Kinh tế

“Cú hích” giảm nghèo bền vững

An Giang 03/02/2024 - 10:06

Năm 2023, toàn tỉnh Hà Giang giảm 13.276 hộ nghèo đa chiều, tương đương giảm 7,34%, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 42,61% là kết quả ấn tượng từ những nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và người dân trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững.

Cuối năm 2023, 31 hộ dân thôn Tráng Phúng A, xã biên giới Phố Cáo (Đồng Văn) cùng viết đơn xin thoát nghèo, đây là một trong những tín hiệu mừng trong công tác giảm nghèo của tỉnh vì người dân đã có ý chí vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước. Tráng Phúng A có 99 hộ dân, hầu hết là đồng bào dân tộc Mông, trước đây cuộc sống khó khăn, người dân thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản, nhưng nay, với sự đầu tư của nhà nước từ các chương trình MTQG và quyết tâm lao động, sản xuất, phát triển kinh tế của người dân, toàn thôn chỉ còn 11 hộ nghèo, thôn đạt chuẩn Nông thôn mới. Theo lãnh đạo xã Phố Cáo, việc các hộ dân viết đơn xin thoát nghèo không chỉ lan tỏa thông điệp tích cực về tinh thần tự lực, tự cường, chủ động vươn lên thoát nghèo mà khẳng định công tác giảm nghèo đạt nhiều kết quả thực chất và bền vững.

chan_20240131122007.jpg
Người dân thôn Séo Lủng II, xã Thái An (Quản Bạ) được hỗ trợ mua bò phát triển chăn nuôi từ 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia.

Tại huyện Mèo Vạc, một trong 62 huyện nghèo của cả nước, công tác giảm nghèo ngày càng đi vào chiều sâu. Huyện chủ động, linh hoạt, lồng ghép nguồn lực triển khai đồng bộ 3 Chương trình MTQG, trong đó đầu tư xây dựng trên 20 công trình giao thông, điện, nước sinh hoạt, giáo dục, văn hóa, thực hiện 22 mô hình đa dạng hóa sinh kế với hàng trăm hộ dân được thụ hưởng; hỗ trợ phát triển 8 mô hình giảm nghèo; hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho trên 650 hộ; có trên 7.500 lao động đi xuất khẩu và làm việc ngoại tỉnh. Năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều toàn huyện giảm trên 8,4%, là một trong những địa phương có tỷ lệ giảm nghèo cao của tỉnh.

Đối với huyện Vị Xuyên, để nâng cao thu nhập cho người dân, huyện kịp thời ban hành các nghị quyết chuyên đề, chương trình, đề án khuyến khích, hỗ trợ phát triển KT - XH phù hợp với tình hình thực tiễn, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, phát triển nông nghiệp toàn diện, đẩy mạnh giải quyết việc làm cho người lao động; tập trung triển khai hiệu quả các mô hình giảm nghèo; đặc biệt, có hơn 200 hộ dân thoát nghèo từ Chương trình Cải tạo vườn tạp. Trong năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm 6,15%.

Giảm nghèo là chủ trương lớn và nhất quán của Đảng và Nhà nước nhằm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho người nghèo, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng và các dân tộc, nhóm dân cư. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định: Giảm nghèo nhanh, bền vững, nâng cao đời sống nhân dân là một trong năm nhiệm vụ trọng tâm.

Vì vậy, ngay sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 24/2021/QH15 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, hướng dẫn của các bộ, ngành và phân bổ nguồn vốn của T.Ư, tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt triển khai chương trình, trong đó tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách; tập huấn nâng cao năng lực, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp và đối tượng liên quan; ban hành nghị quyết phê duyệt danh mục và phân bổ vốn đầu tư; khởi công mới hàng trăm công trình thiết yếu về giao thông, điện, trường học, y tế, nước sinh hoạt, thủy lợi và triển khai nhiều mô hình giảm nghèo bền vững, hỗ trợ các dự án khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, tạo sinh kế, việc làm, thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, cận nghèo, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.

Năm 2023, thực hiện giải ngân 450 tỷ đồng nguồn vốn đầu tư phát triển, đạt 92,63% kế hoạch và giải ngân 562.267 triệu đồng nguồn vốn sự nghiệp, đạt 98,7% kế hoạch. Với những nỗ lực trên, trong năm, tỷ lệ hộ ghèo toàn tỉnh giảm 7,34%, vượt kế hoạch đề ra; vùng “lõi” nghèo có bước phát triển mới, đời sống của đồng bào vùng dân tộc thiểu số được nâng lên, góp phần quan trọng thực hiện các chỉ tiêu phát triển KT – XH ở địa phương.

Theo đánh giá của lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực trong công tác giảm nghèo, tuy nhiên Hà Giang là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, nhận thức và trình độ sản xuất của người dân còn hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Nguyên nhân nghèo đa chiều chủ yếu do thiếu đất sản xuất, thiếu vốn, không có lao động, công cụ, phương tiện, kiến thức về sản xuất, thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản về việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin.

Vì vậy, năm 2024, tỉnh tiếp tục xác định công tác giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ chính trị thường xuyên, quan trọng của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trên 4% (khoảng 7.821 hộ), các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn giảm trên 6%, hạn chế tái nghèo và hộ nghèo phát sinh mới. Tổng nguồn vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo năm 2024 là 1.003.256 triệu đồng, trong đó vốn đầu tư phát triển 496.549 triệu đồng, vốn sự nghiệp 506.707 triệu đồng; cùng với các nguồn vốn lồng ghép từ Chương trình MTQG phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới và các nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn hợp pháp khác.

Để hoàn thành mục tiêu trên, UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương thực hiện hiệu quả các dự án, tiểu dự án và hoạt động thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2024 gồm: Dự án hỗ trợ phát triển hạ tầng KT - XH các huyện nghèo; hỗ trợ huyện Quản Bạ và Bắc Mê thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn; đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng, giáo dục, việc làm, nhà ở, truyền thông và giảm nghèo về thông tin.

Nguồn lực đầu tư lớn, đầu điểm công việc nhiều, mục tiêu cao, nhưng với phương châm “không ai bị bỏ lại phía sau”, giúp người nghèo nâng cao chất lượng cuộc sống, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững tiếp tục là động lực, tạo “cú hích” lớn, góp phần quan trọng để tỉnh hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra.

Theo Báo Hà Giang
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO