Văn hóa

Da diết hội Lim

D. Thảo 25/02/2024 - 10:56

"Bâng khuâng trong gió/Hội Lim Lần theo câu hát đi tìm người xưa". Cứ mỗi dịp xuân sang khi đất trời còn nồng nàn men say tình yêu, nhiều du khách lại nô nức trảy hội tìm về vùng đất Kinh Bắc, ghé chơi Hội Lim để nghe những liền anh, liền chị hát câu quan họ trao duyên tình tứ, đậm đà...

Dập dìu tài tử giai nhân

Lễ hội Lim - Lễ hội đầu xuân lớn nhất xứ Kinh Bắc diễn ra trong hai ngày 21-22/2 (tức ngày 12-13 tháng Giêng). Du khách thập phương lại được đắm mình trong không gian lễ hội đặc sắc và nghe các liền anh, liền chị Quan họ ngân vang những câu ca tan chảy, say đắm lòng người.

snapedit_1708829117802.jpg
Hội Lim có sự hội tụ, giao thoa của rất nhiều làng Quan họ cổ...

Có quan niệm cho rằng, hội Lim có nguồn gốc từ hội chùa, hội hát, liên quan đến tiếng hát của chàng Trương Chi mà dấu xưa để lại là hình vết dòng sông Tiêu Tương khá rõ ở các làng quê vùng Lim. Giả thuyết này căn cứ vào truyền thuyết Trương Chi - Mỵ Nương.

Hội Lim được duy trì trong suốt thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Mỹ cứu nước, hội Lim không được mở trong nhiều thập kỷ cho đến tận những năm sau đổi mới.

Điểm nhấn của hội Lim là hát Quan họ. Câu Quan họ “ngấm” vào máu thịt những người con Kinh Bắc trong cả bữa ăn, giấc ngủ… Để có được chất liệu cho những làn Quan họ ấy, nguồn mạch thi ca đã nuôi dưỡng làn Quan họ với đặc trưng đồng bằng Bắc bộ, với con đò, mái đình, cô hàng xén răng đen… để rồi “Một làn nắng cũng mang điệu dân ca” lưu luyến du khách:

Một lần đến Kinh Bắc

Hồn lơ thơ sông Cầu

Nghe một lần Quan họ

Đắm suốt đời trong nhau…

Giai điệu trữ tình Quan họ gắn với hội Lim. Về với hội Lim để cảm nhận một không gian lễ hội truyền thống đậm đà bản sắc dân tộc, để thấy "người Bắc Ninh vốn trọng chữ tình”. Từng câu ca Quan họ đầy thi vị được cất lên không chỉ thể hiện tình yêu của con người với quê hương đất nước mà còn là niềm tự hào về những truyền thống văn hóa bề dày của dân tộc.

Trong số hơn 9000 lễ hội của cả nước, thì hội Lim có bản sắc riêng, thu hút du khách gần xa, từ giới trẻ, đến các cụ cao niên. Trong không khí háo hức đầu năm, nhiều đôi trai gái đang độ tuổi “bẻ gãy sừng trâu” tay trong tay tưng bừng trảy hội để được nghe, được nhìn con người Kinh Bắc bằng da bằng thịt. Nghe lời hát rồi, khi ra về, lại thấy nhớ thấy “nghiện”.

“Người ơi nhớ về hội Lim

Hội của trao duyên hội của hẹn hò...”.

Hội Lim có sự hội tụ, giao thoa của rất nhiều làng Quan họ cổ, nơi tái hiện một không gian văn hóa Quan họ nguyên bản nhất, từ hát cửa đình, cửa chùa, hát tại gia đình nghệ nhân, hát tại lán, dưới thuyền. Đặc biệt trong hội Lim, hát Quan họ trên thuyền rồng vẫn là địa điểm được du khách yêu thích nhất. Các liền anh, liền chị xúng xính váy áo. Liền anh đóng áo the, khăn xếp, liền chị áo mớ ba mớ bẩy chèo thuyền rồng hát tại hồ trong khu vực đình Lim… Trang phục áo tứ thân của phụ nữ Kinh Bắc cũng có sức hấp dẫn du khách. Áo tứ thân gồm khăn mỏ quạ, vấn, áo tứ thân, trong đó khăn mỏ quạ tượng trưng cho một búp sen, và cũng được ví như giống hình một chữ Nhân – thể hiện tinh thần của người quan họ coi trọng nhân nghĩa, lấy “đức” làm đầu, sống có tình người. Trong tà áo tứ thân, chít khăn mỏ quạ, tay nón quoai thao… vẻ đẹp người phụ nữ Việt thời hiện đại cũng được tôn lên một cách mạnh mẽ.

hl-2-1164.jpg
Vẻ đẹp của lớp măng non trong hội Lim.

Về với Hội Lim là về với một trời âm thanh, thơ và nhạc náo nức. Tất cả hòa quện vào tạo thành văn hóa chơi hội độc đáo, đưa hội Lim trở thành nét đặc sắc của nền văn hoá truyền thống lâu đời Kinh Bắc, trở thành tài sản văn hoá chung của dân tộc Việt.

Phát huy tài sản Quốc gia

Đã thành địa điểm “đến hẹn lại lên”, năm nào cũng vậy, hội Lim trở thành nơi “ta hẹn hò” nơi giao duyên, gặp gỡ của tri kỷ… Nhiều đôi trai gái “tìm lại tình yêu”, hoặc có thể “tình yêu tìm thấy” từ vùng “Quan họ trao duyên” này. Ở hội Lim, ngoài phần lễ sẽ là phần hội, các hoạt động văn hóa văn nghệ, hát quan họ (12 lán trại quan họ), các trò chơi dân gian như: Tổ tôm điếm, thư pháp, hội thơ, đu tiên, vật truyền thống, bịt mắt bắt dê, đập niêu, múa rồng, múa lân, thi cờ người, bóng chuyền hơi… sẽ tạo thêm không khí thi đua sôi nổi, cổ vũ động viên nhân dân tích cực lao động, sản xuất...

Ngoài ra, tại Lễ hội Lim năm 2024 còn có các khu dịch vụ trưng bày, giới thiệu và bán các đồ lưu niệm, như: Sách, tranh ảnh, thư pháp, băng đĩa hát quan họ, quần áo quan họ, nón quai thao, tranh dân gian Đông Hồ, tre, trúc, gốm sứ, sinh vật cảnh, các sản phẩm OCOP…

le-hoi-lim-nguon-goc-y-nghia-le-hoi-dac-sac-vung-kinh-bac-202212130712444043.jpg
Hội Lim là tài sản văn hóa của Quốc gia.

Theo Ban tổ chức, lễ hội Lim xuân Giáp Thìn được tổ chức nhằm phát huy bản sắc, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống và khơi dậy lòng tự hào của người con quê hương Kinh Bắc, đồng thời thể hiện lòng thành kính, biết ơn những danh nhân lịch sử văn hóa và những anh hùng dân tộc trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Qua đó, lễ hội còn là dịp để giới thiệu, quảng bá hình ảnh và con người quê hương Bắc Ninh đến với du khách trong nước và quốc tế.

Trong xu thế phát triển hiện nay, giá trị của hội Lim có thể đưa lễ hội trở thành Festival văn hóa Kinh Bắc, bao gồm văn hóa lễ hội, nghệ thuật ẩm thực, trang phục quan họ, làng nghề... Việc quảng bá và phát triển du lịch thông qua các hoạt động văn hóa cũng chính là để phát huy có hiệu quả hơn các giá trị của di sản văn hóa. Phát huy và làm cho tài sản văn hóa thực sự sinh lợi đòi hỏi bản lĩnh và trình độ trong việc quản lý, khai thác và tổ chức.

Là lễ hội có một không hai, hội Lim và dân ca quan họ Bắc Ninh xứng đáng là di sản, là tài sản văn hóa của quốc gia, của dân tộc trước khi đạt được sự tôn vinh cao hơn trong tương lai. Hội Lim năm 2024 được đánh giá cao về mọi mặt, để lại ấn tượng tốt trong lòng du khách. Trên cơ sở đó, Hội Lim rất cần được đầu tư cho cơ sở hạ tầng, tuyên truyền cho nhân dân thấy lợi ích của việc bảo vệ môi trường, di sản, đồng thời xây dựng môi trường giao tiếp văn minh, tiếp thị sản phẩm du lịch có trách nhiệm. Việc nâng cao hơn nữa mọi mặt trong tổ chức Hội Lim để phát huy tính dân tộc và hiện đại sẽ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân và du khách, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế từ văn hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO