Văn hóa

Để Cổ Loa còn mãi muôn đời

D. Thảo 18/02/2024 - 07:38

Thành Cổ Loa không chỉ là một di sản văn hóa, một bằng chứng về sự sáng tạo, trình độ kỹ thuật cũng như văn hóa của người Việt cổ mà còn là một điểm đến lý tưởng cho du khách thập phương. Về Cổ Loa, du khách được đắm mình vào di tích mang đậm các giá trị lịch sử và văn học nghệ thuật gắn liền với nhiều truyền thuyết dân tộc.

Điểm nhấn thành Cổ Loa

Thành Cổ Loa còn có tên gọi khác là Loa Thành, là tòa thành cổ gắn liền với truyền thuyết An Dương Vương xây thành và chuyện Mỵ Châu – Trọng Thuỷ. Tòa thành này được xây dựng từ thế kỷ thứ III TCN, là kinh đô của nước Âu Lạc, nay thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội.

Được mệnh danh là tòa thành cổ lớn nhất Việt Nam, di tích lịch sử Cổ Loa rộng khoảng 500ha, được vua Thục An Dương Vương xây từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên để làm kinh đô nước Âu Lạc (tên nước Việt Nam thời đó.

50o.jpg
Giếng Ngọc nằm giữa hồ Bán Nguyệt và ngay cửa đền vua An Dương Vương.

Tương truyền, thành có chín vòng hình xoáy trôn ốc nên người dân thành xưa còn gọi là thành Ốc. Do sự tàn phá của thời gian và chiến tranh nên hiện tại thành chỉ còn ba vòng với những dấu tích xưa, đó là thành nội, thành trung và thành ngoại.

Thành ngoại có chu vi khoảng 8km, được xây dựng theo phương pháp đào đất tới đâu khoét hào tới đó, đắp thành, xây lũy liền kề. Các lũy xưa cao từ 4-5m đặc biệt có chỗ cao từ 8-12m. Thành trung có chu vi khoảng 6,5km, cũng có kết cấu như thành ngoại nhưng diện tích hẹp và kiên cố hơn. Thành nội có diện tích khoảng 2km2, là nơi ở của vua An Dương Vương cùng các cung tần, mỹ nữ và quan trong triều.

Trong khu di tích Thành Cổ Loa hiện có khoảng 60 di tích cổ, trong đó có 7 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia. Bên cạnh đó, nơi đây còn đang bảo tồn một hệ thống di sản văn hoá phi vật thể bao gồm các tập tục, lễ hội dân gian đặc sắc, làng nghề truyền thống và văn hoá ẩm thực đặc trưng.

Nổi bật trong khu di tích là Đền thờ An Dương Vương hay còn gọi là đền Thượng, nằm ở trung tâm Thành trong được coi là nơi Vua Thục Phán trước kia từng ở. Vị trí đền nằm trên một gò đất hình đầu rồng, hai bên là hai cánh rừng, phía dưới còn có hai hố tròn là mắt rồng. Ngay trước đền Thượng là một hồ nước lớn, bên trong có giếng Ngọc - nơi mà Trọng Thuỷ đã gieo mình tự vẫn trong câu chuyện truyền thuyết.

Trong đền còn giữ lại một số di vật như tượng An Dương Vương bằng đồng, hai con ngựa Hồng – Bạch, các món đồ bằng đồng, sứ, gỗ, vải… Trước cổng có 2 con rồng đá với thân uốn lượn, tay vuốt râu được chạm khắc vô cùng tinh tế mang đậm lối kiến trúc của thời Lê.

Phía trước đền Cổ Loa là một hồ nước lớn, có hình cung tròn được kè bằng đá, giữa hồ có một giếng cổ gọi là giếng Ngọc. Theo truyền thuyết, đây chính là hồ nước mà Mỵ Châu và Trọng Thuỷ vẫn thường tới bơi thuyền du ngoạn khi chưa xảy ra cuộc chiến tranh xâm lược Triệu Đà. Sau chiến tranh, vì quá ân hận đã gây ra cái chết cho người vợ yêu quý của mình, Trọng Thuỷ đã nhảy xuống giếng tự vẫn.

Ngoài ra, trong dân gian còn truyền nhau rằng, dòng máu của Mỵ Châu khi bị Vua cha chém đầu, loài trai ăn phải biến thành ngọc trai, nếu đem về rửa tại giếng thì ngọc càng sáng. Chính vì vậy mà giếng này được đặt tên là giếng Ngọc.

Tại Cổ Loa, còn có Am Bà Chúa hay còn được gọi là mộ Mỵ Châu là nơi thờ công chúa Mỵ Châu. Trong am có bức tượng Mỵ Châu thực chất là một tảng đá tự nhiên có hình dáng người không đầu. Theo truyền thuyết xưa, sau khi chết, Mỵ Châu đã hóa thân thành tảng đá, trôi dạt về bãi Đường Cấm, phía Đông thành Cổ Loa. Người dân đem võng ra cáng, nhưng về tới gốc đa thì võng đứt làm tảng đá rơi xuống, thấy vậy bèn lập bàn thờ ngay tại đây.

Ngày nay, có rất nhiều người tìm đến am Bà Chúa để cầu xin tình duyên, hạnh phúc gia đình.

Bên cạnh đó Thành Cổ Loa là nơi lưu giữ rất nhiều cổ vật có giá trị với tuổi đời lên tới trăm năm. Các nhà khảo cổ học đã từng khai quật được nhiều ngôi mộ cổ, rìu lưỡi xéo bằng đồng, trống đồng, hàng vạn mũi tên đồng ba cạnh và khuôn đúc mũi tên. Tất cả đều được lưu giữ tại đây để du khách có thể thoải mái tham quan, chiêm ngưỡng.

Cổ Loa ngày nay không chỉ là một di sản văn hóa, một bằng chứng về sự sáng tạo, về trình độ kỹ thuật cũng như văn hóa của người Việt cổ trong công cuộc giữ nước và chống ngoại xâm, mà còn là một điểm đến lý tưởng cho các du khách thập phương muốn khám phá những giá trị văn hóa, những hình ảnh quen thuộc của một làng quê Bắc Bộ thanh bình. Đối với người dân nơi đây, thành Cổ Loa vẫn giữ vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần và sinh hoạt văn hóa.

Bảo tồn công trình kiến trúc độc nhất vô nhị Đông Nam Á

polm.jpg
Một góc nhỏ của Thành Cổ Loa.

Là di tích “sống” nhưng Cổ Loa lại đang bị chính người dân xoá bỏ vì cho rằng gây cản trở trong cuộc sống. Thực tế, việc xâm phạm này không phải mới xảy ra thời gian gần đây mà đã tồn tại từ khá lâu. Đại diện BQL khu Di tích Cổ Loa cho biết, tại mặt thành và chân các vòng thành Nội, thành Trung, thành Ngoại có tới 1.000 hộ dân sinh sống từ nhiều đời nay, thậm chí tới 200 – 300 năm. Đây là yếu tố lịch sử để lại nên trước thời điểm Cổ Loa được công nhận di tích quốc gia năm 1962, khu vực này không có ai quản lý, người dân tự do xây dựng nhà cửa. Đến năm 2006, hầu như người dân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai, vì thế vô tình đã tạo ra sự mâu thuẫn giữa công tác bảo tồn và cuộc sống trong giai đoạn hiện nay.

Do nhu cầu cuộc sống người dân, một số đoạn trên mặt thành còn bị xẻ ra, san ủi để làm đường và xây dựng các công trình dân sinh. Hiện tại, vòng thành Nội gần như mất đi toàn bộ hình dáng, chỉ còn sót lại một vài ụ đất.

Vòng thành Trung và thành Ngoại vẫn còn giữ được hình dáng song độ cao đã bị thay đổi. Tại các hào nước, người dân còn lấp đi để xây nhà hoặc có khu vực được sử dụng trồng lúa, nuôi cá làm biến dạng các dấu tích cũ. Hơn nữa, di chỉ khảo cổ học Đồng Vông trên doi đất bên sông Hoàng Giang đang có nguy cơ bị xóa sổ vì các công trình dân sinh.

Tại cuộc tọa đàm “Cổ Loa: Từ giá trị cốt lõi đến bảo tồn và phát triển”, PGS.GS Lại Văn Tới - Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành nhận định, hiện nay tư duy bảo tồn Cổ Loa đang tập trung bảo vệ “lõi” là những công trình đình, đền, miếu mà quên đi thành, hào và sông quan trọng chẳng thua kém gì. Tất cả những yếu tố này cộng hưởng mới tạo nên tính toàn vẹn và giá trị độc đáo của Cổ Loa.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá cũng cho rằng, Cổ Loa được đánh giá một công trình kiến trúc độc nhất vô nhị ở Đông Nam Á. Ngoài ra lịch sử về Loa thành, huyền thoại về Mỵ Châu - Trọng Thủy đã khiến cho di tích này thêm phần đặc biệt.

Sau đợt khảo sát Di tích Cổ Loa, những người thực hiện đã không khỏi đau lòng khi chứng kiến dấu vết còn lại như thành, hào đang bị đô thị hóa xóa đi nhanh chóng. Việc bảo tồn di tích đang mâu thuẫn với nhu cầu phát triển của chính người dân địa phương, có quá nhiều vấn đề cần gỡ rối.

“Mức độ xâm hại thành và hào ở di tích Cổ Loa hiện nay là vô cùng nghiêm trọng. Nếu cơ quan quản lý không nhanh chóng có biện pháp hợp lý thì thành và hào Cổ Loa sẽ hoàn toàn bị hủy hoại, bị xóa sổ trong một thời gian ngắn”, PGS.TS Nguyễn Văn Huy nhấn mạnh.

Để bảo tồn và phát huy được giá trị của khu di tích này cần Sự vào cuộc của các bộ, ngành và các đơn vị hữu quan trong bảo tồn di tích Cổ Loa có những phương án sao cho phù hợp để cân bằng lợi ích của cả nhà nước lẫn người dân trong phạm vi của khu di tích.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO