Pháp luật

Đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của người dân tộc thiểu số

Phương Liên 17/04/2024 - 09:04

Được tiếp cận đầy đủ các nguồn thông tin sẽ giúp đồng bào chủ động hơn trong quá trình tham gia các hoạt động của xã hội và đóng góp, xây dựng, phát triển đất nước; đồng thời có điều kiện thực hiện quyền tự do ngôn luận và báo chí đã được ghi nhận trong Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD) mà Việt Nam là thành viên.

Xóm Lũng Khoen, xã Quang Vinh, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng nằm biệt lập giữa trùng trùng núi đá cao, hiểm trở. Xóm chỉ có 5 hộ dân tộc Mông và một hộ dân tộc Nùng sinh sống. Anh Đào Văn Vàng cho biết, trong xóm chẳng nhà nào có đài, ti vi vì chưa có điện lưới.

Không để đồng bào thiếu thông tin, sau khi nghiên cứu thử nghiệm thành công hệ thống loa truyền thanh thu tín hiệu qua chảo vệ tinh và chạy bằng năng lượng mặt trời, không quản ngại đường xa hiểm trở và cách duy nhất đến với đồng bào là đi bộ, vác vai thiết bị máy móc, các cán bộ Trung tâm Văn hoá - Truyền thông huyện Trùng Khánh đã lắp đặt xong hệ thống loa truyền thanh cho 6 hộ dân xóm Lũng Khoen.

“Niềm vui của bà con dân tộc Mông, Nùng đã tiếp thêm động lực cho Trung tâm quyết tâm từ nay đến 2025, rà soát và hoàn thành việc xoá “vùng trắng” về thông tin như xóm Lũng Khoen” - ông Bế Tuấn Anh, Phó Giám đốc phụ trách kỹ thuật Trung tâm Văn hoá - Truyền thông huyện Trùng Khánh bày tỏ.

dsc-6710.jpg
Được tiếp cận đầy đủ các nguồn thông tin sẽ giúp đồng bào các dân tộc thiểu số chủ động hơn trong quá trình tham gia vào các hoạt động của xã hội và đóng góp, xây dựng, phát triển đất nước.

Câu chuyện về những người dân tộc thiểu số ở xóm Lũng Khoen minh chứng cho chủ trương của Đảng, Nhà nước Việt Nam là đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của người dân tộc thiểu số - một trong những quyền cơ bản của con người.

Ở Việt Nam, Hiến pháp 2013 có quy định: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.

Cụ thể hoá quy định của Hiến pháp, năm 2016, Quốc hội đã thông qua Luật Tiếp cận thông tin, trong đó quy định về việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân, nguyên tắc, trình tự, thủ tục thực hiện quyền tiếp cận thông tin; trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan nhà nước trong việc đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của công dân.

Trong luật này, các nguyên tắc bảo đảm quyền tiếp cận thông tin là: Mọi công dân đều bình đẳng, không bị phân biệt đối xử trong việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin. Thông tin được cung cấp phải chính xác, đầy đủ. Việc cung cấp thông tin phải kịp thời, minh bạch, thuận lợi cho công dân; đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Việc hạn chế quyền tiếp cận thông tin phải do luật định trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Việc thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức hoặc của người khác. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật, người sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thực hiện quyền tiếp cận thông tin.

Như vậy, có thể thấy, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 đã trở thành khung pháp lý cơ bản trong việc thúc đẩy thực hiện quyền tiếp cận thông tin của nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội, trong đó có người dân tộc thiểu số. Về cơ bản, người dân tộc thiểu số ở Việt Nam có quyền tiếp cận thông tin giống như quyền tiếp cận thông tin của các công dân khác trong xã hội, pháp luật không có sự phân biệt, đối xử giữa các chủ thể này trong xã hội.

Cụ thể hoá quy định của Hiến pháp và Luật Tiếp cận thông tin, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số chính sách về thông tin truyền thông cho đồng bào dân tộc thiểu số. Đó là các chính sách: Cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn; Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở giai đoạn 2012 - 2015; Quy hoạch phát triển hệ thống thông tin và tuyên truyền các vùng biên giới, vùng biển, đảo của Việt Nam đến năm 2020; Đề án Hỗ trợ thông tin tuyên truyền về dân tộc, tôn giáo; Chính sách truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chính sách hỗ trợ thông tin tuyên truyền cho hộ nghèo, đồng bào dân tộc ít người, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo; Dự án Truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ 2021 - 2025 và một số văn bản quy định về bưu chính viễn thông, quy hoạch phát triển dịch vụ phát thanh, truyền hình, hoạt động của điểm bưu điện văn hoá xã.

Căn cứ vào các chính sách được ban hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, Uỷ ban Dân tộc phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí xuất bản ấn phẩm báo chí (có ngôn ngữ thể hiện bằng tiếng dân tộc thiểu số) để cấp kịp thời cho đồng bào dân tộc thiểu số. Từ năm 2016 đến nay, đã chuyển phát 18 loại báo, tạp chí với số lượng 51,2 triệu tờ.

Các cơ quan báo chí từ Trung ương đến địa phương đã chủ động mở các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề, tăng cường tin, bài, ảnh trên báo in, báo điện tử để tuyên truyền về vấn đề dân tộc, công tác dân tộc, chính sách dân tộc và truyền thống lịch sử, bản sắc văn hoá dân tộc, góp phần phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Về truyền hình, hiện nay kênh Truyền hình tiếng dân tộc VTV5 - Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất và phát sóng hầu hết các ngày trong tuần, gồm 22 thứ tiếng dân tộc thiểu số.

Đài Tiếng nói Việt Nam thường xuyên cập nhật, tuyên truyền về công tác dân tộc trên cả 4 loại hình báo chí của Đài là phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử. Đặc biệt, trên hệ thống kênh sóng VOV4 của Đài Tiếng nói Việt Nam phát sóng hàng ngày với 13 thứ tiếng dân tộc thiểu số với thời lượng gần 30h/ngày, tại 6 khu vực trong cả nước (Đông Bắc, Tây Bắc, Miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Tây Nam bộ).

Riêng Chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở đã đầu tư, nâng cấp cho 682 đài truyền thanh xã, 67 đài truyền thanh, truyền hình huyện và trạm phát lại phát thanh, truyền hình; cung cấp 66 bộ phương tiện tác nghiệp phục vụ hoạt động thông tin và truyền thông cơ sở; cung cấp 370 bộ thiết bị thu tín hiệu, thiết bị nghe xem và thiết bị phụ trợ cho các điểm sinh hoạt dân cư cộng đồng và các đồn biên phòng; thiết lập 10 cụm thông tin đối ngoại tại khu vực cửa khẩu quốc tế, khu vực biên giới.

Về thông tin liên lạc, tỷ lệ xã có điểm liên lạc điện thoại công cộng đạt trên 98%, có hơn 3.000 điểm truy cập viễn thông công cộng cho người dân. Mạng điện thoại di động đã phủ sóng khắp địa bàn miền núi; có hơn 16 nghìn điểm giao dịch bưu chính viễn thông, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống.

Trong lĩnh vực xuất bản, đã xuất bản trên 1.200 đầu sách với gần 11,3 triệu bản phục vụ cho đồng bào dân tộc. Ngoài ra còn xuất bản tờ rơi, tờ gấp… cho các huyện miền núi, xã đặc biệt khó khăn vùng biên giới, các trường phổ thông dân tộc nội trú.

Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức sản xuất trên 40 phim tài liệu, chuyên đề về phong tục tập quán, lễ hội, những bản sắc đặc trưng của các dân tộc trên khắp vùng miền đất nước, góp phần phổ biến, giới thiệu bản sắc văn hoá độc đáo của các dân tộc, sự phát triển đi lên của các dân tộc trên nguyên tắc các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp nhau cùng phát triển.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng đã xuất bản bộ sách nói bằng tiếng dân tộc thiểu số gồm 7 câu chuyện về Bác Hồ với phụ nữ, Bác Hồ với đồng bào dân tộc thiểu số và được dịch, thu âm từ tiếng phổ thông sang 6 ngôn ngữ dân tộc thiểu số: Tày, Mông, Thái, Mường, Ê-đê, Khmer.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các doanh nghiệp tích cực phát triển cơ sở hạ tầng mạng lưới đến vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới và hải đảo để cung cấp dịch vụ viễn thông và internet, giảm bớt chênh lệch về khoảng cách sử dụng dịch vụ và tiếp cận thông tin giữa các vùng miền. Hiện nay, đường truyền dẫn cáp quang, dịch vụ thông tin di động đã đến 100% xã trong toàn quốc; huy động các tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ được 2.500 máy tính, 329 máy in, 1.952 bộ tài liệu học tập.

Việc người dân tộc thiểu số ở Việt Nam được tiếp cận đầy đủ các nguồn thông tin sẽ giúp đồng bào chủ động hơn trong quá trình tham gia các hoạt động của xã hội và đóng góp, xây dựng, phát triển đất nước; đồng thời có điều kiện thực hiện quyền tự do ngôn luận và báo chí đã được ghi nhận trong Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc mà Việt Nam là thành viên./

(0) Bình luận
Nổi bật
Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ: Viết tiếp những bản hùng ca bất diệt
Sáng 7/5, tại thành phố Điện Biên Phủ, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tỉnh Điện Biên tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024). Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày Diễn văn kỷ niệm.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO