Đắk Lắk: Chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục học sinh dân tộc thiểu số

16/06/2021 03:46

(DTTG) Là một tỉnh có đông học sinh dân tộc thiểu số (DTTS – chiếm 35% học sinh toàn tỉnh), trong những năm qua ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều biện pháp, chính sách cụ thể nhằm động viên, khuyến khích học sinh dân tộc đến trường học tập, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh DTTS trên địa bàn.

Khắc phục khó khăn – hái quả ngọt!

Tỉnh Đắk Lắk nằm ở trung tâm Vùng Tây Nguyên, là một tỉnh miền núi đa dân tộc, với rất nhiều đặc trưng, sắc thái khác nhau như Ê Đê, M’Nông, Thái, Tày, Nùng…. Địa bàn cư trú rộng, dân di cư tự do nhiều, hạ tầng giao thông chưa hoàn thiện, công tác phát triển giáo dục dân tộc của tỉnh còn nhiều khó khăn. Tuy vậy, ngành Giáo dục - Đào tạo tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, Mặt trận và tổ chức đoàn thể các cấp, triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đối với trẻ em, học sinh DTTS.

Trong đó, chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm các cấp ủy Đảng, các ngành, chính quyền và các lực lượng xã hội trong việc nâng cao chất lượng học sinh DTTS; tăng cường giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, giá trị sống, ý thức chấp hành pháp luật, ý thức bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc, trách nhiệm công dân cho học sinh.

ÔngPhạm Đăng Khoa, Giám đốc sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Đắk Lắk

Đồng thời, chú trọng phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo giáo viên là người DTTS, đặc biệt đối với CBQL, giáo viên có trình độ thạc sỹ, tiến sĩ ngày càng được tăng cường về số lượng, nâng cao về trình độ, năng lực, phong cách làm việc.

Trên cơ sở các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo tồn tiếng nói và chữ viết DTTS, ngành Giáo dục – Đào tạo tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan chỉ đạo thực hiện việc dạy học tiếngDTTS đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Đội ngũ giáo viên dạy tiếng DTTS là những GV đạt trình độ chuẩn với cấp học tương ứng nhằm nâng cao chất lượng dạy học, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện.

Ngoài ra, mạng lưới trường, lớp học không ngừng phát triển, nhất là hệ thống các trường ngoài công lập đã góp phần bảo đảm nhu cầu học tập con em các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Trong đó, ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất cho các trường vùng sâu, vùng xa, phấn đấu đạt trường chuẩn quốc gia (đầu tư xây mới, sửa chữa phòng học, phòng bộ môn, phòng thí nghiệm thực hành, nhà công vụ cho giáo viên, nhà vệ sinhvà mua sắm thiết bị dạy học...).

Em Đinh Thị Minh Phương, người dân tộc Tày, xuất sắc đoạt giải Nhất tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2020-2021

Vì thế, chất lượng giáo dục học sinh DTTS các cấp học được nâng lên, năm học 2019-2020, tỉ lệ học sinh dân tộc thiểu số chiếm 35%, toàn tỉnh có 15 trường dân tộc nội trú cấp huyện, có 1 trường nội trú cấp tỉnh, 6 trường bán trú, 136 giáo viên dạy tiếng Êđê. Đối với cấp tiểu học, toàn tỉnh có 617 lớp, 13.810 học sinh, 120 giáo viên, số trường tiểu học nằm trong vùng có đông đồng bào DTTS đã triển khai dạy tiếng Êđê là 97/123 trường, đạt 79%. Đối với bậc THCS có 28 lớp, 1.088 học sinh, 16 giáo viên, số trường Phổ thông dân tộc nội trú dạy tiếng Êđê là 14/15 trường.

Đặc biệt, vừa qua, tại Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông năm học 2020-2021, em Đinh Thị Minh Phương, người dân tộc Tày, học sinh lớp 12VS (Văn – Sử), trường THPT chuyên Nguyễn Du tỉnh Đắk Lắk đã xuất sắc đoạt giải Nhất.Thành tích của Minh Phương đã giúp tỉnh Đắk Lắk lần đầu tiên có thí sinh đạt giải Nhất ở bộ môn Ngữ văn trong kỳ thi này.

Dần hoàn thiện, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục cho học sinh DTTS

Tuy công tác phát triển giáo dục dân tộc trên địa bàn tỉnh đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Tỷ lệ trường học kiên cố hoá của tỉnh còn rất thấp so với mặt bằng chung của cả nước; Chất lượng giáo dục đại trà chưa đồng đều giữa các vùng, miền và giữa các trường học; Giáo dục ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học còn nhiều.

Để nâng cao chất lượng giáo dục đối với đồng bào DTTS, cần phải nâng cao hơn nữa về chất lượng đội ngũ cán bộ QLGD, giáo viên vùng đồng bào dân tộc, đào tạo giáo viên dạy các môn học mới, giáo viên dạy tiếng DTTS đảm bảo triển khai có hiệu quả dạy tiếng DTTSvà các môn học mới trong Chương trình GDPT; bố trí giáo viên dạy tiếng DTTS với tỉ lệ 1,5 giáo viên/lớp để đảm bảo điều kiện dạy học môn tự chọn; sớm ban hành bộ sách giáo khoa tiếng M’nông và cho phép tỉnh Đắk Lắk triển khai dạy học tiếng M’nông ở vùng có đông học sinh người M’nông.

Một giờ học của các em học sinh DTTS trên địa bàn tỉnh

Đồng thời, nâng cao chất lượng học sinh dân tộc, tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh DTTS được học tiếng Kinh song song với học tiếng dân tộc, đảm bảo duy trì số học sinh ra lớp, phân luồng có hiệu quả học sinh dân tộc cuối bậc học THCS, định hướng nghề nghiệp cho học sinh dân tộc cuối bậc học THPT.

Bên cạnh đó cần tăng cường đầu tư các nguồn lực cho giáo dục dân tộc; quan tâm hỗ trợ kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đảm bảo việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Đắk Lắk cho biết, “Đắk Lắk là tỉnh có số lượng học sinh DTTS tương đối lớn, việc nâng cao chất lượng giáo dục học sinh dân tộc thiểu số được xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị của ngành, do đó sở đã tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND để chỉ đạo, qui hoạch mạng lưới trường lớp nhằm đáp ứng nhu cẩu học tập cho học sinh, đồng thời triển khai, thực hiện đầy đủ các chính sách của Đảng, Nhà nước hỗ trợ học phí, hỗ trợ tiền ăn, ở cho học sinh vùng sâu vùng xa, nhờ đó giúp duy trì ổn định sĩ số, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh”.

“Đặc biệt, trong những năm gần đây ngành giáo dục tỉnh đã có những bước tiến rõ rệt, tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, Đắk Lắk đã đạt được rất nhiều giải và đứng đầu khu vực Nam Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên, trong đó có nhiều học sinh là người DTTS. Đây là một sự chuyển biến, một tín hiệu tốt trong việc nâng cao chất lượng giáo dục học sinh DTTS trên địa bàn" – Ông Khoa vui mừng nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Làm theo lời Bác Hồ dạy, đồng bào dân tộc thiểu số tích cực thi đua lao động sản xuất
Sinh thời, trong nhiều điện, thư, bài nói chuyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên căn dặn đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS): “Phải thi đua tăng gia sản xuất” (Thư gửi đồng bào Khu tự trị Thái - Mèo, ngày 7/5/1955)... để “cho mọi người được no ấm” (Thư gửi đồng bào Hòa Bình, ngày 27/11/1950).
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO