Văn hóa

Đào sâu sáng tạo từ kho báu mỹ thuật truyền thống

PGS, TS QUÁCH THỊ NGỌC AN - TS PHẠM PHƯƠNG LINH- Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương 17/05/2024 - 15:23

Trải qua hàng nghìn năm phát triển, có thể khẳng định, mỹ thuật cổ Việt Nam rất đa dạng, có giá trị nghệ thuật độc đáo. Tiếp tục khai thác vốn cổ mỹ thuật là xu thế tất yếu, vừa mở ra hướng sáng tạo sản phẩm mới mẻ, vừa giữ gìn hồn cốt văn hóa dân tộc khi chúng ta hội nhập sâu với “ngôi làng toàn cầu”.

Vốn quý của dân tộc

Mỹ thuật cổ Việt Nam có thể bắt đầu tính từ văn hóa Đông Sơn khoảng 2.500 năm trước và có sự phát triển gần như liên tục. Nghệ thuật tạo hình cổ xưa bao gồm những sáng tạo kiến trúc, điêu khắc, hội họa, trang trí, đồ mỹ nghệ... qua từng giai đoạn phát triển trên nền tảng nghệ thuật bản địa, mỹ thuật cổ Việt Nam ghi nhận sự tác động của nhiều nền văn hóa, văn minh lớn trong khu vực. Có thể thấy trong cộng đồng người Việt là chủ thể chiếm phần lớn vào quá trình kiến tạo văn hóa nghệ thuật, thêm vào đó là sự đóng góp đa sắc từ hệ thống vốn cổ mỹ thuật của cư dân các dân tộc thiểu số như Mường, Chăm, Dao...

Từ những hiện vật còn lưu giữ được, có thể thấy mỹ thuật cổ Việt Nam thường gắn bó mật thiết với những công trình kiến trúc hay các sản phẩm mang tính trang trí. Đó là sự gắn kết tâm linh và thực hành tín ngưỡng theo cách của một nền nghệ thuật đang sống, đang tồn tại với nhiều biểu hiện đa dạng và sống động.

17-5-1-dong-son.png
Công chúng tham quan trưng bày "Âm vang Đông Sơn", tháng 11-2023. Ảnh: THỤY PHƯƠNG

Từ những đỉnh cao được thế giới công nhận như mỹ thuật Đông Sơn, mỹ thuật Chăm, nghệ thuật Lý-Trần và điêu khắc đình làng các thế kỷ 16, 17, 18... đã khẳng định sự tinh túy, cái đẹp, cái hay và tính chất độc đáo với ngôn ngữ tạo hình riêng biệt của vốn cổ mỹ thuật nước nhà. Có thể nhìn thấy đấy như là sự tìm tòi cách diễn tả riêng, cho thấy cuộc sống thực mà không nệ thực. Ở các làng tranh dân gian như Đông Hồ (Bắc Ninh), Sình (Huế), Kim Hoàng (Hà Nội), tranh thờ miền núi của người Dao (Yên Bái)... cho thấy sự không lệ thuộc vào đối tượng miêu tả như tập trung phân tích theo kiểu thâm diễn của các quốc gia khác, mà có nhiều sản phẩm thể hiện theo lối giản lược hóa hình thể bằng đường nét mộc mạc. Có thể gọi đây là cách thức hướng về tả thần, diễn ý chứ không đặt nặng về tả thực. Tính ước lệ trong mỹ thuật được thấy khá nổi bật qua nhiều thời kỳ, là phương pháp mô tả đặc trưng ngôn ngữ, tồn tại, bất biến trong từng loại hình, thể loại nghệ thuật. Tính hồn nhiên, ngộ nghĩnh và khái lược theo biểu hiện tính cách của con người nông thôn dân dã trên các sản phẩm ngày thường và làng xã, nhưng cũng có rất nhiều sản phẩm mỹ thuật thể hiện sự tinh xảo, tỉ mỉ, kỹ lưỡng tới từng chi tiết dành cho giới thượng lưu.

Cuộc gặp gỡ lịch sử

So với các nước châu Á, Việt Nam là một trong những quốc gia đi theo dòng chảy của mỹ thuật hiện đại khá sớm, cả về hình thức lẫn nội dung. Mặc dù tính đến đầu thế kỷ 20, người làm mỹ thuật ở Việt Nam chủ yếu là nghệ nhân khuyết danh ở làng quê, phường, phố, chưa có khái niệm họa sĩ chuyên nghiệp. Sự ra đời của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (năm 1925) đã tạo nên những lứa họa sĩ Việt Nam được đào tạo bài bản, khoa học, theo mô hình mỹ thuật phương Tây.

Từ đây mở ra thời kỳ mới của mỹ thuật Việt Nam, với lực lượng sáng tác có nhận thức và quan điểm mới. Nhờ phương tiện, kỹ thuật, chất liệu cùng những phương cách sử dụng màu sắc, luồng tư duy mỹ thuật mới mẻ đã tạo ra dòng nghệ thuật mới. Bắt đầu có ý thức rõ ràng về dấu ấn giá trị của tác giả, tác phẩm mỹ thuật. Lớp họa sĩ hiện đại này đã sáng tác ra những tác phẩm mới mang tâm hồn người Việt, nhưng khác nhiều so với dòng tư duy của mỹ thuật cổ Việt Nam.

17-5-2-dong-son.png
Công chúng tham quan các tác phẩm của họa sĩ Việt Nam đầu thế kỷ 20 trong Triển lãm "Mộng viễn đông", tháng 8-2023. Ảnh: HUYỀN MY

Trong những thập niên đầu của thế kỷ 20, các thế hệ nghệ sĩ đầu tiên tham gia vào thị trường nghệ thuật quốc tế, được giới chuyên môn đánh giá cao ở trong nước và nước ngoài. Từ việc có danh tiếng, được vinh danh như những bậc thầy của mỹ thuật hiện đại Việt Nam, các họa sĩ: Nguyễn Phan Chánh, Lê Phổ, Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên... hội nhập thế giới thông qua tiếp xúc mỹ thuật phương Tây. Họ tạo nên sự khác biệt trong sáng tác của người Việt. Từ cuộc gặp gỡ nghệ thuật giữa phương Tây với phương Đông, tinh thần thẩm mỹ truyền thống Việt tạo nên thời kỳ hội họa sôi động, đặc sắc, làm nên giá trị độc đáo của mỹ thuật Đông Dương. Một số nghệ sĩ khai thác vốn cổ dân tộc, sử dụng các kỹ thuật thể hiện của phương Tây để miêu tả bản chất thẩm mỹ của Việt Nam, đặt nền móng cho các thế hệ trẻ noi theo, dẫn đến thành công.

Mỹ thuật Việt Nam được lĩnh hội giá trị thẩm mỹ, cổ điển của phương Tây nhưng bằng lăng kính riêng, các họa sĩ người Việt đã lấy đó làm cơ sở vững chắc để phát triển truyền thống mỹ thuật của riêng mình, vốn cổ được khai thác trong sáng tác của họ một cách tự nhiên và uyển chuyển. Có thể kể đến Nguyễn Tư Nghiêm với niềm cảm hứng từ mỹ thuật dân gian. Ông chọn chất liệu sơn mài truyền thống nhưng vẫn ứng dụng các yếu tố tạo hình phương Tây một cách độc đáo như trừu tượng hình học hay chủ nghĩa vị lai trên nền cảm hứng từ tạo hình của điêu khắc đình làng để biến thành ngôn ngữ hội họa, với 3 mảng đề tài lớn là múa cổ, 12 con giáp và Kiều-Kim Trọng. Nguyễn Ngọc Thọ với tư tưởng mỹ thuật ảnh hưởng từ Picasso, Dali trong những tác phẩm sáng tác sơn mài mang tính dân gian. Phan Cẩm Thượng tìm về với khắc gỗ từ bản thể vũ trụ theo quan niệm của đạo Phật, chọn màu tự nhiên để vẽ giấy dó. Bùi Hữu Hùng chủ yếu khai thác hình ảnh người phụ nữ cung đình xưa với trang phục cổ. Một số họa sĩ khai thác nhiều tích cổ, nhưng tổng hòa lại mang chiều hướng hiện đại, mới chứ không hề cũ.

Về mỹ thuật ứng dụng, việc sử dụng các sản phẩm thiết kế ứng dụng có sự vận dụng vốn cổ mỹ thuật được thấy nhiều ở các ngành thiết kế trang sức, thiết kế thời trang, thiết kế kiến trúc-nội thất, thiết kế đồ họa... Trong đó nổi bật là nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh với những hệ thống thiết kế áo dài Việt Nam sử dụng nguồn chất liệu và hoa văn các dân tộc miền núi của Việt Nam, đưa sản phẩm thiết kế trở thành một hiện tượng thiết kế mỹ thuật ứng dụng thế giới gần 3 thập kỷ gần đây. Nhiều sản phẩm thiết kế kiến trúc và nội thất tuân theo cấu trúc truyền thống kiểu nhà 5 gian (Bắc Bộ), nhà rường (Huế) và trang trí theo phong cách nhà Nguyễn đang được ưa chuộng, hoặc sử dụng tre, trúc để kiến tạo như Võ Trọng Nghĩa. Xuất hiện nhiều nhất về sự tiếp nối vốn cổ mỹ thuật Việt Nam là phong trào phát triển mạch nguồn mỹ thuật Việt Nam của các nhà thiết kế đồ họa trên cả nước, biểu hiện ở các sản phẩm thiết kế của họ cho khách hàng, trong các cuộc thi thiết kế. Từ âm hưởng mỹ thuật đến hình ảnh, họa tiết được vận dụng vào trong các sản phẩm thiết kế quảng cáo, thiết kế bao bì, thiết kế thương hiệu. Hầu hết những cá nhân này đều có sự vận dụng, khai thác vốn cổ mỹ thuật với phương pháp thiết kế mới. Cách phối hợp ấy tạo nên sự hòa quyện giữa logic thiết kế với bản sắc mỹ thuật nước nhà.

Mối nguy của việc không hiểu vốn cổ

Theo dòng chảy thời gian, nhịp sống thời đại tạo nên những dòng sáng tạo đối lưu, nhưng nghệ thuật truyền thống sẽ tiếp tục sống nếu vốn cổ được đưa vào cuộc sống đương đại. Ngược lại, việc mất dần bản sắc đang xảy ra với không ít loại hình nghệ thuật, khiến người ta không khỏi lo ngại về sự mai một những giá trị văn hóa vốn làm nên hồn cốt dân tộc của người Việt. Nhưng cũng không thể vì trào lưu, vì mong muốn mà thúc ép sử dụng vốn cổ mỹ thuật vào trong tác phẩm, sản phẩm mỹ thuật đương thời.

Thực tế cho thấy, cần phải cân nhắc việc phát huy giá trị mỹ thuật truyền thống một cách phù hợp môi cảnh, tránh việc làm theo phong trào phát triển vốn cổ mỹ thuật nước nhà, vì đã có không ít sự vận dụng yếu kém, bị vướng ở những vấn đề chưa thích hợp, không tương ứng giữa nét đẹp mới với mỹ thuật xưa. Một số công trình kiến trúc, nội thất bị khấp khểnh giữa vốn cổ mỹ thuật trong nước với châu Âu ở cách sử dụng họa tiết trang trí. Một số sản phẩm thiết kế đồ họa sử dụng họa tiết từ trang phục truyền thống của các dân tộc đưa vào bề mặt sản phẩm thiết kế bị gượng gạo, khiên cưỡng. Người nghệ sĩ sáng tạo có quyền sử dụng vốn cổ đưa vào tác phẩm nhưng phải trên cơ sở đã tìm hiểu đủ sâu, kỹ. Chỉ có như vậy mới tránh được sản phẩm ngô nghê, có thêm những sản phẩm mới độc đáo, có tính thương mại, góp phần vào sự phát triển công nghiệp văn hóa nước nhà.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO