Nhằm chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn sẵn sàng ứng phó kịp thời đối với các loại hình thiên tai, giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành kế hoạch chủ động ứng phó thiên tai năm 2024 với những nội dung cụ thể.
Ảnh hưởng của thiên tai năm 2023 giảm nhiều so với năm trước
Hằng năm, nhờ sự chủ động trong quá trình ứng phó với thiên tai, nên những thiệt hại về người và tài sản đã giảm đi đáng kể.
Trong năm 2023, trên địa bàn tỉnh Gia Lai bị ảnh hưởng một số đợt thiên tai do mưa lớn, dông, lốc, sét, hạn hán, sương muối gây thiệt hại về tài sản của Nhà nước và Nhân dân. Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự quan tâm của các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, chính quyền địa phương, các đoàn thể chính trị - xã hội, sự tham gia tích cực, trách nhiệm của toàn thể Nhân dân, thêm vào đó tình hình diễn biến thiên tai trong năm 2023 không cực đoan so với các năm trước, dẫn đến tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2023 giảm nhiều so với các năm.
Cụ thể, tổng giá trị thiệt hại thiên tai gây ra khoảng 75,15 tỷ đồng; giảm khoảng 28,41% so với năm 2022 (104,975 tỷ đồng) và giảm khoảng 71,11% so với năm 2021 (260 tỷ đồng). Trong đó, thiệt hại về người: 07 người bị thương; về nhà ở: 527 căn nhà bị thiệt hại; ước thiệt hại về kinh tế khoảng 7,98 tỷ đồng. Thiệt hại nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi, thủy sản, cơ sở hạ tầng thiết yếu khoảng 67,17 tỷ đồng.
Năm 2024 dự báo thiếu hụt nguồn nước, khô hạn diện rộng
Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây nguyên, hiện nay, trạng thái khí quyển và đại dương đang trong điều kiện El Nino. Trong ba tháng đầu năm 2024, El Nino tiếp tục duy trì với xác suất trên 90; Có khả năng xuất hiện một số đợt không khí lạnh tăng cường mạnh xuống phía Nam ảnh hưởng đến khu vực tỉnh Gia Lai gây mưa lớn, dông, lốc, sét, mưa đá, có khả năng xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Trong năm, mưa dông kèm theo các hiện tượng lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh có thể gây ảnh hưởng đến tính mạng con người, sản xuất nông nghiệp, làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông, cơ sở hạ tầng; lượng mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp và nguy cơ xảy ra lũ quét, trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất, sụt lún đất tại khu vực vùng núi...
Nhiệt độ trung bình từ tháng 01/2024 đến tháng 3/2024, độ phổ biến cao hơn từ 1,0 – 1,50C so với trung bình nhiều năm. Đặc biệt, nắng nóng có khả năng xuất hiện vào tháng 3 ở khu vực phía Đông Nam tỉnh; tổng lượng mưa từ tháng 01/2024 đến tháng 3/2024 ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ.
Thủy văn và nguồn nước từ cuối tháng 12/2023 đến tháng 3/2024 trên các sông vùng phía Tây và trung tâm tỉnh có dao động theo xu thế giảm; trên các sông vùng phía Đông và Đông Nam dao động theo điều tiết của các hồ thủy điện. Tổng lượng dòng chảy phổ biến ở mức thấp hơn TBNN từ 11 – 14%. Trong 03 tháng tới, trên các sông, suối tỉnh Gia Lai có khả năng cao xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn nước.
Từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 3/2024 có khả năng xảy ra hạn hán cục bộ tại một số địa phương không chủ động nguồn nước và xa các công trình thủy lợi; từ nửa cuối tháng 3 có khả năng xảy ra hạn hán diện rộng trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Từ tháng 4-5/2024, nắng nóng tiếp tục xảy ra và có khả năng xảy ra khô hạn diện rộng trong các tháng mùa khô năm 2024...
Chủ động ứng phó với phương án “bốn tại chỗ”
Công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn được xác định phải tiến hành chủ động và thường xuyên, ứng phó kịp thời để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.
Quán triệt và thực hiện có hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ). Đảm bảo thông tin liên lạc, giao thông thông suốt trong mọi tình huống, an toàn cho các công trình thủy lợi, thủy điện, kè chống sạt lở, đường giao thông, điện, nước, nhà cửa,... nhằm phục vụ tốt sản xuất, lưu thông hàng hóa và đời sống của Nhân dân.
Chấp hành nghiêm các mệnh lệnh, hướng dẫn, cảnh báo của chính quyền, cơ quan chức năng trong suốt thời gian từ trước, trong và sau khi thiên tai xảy ra; đồng thời tự giác tham gia cùng chính quyền địa phương trong công tác phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.
Xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành và Nhân dân trên địa bàn tỉnh trong hoạt động phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo quy định của pháp luật; chủ động rà soát các điểm có nguy cơ cao về sạt lở, lũ quét để xây dựng các phương án ứng phó kịp thời, có hiệu quả; kiên quyết di dời các hộ dân sinh sống ven sông, suối, khu vực sườn, đồi dốc có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn.
Trong trường hợp vượt quá khả năng của tỉnh, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tỉnh báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đề nghị hỗ trợ trong công tác tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ.