Cùng với việc thực hiện các chính sách dân tộc phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, công tác “Dân vận khéo” trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) được huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) thực hiện bằng nhiều cách làm linh hoạt, hiệu quả.
Là địa phương có nhiều hộ dân vùng đồng bào DTTS sinh sống, ông Phạm Văn Thanh - Bí thư Đảng ủy xã Phú Sơn cho biết: Để triển khai tốt công tác dân vận tại địa phương, Đảng ủy giao trách nhiệm cho từng cán bộ, đảng viên, đặc biệt là bí thư chi bộ, trưởng thôn, người uy tín các thôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nắm địa bàn, kịp thời giải đáp những vướng mắc, băn khoăn của Nhân dân về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Song song với công tác trên, trong những năm qua, Đảng ủy xã Phú Sơn cũng đã tập trung hỗ trợ, tổ chức các đợt dọn dẹp vệ sinh tại các thôn, vận động người dân hiến đất làm đường, hỗ trợ hộ nghèo làm nhà ở, trồng dâu, nuôi tằm nhằm phát triển kinh tế tại địa phương.
Là một trong những thành viên của Tổ hợp tác trồng dâu, nuôi tằm, chị K’Pang, thôn Prteing 2 chia sẻ: “Tôi làm quen với nghề trồng dâu, nuôi tằm nhờ có sự hướng dẫn của mẹ, và người em ruột lấy vợ ở xã Phi Tô truyền đạt kinh nghiệm. Trước đây, gia đình tôi chỉ trồng cà phê để có thu nhập ổn định hằng năm. Tuy nhiên, sau một thời gian dài, cà phê có giá thành thấp, năm 2022, tôi dành 1 sào để trồng dâu với loại giống siêu lá.
Khi đã ổn định hơn, tôi thuê thêm 2 sào đất của hàng xóm để trồng thêm dâu. Trung bình mỗi tháng, gia đình thu được 1 hộp kén tằm với mức thu nhập trung bình là 6 đến 7 triệu đồng, sau khi trừ chi phí”.
Dẫn chúng tôi tham quan vườn dâu xanh mơn mởn của các hộ trong thôn, ông Trương Quý Dương - Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn Prteing 2 tự hào bảo rằng: “Giờ đây đời sống của bà con đã khấm khá bởi biết cách chuyển đổi cơ cấu cây trồng, biết làm ăn kinh tế, dành dụm”.
Với hơn 90% dân số là đồng bào DTTS, để làm tốt công tác dân vận, Chi bộ thôn Prteing 2 đã chỉ đạo đội ngũ cán bộ, đảng viên luôn phát huy tốt vai trò đầu tàu, gương mẫu làm tấm gương sáng cho Nhân dân. Mặt khác, Chi bộ chỉ đạo Ban Công tác Mặt trận và các chi hội, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và Nhân dân thực hiện hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Từ đó góp phần nâng cao nhận thức của mỗi người dân, Nhân dân phát huy nội lực, ý chí tự lực tự cường, tinh thần vươn lên thoát nghèo, đoàn kết xây dựng cuộc sống ấm no, thôn bản ngày càng đổi mới...
Ông Hoàng Sơn - Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Lâm Hà cho biết: Thông qua công tác dân vận, thời gian qua, nhận thức của bà con đồng bào DTTS trên địa bàn huyện đã được nâng cao đáng kể. Thay vì tư tưởng trông chờ, ỷ lại như trước đây, nay người dân nhiều xã đã biết áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao thu nhập cho gia đình, cũng như phát huy vai trò vào quá trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
“Để có được sự thay đổi này, đó là thành quả của quá trình dân vận kiên trì, bền bỉ, được triển khai sâu rộng theo phương châm “mưa dầm thấm lâu” của các cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở. Nhiều cách làm hay, mô hình phù hợp đã được triển khai thực hiện đối với từng khu dân cư, từ đó nhận được sự đồng thuận của người dân và tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với Nhân dân” - Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Lâm Hà cho hay.
Trong năm 2023, Ban Dân vận Huyện ủy đã xây dựng Mô hình “Dân vận khéo” về vận động Nhân dân phát triển kinh tế - xã hội trong đồng bào DTTS tại thôn Đạ Ty (xã Đạ Đờn). Qua đó, đã tổ chức Lễ phát động xây dựng Mô hình “Dân vận khéo” với nhiều công việc thiết thực như tiến hành nạo vét kênh mương, dọn vệ sinh, phát quang bụi rậm dọc tuyến đường 1 km. Tham gia hỗ trợ trồng 9.500 m2 cây dâu cho 5 hộ đăng ký tham gia chuyển đổi trồng dâu, nuôi tằm.
Cũng trong năm qua, nhằm thực hiện tốt Phong trào thi đua “Dân vận khéo” với Mô hình “Hỗ trợ sinh kế cho đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Lâm Hà” một cách hiệu quả, Ban Dân vận Huyện ủy đã hỗ trợ xây dựng 2 giếng khoan dân sinh; xây dựng 30 căn nhà cho hộ nghèo, 11 nhà tiêu hợp vệ sinh; hỗ trợ trồng 5 ha dâu tằm cho hộ nghèo, cận nghèo đồng bào DTTS trên địa bàn huyện; hỗ trợ sinh kế cho 80 hộ (20 triệu đồng/hộ) để đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo mua vật tư nông nghiệp, nong né nuôi tằm, sửa chữa nhà nuôi tằm. Tổng số đối tượng được nhận hỗ trợ từ mô hình là 121 hộ và 2 trường học với tổng số kinh phí vận động từ nguồn xã hội hóa là 3,4 tỷ đồng.
“Trong thời gian tới, Ban Dân vận Huyện ủy tiếp tục tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo Mặt trận, các đoàn thể và Khối Dân vận các xã đăng ký thực hiện Phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, khắc phục những khó khăn, hạn chế để tiếp tục có sự đổi mới trong nội dung, phương thức và tổ chức triển khai thực hiện các cuộc vận động, nhất là trong vùng đồng bào DTTS” - ông Hoàng Sơn khẳng định.