Công cuộc bài trừ hủ tục trên núi cao

27/09/2021 03:29

(DTTG) Những năm qua, đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn Điện Biên được nâng lên đáng kể. Mặc dù vậy, ở một số thôn, bản vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, một bộ phận người dân vẫn giữ cách nghĩ, nếp sống không phù hợp, ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Bộ đội Biên phòng Điện Biên tích cực làm công tác tuyên truyền, vận động.
Bộ đội Biên phòng Điện Biên tích cực làm công tác tuyên truyền, vận động.

Bằng những giải pháp thiết thực và cách làm sáng tạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, những năm gần đây, đồng bào các dân tộc trên địa bàn đã dần xóa bỏ các phong tục lạc hậu để xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới.

Tích cực tuyên truyền, vận động

Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới với 19 dân tộc anh em cùng sinh sống. Trong đó có nhiều dân tộc thiểu số như: Khơ Mú, Hà Nhì, Kháng, Cống, Xi Mun… Những năm qua, chính quyền và các ban ngành của tỉnh đã quan tâm đến việc gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc với nhiều hoạt động đa dạng như bảo tồn tiếng nói, chữ viết, trang phục, lễ hội dân gian, nghi lễ truyền thống… Nhờ đó, nhiều nét đẹp văn hóa, tín ngưỡng truyền thống của đồng bào được bảo tồn và phát huy, tạo nên sắc màu văn hóa vô cùng độc đáo cho mảnh đất nằm ở cực Tây của Tổ quốc.

Tuy nhiên, với các yếu tố đặc thù về vị trí địa lý, địa bàn cư trú, phong tục tập quán, trình độ dân trí, nên một số vùng dân tộc thiểu số vẫn còn tồn tại các phong tục lạc hậu, không phù hợp với cuộc sống thời nay. Điển hình có thể kể đến như nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; tổ chức cúng bái khi gia đình có người ốm đau; trong đám tang giết mổ nhiều gia súc, gia cầm gây lãng phí; tổ chức đám cưới, đám tang dài ngày; thói quen uống nhiều rượu làm bê trễ sản xuất; làm chuồng trại gia súc ở gần nhà… gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh, lãng phí của cải.

Theo một số chuyên gia về xã hội học thì các phong tục, tập quán lạc hậu có thể phân chia thành hai loại, gồm: Loại tập tục liên quan mê tín, dị đoan và loại tập tục hình thành từ thói quen, nếp sống hàng ngày của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Mặc dù hiện nay, tình trạng tập tục lạc hậu đã giảm đáng kể và chiếm tỷ lệ không lớn, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi để kẻ xấu lợi dụng, kích động, tạo thành “rào chắn” cản trở sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

Những năm qua, cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở ở Điện Biên đã đẩy mạnh các giải pháp bài trừ hủ tục. Trong đó tập trung công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức và trình độ dân trí của đồng bào các dân tộc thiểu số. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, thông tin, thể thao, du lịch bổ ích, thiết thực, giúp bà con nâng cao nhận thức về pháp luật, giảm nghèo, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc.

Bên cạnh đó là đẩy mạnh phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Phát huy vai trò của Hội nghệ nhân dân gian ở các xã, thị trấn trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân từng bước xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu, không còn phù hợp với đời sống hiện đại.

Để việc tuyên truyền đạt kết quả, góp phần đẩy lùi và xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, ngoài việc lồng ghép vào các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, giao cho Đảng viên, cán bộ các cấp trực tiếp phụ trách các thôn để nắm tình hình thì các tổ chức đoàn thể ở Điện Biên như Mặt trận tổ quốc, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân… luôn đóng vai trò nòng cốt trong việc vận động hội, đoàn viên gương mẫu chấp hành mọi chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Đồng thời để cụ thể hóa chủ trương trên, các thôn đã xây dựng được quy ước phù hợp với tình hình thực tế của mỗi thôn, từng vùng đồng bào dân tộc và đưa ra để lấy ý kiến người dân. Nội dung trong những bản quy ước đó thường có các quy định như không được thả rông gia súc, không nuôi nhốt gia súc dưới sàn nhà sàn, không sinh con thứ ba, ăn sạch, ở sạch, giữ vệ sinh thôn xóm, ốm đau phải đi trạm xá, bệnh viện, không được mời thầy mo, thầy cúng…

Sau khi quy ước được phê duyệt và đi vào triển khai thực hiện, thành viên ban vận động ở các thôn thường xuyên đến từng hộ dân tuyên truyền, nhắc nhở. Bên cạnh đó các thầy cô giáo trên địa bàn xã cũng đã tham gia tuyên truyền vận động học sinh và người thân của các em khi ốm đau phải đến trạm y tế để được khám chữa bệnh kịp thời, không bỏ học, không cưỡng ép con cái tảo hôn, không tác thành cho những cặp đôi có cùng huyết thống.

Đặc biệt, nhiều tiểu phẩm câu chuyện thông tin và các hình thức tuyên truyền cổ động trực quan gắn với những bài hát, điệu múa của các thành viên lưu động thuộc các Trung tâm Văn hóa đã giúp người dân hiểu rõ hơn thế nào là hủ tục lạc hậu để từ đó dần xóa bỏ trong cuộc sống hàng ngày.

Phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản

Đồng thời, quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc gắn với đặc điểm địa bàn, những năm qua, tỉnh Điện Biên đã thường xuyên quan tâm phát huy tốt vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS). Đại đa số người có uy tín trong ĐBDTTS đã khẳng định rõ vai trò, vị trí của mình đối với việc tăng cường đoàn kết, giữ ổn định tình hình xã hội ở các bản, làng, khu dân cư...

Ông Mùa Chờ Thào trên đường đi tuần tra đường biên, cột mốc.
Ông Mùa Chờ Thào trên đường đi tuần tra đường biên, cột mốc.

Là người có uy tín bản bản Nà Bủng 2 (xã Nà Bủng, huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên), ông Mùa Chờ Thào luôn được người dân tin tưởng, kính trọng. Từng được biết đến là một trong những bản khó khăn của xã Nà Bủng, nhưng hiện nay, sự lạc hậu ở đây đã dần nhường chỗ cho nếp sống tiến bộ và lối sản xuất có hiệu quả.

Sự thay đổi dễ nhận thấy nhất ở Nà Bủng trong vài năm trở lại đây đó là nhà có người chết không để quá 48 tiếng. Không còn tình trạng lấy chồng, lấy vợ cùng huyết thống. Các cặp vợ chồng trẻ sinh đẻ đã có kế hoạch, thường chỉ có 1 đến 2 con. Trong chăn nuôi gia súc gia cầm người dân đã chủ động trong việc phòng, chống dịch bệnh, xây dựng chuồng trại che chắn. Các tệ nạn xã hội như ma túy, rượu chè, cờ bạc dần thuyên giảm...

Đóng góp vào sự chuyển biến ấy có nỗ lực không nhỏ của ông Thào trong việc vận động người dân xóa bỏ tập quán canh tác cũ, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Vừa tích cực sản xuất, ông Thào vừa là hạt nhân trong tuyên truyền, vận động dân bản xóa bỏ các hủ tục, giữ gìn văn hóa truyền thống; đứng ra hòa giải những tranh chấp, xích mích, góp phần thắt chặt tình đoàn kết trong cộng đồng dân cư, giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương.

Có thể nhận thấy những việc làm cụ thể của người có uy tín trong ĐBDTTS được thể hiện rõ nét thông qua các hoạt động như: tuyên truyền, vận động đồng bào chấp hành, thực hiện đúng các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phân tích, vạch trần những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch đã, đang và có thể lợi dụng nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chống chính quyền, Đảng và Nhà nước.

Người có uy tín trong ĐBDTTS ở Điện Biên không chỉ tích cực, gương mẫu phát triển sản xuất mà còn tích cực tuyên truyền, vận động đồng bào nêu cao tinh thần cảnh giác; không tin, không làm theo lời xúi giục, lôi kéo, móc nối của các loại tội phạm, cung cấp nhiều thông tin có giá trị, góp phần lớn trong việc điều tra phá án của lực lượng Công an. Đồng thời, vận động bà con tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; loại bỏ những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan; đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, chung tay xây dựng nông thôn mới...

Bên cạnh đó, với vai trò là những người am hiểu phong tục, tập quán, nắm được tâm tư, nguyện vọng của mọi người trong cộng đồng, cùng với kinh nghiệm thực tế, người có uy tín trong ĐBDTTS đã trực tiếp thuyết phục, hòa giải kịp thời, thấu tình, đạt lý nhiều vụ việc trong cộng đồng như mâu thuẫn hàng xóm, mâu thuẫn gia đình, mâu thuẫn thanh niên...

Nhiều vụ việc nảy sinh tại cơ sở đã kịp thời được phát hiện, giải quyết gắn với hoạt động của người có uy tín trong ĐBDTTS. Qua đó đã giúp cấp ủy, chính quyền các cấp giữ ổn định tình hình xã hội ngay từ cơ sở. Không để xảy ra “điểm nóng” góp phần giữ bình yên cho bản, làng, khu dân cư.

Các bản làng ở Điện Biên giờ đã bớt đi nhiều hủ tục.
Các bản làng ở Điện Biên giờ đã bớt đi nhiều hủ tục.

Có thể nói, những năm qua, người có uy tín trong ĐBDTTS trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã phát huy vai trò trong tuyên truyền chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào các dân tộc. Đặc biệt, trong điều kiện kinh tế, xã hội của địa phương còn nhiều khó khăn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhận thức và trình độ dân trí chưa cao, thì việc phát huy vai trò của những già làng, trưởng bản uy tín có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giữ gìn và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy sức mạnh tổng hợp trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Tuy vậy để bài trừ các hủ tục lạc hậu là việc làm không thể “một sớm, một chiều”, ngoài sự tham gia của các báo cáo viên, tuyên truyền viên và những người uy tín trong ĐBDTTS, rất cần có sự chung tay, chung sức và trách nhiệm của các cấp, ngành, đoàn thể. Và việc tuyên truyền, vận động cũng phải được thực hiện một cách thường xuyên, liên tục, kiên trì cùng với sự linh hoạt, đổi mới về phương pháp, cách thức cho phù hợp với mỗi dân tộc, vùng miền. Chỉ có như vậy mới đảm bảo vừa xây dựng đời sống văn hóa mới, vừa gìn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Làm theo lời Bác Hồ dạy, đồng bào dân tộc thiểu số tích cực thi đua lao động sản xuất
Sinh thời, trong nhiều điện, thư, bài nói chuyện, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên căn dặn đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS): “Phải thi đua tăng gia sản xuất” (Thư gửi đồng bào Khu tự trị Thái - Mèo, ngày 7/5/1955)... để “cho mọi người được no ấm” (Thư gửi đồng bào Hòa Bình, ngày 27/11/1950).
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO