Cột cờ quốc gia Lũng Cú là biểu tượng quốc gia có ý nghĩa lịch sử thiêng liêng, biểu trưng cho tinh thần tự tôn, độc lập của toàn dân tộc Việt Nam. Bởi vậy, đối với mỗi người dân Việt Nam, được chào lá cờ Tổ quốc trên đỉnh núi Rồng (xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) - mảnh đất địa đầu đất nước không chỉ là vinh dự, mà còn là niềm tự hào.
Sau nhiều giờ di chuyển, vượt qua những cung đường đèo dốc với nhiều khúc cua tay áo, chúng tôi đã đặt chân tới Cột cờ quốc gia Lũng Cú tọa lạc trên đỉnh núi Rồng, với độ cao gần 1.500m so với mức nước biển, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2019. Nhìn lá cờ Tổ quốc rộng 54m2, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em tung bay trên bầu trời bao la, ai cũng rưng rưng xúc động.
Điều may mắn là chúng tôi có mặt tại cột cờ đúng lúc các cán bộ, chiến sĩ của Đồn Biên phòng Lũng Cú tổ chức lễ chào cờ Tổ quốc cho đoàn khách đến từ Trung ương. Dưới sự hướng dẫn, sắp xếp của các cán bộ Biên phòng, du khách thập phương, trong đó có không ít du khách nước ngoài đã xếp hàng ngay ngắn, trật tự. Trung úy Lỷ Văn Trung, Đội trưởng Đội Phòng chống ma túy và tội phạm hô khẩu lệnh: “Nghiêm! Chào cờ! Chào!”. Tất cả đều đứng trang nghiêm, hướng mắt lên quốc kỳ và đồng thanh hát Quốc ca. Không khí thật trang nghiêm và linh thiêng.
Sau buổi lễ, anh Nguyễn Hữu Tài xúc động chia sẻ: “Tôi sinh ra và lớn lên ở Lâm Đồng. Sau nhiều lần mong mỏi, bây giờ tôi mới có cơ hội tới thăm mảnh đất biên cương Hà Giang. Tôi cho là mình đã rất may mắn khi được tham gia lễ chào cờ ngay tại Cột cờ quốc gia Lũng Cú. Điều này rất có ý nghĩa đối với cá nhân tôi. Cảm xúc lúc này của tôi là phấn khởi và tự hào vì là con dân của nước Việt Nam”.
Quay trở lại Lũng Cú chỉ sau 2 tháng kể từ lần đầu tiên, chị Ngọc đến từ thành phố Hà Nội cũng cho là mình quá may mắn khi được tham gia Lễ chào cờ Tổ quốc trên đỉnh núi Rồng. “Hôm nay, tình cờ đến đây, tôi được dự buổi lễ chào cờ rất ý nghĩa. Nó khiến tôi thấy yêu Tổ quốc mình hơn. Lũng Cú là điểm du lịch nổi tiếng, cũng là địa danh lịch sử linh thiêng. Đứng ở đây, tôi có thể bao quát được non nước Việt Nam. Tôi rất tự hào khi mang trong mình dòng máu Việt Nam và kiêu hãnh khi ngắm lá cờ Tổ quốc Việt Nam ở ngay chính mảnh đất biên cương này” - chị Ngọc chia sẻ.
Đến từ mảnh đất nắng gió phương Nam, chị Ngô Như Tuệ đã rất xúc động khi chứng kiến và tham dự lễ chào cờ Tổ quốc trong những làn gió lạnh buốt. Chị Tuệ tâm sự: “Tôi đã dự nhiều lễ chào cờ rồi, nhưng chào cờ Tổ quốc ở đỉnh núi Rồng thì là lần đầu tiên. Nó mang lại cảm xúc rất khó diễn đạt bằng lời. Hôm nay gió mạnh, nhiệt độ xuống thấp, nhưng giờ đây tôi lại thấy trong người nóng bừng. Tôi đã vượt qua hành trình dài khá gian nan, vất vả mới tới được và được dự lễ chào cờ Tổ quốc trang nghiêm. Tôi rất tự hào vì điều này. Đứng ở đây, tôi hiểu hơn về giá trị của hòa bình độc lập, về tình yêu đất nước của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Biên phòng đã canh giữ ở đây những năm qua. Tôi càng biết ơn các thế hệ ông cha đã hy sinh xương máu để bảo vệ vùng đất này, tạo cơ hội cho những thế hệ đi sau như tôi góp sức mình xây dựng đất nước phát triển như ngày hôm nay và hơn thế nữa”.
Không chỉ người dân, du khách thập phương mà ngay cả những người lính Biên phòng dù thường xuyên tổ chức chào cờ trên đỉnh núi Rồng vẫn luôn nguyên vẹn cảm xúc vinh dự và tự hào mỗi khi đứng nghiêm trang dưới Cột cờ quốc gia Lũng Cú. Trung úy Lỷ Văn Trung chia sẻ: Đồn Biên phòng Lũng Cú rất may mắn, vinh dự và tự hào khi được Đảng, Nhà nước, nhân dân giao cho nhiệm vụ hết sức thiêng liêng và cao quý bảo vệ biên cương Tổ quốc, bảo vệ Cột cờ quốc gia Lũng Cú rộng 54m2 tượng trưng cho 54 dân tộc anh em tung bay trên đỉnh ngọn núi Rồng. Trong thời gian vừa qua, chúng tôi thường xuyên làm tốt các công tác thượng cờ và chào cờ cho các đoàn công tác của Trung ương, địa phương, các sở, ban, ngành và du khách thập phương đến thăm Cột cờ quốc gia Lũng Cú. Là một cán bộ của Đồn Biên phòng Lũng Cú, tôi rất tự hào và luôn cố gắng hết sức để làm tròn nhiệm vụ được giao. Được đứng hát Quốc ca dưới lá cờ Tổ quốc trên đỉnh núi Rồng là niềm tự hào của mỗi người dân đất Việt nói chung, và cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Lũng Cú nói riêng. Khi được giao nhiệm vụ tổ chức chào cờ, bản thân tôi cũng như là các đồng chí khác đều nhận thức rõ rằng có được độc lập, tự do như ngày hôm nay là sự hy sinh xương máu của rất nhiều thế hệ đi trước. Vì thế, chúng tôi luôn ghi nhớ lịch sử của dân tộc và truyền thống của đơn vị. Việc tổ chức các nghi thức chào cờ cho nhân dân và du khách là một cách để giáo dục truyền thống cho mọi người nhằm bồi đắp niềm tự hào về giá trị lịch sử và đất nước Việt Nam.
Chúng tôi được biết, Đồn Biên phòng Lũng Cú có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đoạn biên giới dài 26,343km, với 26 cột mốc; địa bàn gồm 2 xã Má Lé, Lũng Cú, có 11 dân tộc anh em chung sống. Trong những năm qua, cùng với thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Lũng Cú thường xuyên tuyên truyền cho nhân dân và du khách đến tham quan tại địa bàn, nhất là khu vực Cột cờ quốc gia Lũng Cú, nâng cao ý thức, trách nhiệm trong bảo vệ cảnh quan, môi trường, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh. Thông qua đó đã góp phần giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân dân trong việc tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới; giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, bảo vệ cảnh quan, môi trường, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trên địa bàn.
Đồn Biên phòng Lũng Cú cũng chủ động phối hợp, hiệp đồng với các lực lượng có phương án xử lý kịp thời các tình huống, giữ vững an ninh trật tự khu vực biên giới, bảo vệ an toàn các ngày lễ, Tết, các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, quân đội, lực lượng, địa phương; bảo vệ an toàn các đoàn khách Trung ương, địa phương và du khách đến tham quan du lịch tại Cột cờ quốc gia Lũng Cú.