Người dân thôn Chợ Bãi 1, xã Yên Phúc dán nhãn mác cho sản phẩm cao khô
Bà Hứa Thị Hương, chủ cơ sở sản xuất cao khô Hương Hùng, thôn Chợ Bãi 1, xã Yên Phúc cho biết: Gia đình tôi có nghề làm cao khô truyền thống, tuy nhiên, trước đây chỉ làm thủ công với số lượng ít. Năm 2012, gia đình tôi đã đầu tư máy móc hiện đại để sản xuất cao khô với số lượng lớn hơn, từ đó, năng suất ngày càng tăng. Nếu như trước đây, mỗi ngày, gia đình tôi chỉ làm khoảng 30 kg gạo thì giờ làm được 1 đến 2 tạ gạo với trên 1.000 bó cao khô thành phẩm. Nhờ thị trường tiêu thụ ổn định nên hiện gia đình tôi sản xuất quanh năm, tạo việc làm cho 5 đến 6 lao động trên địa bàn xã, trừ chi phí gia đình tôi có thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm.
Không chỉ gia đình bà Hương, thời gian qua, một số hộ trên địa bàn xã Yên Phúc đã duy trì và phát triển nghề sản xuất cao khô truyền thống đem lại thu nhập cao. Ông Triệu Văn Phương, Chủ tịch UBND xã Yên Phúc cho biết: Nghề sản xuất cao khô tại xã được hình thành và phát triển từ lâu đời do cha ông truyền lại cho thế hệ ngày nay. Hiện toàn xã có 17 hộ thường xuyên sản xuất với sản lượng đạt 240 tấn/năm, thu nhập đem lại trên 1,8 tỷ đồng.
Không chỉ nghề làm cao khô, huyện Văn Quan còn có các nghề truyền thống như: nấu rượu men lá ở các xã Hữu Lễ, Hòa Bình, Liên Hội; nghề quay lợn ở xã Khánh Khê; làm đường mía ở xã Điềm He; sản xuất khẩu sli ở xã An Sơn, Điềm He… với trên 300 hộ sản xuất. Đặc biệt, có một số nghề trước đây người dân chỉ làm theo mùa vụ thì đến nay đã sản xuất quanh năm (như nghề làm bánh khẩu sli, nấu rượu men lá) để phục vụ khách hàng trong và ngoài tỉnh. Thu nhập trung bình của hộ làm nghề đạt từ 50 đến 70 triệu đồng/năm (có cơ sở thu nhập từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng/năm).
Nhằm nâng cao chất lượng, giá trị các sản phẩm từ nghề truyền thống, UBND huyện Văn Quan đã chỉ đạo các phòng chuyên môn rà soát các nghề truyền thống có tiềm năng để phát triển. Theo đó, huyện đã triển khai xây dựng nhãn hiệu tập thể cao khô Chợ Bãi và rượu men lá Hữu Lễ, năm 2019, 2 sản phẩm này đã được công nhận nhãn hiệu tập thể.
Bên cạnh đó, từ năm 2019 đến nay, sản phẩm cao khô Chợ Bãi và rượu men lá Hữu Lễ được chứng nhận sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm), giá trị của sản phẩm được nâng lên nhờ có tem truy xuất nguồn gốc, bao bì, nhãn mác, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm được đảm bảo, tạo được sự tin tưởng với khách hàng, thị trường tiêu thụ được mở rộng. Năm 2020, từ nguồn kinh phí chương trình OCOP (133,5 triệu đồng), huyện đã hỗ trợ Hợp tác xã Cao khô Chợ Bãi làm hồ sơ, thiết kế lô gô, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc… góp phần nâng cao giá trị sản phẩm.
Gần đây nhất, nhằm góp phần duy trì, bảo tồn và thúc đẩy phát triển các nghề truyền thống trên địa bàn huyện, ngày 22/9/2021, UBND huyện Văn Quan đã ban hành Quyết định Phê duyệt Đề án phát triển làng nghề huyện Văn Quan giai đoạn 2021 – 2025. Để thực hiện đề án, hiện nay, huyện đã tiến hành đầu tư mô hình trồng thử nghiệm vườn dược liệu làm men lá tại các xã Hòa Bình, Liên Hội, gồm: cây riềng đỏ, cây cúc chỉ thiên, cây dạ hợp, cây dủ dẻ, hiện các cây sinh trưởng phát triển tốt. Bên cạnh đó, UBND huyện cũng đang hướng đến xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm lợn quay.
Ông Chu Văn Vượng, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện cho biết: Thời gian tới, phòng tiếp tục tham mưu UBND huyện định hướng các xã tập trung duy trì, mở rộng nghề truyền thống; tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất đủ điều kiện tham gia các chương trình hội chợ, triển lãm kết nối cung cầu; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu sản phẩm. Việc phát triển các nghề, làng nghề trên cơ sở ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để đa dạng hóa sản phẩm về mẫu mã, nâng cao năng suất, khả năng cạnh tranh. Đồng thời, chọn lọc, lựa chọn phát triển nghề, làng nghề có hiệu quả kinh tế cao phù hợp với điều kiện của mỗi xã, gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.