Văn hóa

Công bố thêm nhiều Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Hải Thanh 15/11/2023 04:32

Theo Quyết định số 3413/QĐ-BVHTTDL của Bộ trưởng Bộ VHTTDL ngày 10/11 về việc công bố Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong số 36 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ở khắp 3 miền, nhiều loại hình của các vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được công nhận.

Đây sẽ là cơ hội để các địa phương nâng tầm giá trị di sản, giúp đồng bào có thêm động lực, "biến di sản thành tài sản", vừa bảo tồn, phát huy giá trị di sản, phát triển sản phẩm du lịch...

Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông ở các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn (Yên Bái)

Nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên trang phục truyền thống là di sản đã tồn tại và phát triển trong suốt quá trình lịch sử tộc người, khẳng định được vai trò và sức sống của mình trong đời sống quá khứ và đương đại. Với chuỗi các công đoạn được làm thủ công, tinh xảo, màu sắc và chất liệu đều được lấy từ thiên nhiên, Nghệ thuật tạo hình hoa văn bằng sáp ong trên vải là bản sắc, là tâm hồn, là niềm tự hào của người Mông ở Yên Bái.

Hoa văn được tạo ra từ nghệ thuật vẽ bằng sáp ong trên vải của người Mông là sản phẩm của lao động thủ công, đồng thời mang giá trị tinh thần đầy tính biểu tượng, gắn với nhân sinh quan, vũ trụ quan của tộc người. Đây là một hệ thống tri thức dân gian góp phần tạo nên sản phẩm vật chất đặc trưng, là tín hiệu quan trọng bậc nhất để nhận biết về tộc người cũng như các nhóm địa phương tộc người đầu tiên của đồng bào Mông.

1629343424but-tjanting-voi-dau-bang-kim-loai-hinh-tam-giac-va-than-bang-tre-520231114064601.jpg
Nghệ thuật dùng sáp ong tạo hoa văn trên vải của người Mông.

Nghệ thuật làm trang phục của người Mông Đen (Lào Cai)

Trang phục của người Mông đen ở Sa Pa được làm hoàn toàn thủ công từ các nguyên liệu tự nhiên gần gũi với cuộc sống hàng ngày. Vải được làm từ sợi lanh, nhuộm màu tràm tự nhiên, đánh bóng bằng sáp ong… Bộ trang phục truyền thống người Mông phản ánh mối quan hệ với môi trường sống xung quanh cũng như tư duy kỹ thuật thủ công dựa trên kỹ năng dệt vải, thiết kế hoa văn, họa tiết trang phục. Địa phương, doanh nghiệp đã hỗ trợ để người dân tiếp tục giữ gìn và phát huy vẻ đẹp trang phục truyền thống người Mông như một nét hấp dẫn riêng của Sa Pa.

Lễ cúng thần rừng của người Cờ Lao xã Sính Lủng, huyện Đồng Văn, Hà Giang

Lễ cúng được cộng đồng người Cờ Lao tại địa phương bảo lưu, duy trì tổ chức. Lễ cúng thần rừng đóng vai trò quan trọng như tiếp thêm sức mạnh cho người dân, giúp họ luôn tin tưởng vào sự hiện diện của các đấng thần linh luôn song hành trong cuộc sống, ở bên cạnh họ mỗi khi họ cần, gặp khó khăn...

image_gallery.jpg
Thầy cúng người Cờ Lao thực hiện nghi lễ cúng Thần Rừng

Đồng thời thông qua việc tổ chức lễ cúng sơn thần thổ địa còn góp phần vào việc giữ gìn và bảo tồn vốn văn hóa truyền thống, có vai trò lớn trong việc giáo dục thế hệ trẻ nhớ về lịch sử, bảo vệ môi trường sống, bên cạnh đó đây cũng chính là xuất phát từ nhu cầu chính đáng về mặt tinh thần, tín ngưỡng mà toàn xã hội phải làm sao giữ gìn và bảo tồn phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc mình.

Hát Soóng Cọ của người Sán Chỉ (Quảng Ninh)

Soóng Cọ theo tiếng Sán Chỉ ở Bình Liêu có nghĩa là xướng ca, hát giao duyên, là hình thức sinh hoạt văn hóa có tính cộng đồng cao luôn hiện diện trong cuộc sống sinh hoạt của người Sán Chỉ. Cùng ngân nga điệu hát, thanh niên Sán Chỉ được dịp giao lưu học hỏi. Đôi lứa đang yêu thì dùng lời hát thể hiện tâm tư, tình cảm gửi tới người thương. Người già trong thôn, bản thì dùng lời hát để răn dạy con cháu. Và cứ thế, hát Soóng Cọ gắn bó với người Sán Chỉ trong mọi hoạt động đời sống, xã hội, là tiếng lòng không thể tách rời.

1.jpg
Các chàng trai, cô gái Sán Chỉ ngân nga câu hát Soóng Cọ bên bếp lửa hồng.

Lễ hội Mường Khô (Thanh Hóa)

Vào ngày mồng 10 tháng Giêng (âm lịch) hằng năm, tại làng Muỗng Do, xã Điền Trung, huyện Bá Thước và các vùng lân cận, Lễ hội Mường Khô lại được đồng bào Mường tổ chức với ý nghĩa để tri ân Quận công Hà Công Thái và các vị tướng dòng họ Hà đã có công dẹp loạn ở vùng biên giới phía Tây tỉnh Thanh Hóa vào cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, đồng thời cầu cho nhân khang, vật thịnh, mùa màng tươi tốt, con người và vạn vật sinh sôi nảy nở.

Lễ hội diễn ra với nhiều hoạt động sôi nổi như: Dâng hương tri ân công lao của Quận công Hà Công Thái, rước kiệu, biểu diễn cồng chiêng và các hoạt động văn hóa-thể thao nhằm thu hút đông đảo Nhân dân và du khách thập phương tham gia, như đua thuyền, đánh mẳng, tung còn, chọi gà...

Lễ hội truyền thống Lễ hội Sết Boóc Mạy, xã Cán Khê, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hoá

Lễ hội Sết Boóc Mạy là loại hình sinh hoạt văn hóa, là sản phẩm tinh thần, tái hiện một phần đời sống sinh hoạt cộng đồng của người Thái từ thời khai thiên lập Mó đến nay; là một hoạt động tín ngưỡng dân gian đặc sắc, nét văn hóa tinh thần độc đáo của cộng đồng người Thái được người dân của thôn Mó 1, xã Cán Khê, huyện Như Thanh lưu giữ, phát huy và tổ chức vào ngày mùng 10 tháng Giêng hằng năm.

Thông qua những làn điệu dân ca dao duyên, những âm thanh vang vọng khắp núi rừng của tiếng trống, tiếng cồng chiêng, tiếng khua luống, tiếng bòm bu hòa quyện với nhau, Lễ hội Sết Boóc Mạy với ước mong được thần linh phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, sức khỏe dồi dào, bản làng yên vui. Lễ hội cũng là nơi hội tụ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, đồng thời xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, tạo không khí vui tươi, phấn khởi bước vào năm mới.

Lễ hội truyền thống Lễ hội Nàng Han, xã Vạn Xuân, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa

Lễ hội Nàng Han là lễ hội truyền thống của đồng bào 16 xứ Thái mường Chiềng Ván xưa (nay thuộc thôn Lùm Nưa, xã Vạn Xuân). Hiện nay, tại thôn Lùm Nưa vẫn còn những dấu tích gắn với truyền thuyết về Nàng Han, như: Hang Mường, sông Nhồng... Lễ hội là dịp để đồng bào Thái xã Vạn Xuân tỏ lòng biết ơn đối với Nàng Han - người con gái dân tộc Thái của bản Lùm Nưa, thuộc với lòng dũng cảm, sự mưu trí đứng lên bảo vệ quê hương và người dân vùng tổng Trịnh Vạn.

anh-2-le-hoi-nang-han-voi-nhieu-ham-chua-nhieu-gia-tri-van-hoa-van-hoa-15790155408251111458325.png
Lễ hội Nàng Han hàm chứa nhiều giá trị văn hóa

Nghề dệt của nhóm A Ráp (Gia Rai) - (Kon Tum)

Nghề dệt thủ công truyền thống của nhóm A Ráp (Gia Rai) đã có từ lâu, được lưu truyền từ đời này đến đời khác và tồn tại cho đến ngày nay. Để tạo thành tấm thổ cẩm người A Ráp (Gia Rai) trình tự thực hành các bước chuẩn bị nguyên liệu, quy trình nhuộm sợi, quy trình dệt. Hiện nay, nghề dệt thủ công truyền thống của nhóm A Ráp (Gia Rai) tỉnh Kon Tum còn duy trì và thực hành trong các thôn, làng tại các huyện: Sa Thầy, thành phố Kon Tum. Đặc biệt nghề dệt thủ công truyền thống phát triển mạnh, tạo thành những tổ hợp dệt vừa phát triển kinh tế gia đình, là sản phẩm hàng hóa được định hướng gắn với việc phát triển du lịch của địa phương...

14-11-2023-det-thu-cong-1.jpg
Nghệ nhân người Gia Rai truyền dạy nghề.

Nghề thủ công truyền thống làm nón hai mê của người Tày xã Xuân Giang, huyện Quang Bình (Hà Giang)

Chiếc nón lá hai mê từ bao đời nay đã là công cụ hữu ích để che mưa che nắng trong công việc đồng áng của người Tày. Chiếc nón đối với người Tày không chỉ là vật che mưa, che nắng mà còn có vai trò quan trọng trong nghi lễ cưới, hỏi. Nón được trao cho cô gái khi về nhà chồng, là vật kỷ niệm của cha mẹ với mong muốn cô dâu là người con hiếu thảo, một lòng yêu thương chồng con.

Để làm ra được một chiếc nón hai mê, trước tiên là cần sự tỉ mỉ trong việc chọn cây giang để đan thành khuôn nón. Công đoạn đan khuôn nón cũng yêu cầu người thợ phải có kỹ thuật đan thành thục. Lá cọ non được lựa chọn kỹ lưỡng và hong qua lửa mềm rồi mới được đặt vào giữa hai mê nón. Đây là công đoạn khó khăn nhất, đòi hỏi nhiều công phu và sự cẩn thận, chỉ một chút sơ xẩy là có thể bị rách và lệch so với hai mê nón.

nonlaqb.jpg
Nghề thủ công truyền thống làm nón hai mê của người Tày xã Xuân Giang, huyện Quang Bình (Hà Giang)

Nghệ thuật trình diễn Hát quan làng của người Tày huyện Quang Bình (Hà Giang)

Hát Quan làng có nơi gọi là nai lùa, có nơi gọi là văn ví quan làng… Người hát dùng lối hát ví von, lời hay ý đẹp để thách đố tài ứng xử của ông, bà Quan làng bên nhà trai hay ông, bà Quan làng bên nhà gái khi đoàn nhà trai đi đón dâu hoặc đoàn nhà gái đi đưa dâu sang nhà trai.

Tập quán xã hội và tín ngưỡng Keng Loóng của người Thái, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình:

Keng loóng là một trong những sinh hoạt văn hoá dân gian nổi bật của cộng đồng người Thái ở huyện Mai Châu, gắn với đời sống của bà con từ rất lâu đời. Trong sản xuất nông nghiệp đến các nghi lễ, tín ngưỡng, phong tục của đồng bào đều sử dụng đến loóng. Keng Loóng xuất phát từ cuộc sống lao động của người Thái Mai Châu, với người phụ nữ dân tộc Thái, giã gạo là việc làm thường xuyên, quen thuộc hàng ngày. Trong khi giã gạo, họ thường khua thêm vài nhịp chày vào thành luống hay gõ các chày với nhau, tạo nên những âm thanh vui tai, xua tan mọi phiền muộn, lo âu trong những ngày tháng lao động vất vả trên nương, rẫy. Trải qua thời gian, dần dần thành bài, thành nhịp điệu rồi hình thành loại hình nghệ thuật được biểu diễn trong các dịp lễ.

160539_5e91a01b728db9d3e09c.jpg
Múa Keng Loóng - nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Thái huyện Mai Châu.

Lễ hội truyền thống Lễ hội Ariêu ping của người Tà Ôi, huyện Đakrông, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị

Ariêu Ping còn gọi lễ nhà mồ, lễ cải táng. Đây là lễ hội lớn nhất, mang đậm những nét riêng của người Tà Ôi nhằm tỏ lòng tôn kính, tưởng nhớ những người đã khuất. Thông qua lễ hội này, tinh thần đoàn kết, gắn bó của người dân trong cộng đồng càng thêm sắt son, bền chặt. Vì thế, việc phục dựng, duy trì Lễ hội Ariêu Ping là mong muốn của rất nhiều người.

arieuping-7.jpg
Múa hát trong Lễ hội Ariêu ping

Ngày nay, bên cạnh các nghi lễ truyền thống, Lễ hội Ariêu Ping tổ chức kèm với thi đấu thể thao như bắn nỏ, đi cà kheo, hát dân ca, đánh cồng chiêng… Ariêu Ping không chỉ là lễ hội của người Tà Ôi, mà còn trở thành điểm nhấn thu hút khách du lịch mỗi khi bản làng vào hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO