Gương sáng

Chắp cánh ước mơ đến trường cho những học trò nghèo miền biên viễn

Khánh Vy 08/10/2023 - 07:31

Trong những năm qua, với sự hỗ trợ, giúp đỡ của những người "cha nuôi" mang quân hàm xanh ở Đồn Biên phòng Cà Xèng (Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình), nhiều em học sinh nghèo người Rục đã nỗ lực vượt lên hoàn cảnh, nuôi dưỡng ước mơ hướng về ngày mai tươi sáng.

Niềm tự hào của người Rục

Hơn 70 năm qua, kể từ ngày tộc người Rục được Bộ đội Biên phòng phát hiện và đưa ra khỏi hang đá, cuộc sống của người Rục ở Thượng Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) đã có nhiều thay đổi. Từ con số nhân khẩu ít ỏi khi vừa mới được phát hiện, đối diện với nguy cơ tuyệt chủng, đồng bào Rục hiện nay đã có hơn 100 hộ dân với hơn 500 nhân khẩu.

Việc bà con thay đổi phương thức sản xuất từ săn bắt hái lượm sang canh tác lúa nước, ở nhà sàn thay vì hang đá và con em họ được tới trường, học tập, đỗ đạt vào đại học là minh chứng rõ nhất cho sự đổi thay đó.

Để có được thành quả đó, người Rục ở Thượng Hóa không quên những bước chân đồng hành của các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Xèng - những người lính lặng thầm giúp bà con tiếp cận và đến gần hơn với đời sống văn minh.

Tin em Cao Thị Lệ Hằng thi đậu đại học với số điểm 25,5 làm cả bản Mò O Ồ Ồ xã Thượng Hóa (Minh Hóa - Quảng Bình) đã vỡ òa trong niềm vui mừng khó tả. Bản làng không vui sao được khi Hằng là người đồng bào Rục đầu tiên thi đậu vào Đại học và hiện thực hóa ước mơ của bao thế hệ mong muốn bà con đồng bào Rục được học chữ, được đi theo con chữ để làm thay đổi cuộc sống hiện tại của bản thân, gia đình và cộng đồng sau hơn 70 năm rời hang đá.

hang.jpg
Đại diện Đồn Biên phòng Cà Xèng trao quà hỗ trợ Hằng.

Đường đến giảng đường của em nữ sinh người Rục này cũng khúc khuỷu như những con đường của bản làng em dưới tán rừng Trường Sơn vậy. Nhà đông anh chị em, bố Hằng mất khi em vừa mới biết tập đi. Mẹ Hằng, bà Hồ Thị Páy, một người phụ nữ Rục tần tảo, chịu thương, chịu khó với núi đồi, khe suối đã vượt mình nuôi nâng các con.

Hàng ngày, cùng mẹ và anh chị lên rừng và giấc mơ giảng đường vẫn luôn theo bước chân Hằng ngày một lớn dần. Lên cấp 3 trường học xa nhà, Hằng phải vượt hơn trăm kilomet về Đồng Hới để theo học Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Quảng Bình.

Nhiều bạn bè cùng lứa ở bản nhìn Hằng ái ngại, có nhiều bạn rủ nghỉ học để xây dựng gia đình. Nhưng em vẫn quyết tâm với giấc mơ giảng đường. Hằng ngày, Hằng chăm chỉ học hành, em luôn được thầy cô, bạn bè cùng học yêu quý vì sự siêng năng, hiền lành, chăm chỉ. Kết thúc kỳ thi THPT năm 2022, Hằng đỗ vào Trường ĐH Sư phạm Huế, thuộc tốp cao nhất ở trường và cũng được ghi nhận là người Rục đầu tiên đỗ đại học.

Để có được thành tích cao trong học tập, nhiều năm qua Cao Thị Lệ Hằng đã được Đồn Biên phòng Cà Xèng hỗ trợ trong chương trình “Nâng bước em đến trường”. Chính sự quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ của những người lính mang quân hàm xanh, gia đình cùng với thầy cô và chính quyền địa phương đã giúp Hằng có kết quả học tập ngày hôm nay.

Và ngày rời bản vào giảng đường đại học, Hằng lại tiếp tục nuôi ước mơ cao đẹp khác là trở thành cô giáo để về bản dìu dắt các thế hệ học sinh.

Hằng là 1 trong 4 bạn đã được Đồn Biên phòng Cà Xèng nhận chăm sóc. Từ năm 2016, Đồn Biên phòng hỗ trợ Hằng và 3 bạn khác thông qua chương trình “Nâng bước em đến trường”, với mức hỗ trợ 500 nghìn đồng/tháng. Nguồn hỗ trợ ý nghĩa và kịp thời này cũng đã giúp Hằng tự tin hơn trong quá trình đi tìm con chữ.

Những ngày qua, căn nhà nhỏ của em Cao Minh Lệ (SN 2003), ở bản Mò O Ồ Ồ, xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình luôn đầy ắp tiếng nói cười, chia vui của bà con dân bản. Tin Lệ trúng tuyển Trường Trung cấp 24 Biên phòng cũng lan rộng khắp cả một vùng biên giới. Đây không chỉ là niềm vui, niềm vinh dự đối với gia đình, bản làng mà còn là kết quả nỗ lực của lực lượng Bộ đội Biên phòng Quảng Bình trong việc phát triển nguồn cán bộ là người đồng bào dân tộc thiểu số.

le.jpg
Người dân trong bản đến chia vui với gia đình em Cao Minh Lệ

Tháng 2/2022, sau khi tốt nghiệp lớp 12, Cao Minh Lệ đã viết đơn tình nguyện nhập ngũ vào Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình. Sau đó, Lệ được cử về học tập, huấn luyện tại Đồn Biên phòng Cà Xèng. Trong suốt thời gian công tác tại đơn vị, Lệ luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, thể hiện được những phẩm chất cao đẹp, bản lĩnh của Người lính Cụ Hồ.

Lệ còn được tin tưởng giao phụ trách một “Em nuôi biên phòng”. Hàng ngày ngoài thực hiện nhiệm vụ, Lệ còn dành thời gian để giảng dạy, chăm sóc em nuôi, hướng dẫn cho em những tác phong cơ bản trong đời sống sinh hoạt của người lính.

Với sự nỗ lực phấn đấu học tập, rèn luyện không ngừng nghỉ cùng sự hỗ trợ của Đảng uỷ Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Quảng Bình, vừa qua, Cao Minh Lệ chính thức trúng tuyển và trở thành người Rục đầu tiên được cử đi học tại Trường Trung cấp 24 Biên phòng.

Viết tiếp những ước mơ

Đóng quân trên bản Mò O Ồ Ồ nằm sâu trong dãy Trường Sơn, bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Xèng đã miệt mài, trăn trở để tìm ra những việc làm giúp đồng bào thiểu số (tộc người Rục) ổn định cuộc sống, nâng cao nhận thức, góp phần tô thắm tình quân dân vùng biên giới. Đặc biệt là các dự án về tạo điều kiện cho con em đồng bào người Rục với hành trình tìm con chữ.

Từ các chương trình như “Nâng bước em tới trường”, “Con nuôi đồn biên phòng” và Dự án “Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường”, điều kiện học tập, ăn ở của nhiều học sinh nghèo vùng cao đã được cải thiện. Sự đùm bọc, yêu thương, sẻ chia của những người lính biên phòng đã mở ra cơ hội để các em vươn lên trong cuộc sống, trong học tập, nuôi dưỡng ước mơ mai này góp sức xây dựng bản làng no ấm, giàu đẹp và bình yên.

connuoi.jpg
“Con nuôi” Đồn Biên phòng Cà Xèng tham gia tập thể dục, học võ thuật với cán bộ, chiến sĩ đơn vị

Trung tá Phạm Xuân Ninh, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Cà Xèng cho biết, đồn đang nhận nuôi 5 em là con của đồng bào dân tộc Rục. Đây là các em có điều kiện hoàn cảnh rất khó khăn, mồ côi bố hoặc mẹ, có nguy cơ bỏ học giữa chừng. Từ khi được nhận nuôi về đơn vị, các em đã được cán bộ đơn vị trực tiếp kèm cặp, giúp đỡ, hỗ trợ về học tập, bồi dưỡng thêm kiến thức văn hóa học ở trường và rèn luyện ý thức tự giác trong lao động.

Giờ đây, các em đã có cách sinh hoạt khoa học, kết quả học tập từng bước được nâng lên. Đơn vị mong muốn trong thời gian tới sẽ phối hợp với nhà trường, tạo điều kiện tốt nhất cho các em học tập, rèn luyện, trở thành những công dân có ích cho xã hội sau này.

Theo Đại tá Trịnh Thanh Bình, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Quảng Bình, những em học sinh là con em dân tộc thiểu số có trình độ học vấn, nhận thức tiến bộ và thoát khỏi những hủ tục lạc hậu của bản làng là một mục tiêu vô cùng quan trọng. Thời gian tới, Bộ đội Biên phòng sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, các nhà trường tiếp tục rà soát, lựa chọn, bồi dưỡng những học sinh là con em đồng bào các dân tộc thiểu số được học cao hơn.

Ngày hôm nay, hành trình cuộc sống của Hằng, Lệ đã chính thức bước sang một trang mới, mang theo bên mình là nhiệt huyết của tuổi thanh xuân. Hy vọng rằng, các em sẽ thành công trên con đường mình đã chọn và sau này có những đóng góp hữu ích cho quê hương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO