Đặc sắc văn hóa Khmer

06/07/2022 01:00

(DTTG) Trong 54 dân tộc anh em, Khmer là một trong số những dân tộc có nhiều nét văn hóa đặc sắc. Trong đó phải kể đến nghệ thuật sân khấu Rô - băm và nghệ thuật trình diễn Chầm riêng Chà Pây.

Một tiết mục Chầm riêng Chà Pây
Một tiết mục Chầm riêng Chà Pây

Độc đáo Chầm riêng Chà Pây

Trong kho tàng âm nhạc truyền thống của dân tộc Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long, Nghệ thuật Chầm riêng Chà Pây là một loại hình nghệ thuật trình diễn độc xướng, đàn và hát dân gian, có nguồn gốc từ rất lâu đời từng được phát triển mạnh mẽ trong cộng đồng người Khmer ở Trà Vinh vào những thập niên đầu thế kỷ XX.

Theo tiếng Khmer, “Chầm riêng” có nghĩa là hát, còn “Chà pây” là tên gọi của một loại đàn, được dùng để đệm sau mỗi đoạn hát. Cả cụm từ “Chầm riêng Chà Pây” có nghĩa là “đàn ca” hay “ca kể chuyện”. Ngoài ra, loại nhạc cụ này còn được dùng trong nhạc lễ, nhạc cưới và cúng tế thần (gọi là “Chà pây đơn vênh”) hoặc được sử dụng để đệm cho hát múa “À day” đối đáp (song ca nam nữ đối đáp).

Khi biểu diễn Chầm riêng Chà pây, nghệ nhân thường dựa vào các tích truyện để ứng tác thành những đoạn thơ, chủ yếu thể thơ 4 câu, mỗi câu 7 chữ để hát. Cũng có khi họ không dựa vào tích truyện nào mà chỉ hát lên những khổ thơ ứng tác tại chỗ, mô tả hiện thực cuộc sống hay thể hiện tâm trạng, mong ước của con người, mang nhiều ý nghĩa giáo dục.

Chính vì vậy, ngoài một số bài bản cơ bản, nghệ thuật này phát triển rất đa dạng về nội dung và phong cách thể hiện, có thể trình diễn ở rất nhiều không gian khác nhau, ở mọi nơi, mọi lúc.

Theo một số nghệ nhân cho biết thì Chà pây là một loại nhạc khí có nguồn gốc lâu đời từ Ấn Độ. Hộp đàn có nhiều kiểu dáng như hình thang cân, hình tứ giác, hình lá bồ đề, hình trái cây, gần giống đàn đáy của người Việt, nhưng thùng đàn to hơn và cần đàn dài hơn, có khi tới 120cm, với 12 phím đàn theo hệ thang âm ngũ cung. Cấu tạo của cần đàn dài như vậy đòi hỏi người chơi phải có kỹ thuật điêu luyện. Chà pây có âm trầm, ấm, sâu lắng, hợp với thể loại âm nhạc tự sự, tình cảm êm đềm.

Trước khi biểu diễn, nghệ nhân Chầm riêng Chà pây thực hiện nghi thức cúng Tổ. Trong nhà nghệ nhân không lập ban thờ tổ nghề, nhưng trước khi thực hành, nghệ nhân bao giờ cũng theo truyền thống, làm lễ cúng Tổ nghề - người đã sáng tạo ra loại hình nghệ thuật này và đã truyền dạy lại cho mình để tỏ lòng biết ơn và cầu linh hồn các Tổ nghề phù hộ cho minh trình diễn tốt.

Lễ cúng thường được thực hiện trong nhà, gồm 03 mâm để đầy các vật cúng gồm cây bông, một đoạn thân cây chuối để trầu cau, đàn cây, nhang, một mảnh vải trắng, 01 cuộn chỉ đỏ, 01 chén gạo, 01 nải chuối, 01 đĩa thịt heo luộc, 01 đĩa trà, bánh, trái cây, bình trà và 02 chai rượu.

Có thể nói, Chầm riêng Chà pây là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian độc đáo của người Khmer, thể hiện sự sáng tạo của con người và có khả năng thích ứng với hoàn cảnh đương đại. Với những giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc sắc của loại hình nghệ thuật này, năm 2013, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã quyết định đưa Nghệ thuật Chầm riêng Chà pây vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, loại hình Nghệ thuật trình diễn dân gian.

Tuy nhiên, do đặc tính truyền miệng mà số lượng nghệ nhân Chầm riêng Chà pây từ trước tới nay không nhiều. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, thế hệ trẻ hiện nay có nhiều loại hình vui chơi, giải trí để lựa chọn, đôi khi có tư tưởng coi thường hoặc không thích học, thưởng thức nghệ thuật truyền thống, nhất là với loại hình nghệ thuật đòi hỏi cao như Chầm riêng Chà pây.

Những nguyên nhân trên dẫn đến nguy cơ mai một cao, thậm chí mất hẳn loại hình nghệ thuật này.Hiện trên địa bàn tỉnh Trà Vinh chỉ còn một vài duy nhất nghệ nhân có khả năng biểu diễn, ứng tác Chầm riêng Chà pây, trong đó có cha con ông Thạch Mâu (SN 1934), ở ấp Chông Bát, xã Tân Hiệp, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh.

Để bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật này, các cơ quan chức năng của tỉnh Trà Vinh đã có kế hoạch phối hợp với ngành giáo dục ở địa phương tăng cường công tác giáo dục thẩm mỹ và khuyến khích tình yêu nghệ thuật dân tộc nói chung, nghệ thuật Chầm riêng Chà pây nói riêng cho học sinh trong trường phổ thông. Đồng thời có kế hoạch đầu tư kinh phí tuyển chọn những người có năng khiếu để nghệ nhân truyền dạy, tổ chức những cuộc thi tìm hiểu về loại hình nghệ thuật độc đáo này để nâng cao hiểu biết và ý thức trách nhiệm trong việc duy trì, bảo tồn và phát huy giá trị...

Trên sân khấu Rô – băm, những người đóng vai ác thường đeo mặt nạ
Trên sân khấu Rô – băm, những người đóng vai ác thường đeo mặt nạ

Say đắm Rô - băm

Khác với Chầm riêng Chà pây, nghệ thuật sân khấu Rô - băm chủ yếu dùng ngôn ngữ múa cung đình để diễn tả “chuyện xưa tích cũ”, xoay quanh các câu chuyện thần thoại, truyền thuyết, lịch sử. Các tích này được khai thác chủ yếu từ đề tài đạo Phật, đạo giáo Bà la môn và quen thuộc nhất là sử thi Ramayana của Ấn Độ. Những triết lý giáo dục và đạo lý của đồng bào Khmer xưa đều gói gọn trong nội dung và hình thức của loại hình sân khấu đặc sắc này.

Do xuất xứ từ cung đình nên phục trang, hành động, lời thoại… của nhân vật trong sân khấu Rô - băm thuộc về tầng lớp vua chúa, quan lại quý tộc. Sân khấu Rô - băm được bố trí quy cách, bài bản, chặt chẽ và mang tính ước lệ. Trong mỗi vở diễn thường có hai tuyến nhân vật. Tuyến nhân vật đại diện cho cái thiện là vua, hoàng tử, công chúa… thường không mang mặt nạ. Tuyến nhân vật đại diện cho cái ác thường đeo mặt nạ và gồm nhiều loại, nổi bật nhất là vai chằn – còn gọi là Yeak.

Mặt nạ Rô - băm có sự tiếp thu văn hóa Ấn Độ nên rất hài hòa giữa mỹ thuật và tạo hình. Có nhiều loại mặt nạ được sử dụng trong các vở Rô - băm như mặt nạ mô phỏng chằn (thể hiện hành vi, tâm địa độc ác); mặt nạ vua khỉ Ha-nu-man, ngựa Ma-no-ni, chim thần Kơ-rích, phượng hoàng, rùa, rắn…

Các nhân vật trên sân khấu Rô - băm múa các động tác chân, tay theo một quy ước chung cho từng loại nhân vật. Theo thống kê, trong Rô - băm có 33 điệu múa, thể múa. Trong đó, thể tay cơ bản có 8 điệu. Riêng múa chằn được quy định trong 12 điệu, mỗi điệu có những ý nghĩa và tạo hình khác nhau.

Ngoài các điệu múa và mặt nạ, trang phục trên sân khấu Rô băm cũng có quy ước riêng. Bộ trang phục thông thường gồm yếm cổ, khăn nịt ngực, yếm trước bụng, yếm sau lưng, bao buộc chân, bao tay rất độc đáo.

Cùng với hai tuyến nhân vật đại diện cho cái thiện và cái ác, trong vở diễn Rô - băm còn xuất hiện vai hề để gây cười, làm vui nhộn sân khấu. Nhạc cụ của Rô - băm chủ yếu là trống vỗ, trống dùi, chiêng và hèn Slayrom. Trống có tác dụng thúc giục mạnh mẽ những màn chiến đấu. Kèn thì được cất lên khi ai oán khóc than.

Rô - băm phát triển mạnh và rộng khắp ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu long, nhất là Trà Vinh, Sóc Trăng, dưới sự bảo trợ của các chùa Khmer. Nhưng mức độ thịnh hành của loại hình nghệ thuật này đang bị thu hẹp dần.

Anh Sơn Đel, thành viên của Đoàn nghệ thuật múa Rô-băm Basắc Bưng Chông (Sóc Trăng), cho biết: “Rô - băm có từ thời ông cha, vì vậy mình cứ cố gắng giữ gìn, để bà con mình cần diễn phục vụ thì mình đi diễn chứ tiền bạc thì không được bao nhiêu cả. Quan trọng là mình bảo tồn được loại hình nghệ thuật truyền thống Khmer, nếu không đi đâu diễn thì mình diễn vào các dịp lễ Dâng Y cũng được”.

Nghệ nhân Lâm Thị Hương (bên phải) biểu diễn Rô - băm
Nghệ nhân Lâm Thị Hương (bên phải) biểu diễn Rô - băm

Còn theo nghệ nhân Lâm Thị Hương là một nghệ sĩ Rô - băm xuất thân ở ấp Bưng Chông, xã Tài Văn, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng thì Rô - băm có vị thế quan trọng trong đời sống tinh thần của bà con người Khmer. Nó vừa phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, vừa mang tính triết lý và giáo dục sâu sắc, do đó có tác dụng không nhỏ đối với sự hình thành phát triển nhân cách, tâm hồn, cốt cách dân tộc và thế ứng xử văn hóa của cộng đồng người Khmer. Từ đó giúp người xem cảm nhận được điều hay lẽ phải, nhận thức được thiện - ác, chính - tà, định hướng cho con người tự hoàn thiện mình và tiến tới xã hội lành mạnh, tiến bộ, văn minh.

Nghệ thuật sân khấu Rô - băm không chỉ đáp ứng nhu cầu văn hóa, thẩm mỹ mà còn góp phần truyền đạt những ý tưởng tín ngưỡng, tôn giáo cho đông đảo công chúng, trở thành phương tiện truyền thông có hiệu quả đến cộng đồng. Loại hình nghệ thuật này cũng là nền tảng cho các loại hình nghệ thuật khác của người Khmer ra đời và phát triển, trong đó phải kể đến nghệ thuật sân khấu Dù Kê.

Với giá trị tiêu biểu, Nghệ thuật Rô - băm của người Khmer đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 446/QĐ-BVHTTDL ngày 29/01/2019. Điều đó đã khẳng định Nghệ thuật sân khấu Rô - băm là nét văn hóa đặc sắc, là niềm tự hào của đồng bào Khmer nói riêng và Việt Nam nói chung.

Theo dantoctongiao.congly.vn
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO