Xòe Thái là một loại hình sinh hoạt văn hóa cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người Thái ở khu vực miền núi Thanh Hóa. Những điệu xoè Thái gắn bó từ bao đời nay với phong tục, tập quán, nghi lễ, lễ hội cũng như đời sống văn hóa, văn nghệ của đồng bào.
Đến với khu du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông (huyện Bá Thước) vào buổi tối, trong ánh sáng của lửa đuốc, thanh âm của cồng chiêng, đồng bào dân tộc Thái ở đây lại tổ chức múa xòe, làm nên những vòng xòe nhịp nhàng, uyển chuyển, đắm say lòng người. Hòa vào những lời hát ngọt ngào và sắc màu rực rỡ của hoa văn thổ cẩm tạo nên một không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng vô cùng sinh động và nhân văn.
Ở Bá Thước, người dân không chỉ múa xòe trong những ngày lễ, ngày hội mà ở hầu hết các thôn, bản đều thành lập các tổ, đội văn nghệ phục vụ du khách khi đến tham quan, lưu trú. Giữa núi rừng yên tĩnh, khi màn đêm buông xuống, mỗi không gian múa xòe như cất lên bài ca mời gọi du khách, sự gắn kết cộng đồng và những triết lý về sự hòa hợp giữa trời, đất và con người.
Theo đại diện phòng Văn hóa Thông tin huyện Bá Thước cho biết: Người Thái quan niệm “Không xòe không tốt lúa, không xòe thóc cạn bồ”, múa xòe thì phải vui, càng đông thì càng vui, càng vui thì cây cối càng đơm hoa kết trái, mùa màng bội thu. Vì vậy, ở các bản làng người Thái trên địa bàn huyện, trong mỗi dịp lễ, tết hay những cuộc vui của các gia đình, dòng họ, bản làng, múa xòe là một trong hoạt động văn hóa đặc sắc.
Không chỉ Bá Thước, mà đến với một số huyện miền núi khác như Quan Hóa, Quan Sơn... sau khi thưởng ngoạn khung cảnh thiên nhiên xinh đẹp của núi rừng, thưởng thức bữa cơm đầm ấm và những chén rượu siêu men lá thơm nồng cùng gia chủ, du khách sẽ được mời tham gia vào điệu xòe truyền thống của đồng bào.
Bên ánh lửa bập bùng, những cô gái Thái bản Bút, bản Hang (Quan Hóa); bản Ngàm (Quan Sơn)... trong trang phục truyền thống, uyển chuyển và thướt tha trong điệu xòe, những chiếc khăn thổ cẩm rực rỡ sắc màu tung lên theo nhịp múa. Vòng xòe cứ thế rộng dần, rộng dần cùng những cái nắm tay thật chặt.
Theo các nghệ nhân, đến nay, người Thái có trên 36 điệu xòe, nhưng tựu chung bắt nguồn từ 6 điệu xòe có trước (xòe cổ). Những điệu xòe này không chỉ đơn thuần để biểu diễn, còn mang quan niệm về cách sống, cách nghĩ, nếp sinh hoạt của cộng đồng người Thái bao đời nay. Đó là điệu xòe vòng (xé voóng) - biểu hiện sự đoàn kết gắn bó cộng đồng khi các thành viên nắm tay nhau múa trên một vòng tròn quanh đống lửa. Điệu khắm khăn mới lảu (nâng khăn mời rượu) thể hiện tình cảm quý mến khách mỗi khi có khách đến nhà chơi. Điệu phá xí (xòe bổ bốn) thể hiện tình đoàn kết, keo sơn, mỗi người dù đi xa bốn phương trời, vẫn tìm đến nhau, giúp đỡ nhau. Điệu xòe đổn hôn (tiến lùi) ẩn chứa quan niệm sâu xa, đó là sự tiến lùi theo quy luật cuộc sống, làm chủ được bản thân để có được thành quả như mong muốn. Điệu xòe nhuôm khăn (tung khăn) ca ngợi thành quả lao động sáng tạo của người dân. Điệu xòe ỏm lọp tốp mư (vòng tròn vỗ tay) thể hiện khát vọng chung tay xây dựng bản làng ngày càng giàu mạnh, chung tay chinh phục thiên nhiên và chống lại kẻ thù...
Sự độc đáo và những giá trị bền vững, lan tỏa của nghệ thuật xòe Thái, năm 2013, nghệ thuật xòe Thái được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đến năm2021, loại hình này được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Sự kiện này đã khẳng định giá trị và vai trò to lớn của nghệ thuật xòe Thái trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng nói chung, người Thái xứ Thanh nói riêng, được cộng đồng quốc tế bảo vệ và phát huy giá trị.