Đặc sản địa phương

Cơm Lam Hòa Bình - Nét Văn Hóa Người Mường

Huyền Trang 20/04/2024 - 21:10

Ẩm thực là một nét đẹp văn hóa, là sản phẩm đặc trưng do bàn tay và khối óc của con người tạo ra. Với người Mường ở Thanh Sơn, Phú Thọ, họ đã biết cách chung sống cùng thiên nhiên, những món ăn đơn giản, dân dã nhưng luôn hài hòa và gắn liền với thiên nhiên cũng như bản tính hiền lành và đôn hậu của con người xứ Mường. Cho đến nay, những giá trị văn hóa đó vẫn được đồng bào bảo tồn và phát huy. Một trong số các món ăn điển hình phải kể đến là cơm lam.

Trước đây, người Mường trồng lúa nếp là chính. Theo các cụ cao niên ở bản Mường kể lại, người dân Mường xa xưa thường phải đi rừng, đi nương từ sáng sớm để kiếm thức ăn, thậm chí phải ngủ lại trong rừng. Do đó đồng bào đã sáng tạo ra việc dùng ống tre, ống nứa rồi cho gạo vào trong, đem nướng trên lửa và nấu chín thành cơm gọi là cơm lam. Về sau, việc chế biến món ăn này trở thành thói quen và được người Mường ưa thích. Món cơm lam từ bao đời cũng đã khẳng định được vị trí của mình trong thước đo giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào.

image.daidoanket.vn-images-upload-vanpt-02062021-_anh-trang-23.jpg

Để làm ra được món cơm lam ngon và có dấu ấn riêng của dân tộc mình, người Mường thường rất cầu kỳ, kỹ lưỡng trong việc chọn nguyên liệu. Đầu tiên phải chọn đồ đựng là một ống nứa thon dài khoảng 20- 30cm, không to, không nhỏ, không quá dày cũng không quá mỏng. Vì nếu quá dày nướng sẽ rất lâu, lúc bóc sẽ rất tốn công, còn nếu quá mỏng sẽ dễ bị cháy. Điều đặc biệt nứa phải là cây còn non, bà con lấy luôn nước có ở trong từng đốt ống nứa để nướng cơm, người Mường cho rằng đó là thứ tinh hoa của đất trời còn vương lại. Ống nứa tươi xanh giúp lửa không bén vào gạo và chất nhựa trong vỏ sẽ ngấm sâu vào cơm làm cho cơm có vị ngọt và mùi hương tự nhiên.

Tiếp theo là đến việc chọn gạo, đồng bào chọn loại nếp nương thơm, dẻo của vùng cao. Gạo trước khi được đem đi “lam” sẽ được ngâm khoảng 2- 3 tiếng, sau đó vo sạch, rắc ít muối và trộn đều rồi đổ vào ống nứa đã có sẵn nước. Khi gạo đổ vào, không nén chặt mà để cách miệng ống 5cm để khi gạo chín nở ra sẽ vừa khít miệng ống. Nếu thấy ống nứa có ít nước, có thể thêm nước xăm xắp mặt gạo. Nước này người Mường thường lấy nước trên những khe đồi, khe suối nhằm tạo nên vị ngọt mát. Sau đó, đem nút miệng ống lại bằng lá dong hoặc lá chuối. Đốt lửa dựng các ống quanh bếp, có thể nướng ống cơm lam bằng than củi, than tre hoặc rơm khoảng một giờ, khi cơm sủi thỉnh thoảng nhấc ra dằn mạnh ống xuống đất để gạo dồn xuống phía dưới cho hạt cơm săn chắc. Nước cạn, đặt ống nằm ngang và nướng xoay đều. Dùng ngón tay nhấn, thấy cơm mềm và có mùi thơm bốc lên là cơm đã chín. Lấy dao róc bỏ phần vỏ cháy bên ngoài. Đợi cho nguội hẳn bóc lớp vỏ còn lại sẽ để lộ ra lớp cơm vẫn được bao bọc bởi phần vỏ lụa trắng ngà của ruột tre, nứa khiến cơm lam có một màu sắc thuần hậu.

Đồng bào cắt mỗi ống ra thành từng khúc ngắn vừa phải. Khi ăn chỉ cần bóc bỏ lớp nứa màu trắng bên ngoài. Cơm lam thường được bày trên mâm cơm của đồng bào cùng các món ăn như: thịt gà, thịt lợn rừng nướng, cá nướng, nhưng ngon nhất vẫn là chấm với muối vừng. Hiện nay, người Mường còn tạo ra món cơm lam với nhiều màu sắc phong phú: xanh, đỏ, tím, vàng trông rất đẹp mắt. Đồng bào tạo ra màu tự nhiên từ các loại lá cây, củ, quả ở rừng: Màu đỏ được tạo ra từ cây cơm lông hay từ quả gấc, màu xanh của lá gừng, màu tím của lá cẩm và màu vàng của nghệ già, chắt lấy nước đem ngâm vào gạo. Vị dẻo thơm của gạo nếp được bao bọc bởi một lớp vỏ lụa mịn màng và những màu sắc sặc sỡ của cơm khiến cho cơm lam trông đẹp, bắt mắt và hấp dẫn hơn.

Cuộc sống của đồng bào Mường ở Thanh Sơn hôm nay đã có nhiều đổi thay nhưng cơm lam vẫn là một món ăn truyền thống không thể mai một. Cơm lam của người Mường không chỉ được biết đến như một món ăn dân tộc, được các gia đình người Mường làm để tiếp khách đến chơi nhà mà còn được làm để mang đi giới thiệu, trưng bày ở các hội chợ, lễ hội lớn của huyện, tỉnh. Hơn cả, cơm lam là nơi hội tụ tấm lòng của đồng bào Mường nơi đây, mộc mạc bình dị nhưng cũng thật sâu nặng nghĩa tình./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Tự hào trang sử vẻ vang của dân tộc
Những ngày này, không khí cả nước đang sục sôi, tưng bừng tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động hướng về 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Mốc son chói lọi của dân tộc Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Ở Lai Châu, các cấp, các ngành đã tổ chức thăm hỏi, tặng quà, động viên những cựu chiến sĩ Điện Biên năm xưa; lớp thế hệ trẻ quây quần bên những người lính Cụ Hồ nghe kể về một thời oanh liệt và rất đỗi hào hùng của dân tộc; ôn lại lịch sử vẻ vang về chiến dịch Điện Biên Phủ - lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, để thêm yêu và tự hào đất nước Việt Nam kiên cường, bất khuất.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO