Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong vùng dân tộc thiểu số

18/02/2022 09:40

(DTTG) Những ngày đầu năm Nhâm Dần 2022, nhiều hộ dân tại xã nghèo Ia Ma Rơn, huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) như "ngồi trên đống lửa" khi có nguy cơ mất hàng trăm triệu đồng vì người vay cố tình chây ì không trả.

Sập bẫy vì…cả tin

Huyện nghèo Ia Pa lâu nay được biết đến là "rốn nghèo" của tỉnh Gia Lai, nên sự việc Ksor H’Gon (33 tuổi, trú tại thôn Hlim 1, xã Ia Ma Rơn, nguyên là Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Hlim 1- Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ia Pa) huy động số tiền lớn của nhiều người rồi chây ì không trả, khiến nhiều người không khởi ngỡ ngàng, chủ nợ hết sức hoang mang, lo lắng.

Trường hợp anh Đinh Văn Trường (thôn Đak Chá, xã Ia Ma Rơn) là một ví dụ. Đầu tháng 1/2022, H’Gon biết anh có số tiền lớn trong nhà nên đã ngỏ ý mượn với lí do đáo hạn ngân hàng cho các tổ viên. Tin tưởng H’Gon vì  làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Ia Pa nên anh Trường cho vay tổng số tiền 380 triệu đồng với giấy hẹn viết tay đến ngày 17/1/2022 sẽ trả lại. Thế nhưng, đến ngày hẹn trả vẫn không thấy H’Gon hồi âm, gọi điện không liên lạc được.

Cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, chị Mai Thị Xâm (Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Đoàn Kết, xã Ia Ma Rơn, huyện Ia Pa) nấc nghẹn từng tiếng khi chia sẻ với phóng viên. Ngày 14/1/2022, H’Gon hỏi mượn tiền để đáo hạn ngân hàng cho tổ vay của H’Gon. Chẳng chút nghi ngờ, chị đã lấy toàn bộ số tiền của gia đình, rồi vay mượn người thân mang sang nhà cho H’Gon vay với số tiền 532 triệu đồng, thời hạn trả vào ngày 17/1/2022. Thế nhưng, cũng như những người đã cho H’Gon vay tiền, đến nay sau bao nhiêu lần đến nhà đòi nợ, chị vẫn chưa thể lấy lại được số tiền trên.

Công an làm việc với một đối tượng cho vay nặng lãi (Ảnh minh họa: Báo dân tộc)
Công an làm việc với một đối tượng cho vay nặng lãi (Ảnh minh họa: Báo dân tộc)

Không chỉ vay tiền của các "đồng nghiệp", H’Gon còn tìm đến nhiều người dân nghèo trong xã. Trường hợp của bà A Hà (làng Hlim 2, xã Ia Ma Rơn) là một điển hình. Sau khi dò hỏi, biết được bà A Hà có khoản tiền 150 triệu đồng đang gửi tiết kiệm, H’Gon gọi điện hỏi vay. Chẳng chút nghi ngờ, bà Hà đã cho H’Gon vay và cũng đang đứng trước nguy cơ không thể đòi lại được số tiền trên.

Cảnh giác với thủ đoạn "vay tiền đáo hạn ngân hàng"

Sự việc Ksor H’Gon vay tiền của nhiều người không trả đang khiến dư luận xã nghèo Ia Ma Rơn "dậy sóng". Đặc biệt, việc H’Gon lợi dụng danh nghĩa là Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Ia Pa để huy động số tiền lớn đang làm ảnh hưởng đến uy tín của ngân hàng.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Ánh Tôn - Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Ia Pa xác nhận, Ksor H’Gon vốn là Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Hlim 1. Trước khi xảy ra sự việc vay mượn tiền của nhiều người dân, H’Gon quản lý khoản vay hơn 2,7 tỷ đồng của 58 hộ dân. Tuy nhiên, sau khi nắm thông tin, đơn vị đã tiến hành họp các tổ viên của tổ vay vốn thôn Hlim 1 và thống nhất thay thế tổ trưởng. Bởi qua rà soát và nắm thông tin dư luận, H’Gon nợ của nhiều người với số tiền 7- 8 tỷ đồng.

Về việc vay mượn giữa Ksor H’Gon với nhiều người dân, theo ông Nguyễn Văn Nhật - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ia Ma Rơn, đến thời điểm hiện tại, Ủy ban nhân dân xã chưa nhận được đơn trình báo của cá nhân nào. Tuy nhiên, qua nắm thông tin về vụ việc, Ủy ban nhân dân xã đã cử lực lượng Công an xác minh và đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương, không để xảy ra tình trạng xiết nợ gây phức tạp tình hình.

"Việc chị H’Gon vay bao nhiêu người với số tiền cụ thể thế nào thì chưa thể xác định chính xác được vì người dân chưa có gửi đơn tố cáo lên chính quyền xã. Nhưng qua nắm bắt thông tin dư luận thì đã có hàng chục người trong xã cho H’Gon vay với số tiền lên đến hàng tỷ đồng", ông Nguyễn Văn Nhật cho biết.

Trước sự việc trên, Ủy ban nhân dân xã khuyến cáo người dân làm đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng, từ đó có căn cứ để xử lý vụ việc. Bên cạnh đó, ông Nhật cũng cảnh báo người dân không nên cho các cá nhân, tổ chức bên ngoài mượn tiền với những lợi dụ dỗ như đáo hạn ngân hàng, cho vay với lãi suất cao hơn ngân hàng…

Theo ông Lê Văn Chí - Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Gia Lai, đối với việc vay vốn bên Ngân hàng Chính sách xã hội có thời hạn vay từ 5-7 năm, các gói vay với số tiền không lớn. Khi đến hạn vay mà các hộ vay chưa đủ điều kiện để trả nợ gói vay thì ngân hàng có những chính sách gia hạn. Bởi hầu hết các trường hợp vay thuộc hộ nghèo, cận nghèo, vay để phát triển kinh tế… Vì vậy, thông tin bà H’Gon nói vay tiền để đáo hạn cho tổ vay bên Ngân hàng Chính sách xã hội là không đúng.

"Thông qua sự việc này, thời gian tới chúng tôi sẽ phối hợp với chính quyền địa phương, các hội - đoàn thể tại các xã, huyện kiểm tra, kiện toàn lại các tổ trưởng tổ vay vốn. Yêu cầu các tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn ở cơ sở chấp hành đúng các quy định của phía ngân hàng"- ông Chí cho biết thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Thủ tướng: Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là tương lai của đất nước
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ đầu tư cho trẻ em là đầu tư cho tương lai đất nước; làm tốt công tác này là trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, gia đình, nhà trường, toàn xã hội.
Tin mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO