Văn hóa

Cọn nước – Di sản văn hóa của người Tày Tuyên Quang

Trang Hoàng 10/10/2023 - 08:36

Người Tày ở Tuyên Quang có truyền thống làm lúa nước, trải qua quá trình sinh sống và thích nghi với điều kiện tự nhiên, cọn nước ra đời như một phần tất yếu. Hình ảnh cọn nước là quá trình tích lũy đúc rút kinh nghiệm trong lao động sản xuất của đồng bào.


anh-10-10-23-sua.png
Cọn nước ở xã Hà Lang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang gắn liền với cuộc sống thường nhật của người dân.

Độc đáo, đặc sắc cần phát huy giá trị

Đã từ lâu, trong đời sống các bản người Tày hình ảnh chiếc cọn nước quay tròn bên những con suối quanh những cánh đồng đã trở thành một hình ảnh đẹp và bình dị, mang đậm sắc màu và gợi lên vẻ đẹp của thiên nhiên đất trời. Hình ảnh những chiếc cọn nước dọc hai bên suối đã trở thành một nét đẹp trong đời sống văn hóa của người Tày xứ Tuyên.

Bà Hoàng Thị Thúy, thôn Chuông, xã Hà Lang huyện Chiêm Hóa chia sẻ: Hình ảnh cọn nước luôn gắn liền với đồng bào dân tộc Tày ở thôn Chuông. Cọn nước dẫn nước lên đồng ruộng góp phần giúp người dân thuận lợi cho việc trồng cấy. Hầu hết, mỗi nhà sẽ đều làm cho mình một chiếc cọn nước để tưới tiêu quanh năm.

Làm cọn nước đòi hỏi sự kỳ công, tỷ mỷ và có sự kết nối của tập thể. Để làm cọn thì vật liệu là cây tre nứa, vành bằng cây tre hóp, thời gian sắm vật liệu khoảng 4 ngày. Sau đó lấy công nhau đóng cọn. Mỗi ngày làm cây cọn phải cần khoảng 8 người. Mọi công đoạn đều đòi hỏi sự công phu, tỉ mỷ, tay nghề cao của những người thợ.

Một cọn nước gồm 3 thành phần chính là trục giữa, nang cọn và cánh quạt. Khi làm cọn nước cần phải tính toán sao cho thật cân đối để có thể quay đều và tải nước tốt.


anh-2-con-nuoc.png
Cọn nước của người Tày xứ Tuyên

Ông Đặng Văn Son, xã Phúc Yên, huyện Lâm Bình, chia sẻ: Công đoạn quan trọng nhất trong việc làm cọn nước là việc đặt và bố trí những ống đựng nước. Thông thường mỗi ống đựng nước được buộc kèm và chéo theo mỗi cánh quạt nước. Người ta phải bố trí độ dày mỏng và đặt những ống nước ra sao để khi cọn quay, nước sẽ được múc đầy ống và đổ đúng máng dẫn nước, vừa hiệu quả lại khiến cho cọn không bị lỗi nhịp khi guồng nước quay. Điều đó đòi hỏi người thợ làm cọn phải rất tỉ mỉ, tính toán chính xác.

Tháng 6 – 2023, cọn nước đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của người Tày thuộc xã Hà Lang, xã Trung Hà (huyện Chiêm Hóa), xã Phúc Yên (huyện Lâm Bình), xã Côn Lôn (huyện Na Hang).

Vòng quay cần mẫn, nhẫn nại đã trở nên gần gũi, thân thương đối với cuộc sống hàng ngày của mỗi gia đình. Những dòng nước mát lành không chỉ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp mà còn là những ký ức đẹp trong lao động sản xuất của ông cha. Chính vì những giá trị cao đẹp đó, người Tày ở Tuyên Quang luôn ý thức giữ gìn, bảo tồn những cây cọn nước đó.

Đồng chí Hoàng Đức Binh, Phó Chủ tịch UBND xã Hà Lang, huyện Chiêm Hóa cho biết: Để lưu giữ và phát huy giá trị truyền thống cũng như là giữ lại tri thức của các thế hệ đi trước, cấp ủy, chính quyền xã đã tập trung tuyên truyền vận động bà con Nhân dân thực hiện truyền dạy lại thế hệ con cháu để đóng những chiếc cọn với mục đích chính để sản xuất nông nghiệp. Đến nay, nhận thức về vai trò của cọn nước trên địa bàn đã được nâng lên. Quá trình phát động tham gia bảo vệ và giữ gìn di sản cọn nước ngày càng thuận lợi.

anh-3-con-nuoc.jpg
Cọn nước của người Tày huyện Lâm Bình được đưa vào là sản phẩm du lịch của địa phương.

Cọn nước của người Tày giờ đây đã trở thành Di sản văn hóa phi vật thể. Ngoài việc dẫn nước về đồng ruộng, cọn nước còn trở thành sản phẩm du lịch, tạo dấu ấn đối với du khách khi có dịp đến và khám phá văn hóa của những bản làng người Tày xứ Tuyên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO