Cách đây 94 năm, vào đầu Xuân Canh Ngọ (1930), Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và từ mùa xuân năm ấy, dưới sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Đảng, vận nước đã đổi thay qua những mùa xuân lịch sử.
Đảng Cộng sản Việt Nam gắn liền với mùa xuân và mùa xuân là biểu tượng của sự nảy lộc, đâm chồi, sinh sôi nảy nở, đồng thời luôn tượng trưng cho sức mạnh, sự trẻ trung, những gì tốt đẹp nhất. Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Cách mạng Việt Nam cũng bắt đầu từ một mùa xuân, đó là mùa xuân năm Canh Ngọ 1930, Đảng ta ra đời và đã đem về cho dân tộc Việt Nam những mùa xuân đong đầy hạnh phúc, ước vọng và một mùa xuân vô tận.
Ngày Mồng 5 Tết năm Canh Ngọ (theo dương lịch là ngày 3-2-1930), tại Cửu Long (Hồng Kông, Trung Quốc), dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, ba tổ chức cộng sản ở Việt Nam khi đó (Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng và Đông Dương Cộng sản Liên đoàn) đã họp Hội nghị hợp nhất thành một Đảng lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Hội nghị đã thảo luận và thông qua Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng do Nguyễn Ái Quốc khởi thảo. Đảng Cộng sản Việt Nam đã chính thức được thành lập. Từ đây cách mạng nước ta có đường lối đúng đắn. Đảng Cộng sản Việt Nam thực sự trở thành người lãnh đạo và tổ chức mọi thắng lợi của cách mạng nước ta. Đây là sự phát triển tất yếu của lịch sử, là kết quả của sự phát triển phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam kết hợp với chủ nghĩa Mác-Lênin được truyền bá vào Việt Nam.
Một năm sau mùa xuân lịch sử đó, đến mùa xuân năm Tân Mùi (1931) là sự ra đời của Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Dương vào ngày 26-3-1931, tiền thân của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh ngày nay. Đây là tổ chức chính trị - xã hội lớn nhất của thanh niên Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
Mùa xuân năm Tân Tỵ (1941), Bác Hồ kính yêu trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam sau ba mươi năm bôn ba tìm đường cứu nước. Giữa một vùng núi non trùng điệp với muôn hoa đua sắc và lòng người rưng rưng, lắng đọng trong giờ phút Bác Hồ đặt bước chân đầu tiên lên đất mẹ tại cột mốc 108 (Pác Bó - Cao Bằng) trong sắc hoa xuân rực rỡ sau bao năm xa Tổ quốc đã trở thành cảm hứng vô tận cho sự ra đời bài thơ “Mùa Xuân năm 1941” của nhà thơ Tố Hữu: Ôi sáng xuân nay, xuân bốn mốt/Trắng rừng biên giới nở hoa mơ/Bác về... im lặng. Con chim hót/Thánh thót bờ lau, vui ngẩn ngơ...”.
Mười năm sau, vào mùa xuân năm Tân Mão (tháng 3 năm 1951), trên đường đi kiểm tra việc sửa chữa cầu đường từ Thái Nguyên đi Bắc Kạn, Cao Bằng; đồng thời thăm lực lượng thanh niên xung phong và các đơn vị vận tải kho hàng dọc tuyến đường số 3, Bác Hồ đã ghé thăm đơn vị thanh niên xung phong 312 tại Nà Tu (nay thuộc xã Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông). Tại đây, Bác đã dành tặng cán bộ, đội viên đơn vị thanh niên xung phong 312 bốn câu thơ: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”. Lời dạy của Bác đã được các cán bộ, chiến sĩ, đội viên thanh niên xung phong ghi nhớ và học thuộc, trở thành phương châm hành động trong những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đồng hành cùng thanh niên Việt Nam xuyên suốt những chặng đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Di tích lịch sử quốc gia Nà Tu trên địa bàn tỉnh ta đã trở thành điểm đến của thanh niên và du khách để ôn lại lịch sử cách mạng những năm tháng không bao giờ quên.
Điện Biên Phủ - chiến dịch quyết chiến chiến lược của quân đội nhân dân Việt Nam, là đòn tiến công tiêu diệt lớn nhất, điển hình nhất của quân và dân Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp, giáng đòn quyết định đánh bại ý chí xâm lược của thực dân Pháp được tiến hành vào mùa xuân năm Giáp Ngọ (1954), cách đây tròn 70 năm. Chiến dịch bắt đầu từ ngày 13-3-1954. Sau “56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non/Gan không núng/ Chí không mòn” chúng ta đã làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Trận Ấp Bắc là trận chống càn điển hình của quân và dân miền Nam Việt Nam đánh bại lực lượng càn quét của ngụy quân Sài Gòn được cố vấn Mỹ chỉ huy, báo hiệu sự phá sản của chiến lược chiến tranh đặc biệt của Mỹ diễn ra vào mùa xuân năm Quý Mão (1963). 5 năm sau, vào dịp Tết Mậu Thân (năm 1968), quân dân miền Nam nhất tề tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt ở 64 thành phố, thị xã và nhiều vùng nông thôn rộng lớn, tiến công hàng loạt căn cứ quân sự, đánh trúng các sào huyệt, cơ quan đầu não quan trọng của quân Mỹ và quân Ngụy, là đòn quyết định giáng vào chiến lược chiến tranh cục bộ của đế quốc Mỹ.
Mùa xuân năm Quý Sửu (1973), sau nhiều thất bại thảm hại, Chính phủ Mỹ buộc phải tuyên bố chấm dứt mọi hành động ném bom, bắn phá miền Bắc Việt Nam. Ngày 27-1-1973, Mỹ buộc phải ký Hiệp định Pari lập lại hòa bình tại Việt Nam.
Mùa xuân năm Ất Mão (1975), cả dân tộc Việt Nam bừng bừng khí thế cho cuộc tổng tiến công chiến lược. Mở đầu là chiến dịch Tây Nguyên (từ 4-3 đến 24-3-1975). Kết thúc là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (26-4 đến 30-4-1975), giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Có một sự trùng hợp khá lý thú của lịch sử, các kỳ Đại hội toàn quốc của Đảng ta thường được tổ chức vào mùa xuân. Sau mỗi kỳ Đại hội, Đảng ta lại đem đến cho đất nước những mùa xuân ấm áp, sinh chồi nảy lộc. Đại hội lần thứ nhất của Đảng diễn ra vào mùa xuân năm Ất Hợi (1935) tại Ma Cao, Trung Quốc. Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng được tổ chức tại huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang vào mùa xuân năm Tân Mão (1951). Gần đây nhất là Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng diễn ra vào mùa xuân năm Tân Sửu (2021).
Mùa xuân năm Giáp Thìn (2024) này là mùa xuân thứ 94 kể từ ngày Đảng ta ra đời và là mùa xuân thứ tư thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Năm 2023 vừa khép lại với những thành tựu toàn diện của Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, đối ngoại, an ninh quốc phòng, đặc biệt là xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Kinh tế Việt Nam trong năm 2023 tuy không đạt kế hoạch theo Nghị quyết của Quốc hội nhưng vẫn ở vị trí hàng đầu toàn cầu. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng khoảng 5,05%, gấp 1,68 lần mức tăng chung của kinh tế thế giới. Đây là kết quả rất đáng khích lệ, là nét khác biệt đáng tự hào, điểm sáng của Việt Nam trước những “cơn gió ngược”. Đặc biệt là chúng ta vượt chỉ tiêu thu ngân sách Nhà nước. Niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, niềm tin thị trường, niềm tin xã hội được tăng lên.
Trước những biến động lớn, phức tạp, khó lường trên thế giới và trong khu vực, chúng ta đã có những quyết sách đúng đắn, bước đi chủ động, đột phá, khẳng định bản lĩnh, mang tính lịch sử trong việc triển khai các hoạt động đối ngoại. Cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt được những thành công lớn, tạo bước chuyển mạnh mẽ. Không còn vùng cấm, không có ngoại lệ. Liên tục các cán bộ vi phạm, kể cả cán bộ cấp cao bị “đưa ra ánh sáng”, bị xử lý đúng người, đúng tội thể hiện quyết tâm của Đảng, Nhà nước, được Nhân dân đồng tình, ủng hộ cao. Qua đó, thể hiện nhất quán quan điểm “nói đi đôi với làm” trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực.
Dẫu vẫn còn không ít khó khăn, thách thức, song kết quả của những nỗ lực trong năm vừa qua là tiền đề rất quan trọng cho vận nước vào mùa xuân năm Giáp Thìn 2024 này.
Có lẽ hiếm có dân tộc nào trên thế giới khi nói đến Đảng cầm quyền, người dân lại dùng hai chữ “Đảng ta”. Hai chữ đó thật thiêng liêng, tự hào, gắn sâu trong tâm thức của các thế hệ người Việt 94 năm qua. Bài thơ xuân đất nước, bài thơ xuân của Đảng trong năm mới Giáp Thìn này vẫn đang đợi những “vần thắng vút lên cao”, đúng như suy nghĩ của nhà thơ Tố Hữu năm nào: “Đảng cùng ta, như cội liền cành/ Là mùa xuân vô tận, lá tươi xanh/ Một lá rụng, lại trăm mầm lộc mới/ Trong bão táp vẫn hiên ngang, phơi phới”.