Văn hóa

Công phu nghề dệt Dèng của đồng bào Tà Ôi

Thanh Hải 13/11/2023 08:19

Nghề dệt Dèng của đồng bào Tà Ôi ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế có từ rất lâu, được truyền qua nhiều thế hệ. Bởi nó vừa phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày cũng như đem lại thu nhập cho bà con nơi đây. Không chỉ bảo đảm nhu cầu sinh hoạt, mỗi sản phẩm Dèng còn mang tải nhiều giá trị tinh thần, đồng thời thể hiện nét đặc trưng độc đáo trong kho tàng văn hóa tộc người Tà Ôi.

Dệt Dèng A Lưới - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Theo lời đề nghị, nghệ nhân Hồ Thị Hợp thử "biểu diễn" dệt Dèng (hay còn gọi là Zèng). Chỉ với khung dệt đơn sơ với đôi bàn chân làm điểm tựa, thông qua đôi bàn tay linh hoạt, ở tuổi ngoài 60, bà Hợp vẫn cho thấy sự khéo léo đến tuyệt vời khiến chúng tôi bất ngờ.

Với bàn tay khéo léo của người thợ dệt, khung cửi đơn sơ có thể dệt trên 10 loại Dèng khác nhau với các tên gọi aratang, atoang, pahiêng, vivat… Mỗi loại có một đặc điểm khác nhau, nếu như aratang hấp dẫn bởi hình ảnh đầy hình tượng của nhưng viên cườm nhỏ xíu được xâu vào vải khi đang dệt thì vivat giản dị với hình dáng của những ngọn núi trùng điệp ẩn hiện trong từng sợi chỉ…

10.jpg
Nghệ nhân Hồ Thị Hợp trình diễn nghề dệt Dèng.

Bà Hợp chia sẻ: Nghề dệt Dèng của đồng bào dân tộc Tà Ôi nói riêng và các đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện A Lưới nói chung đã có từ rất lâu, được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Trong đó, vai trò người phụ nữ, người mẹ vô cùng quan trọng. Bởi khi người con gái lớn lên đều phải biết dệt những tấm Dèng truyền thống của dân tộc mình do chính người mẹ truyền lại.

Nghề dệt Dèng vô cùng độc đáo, sản phẩm tinh xảo với hoa văn đẹp mắt thể hiện sự tinh tế, khéo léo của người phụ nữ. Khung dệt của người Tà Ôi có thiết kế đơn giản với những ống rời, gọn nhẹ dễ di chuyển, tiện lợi cho việc dệt vải ở bất cứ vị trí nào. Do đó, phụ nữ Tà Ôi có thể mang theo khung dệt và dệt vải bất cứ nơi đâu.

Một điểm độc đáo của sản phẩm vải thổ cẩm người Tà Ôi là nguồn nguyên liệu sợi vải đều do người dân tự cung tự cấp. Độ tháng 9 hàng năm, người dân thu hoạch bông trên rẫy, xe sợi và nhuộm hồ để làm sợi. Sợi dệt truyền thống được sử dụng là sợi bông khai thác từ thiên nhiên để tạo sợi và các màu sắc vàng, đen, xanh cho quá trình dệt cũng như tạo hoa văn.

15.jpg
Chị Ra Pát Thị Nhan thực hiện thao tác đưa cườm vào sản phẩm.

Nét độc đáo riêng biệt của kỹ thuật dệt Dèng ở A Lưới là người thợ dệt đưa các hạt cườm trực tiếp vào sản phẩm để tạo nên hoa văn vừa đẹp mắt vừa chứa đựng những biểu tượng về đời sống cộng đồng, chứ không chỉ tạo bằng chỉ màu như dệt vải thổ cẩm ở những nơi khác. Đây được xem là nét văn hóa đặc sắc, thể hiện sự sáng tạo, cần mẫn và nghệ thuật thẩm mỹ trong văn hóa của người phụ nữ A Lưới.

Vừa thao tác đính cườm vào sản phẩm, chị Ra Pát Thị Nhan (thị trấn A Lưới, huyện A Lưới) vừa nói: “Tôi làm nghề dệt Dèng lúc mới 10 tuổi, nay đã gần 25 năm rồi. Để làm được một tấm Dèng mất khá nhiều thời gian, chúng tôi thường tranh thủ làm sau công việc ở nương rẫy. Vì được dệt thủ công với nhiều họa tiết hoa văn nên mỗi tấm vải Dèng thường mất từ 5-10 ngày mới hoàn thiện”.

Giá trị nghệ thuật của dệt Dèng A Lưới là hoa văn trang trí trên nền vải Dèng phản ánh sinh động môi trường cuộc sống, sinh hoạt văn hóa và thể hiện lòng yêu thiên nhiên, yêu quê hương, yêu con người,... Hoa văn thường thể hiện chủ yếu 3 loại hình là hình tam giác, hình thoi và hình đường thẳng với phức hệ hoa văn về thực vật, động vật, đồ vật, con người và thế giới chung quanh có ý nghĩa đối với đời sống văn hóa tâm linh, khát khao về sự giao hòa giữa Trời - Đất và con người.

Chính những tinh hoa mang đậm nét văn hóa của dân tộc Tà Ôi mà dệt Dèng A Lưới mang lại, năm 2016, nghề dệt Dèng A Lưới đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đặc biệt, vải Dèng thổ cẩm của A Lưới được trình diễn trên sân khấu thời trang và vươn xa ra các nước trên thế giới qua các bộ sưu tập của các nhà thiết kế thời trang. Dệt Dèng cũng đã trở thành nguyên liệu cho các sản phẩm thời trang như giày, túi xách, ví, mũ nón… thổ cẩm, tạo nên sự đa dạng và đặc sắc trong sự ứng dụng; qua đó thúc đẩy công tác bảo tồn, phát huy giá trị nghề dệt Dèng; góp phần gìn giữ và tôn vinh những giá trị văn hóa đặc sắc của di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.

21.jpg
Năm 2016, nghề dệt Dèng A Lưới đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Gìn giữ và phát triển nghề dệt Dèng

Ngày xưa sản phẩm vải Dèng chủ yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất và văn hóa của đồng bào. Ngày nay, dệt Dèng phát triển hơn, có tính thẩm mỹ cao nên được đồng bào yêu thích. Trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều hợp tác xã sản xuất quy mô lớn như ở thị trấn A Lưới, xã A Đớt, xã Nhâm, xã A Roàng.

Để giữ gìn và phát triển nghề truyền thống này, các HTX sản xuất Dèng ra đời hình thành nên mô hình sản xuất gắn với thương mại tạo việc làm, tăng thu nhập cải thiện cuộc sống của người dân; đồng thời góp phần phát huy và gìn giữ văn hóa của người dân tộc.

Theo nghệ nhân Hồ Thị Hợp, Dèng A Lưới được tiêu thụ mạnh nhờ chất lượng tốt và có tính sáng tạo. Những hộ làm cho nghề dệt Dèng đều có thu nhập từ tương đối trở lên. Đây đích thực là nghề giúp bà con thoát nghèo hiệu quả, trung bình một tấm Dèng được bán từ 300.000 đến 1,5 triệu đồng. Nhờ đó mà thu nhập bình quân của mỗi gia đình tăng thêm 2 - 4 triệu đồng/tháng, góp phần cải thiện kinh tế cho mỗi hộ gia đình.

Hiện nay, ngoài cung cấp cho các địa phương có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở khu vực miền Trung, Dèng A Lưới bước đầu được “xuất ngoại” theo các đơn đặt hàng đến từ nhiều quốc gia trên thế giới.

Chị Hồ Thị Tha (tổ viên HTX Thổ cẩm Xã Nhâm, xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới) chia sẻ: Hiện tại HTX có 19 thành viên, HTX trở thành đầu mối nhận các đơn đặt hàng của các nhà thiết kế thời trang, chịu trách nhiệm thiết kế mẫu theo yêu cầu của khách hàng, hướng dẫn thành viên sản xuất, kiểm tra chất lượng sản phẩm và giao cho đối tác. HTX còn chủ động tìm các cửa hàng lưu niệm ở thành phố Huế để bán hoặc kí gửi sản phẩm. Làm theo đơn đặt hàng, đòi hỏi người thợ dệt Dèng phải có được tính chuyên nghiệp cao, đồng thời phải có sự sáng tạo và đổi mới.

Ông Hồ Văn Ngưm, Phó Chủ tịch huyện A Lưới cho biết: Tại huyện A Lưới hiện có gần chục cơ sở dệt Dèng, đó là tín hiệu vui nhưng để giữ được nghề, giữ gìn được bản sắc và đặc biệt sống được với nghề dệt Dèng là điều không hề dễ dàng. Thian qua, UBND huyện A Lưới đã xây dựng chương trình khôi phục nghề dệt Dèng ở một số xã...

Tại huyện A Lưới hiện có gần chục cơ sở dệt Dèng. Với sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, hoạt động của HTX ngày càng có hiệu quả, tạo công ăn việc làm cho nhiều hộ dân trên địa bàn huyện. Ngoài ra, rất nhiều đồng bào Cơ Tu, Pa Kô, Vân Kiều, Pa Hy đang sinh sống trên địa bàn huyện A Lưới cũng tham gia học hỏi để cùng phát triển nghề dệt Dèng.

Nhiều đề án phục hồi nghề dệt Dèng, các chương trình tập huấn hỗ trợ về kỹ thuật và tìm đầu ra cho sản phẩm được xây dựng. Nhiều hoạt động trưng bày, giới thiệu được tổ chức vào các dịp Festival, hội chợ triển lãm, ngày hội văn hóa các dân tộc không chỉ ở huyện A Lưới mà còn tại thành phố Huế, ngoại tỉnh và cả ở nước ngoài. Kết quả là cùng với sự phát triển nghề dệt ở các hộ gia đình, nhiều hợp tác xã cũng được thành lập như tiếp thêm sức mạnh cho sự hồi sinh của dệt Dèng.

1.jpg
Nghệ nhân Hồ Thị Hợp hướng dẫn chị Tha dệt Dèng.

Trong “Định hướng phát triển các làng nghề truyền thống tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2020-2025”, nghề dệt Dèng nằm trong 13 làng nghề tiêu biểu của tỉnh Thừa Thiên Huế được lựa chọn để bảo tồn lâu dài. Nguồn vốn khuyến công của tỉnh cũng tập trung hỗ trợ làng nghề dệt Dèng đầu tư trang bị máy móc, tổ chức các khóa tập huấn nâng cao năng lực cải tiến mẫu mã sản phẩm, đào tạo nghề với mục đích nâng cao năng lực sản xuất và phát triển thị trường tiêu thụ.

Chỉ với khung dệt đơn sơ, đôi bàn chân làm điểm tựa, thông qua đôi bàn tay khéo léo của mình, các chị em dân tộc Tà Ôi đã biến những cuộn sợi thành tấm thổ cẩm tinh xảo, chinh phục được khách hàng trong và ngoài nước.

Nhờ những cố gắng bền bỉ của những thợ dệt A Lưới đã giúp đánh thức tiềm năng nghề dệt truyền thống làm cho Dèng trở nên sống động tạo được chỗ đứng trong thị trường, hoan nghênh ở nhiều quốc gia. Tuy nghề dệt Dèng hiện tại vẫn cho thu nhập chưa cao nhưng đã đóng một vai trò quan trọng sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xóa đói giảm nghèo ở huyện miền núi trên dãy Trường Sơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO