Gương sáng

Cô giáo dân tộc Mường với hành trình "18 năm chèo đò vượt sông Đà đưa học trò đến lớp"

Trang Nhung 23/02/2024 - 07:52

Ròng rã 18 năm qua, cô giáo Quách Thị Bích Nụ (dân tộc Mường), Hiệu trưởng trường Mầm non Yên Hòa, huyện Đà Bắc (Hòa Bình) vẫn cần mẫn lái đò chở nhiều thế hệ học trò vượt sông Đà đến các điểm trường để học tập.

Ít ai ngờ rằng ẩn sau vóc dáng một người phụ nữ nhỏ bé lại là một trái tim kiên cường, bát ngát tình yêu thương và hết lòng với hành trình “gieo chữ”.

“Người lái đò sông Đà” thời hiện đại

Tại xóm Nhạp thuộc vùng rẻo cao huyện Đà Bắc (Hòa Bình), cứ đều đặn 5 giờ 30 sáng, cô giáo Quách Thị Bích Nụ lại thầm lặng với công việc lái đò, vượt sông, ngược dốc đưa đón bao thế hệ học trò đến trường tìm con chữ.

Kể về những ngày đầu “bén duyên” với nghề đò giang sông nước, cô Nụ cho biết, xóm Nhạp là vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn của huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Người dân xã Đồng Ruộng sống rải rác bên các triền đồi ven bờ sông Đà nên việc đi lại chủ yếu phải sử dụng thuyền.

Ngay từ khi về điểm trường xóm Nhạp công tác, cô nhận thấy đa phần trẻ em phải có bố mẹ chèo thuyền chở đến trường, nhưng việc mua một chiếc thuyền không phải đơn giản. Có những phụ huynh bận rộn công việc làm nương, không dành thời gian quan tâm đến con cái. Bởi vậy, các em có thể đối mặt với nguy cơ bỏ học giữa chừng.

co-nu1-1708489390200.jpeg
Cô giáo Quách Thị Bích Nụ.

Thấu hiểu được hoàn cảnh khó khăn đó, cô Nụ quyết định "làm người lái đò" giúp gia đình học sinh đưa các em đến trường.

“Cô giáo lái đò sông Đà” nhớ lại, ngày ấy phương tiện đến lớp của cô trò chỉ là chiếc thuyền đan bằng tre nứa, trộn xi măng trát lên và lắp hai mái chéo. Theo thời gian, điều kiện thời tiết khắc nghiệt đã khiến con đò nguyên vẹn ban đầu trở nên xập xệ, xuống cấp.

Nhận thấy việc đưa đón học trò tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, năm 2011, cô Nụ bàn bạc với gia đình và quyết định bán cặp bò, vốn là của hồi môn để nâng cấp thuyền có gắn động cơ thuận tiện cho việc đưa đón. Khi học sinh đông hơn, cô đổi chiếc thuyền to hơn để đủ chỗ cho các em ngồi.

Như thường lệ, khi trời chưa hửng sáng, cô Nụ đã có mặt tại bến thuyền để đưa học sinh đến điểm trường. Tan học, cô lại đón các em về với gia đình. Việc đưa đón học sinh của cô Nụ đã trở nên quen thuộc, hoàn toàn tự nguyện chứ không yêu cầu phụ huynh đóng góp bất cứ thứ gì.

“Tôi thương các em học trò nơi đây chăm học, chịu khó. Dù mưa to hay nắng gắt cứ đều tăm tắp 5 giờ 30 sáng đã ra bến thuyền chờ tôi để lên đò đi học. Nhiều hôm bận việc về muộn, ra bến thấy các em ngoan ngoãn xếp hàng ngồi ngay ngắn mà lòng tôi đầy day dứt, quãng đường về nhà bỗng trở nên xa hơn”, cô Nụ bày tỏ.

Nói về kỷ niệm lần đưa đò nhớ nhất, cô Nụ chia sẻ, tan học hôm đó đưa học sinh từ điểm trường quay về nhà, chẳng may các túi bóng bị quấn vào bánh máy khiến thuyền không thể đi tiếp. Bị mắc kẹt giữa sông, cô và trò ai cũng hoảng hốt. Theo bản năng và ý nghĩ phải đảm bảo an toàn cho học sinh, cô Nụ lao xuống sông và tìm mọi cách để gỡ túi bóng ra khỏi bánh máy.

z5179275876510_180cc9137c94b3590-1708594932131.jpg
Cô giáo Quách Thị Bích Nụ hàng ngày cần mẫn với những chuyến đò chở học sinh qua sông

“Lúc đó tôi cũng không nghĩ gì, chỉ biết nhanh chóng tìm cách để đưa các em về nhà trước khi trời tối. May mắn mọi chuyện được giải quyết êm xuôi và thuyền đã khởi động lại được. Nhìn học sinh ngơ ngác lo lắng cho mình, có em còn bật khóc mà tôi thấy vừa yêu, vừa xúc động” cô Nụ cho biết.

Mong sớm không còn biệt danh “Cô giáo lái đò sông Đà”

Cần mẫn “gánh” trên mình bao tuổi thơ của học trò nhỏ, người giáo viên tận tụy cũng luôn đau đáu trên hành trình đắp bồi con đò tri thức. Cô cũng là người hướng dẫn các bạn học sinh nơi đây đăng ký các chế độ hỗ trợ của Nhà nước để cuộc sống bớt khó khăn, chật vật hơn hay động viên, khuyến khích các em học sinh có ý định thôi học tiếp tục đến trường để nuôi chí lớn.

bich-nu-120231118144046-1708491066267.png
Cô giáo Quách Thị Bích Nụ được tuyên dương giáo viên tiêu biểu

Cảm nhận được tình yêu thương bao la vô điều kiện, chẳng lạ khi học trò xóm Nhạp thương mến gọi cô là “Mẹ Nụ”. Sáng sớm, các em đồng hành cùng “Mẹ Nụ” đến trường, tan học lại rủ nhau về phòng “mẹ” ăn uống, ngủ lại,... Ngày qua ngày, giữa cô và trò hình thành sợi dây gắn kết chặt chẽ như máu mủ ruột thịt. Cô Nụ xem học sinh như con ruột của mình, dù không dứt ruột đẻ ra nhưng cũng được tự tay chăm bẵm, góp mặt trong quá trình trưởng thành của trẻ.

Tận tụy cống hiến là thế nhưng cô Quách Thị Bích Nụ từ chối danh xưng “người hùng thầm lặng”, “Cô giáo lái đò” mà mọi người đặt cho. Cô Nụ cho rằng, việc mình làm vô cùng đơn giản và nhỏ bé.

Người giáo viên hiền hậu cũng bày tỏ mong muốn, một mai sẽ không còn danh xưng “Cô giáo lái đò” nữa. Bởi lúc đó, sẽ có một con đường bằng phẳng, đẹp đẽ nối từ nhà đến trường học, để hành trình tiếp cận tri thức của học sinh xóm Nhạp bớt gian nan.

Sâu trong tâm khảm, cô Nụ vẫn yêu thích công việc chèo lái những chuyến đò chở học trò qua sông và mong muốn từng thế hệ học sinh được mình che chở sẽ trở thành công dân có ích cho xã hội.

Cô Nụ tâm sự: “Chừng nào sức khỏe còn cho phép thì tôi vẫn tiếp tục chèo đò ở nơi đây, không có ý định chuyển đến môi trường nào khác. Bởi tôi vẫn muốn tiếp tục được hỗ trợ học trò đi học, được tận mắt nhìn thấy các em lớn lên từng ngày”.

Gần 20 năm gắn bó với sự nghiệp trồng người, cô giáo Quách Thị Bích Nụ đã nhiều lần được nhận Giấy khen của Chủ tịch UBND huyện Đà Bắc; Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình. Cô Nụ cũng là một trong những điển hình tiêu biểu được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen là cá nhân xuất sắc trong học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2022.

Tại chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô năm 2023" do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội Liên hiệp Thanh niên, Ủy ban Dân tộc và các đơn vị liên quan phối hợp tổ chức, cô Nụ là một trong số 58 giáo viên tiêu biểu đang công tác ở các trường học tại xã khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được tuyên dương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO