Với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Việt Nam là 1 trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới và là quốc gia đầu tiên của châu Á áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, bảo đảm mức sống tối thiểu và thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản.
Những năm qua, Việt Nam đạt nhiều thành tựu trong công tác xóa đói giảm nghèo.
Từ những lá đơn xin ra khỏi hộ nghèo…
Ông Tráng A Dinh, dân tộc Mông ở Cốc Lào, xã Giáo Hiệu, huyện Pác Nặm - huyện vùng cao khó khăn nhất tỉnh Bắc Kạn, đã quyết định viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Hàng chục năm qua, gia đình ông luôn trong diện hộ nghèo.
Được sự hỗ trợ của Nhà nước, ông mạnh dạn vay 30 triệu đồng vốn ưu đãi để chăn nuôi trâu, lợn nái, gà thả đồi và trồng thêm ngô, lúa; mua máy xay xát phục vụ gia đình và bà con trong bản...
Chịu thương chịu khó nên vài năm nay, dù chưa có của ăn của để nhưng cái ăn cái mặc đã tạm đủ nên ông quyết định xin ra khỏi danh sách hộ nghèo của xã để nhường lại phần hỗ trợ cho hộ khác.
Cũng như gia đình ông Tráng A Dinh, nhiều gia đình người Mông ở bản Cốc Lào đã tự nguyện làm đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo. Là bản còn khó khăn của xã Giáo Hiệu nhưng Cốc Lào được coi là điểm sáng trong xóa đói giảm nghèo của huyện vùng cao Pác Nặm.
Bản Cốc Lào có 77 hộ, trong đó người Mông chiếm đa số, tỷ lệ hộ nghèo lên đến hơn 50%.
Người dân trong bản đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào canh tác để dần thay thế tập quán canh tác cũ, lạc hậu.
Ngoài nông nghiệp, chăn nuôi cũng là một trong những thế mạnh được bà con tập trung đầu tư phát triển, nhất là chăn nuôi trâu, bò vỗ béo và lợn đen sinh sản, trở thành nguồn thu nhập chính, giúp nhiều hộ dân thoát nghèo và vươn lên làm giàu hiệu quả.
Điều đáng ghi nhận là những người Mông ở Cốc Lào không trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, họ tự nguyện viết những lá đơn "xin thoát nghèo" để nhường phần hỗ trợ cho gia đình khó khăn hơn.
Tương tự, tại Lào Cai, việc sử dụng hiệu quả các nguồn vốn, tìm được hướng đi để phát triển kinh tế, ngày càng nhiều hộ nghèo viết đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo. Đa dạng hóa sinh kế cùng với chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất phát huy hiệu quả đang giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo nâng cao thu nhập và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản.
Ông Long Trọng Nhiên, Bí thư Đảng ủy xã Yên Sơn (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) cho biết, năm 2023, địa phương có thêm 35 lá đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo, cận nghèo. Dù nhiều hộ còn khó khăn nhưng vẫn quyết tâm tự vươn lên, nhường sự hỗ trợ cho hộ khó khăn hơn.
Nhắc lại thực trạng đói nghèo tại huyện Bát Xát, huyện nghèo của tỉnh Lào Cai ở thời điểm 10-15 năm trước, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, giai đoạn 2007-2008 khi ông làm Phó Trưởng ban chỉ đạo Tây Bắc, Bát Xát có đến 80-90% dân số thuộc diện nghèo, cảnh tượng xơ xác. Nay trở lại xã Phìn Ngan - địa bàn rất khó khăn của huyện Bát Xát, thu nhập trung bình của người dân cũng đã đạt trên 20 triệu đồng/năm.
Nói về việc ngày càng có nhiều hộ nghèo, kể cả người dân tộc thiểu số tại các địa phương đã làm đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, đây là tín hiệu đáng mừng cho công tác giảm nghèo tại các địa phương, tạo sức lan tỏa, khích lệ thêm các hộ đang trong diện nghèo nỗ lực vươn lên và những tấm gương làm đơn xin thoát nghèo thực sự đáng biểu dương.
Điểm sáng về công tác giảm nghèo
Theo báo cáo của Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo (Bộ LĐ-TB&XH), Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 bước đầu đã góp phần thúc đẩy thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 1-1,5%/năm, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%/năm (riêng các huyện nghèo, tỷ lệ nghèo giảm từ 4-5%/năm).
Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều là 4,03%, giảm 1,17%, đạt mục tiêu quy định tại Quyết định số 90/QĐ-TTg (1-1,5%/năm). Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số năm 2022 là 21,02%, giảm 4,89% (năm 2021 là 25,91%), đạt mục tiêu quy định tại Quyết định số 90/QĐ-TTg (giảm trên 3%/năm).
Tỷ lệ hộ nghèo trên 74 huyện nghèo là 38,62% (giảm 6,35%), đạt chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ giao (4%). 1 xã đã thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.
Năm 2023, ước tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều còn 2,93%, (giảm 1,1%); tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33% (giảm 5,62%).
Ước tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn khoảng 17,82% (giảm 3,2%), đạt chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ giao. Cuối năm 2023, thêm 9 xã sẽ thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, góp phần đạt tiêu chí để được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, tổng cộng 10/54 xã, đạt khoảng 18,5% so với mục tiêu 30% vào cuối năm 2025 theo chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Người nghèo đã được cải thiện một bước về điều kiện sống, tiếp cận tốt hơn các chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng cho phát triển kinh tế, tạo việc làm và tăng thu nhập. Một số nhu cầu xã hội thiết yếu của người nghèo cơ bản được đáp ứng (việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, tiếp cận thông tin…).
Về lâu dài, tác động của chương trình giúp người nghèo có được cơ hội tự vươn lên thoát nghèo bền vững, vượt lên mức sống tối thiểu, tự giải quyết được vấn đề nghèo đói cũng như những nhu cầu thiết yếu của gia đình mà không trông chờ ỷ lại vào sự trợ giúp của cộng đồng và Nhà nước; giúp các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.
Đến nay, trong nửa chặng đường thực hiện, chương trình đã góp phần đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo mà Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra. Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận là điểm sáng về công tác giảm nghèo và là quốc gia duy nhất ở châu Á thực hiện chương trình giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững.
Theo ông Phí Mạnh Thắng, Chánh Văn phòng quốc gia về giảm nghèo, để thực hiện mục tiêu giảm nghèo, Việt Nam đã 8 lần ban hành chuẩn nghèo quốc gia, làm cơ sở xác định đối tượng tác động chính sách giảm nghèo.
Chuẩn nghèo quốc gia được xây dựng theo mô hình tháp giảm nghèo, đáp ứng nhu cầu người nghèo từ thấp lên cao, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách nhà nước và điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước từng thời kỳ.
Chuẩn thu nhập trong chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 tiệm cận mức sống tối thiểu. So với giai đoạn trước chuẩn, thu nhập trong chuẩn nghèo đa chiều chỉ đáp ứng khoảng 70% mức sống tối thiểu.
Tiêu chí xác định chiều thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản được mở rộng hơn so với giai đoạn trước. Do vậy, chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 sẽ phản ánh rõ nét hơn bản chất của tình trạng nghèo, từ đó các chính sách để giảm nghèo sẽ thực chất hơn, góp phần giảm nghèo một cách bao trùm và bền vững.
Mục tiêu: Cao hơn, toàn diện hơn, bao trùm hơn
Khẳng định "chương trình giảm nghèo của Việt Nam thực sự là cuộc cách mạng, đã được Nhà nước, người dân và quốc tế ghi nhận", tuy nhiên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: “Thoát nghèo đã khó nhưng thoát nghèo bền vững còn khó hơn.
Chúng ta đang ở giai đoạn khó khăn hơn rất nhiều vì những nơi có khả năng thoát nghèo, thuận lợi hơn đã được giải quyết cơ bản.
Bây giờ, đói nghèo tập trung ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa với đủ những khó khăn: Khó về lao động, khó về sinh kế, khó về vốn, khó về tư duy. Do đó, càng giai đoạn này thì công tác giảm nghèo càng khó khăn”.
Theo người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH, 2 năm qua, việc thực hiện chương trình giảm nghèo còn chịu sự tác động, ảnh hưởng nặng nề từ điều kiện khách quan, nhất là do đại dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, tình trạng thiên tai, lũ bão, sạt lở cũng tập trung chủ yếu các vùng khó khăn, càng gây ảnh hưởng nặng nề. Kết quả thực hiện chương trình giảm nghèo thời gian qua còn nhiều điểm hạn chế, chưa đạt mong muốn về tỷ lệ hộ nghèo, chất lượng giảm nghèo, tính bền vững của giảm nghèo.
Bộ trưởng nhấn mạnh, đây là nhiệm kỳ thứ 2 cả nước thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững. Khác với nhiệm kỳ trước, các phần việc ở nhiệm kỳ này đòi hỏi cao hơn, nhiệm vụ giảm nghèo trước đây đã khó, giờ còn khó hơn.
Bởi yêu cầu đặt ra không chỉ giảm nghèo về thu nhập mà đòi hỏi giảm nghèo đa chiều, ngoài thu nhập còn phải giảm các chiều thiếu hụt khác. Do đó, mục tiêu đề ra không chỉ là giảm nghèo đơn thuần mà giảm nghèo theo yêu cầu cao hơn, toàn diện hơn, bao trùm hơn và trên hết là đòi hỏi sự bền vững.