Văn hóa

Cây nêu trong văn hóa tín ngưỡng của các dân tộc Tây Nguyên

Lê Hiếu 06/10/2023 - 15:45

Đối với cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên, cây nêu có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống tinh thần của đồng bào. Đồng thời nó cũng là biểu tượng của tâm linh, vũ trụ, là trục nối giữa đất với trời và là sự gắn kết vững chắc giữa các thế hệ…

Tây Nguyên là nơi sinh sống của rất nhiều dân tộc. Mỗi dân tộc định cư tại đây đều hình thành cho mình những nét văn hóa tín ngưỡng đặc sắc, trong đó có tín ngưỡng dựng cây nêu (còn gọi là cột cúng) trong các lễ hội.

Đi dọc Trường Sơn - Tây Nguyên, không có lễ hội lớn nào của cư dân bản địa mà lại vắng bóng cây nêu. Từ mặt trời mọc đến mặt trời lặn, từ lễ hội tôn vinh tổ tiên đến lễ kỷ niệm và các sự kiện văn hóa, cây nêu luôn có mặt để thể hiện sự đoàn kết và tôn vinh văn hóa độc đáo của dân tộc. Nó đã trở thành một phần quan trọng và vĩnh viễn trong cuộc sống và truyền thống của họ.

Ở Tây Nguyên, việc dựng cây nêu cao lớn được đặt ở giữa bãi đất trống ngay trước nhà rông là lời khẳng định địa vị và khu vực cư trú của một cộng đồng nào đó. Khi cây nêu được dựng lên, tất cả mọi hoạt động lao động khác đều dừng lại. Con người yên tâm vui chơi, cả cộng đồng sinh hoạt vui vẻ, quên đi những ưu phiền của năm cũ. Họ cùng đánh chiêng, nhảy múa theo vòng tròn ngược theo chiều kim đồng hồ xung quanh cây nêu - đó là chiều vận động bất tận của mặt trời, phản ánh “triết lý” về sự vận hành âm dương của người Tây Nguyên.

Do sắc thái văn hóa khác nhau, nên mỗi cây nêu trong ngày Lễ, Tết của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên cũng có ý nghĩa khác nhau.

Người J’rai, Bana ở phía Bắc Tây Nguyên có phong tục dựng cây nêu trong các lễ hội long trọng như lễ hội ăn trâu mừng mùa, lễ mừng nhà rông mới… Họ quan niệm dựng cây nêu càng cao vút thì càng có ý nghĩa thiêng liêng, càng được các Giàng nhanh chóng giúp đỡ, phù hộ cho mọi người bình an, khỏe mạnh và mùa màng tốt tươi.

cay-neu-trong-van-hoa-tin-nguong-cua-cac-dan-toc-tay-nguyen.-hinh-2.jpg
Các già làng chuẩn bị các nghi thức chuẩn bị lễ vật cúng.

Chiều cao cây nêu của cư dân ở Nam Tây Nguyên thường thấp hơn của cư dân Bắc Tây Nguyên. Cây nêu trong các lễ hội của cư dân Nam Tây Nguyên độc đáo ở các điểm nhấn về họa tiết, hoa văn và màu sắc trang trí. Tiêu biểu là cây nêu của người M’nông và K’ho. Có thể nói đây là tác phẩm kiến trúc cầu kỳ với tầng tầng, lớp lớp hoa văn, họa tiết phong phú gần gũi với đời sống sinh hoạt thường ngày của cư dân nơi đây.

Riêng lễ ăn trâu mừng mùa thường có tới 5-7 cây nêu khác nhau, tượng trưng cho số lượng gùi lúa được thu trong mỗi một mùa rẫy. Trong các lễ hội lớn của người M’nông, bên dưới cây nêu bao giờ cũng có một sạp lễ cao khoảng chừng đầu người. Đó là nơi dành riêng cho già làng đứng để đọc lời cầu cúng, mời các Giàng về dự lễ với dân làng. Đó cũng là nơi để các nghệ nhân diễn tấu các loại nhạc cụ linh thiêng như kèn R’let, tù và…

Người Ê - Đê thì lại có một dạng cây nêu riêng. Trong tín ngưỡng của người Ê- Đê, cây nêu được gọi là “Gơng drai”. Hoạ tiết hoa văn trang trí trên cây nêu khác nhau tuỳ thuộc vào ý nghĩa của từng nghi lễ như: lễ tạ ơn, cầu an hoặc cầu sự no đủ cho gia đình hoặc cộng đồng… Nhưng dù nó đơn giản hay cầu kỳ thì cũng đều mang những thông điệp cầu xin ơn trên phù hộ cho cuộc sống an lành, sung túc cho tất cả mọi người, mọi nhà và cho cộng đồng.

Người Ê - Đê quan niệm, bản thân cây nêu và những hình ảnh vẽ trên cây nêu là một vòng đời người. Con người từ khi sinh ra cho đến khi về với ông bà, tổ tiên luôn sống gắn bó với thiên nhiên, cỏ cây, nên những hình ảnh vẽ trên cây nêu đều gần gũi với con người. Ở phía trên cùng là một bắp chuối tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở, tiếp theo là 5 hoặc 7 cái vòng Khơk. Trên cột lễ có tất cả những ước nguyện của bà con về sự no đủ, sự sinh sôi, phát triển thể hiện ở các biểu tượng: ché rượu cần, cối gỗ để giã gạo, nồi đồng… Đặc biệt là những hoa văn, trong đó tiêu biểu là hoa văn về hoa may bốn cánh cũng là biểu trưng cho sự sinh sôi và phát triển.

Ông Y Wang H’ving (người có uy tín xã Ea Ktul, Cư M’gar, Đắk Lắk) cho biết, để chuẩn bị cho buổi lễ, ngoài việc có cây nêu còn phải chuẩn bị lễ vật cúng gồm: Đầu, đuôi, nửa con heo, 1 con gà, 03 chén cơm, 03 món thịt, 03 ché rượu cần để mời các vị thần và ông bà đã khuất về chứng giám.

Sau khi tiếng chiêng chào mời, đón khách là lúc nghi lễ được bắt đầu với nghi thức "cúng sức khỏe", đây là nghi lễ được đồng bào tiến hành thường xuyên để cầu xin được các vị thần luôn che chở phù hộ cho chủ nhà, những người thân thuộc trong gia đình, dòng họ dồi dào sức khỏe và gặp nhiều may mắn trong cuộc sống.

Tiếp theo là nghi lễ cầu an cho chủ nhà với nghi thức cúng đeo vòng và dây chuỗi hạt được người Ê - Đê quan tâm hầu hết trong các nghi lễ cúng vòng đời người, chiếc vòng được trao tay làm kỷ vật thay cho lời cam kết gắn bó thủy chung, chiếc vòng này như là minh chứng cho tấm lòng thủy chung, son sắt, là vật hộ mệnh và sẽ được lưu giữ bên mình suốt đời.

cay-neu-trong-van-hoa-tin-nguong-cua-cac-dan-toc-tay-nguyen.-hinh-1.jpg
Cây nêu trong tổ chức nghi lễ của người đồng bào dân tộc Ê - Đê cũng như các dân tộc khác ở Tây Nguyên đều có nhiều nét tương đồng.

Sau đó là nghi thức đeo vòng của dòng họ, từng người trong dòng họ đeo vòng cho chủ nhà, họ gửi gắm vào “chiếc vòng đồng” tình cảm quý mến, yêu thương và cùng với lời chúc sức khỏe, cầu mong điều tốt lành đến với gia đình, thể hiện tình cảm, sự quan tâm đùm bọc và gắn kết cộng đồng.

“Sau khi các nghi thức trong nghi lễ thực hiện xong, chủ nhà mời rượu, mời cơm cho những người có vai vế trong dòng họ, đặc biệt là những người phụ nữ theo thứ tự vai vế trong dòng tộc. Nghi thức này không thể thiếu trong các nghi lễ truyền thống của dân tộc Ê - Đê, là nét văn hóa đặc trưng để thể hiện sự tiếp đón nồng nhiệt và tấm lòng mến khách của gia đình, thể hiện tinh thần đoàn kết cùng nhau bảo vệ cộng đồng. Đồng thời cầu chúc sức khỏe cho mọi người, cầu xin các thần linh phù hộ, che chở bảo vệ buôn làng”, ông Y Wang chia sẻ.

Có thể thấy, cây nêu trong văn hóa của người dân Tây Nguyên đã phát triển và mang nhiều ý nghĩa sâu xa hơn so với khởi nguyên ban đầu trong truyền thuyết. Nó đã trở thành một biểu tượng toàn diện của sự kết nối giữa con người, thiên nhiên và tâm linh, thể hiện sự phong phú và sâu sắc về văn hóa của người dân vùng Trường Sơn – Tây Nguyên.

Với tất cả những điều đó, cây nêu không chỉ là biểu tượng tâm linh mà còn là biểu tượng của sự đoàn kết, tôn vinh văn hóa truyền thống, sự kết nối sâu sắc của người dân Tây Nguyên với đất đai và thiên nhiên của họ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO