các lễ hội nên rất thích. Vì yêu thích nên bà đã tự tìm tòi, học hỏi gõ trống. Thấy bà đam mê nhạc cụ này, một số người cũng chỉ thêm cho bà. Khi đã thành thục những âm điệu, bà tham gia cùng các nghệ nhân đi trình diễn.

Tuy nhiên, hiện nay, bà rất trăn trở khi nhạc cụ truyền thống của người Chăm H’roi đang dần mai một. Bà Hương cho rằng, thanh thiếu niên bây giờ ít quan tâm, chịu khó để chơi nhạc cụ này, phần vì loại nhạc cụ này khó học, phần vì phải đánh trống trực tiếp bằng tay (không dùng dùi) nên khá đau tay, mất sức.

Chị Chăm Soi Hơ Muốch - cán bộ văn hóa - xã hội UBND thị trấn Vân Canh cho biết, số nghệ nhân chơi thạo trống Kơ toang hiện rất ít. Để bảo tồn, lưu giữ tiếng trống Kơ toang, chị Muốch mong muốn chính quyền địa phương, ngành Văn hóa tỉnh, huyện quan tâm hỗ trợ mở các lớp đào tạo, truyền dạy cách đánh trống Kơ toang cho thế hệ trẻ có niềm đam mê, nhằm giữ gìn nét văn hóa truyền thống này.

Ông Nguyễn Xuân Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện Vân Canh cho biết: UBND huyện đã ban hành kế hoạch về bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc huyện gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 – 2025. Huyện đã giao cho Phòng Văn hoá- Thông tin, Trung tâm Văn hoá các xã, thị trấn tổ chức ghi hình phục dựng một số lễ hội văn hoá đặc sắc trên địa bàn huyện, trong đó có trống K’toang.

Tới đây, huyện sẽ kiểm kê các loại hình di sản văn hóa trên địa bàn huyện có chất lượng, hiệu quả; qua đó phân loại và sưu tầm các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đặc trưng để trưng bày tại Nhà văn hóa truyền thống huyện. Đồng thời, in 1 bộ sách về kho tàng văn học dân gian, các lễ hội, các trò chơi, trò diễn của các dân tộc; các phong tục, tín ngưỡng, các nghi lễ; các loại hình nghệ thuật biểu diễn như âm nhạc, múa… văn hóa ẩm thực, các đặc sản vùng miền, các nghề truyền thống...

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO